Bài viết cho thấy rõ sự cần thiết phải xây dựng một hệ thống chính trị trong đó quyền lực thực sự thuộc về nhân dân

NDO -

Chủ nghĩa xã hội ngày nay có nhiều cách hiểu khác nhau, cho phép tồn tại nhiều cách thức, phương tiện và phương pháp khác nhau để đạt được nó. Tuy nhiên, những người theo chủ nghĩa xã hội trong quá khứ và hiện tại ở tất cả các lục địa và ở tất cả các quốc gia đều có nhiều điểm chung. Trên hết, đó là cuộc đấu tranh vì phẩm giá và quyền lợi của người lao động.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp Chủ tịch Đảng nước Nga Công bằng S.M.Mironov, trong chuyến thăm Liên bang Nga, tháng 9/2018. (Ảnh: TTXVN)
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp Chủ tịch Đảng nước Nga Công bằng S.M.Mironov, trong chuyến thăm Liên bang Nga, tháng 9/2018. (Ảnh: TTXVN)

Các nghiên cứu do Đảng nước Nga Công bằng - Những người yêu nước - Vì sự thật thực hiện đã chỉ ra rằng, nền dân chủ xã hội hiện đại là một hiện tượng chính trị phức tạp. Chủ nghĩa xã hội ngày nay có nhiều cách hiểu khác nhau, cho phép tồn tại nhiều cách thức, phương tiện và phương pháp khác nhau để đạt được nó. Chủ nghĩa xã hội và dân chủ xã hội đòi hỏi phải thường xuyên tìm kiếm, nghiêm túc tổng kết những kết quả thực tiễn đạt được ở mỗi nước và trên toàn thế giới nói chung. Tình hình thế giới hiện nay dẫn đến việc các quốc gia có nhiều con đường khác nhau để tiếp tục phát triển. Tuy nhiên, những người theo chủ nghĩa xã hội trong quá khứ và hiện tại ở tất cả các lục địa và ở tất cả các quốc gia đều có nhiều điểm chung. Trên hết, đó là cuộc đấu tranh vì phẩm giá và quyền lợi của người lao động.

Mục tiêu của cuộc đấu tranh này là xây dựng một nhà nước phúc lợi chung, trong đó không ai gặp trở ngại trong việc thể hiện khả năng và tài năng của mình bất kể họ có thu nhập, nguồn gốc xã hội, nơi cư trú, chủng tộc và giới tính thế nào.

Một quốc gia hiện đại chỉ có thể phát triển nền dân chủ bền vững khi đa số người dân có việc làm và có mức lương xứng đáng, được bảo đảm xã hội thực sự, trong xã hội có sự đoàn kết và đồng thuận về các giá trị cơ bản. Đồng thời, việc xa rời các nguyên tắc dân chủ chắc chắn sẽ dẫn đến sự nghèo nàn về hệ tư tưởng xã hội chủ nghĩa và thực tiễn chính trị. Chủ nghĩa xã hội và tự do đồng nghĩa với nhau. Tuy nhiên, dân chủ cần phải phát triển từ truyền thống dân tộc, và không bị áp đặt từ bên ngoài, như thường xảy ra trong thế giới đương đại.

Những người dân chủ xã hội xuất phát từ việc nền dân chủ thực sự - bản chất của chủ nghĩa xã hội - có thể đạt được thông qua sự hiểu biết lẫn nhau, sự đồng thuận và đoàn kết của đa số nhân dân trên cả nước. Dân chủ - đó là khi đa số người dân có cơ hội và quyền được phân chia một cách công bằng của cải xã hội do toàn xã hội làm việc chăm chỉ tạo ra.

Tôi rất thích thú khi đọc bài viết "Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam" của Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam.

Đảng chúng tôi đã hợp tác chặt chẽ với Đảng Cộng sản Việt Nam trong nhiều năm qua. Bản ghi nhớ về hợp tác giữa Đảng chúng tôi và Đảng Cộng sản Việt Nam được ký kết lần đầu tiên trong lịch sử quan hệ giữa hai Đảng vào tháng 4/2018 cho phép đẩy mạnh đối thoại kênh đảng một cách có hệ thống, góp phần thúc đẩy thành công quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa Liên bang Nga và Việt Nam. Việc thường xuyên trao đổi quan điểm với các đồng chí Việt Nam về những vấn đề thời sự trong chính sách đối nội và đối ngoại, về những vấn đề lý luận và thực tiễn của chủ nghĩa xã hội có ý nghĩa hết sức quan trọng. 

Nhân dịp này, tôi muốn lưu ý rằng, những nội dung chính trong bài viết của Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam phân tích về những tệ nạn nan y của chủ nghĩa tư bản, về sự cần thiết phải xây dựng một hệ thống chính trị trong đó quyền lực thực sự thuộc về nhân dân, việc thực hiện chiến lược phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, về mối quan hệ giữa chính sách xã hội và kinh tế, cũng như một số quan điểm khác là hoàn toàn trùng khớp hoặc rất gần với chương trình hành động của Đảng chúng tôi.

Những đánh giá của chúng ta về vai trò cao nhất của văn hóa với tư cách là nền tảng tinh thần của xã hội cũng hoàn toàn trùng khớp. Tôi muốn nhấn mạnh rằng, chương trình hành động của Đảng nước Nga Công bằng - Những người yêu nước - Vì sự thật cũng coi văn hóa là mối quan tâm hàng đầu.

Chính sách bảo đảm tính thượng tôn pháp luật và công bằng pháp luật của Việt Nam nhằm bảo vệ lợi ích của đa số nhân dân cũng phù hợp với quan điểm của Đảng chúng tôi.

Đối với chúng tôi, điều vô cùng quan trọng là các đồng chí Việt Nam luôn kiên định bảo vệ sự thật lịch sử. Các đồng chí luôn bác bỏ mọi âm mưu nhằm xem xét lại lịch sử của Chiến tranh thế giới thứ hai và nghi ngờ về vai trò quyết định của Liên Xô trong chiến thắng trước chủ nghĩa phát-xít và chủ nghĩa quân phiệt, vốn đã mở ra con đường giải phóng nhiều nước khỏi ách áp bức thuộc địa. Là một nhà chủ nghĩa xã hội chân chính có nghĩa là phải luôn giữ gìn và bảo vệ lịch sử, ngăn chặn mọi sự xuyên tạc. Chỉ có như vậy mới có thể không những đảm bảo sự công bằng lịch sử, mà còn tránh lặp lại những sai lầm trước đây của các lực lượng cánh tả trong hiện tại và tương lai.

Tôi tin rằng, đối với cả Nga và Việt Nam, nhiệm vụ trung tâm là không ngừng thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược toàn diện, coi đây là một trong những nhân tố quan trọng nhất của đoàn kết và thực hiện các ý tưởng xã hội chủ nghĩa trên thực tế. Bởi vì, Việt Nam đối với chúng tôi là một đối tác truyền thống và tin cậy cả trong thời gian hòa bình và trong những năm tháng đầy khó khăn, thử thách.

Trong 71 năm kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao, hai nước đã không ngừng thúc đẩy hợp tác. Minh chứng là, Việt Nam là quốc gia đầu tiên của khu vực châu Á - Thái Bình Dương ký kết thỏa thuận về thành lập khu vực thương mại tự do với Liên minh Kinh tế Á - Âu.

Đối thoại chính trị được triển khai tích cực ở tất cả các cấp, quan hệ giữa quốc hội hai nước được tăng cường. Nhiều vấn đề kinh tế - xã hội đã được giải quyết, trong đó có hợp tác khoa học - kỹ thuật trong lĩnh vực kỹ thuật vũ trụ và các công nghệ vì mục đích hòa bình, trao đổi thương mại cùng có lợi, trao đổi văn hóa và hợp tác trong lĩnh vực giáo dục và du lịch. Ngay cả trong bối cảnh đại dịch Covid-19, trái ngược với xu thế chung khi kim ngạch thương mại với nhiều nước đang giảm sút, thì trao đổi thương mại với Việt Nam vẫn tiếp tục tăng trưởng ổn định.

Đảng chúng tôi cũng góp phần hỗ trợ pháp lý trong hợp tác kinh tế với Việt Nam. Phái của Đảng chúng tôi trong Đuma Quốc gia Nga đã tham gia tích cực vào việc soạn thảo và phê chuẩn một loạt hiệp định giữa Nga và Việt Nam. Trong số đó, có thể nêu ra các hiệp định về khu vực thương mại tự do với Liên minh Kinh tế Á - Âu đã đề cập ở trên, về hoạt động lao động tạm thời của công dân Liên bang Nga tại Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nhiều hiệp định khác. Tại một trong số các cuộc gặp của tôi với Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng, chúng tôi đã bàn bạc về khả năng cung cấp dịch vụ tư vấn pháp luật miễn phí cho công dân Việt Nam đang làm việc tại các trung tâm bảo vệ quyền công dân ở Nga. Các trung tâm này được thành lập bởi Đảng của chúng tôi và đang hoạt động tích cực tại tất cả các chủ thể của Liên bang Nga.

Trong thế giới luôn thay đổi và đầy biến động ngày nay, những nỗ lực chung của chúng ta là rất cần thiết và cần được đẩy mạnh hơn nữa. Chính vì vậy, hai nước cần duy trì tiếp xúc thường xuyên ở cấp cao nhất, thí dụ các chuyến thăm Việt Nam gần đây của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nga và lãnh đạo quốc phòng cấp cao của Nga.

Hiện nay, Việt Nam đang phát triển với tốc độ nhanh hơn, trên thực tế đã chứng minh tính hiệu quả của các tư tưởng dân chủ xã hội chủ nghĩa. Nhân dân Việt Nam luôn mạnh mẽ, nhạy bén, chăm chỉ và có tinh thần tập thể cao; đất nước Việt Nam có lịch sử lâu đời hàng nghìn năm và tôi chắc chắn rằng, một tương lai tươi sáng đang chờ đón Việt Nam. Việc bác bỏ những giáo điều lạc hậu, thực hiện những cách tiếp cận và tư tưởng mới được thể hiện trong bài viết của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ là lời giải đáp cho những vướng mắc về xây dựng chủ nghĩa xã hội hiện đại mà Việt Nam đang gặp phải.

Kinh nghiệm của các nhà xã hội hiện đại đã chứng minh một cách thuyết phục rằng, hàng triệu người trên thế giới không muốn sống dưới chế độ tư bản. Các nhà xã hội biết cách bảo vệ lợi ích của người lao động và biết cần phải làm gì để đạt được điều này. Rõ ràng là, ngày nay cả thế giới đang đứng trên ngưỡng cửa của bước ngoặt lịch sử mới quan trọng nhằm hướng tới sự phát triển cân bằng và hài hòa - điều mà các nhà xã hội đang đấu tranh. Sự đoàn kết, hợp lực trong cuộc đấu tranh này phụ thuộc vào tất cả chúng ta, những người không thờ ơ với thế giới mà chúng ta sẽ sống!

--------------

Đầu đề do chúng tôi đặt (B.T)