Theo ông Triệu Quý Hùng, Chủ tịch UBND xã Phú Lũng, huyện Yên Minh: Từ năm 2020 đến nay, do số lao động trở về địa phương là khá lớn cho nên tình trạng thiếu việc làm tăng cao, dẫn đến người dân không có nguồn thu nhập ổn định. Hiện khó khăn lớn nhất với cấp ủy, chính quyền xã Phú Lũng là tỷ lệ hộ nghèo gia tăng, tiêu chí giảm nghèo bền vững giảm xuống, rất khó khăn để duy trì tiêu chí nông thôn mới.
Đào tạo nghề gắn với nhu cầu thị trường
Theo thống kê, số dân tỉnh Hà Giang hiện có hơn 887.000 người, trong đó người dân tộc thiểu số chiếm 87,6%. Hằng năm có 16.000 thanh niên bước vào độ tuổi lao động. Ðể giải quyết việc làm, ngành lao động tỉnh đã tổ chức, sắp xếp lại theo hướng đào tạo nghề, đẩy mạnh tuyên truyền, thay đổi nhận thức của người dân về việc học nghề phù hợp nhu cầu lao động thực tiễn; chú trọng công tác đào tạo nghề cho đồng bào dân tộc thiểu số gắn với quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội của từng vùng, từng địa phương để giải quyết việc làm; chuyển đổi nghề cho người lao động.
Nhờ huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển giáo dục nghề nghiệp nâng cao chất lượng đào tạo nghề, đổi mới phương pháp dạy cho nên các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tại Hà Giang đã thu hút người lao động đến học tập. Từ năm 2016 đến nay, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã thu hút hơn 57 nghìn người học nghề với hơn 1.120 người học cao đẳng nghề; hơn 4.200 người học trung cấp nghề; hơn 52 nghìn người học sơ cấp nghề. Trong đó, 52% học nghề lao động nông nghiệp, số lao động nông nghiệp có việc làm sau đào tạo gần 44 nghìn người góp phần quan trọng vào việc giảm tỷ lệ hộ nghèo tại địa phương.
Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Hà Giang Phạm Hữu Trí cho biết: Nâng cao tỷ lệ người học nghề và người được dạy nghề có việc làm là yếu tố quan trọng góp phần vào việc giảm tỷ lệ hộ nghèo của địa phương. Do đó, cùng với việc nâng cấp trang thiết bị giảng dạy tương xứng với quy mô, loại hình từng cơ sở đào tạo nhằm nâng cao tay nghề của người lao động thì chúng tôi cũng đang phân luồng, tư vấn hướng nghiệp với mục tiêu đến năm 2025 có ít nhất 30% học sinh sau khi tốt nghiệp trung học cơ sở đi học nghề. Mỗi năm đào tạo trung bình 8.000 lao động ở các cấp trình độ.
Trường cao đẳng nghề Hà Giang hiện có 8 ngành cao đẳng, 20 ngành trung cấp. Hiện nay nhà trường đã ký kết khoảng 40 doanh nghiệp trong nước với các điều khoản tạo cơ hội thực hành cho học sinh, sinh viên và cung ứng lao động sau đào tạo. Thầy Nguyễn Minh Tuấn, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Ðây là mục tiêu đào tạo kép gắn với giải quyết việc làm cho học sinh, sinh viên. Việc chủ động phối hợp với doanh nghiệp vừa giúp các em nâng cao kỹ năng tay nghề, nhanh chóng hòa nhập tác phong công nghiệp, vừa tăng thêm thu nhập và có định hướng việc làm sau này. Hiện tỷ lệ có việc làm sau đào tạo của nhà trường chiếm hơn 70%.
Tăng cường kết nối cung-cầu lao động
Ngoài chú trọng công tác đào tạo nghề thì bài toán giải quyết việc làm cho người lao động sau đại dịch Covid-19 tại Hà Giang đã được các cấp từ tỉnh đến cơ sở thực hiện với nhiều giải pháp đồng bộ, kịp thời, như: Ðẩy mạnh kết nối thông tin cung-cầu và đưa lao động đi làm việc ở các khu công nghiệp, mở rộng thị trường, tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động có nhiều cơ hội để tìm kiếm việc làm, hỗ trợ tạo việc làm cho đối tượng yếu thế, người dân tộc nhằm giảm tỷ lệ thất nghiệp ở địa phương.
Biết thông tin Trung tâm Dịch vụ việc làm tuyển dụng, đưa người lao động đi làm việc ngoài tỉnh, chị Tẩn Thị Viễn, xã Tả Ván, huyện Quản Bạ xuống đăng ký đi làm. Tại đây, chị đã được hướng dẫn, giải đáp những quyền lợi mà người lao động được hưởng. Niềm vui đó được nhân lên khi chị Viễn và người lao động được hỗ trợ 100% vé máy bay, vé xe khách khi đi làm việc. Chị Viễn cho biết: Ðược hưởng những chính sách hỗ trợ của Nhà nước, được Trung tâm giới thiệu và tư vấn về việc làm công nhân may mặc ở tỉnh Bắc Giang, tôi cảm thấy yên tâm khi quyết định đi làm ngoại tỉnh.
Ðể hoàn thành mục tiêu trong năm 2022 sẽ giải quyết việc làm cho 17.200 lao động, trong đó có 8.600 người đi lao động ngoài tỉnh, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Hà Giang đã thường xuyên tư vấn, giới thiệu việc làm, cung ứng lao động; phối hợp chặt chẽ với các địa phương tổ chức hội nghị tư vấn tuyển dụng lao động phù hợp địa bàn khó khăn. 9 tháng đầu năm 2022, Trung tâm tiếp nhận nhu cầu tuyển dụng trực tuyến của 123 đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức gửi 355 "Thư ngỏ" cho doanh nghiệp về việc giới thiệu và cung ứng lao động; giới thiệu hơn 1.300 lao động đi làm việc ở các khu công nghiệp, hỗ trợ 315 người đăng ký việc làm trực tuyến.
Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Lê Quang Bình cũng cho biết: Nhằm phát huy tốt vai trò cầu nối giữa doanh nghiệp và người lao động, Trung tâm đã thường xuyên phối hợp các huyện, thành phố tổ chức "Hội chợ việc làm cho người lao động" giúp các doanh nghiệp lựa chọn và tuyển dụng lao động phù hợp vị trí việc làm. Tạo cho người lao động thay đổi nhận thức về tìm kiếm, tự tạo việc làm, tiếp cận thị trường trong xu thế hội nhập.
Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, Hà Giang có gần 22 nghìn lao động trở về địa phương. Ðể thực hiện có hiệu quả công tác giải quyết việc làm cho người lao động sau đại dịch, trong năm 2022, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh đã chủ động tham mưu, triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp về kết nối thị trường, kết nối cung-cầu lao động, đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, tư vấn, giới thiệu việc làm là nhiệm vụ trọng tâm được thực hiện xuyên suốt; liên kết với các doanh nghiệp trong nước tư vấn tuyển dụng lao động địa phương tại các khu công nghiệp, hỗ trợ việc làm cho đối tượng yếu thế, người dân tộc thiểu số với tổng vốn vay ưu đãi hơn 170 tỷ đồng.
Ðến nay, tỉnh Hà Giang có hơn 20 nghìn lao động được giải quyết việc làm, tăng 36,8% so kế hoạch. Ðiển hình như huyện Mèo Vạc giải quyết việc làm cho gần 11.500 lao động địa phương trong 9 tháng đầu năm.
Có thể nói, với những kết quả đạt được trong công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm của tỉnh Hà Giang, không chỉ là cách làm hay, đổi mới giúp người lao động tìm được công việc phù hợp nhu cầu và năng lực thực tế mà còn giúp họ có cuộc sống ổn định, nâng cao thu nhập, góp phần thay đổi cơ cấu chuyển dịch lao động, phát triển kinh tế-xã hội nơi miền cực bắc của Tổ quốc ■