Chúng ta đặt vấn đề tìm giải pháp khắc phục, dẫn tới bài trừ hủ tục là rất đúng. Thế nhưng, từ góc độ văn hóa, đây là một vấn đề nhạy cảm, không thể giải quyết một cách đơn giản mà phải hết sức cẩn trọng; phải xem xét tổng thể cả hệ thống chứ không "cắt xén" ra từng bộ phận để xử lý, cấm đoán.
Vũ trụ quan, nhân sinh quan, tín ngưỡng của cộng đồng đã trở thành nhận thức, là hệ thống quan niệm đã ăn sâu trong máu thịt. Từ nhận thức đã chuyển hóa thành hành vi. Lâu nay chúng ta thường xử lý vấn đề hủ tục trên cơ sở hành vi, chứ không giải quyết từ căn cơ của nó - là vấn đề nhận thức. Trong xã hội hiện đại, chúng ta cho những hành vi này nọ của một cộng đồng người nào đó là hủ tục. Ðiều đó là do chúng ta "nhìn từ bên ngoài vào", còn bản chất của vấn đề lại khác. Tất cả mọi hiện tượng văn hóa ra đời đều có chức năng xã hội của nó. Không có hiện tượng văn hóa nào ra đời một cách vô lý, ngẫu nhiên cả. Chúng đảm nhận một chức năng xã hội nhất định mà chức năng đó lại nằm trong một tổng thể văn hóa-xã hội với những thiết chế đặc thù. Vì vậy, muốn nhận thức đúng và có phương pháp xử lý hiệu quả, phải bắt đầu từ việc nghiên cứu, thay đổi căn bản về mặt nhận thức của cộng đồng.
Bởi vậy, để giải quyết vấn đề hủ tục, phải có một cái nhìn toàn diện, trên cơ sở nghiên cứu một cách hệ thống, chuyên sâu. Giải quyết một vấn đề mang yếu tố văn hóa-xã hội bằng các giải pháp văn hóa thì hiệu quả của nó sẽ cao hơn và triệt để hơn các giải pháp khác. Bởi vậy, khi chúng ta giải quyết vấn đề phong tục, tập quán lỗi thời thì phải tìm hiểu từ cái gốc xã hội của nó. Phải xem xét là nó ra đời từ bao giờ, chức năng xã hội là gì, tại sao vẫn tồn tại? Phải giải quyết vấn đề ngay trong không gian xã hội đó, cộng đồng đó, chủ thể văn hóa đó. Nếu "nhìn từ ngoài vào" và áp đặt các biện pháp xử lý là không ổn. Cần nhấn mạnh rằng, mỗi quan niệm, hành vi văn hóa đều ra đời trong phương thức xã hội nhất định, có giá trị đối với cộng đồng hoặc thể hiện quan niệm riêng của một phương thức xã hội nào đó. Khi xã hội thay đổi thì các phương thức cũng thay đổi và các mối quan hệ truyền thống - cái "đất" nuôi dưỡng các phong tục, tập quán đó cũng sẽ thay đổi. Cho nên, khi giải quyết vấn đề phong tục, tập quán, chúng ta phải nhìn nhận như thế.
Hiện nay, vẫn còn nhiều hủ tục, nhất là trong cộng đồng các dân tộc ít người, trong đó vẫn tồn tại một số hủ tục có thể nói là man rợ theo cách nhìn của chúng ta. Tuy nhiên, pháp luật chỉ có thể xử lý hành vi phạm tội, có tác dụng trừng phạt để ngăn ngừa chứ không thể giải quyết triệt để về mặt nhận thức. Trong khía cạnh bài trừ hủ tục, biện pháp tuyên truyền, giáo dục và nêu gương sinh động từ cuộc sống phải đặt lên hàng đầu. Bằng cách nào đó để người ta hiểu ra rằng, đó là những hành vi sai trái để họ từ bỏ. Ðó chính là giải quyết vấn đề một cách căn cơ…