Ông Mohamed Abdoun nhắc lại nhận định của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong bài viết: "Đưa ra quan niệm phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là một đột phá lý luận rất cơ bản và sáng tạo của Đảng, là thành quả lý luận quan trọng qua 35 năm thực hiện đường lối đổi mới, xuất phát từ thực tiễn Việt Nam và tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm của thế giới".
Theo ông Mohamed Abdoun, những nội hàm cơ bản về nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam cũng đã được đề cập trong các văn kiện của Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ XIII diễn ra từ ngày 25/1 đến 1/2/2021, trong đó có phần tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận phát triển kinh tế và quá trình Đổi mới của đất nước. Ông nhấn mạnh rằng, với khả năng tự đổi mới, tự thích ứng với tình hình mới và đối mặt với những thách thức to lớn, Đảng Cộng sản Việt Nam đã đổi mới thêm một lần nữa bằng cách thúc đẩy một khái niệm mang tính cách mạng về nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, trong khi vẫn giữ vững những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Marx - Lenin.
Chuyên gia Abdoun nhận định bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho thấy, ở Việt Nam, khái niệm kinh tế thị trường mang tính nhân văn, con người không bị "tiền tệ hóa". Hình mẫu quản lý trong đại dịch Covid-19 đã chứng tỏ được tính đúng đắn trong tầm nhìn, cũng như những lựa chọn và định hướng mà Đảng Cộng sản Việt Nam đã thông qua. Đảng Cộng sản Việt Nam cũng kiên định với mục tiêu cuối cùng là chủ nghĩa xã hội thực sự, được trang bị một công cụ sản xuất hiệu quả và hiện đại, một nền nông nghiệp đáp ứng nhu cầu của người dân, và thậm chí, nếu cần, có thể trợ giúp một số nước láng giềng. Ông cho rằng trải qua nhiều cuộc chiến tranh, đất nước Việt Nam đã bị phá hủy hoàn toàn, kể cả các cấu trúc kinh tế, nhưng dưới sự lãnh đạo tài tình của Đảng Cộng sản Việt Nam và lãnh tụ Hồ Chí Minh, Việt Nam đã nhanh chóng phục hồi và phát triển.
Ông Abdoun khẳng định bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng nhấn mạnh rằng con đường đi lên chủ nghĩa xã hội còn dài và không ít chông gai. Trên con đường đó, nhất định không thể để đánh mất bản chất xã hội và cộng đồng của quốc gia-dân tộc, tức là công bằng xã hội và sự bình đẳng, công bằng trong phân phối tài sản để đem lại lợi ích cho tất cả mọi người.