Bài toán nhân lực y tế của Anh

Cuộc khủng hoảng nhân lực ngành y tế của Anh, vốn kéo dài trong nhiều tháng nay, vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Mới đây, giới chức Anh cảnh báo, cuộc đình công của lực lượng bác sĩ trẻ có thể gây ra những xáo trộn chưa từng có và ảnh hưởng tới sự an toàn của các bệnh nhân.
0:00 / 0:00
0:00
Xe cứu thương bên ngoài bệnh viện ở Birmingham, Anh.
Xe cứu thương bên ngoài bệnh viện ở Birmingham, Anh.

Truyền thông Anh cho biết, Dịch vụ Y tế Quốc gia (NHS) của Anh có thể thiếu đến 571.000 nhân viên y tế vào năm 2036. Cũng theo kết quả điều tra, chăm sóc sức khỏe đang là lĩnh vực có lượng quảng cáo tuyển dụng lao động cao nhất ở Anh. Làn sóng đình công của đội ngũ y, bác sĩ yêu cầu tăng lương để bù đắp chi phí sinh hoạt tăng cao là nguyên nhân chính khiến các bệnh viện rơi vào cảnh quá tải vì thiếu nhân lực.

Các cuộc đình công ảnh hưởng đến dịch vụ khám, chữa bệnh tại nhiều cơ sở y tế, khiến hàng nghìn lịch hẹn phẫu thuật và khám bệnh bị hủy. Giám đốc NHS Stephen Powis (X.Pao-ít) bày tỏ lo ngại về tác động nghiêm trọng của cuộc đình công đối với sự an toàn của bệnh nhân và các dịch vụ y tế trên toàn quốc, nhất là sau kỳ nghỉ lễ Phục sinh.

Theo quan chức này, các dịch vụ cấp cứu vẫn được ưu tiên, nhưng làn sóng đình công chắc chắn khiến rất nhiều bệnh nhân bị hoãn lịch khám, chữa bệnh.

Làn sóng đình công dâng cao ở Anh từ năm 2022 và không chỉ ở lĩnh vực y tế mà còn ở nhiều ngành khác như bưu chính, giao thông, giáo dục... Hiện tỷ lệ lạm phát của Anh đã vượt mức 10%. Trong bối cảnh các cuộc đàm phán giữa chính phủ và các công đoàn y tế còn chưa ngã ngũ, Công đoàn ngành y tá (RCN) cảnh báo, đội ngũ y tá và điều dưỡng viên có thể đình công đến tận Giáng sinh năm nay nếu những yêu cầu về tiền lương không được giải quyết thỏa đáng.

Hiện tại, ở Anh có khoảng 75.000 bác sĩ trẻ có trình độ chuyên môn, chiếm một phần lớn lực lượng y tế nước này. Hiệp hội Y khoa Anh (BMA) đã đề nghị mức tăng lương 35% cho các bác sĩ trẻ. Tuy nhiên, chính phủ cho rằng yêu cầu này là không phù hợp nếu so sánh với mặt bằng chung mức lương trong các lĩnh vực của khu vực công, nhất là vào thời điểm đất nước đang chịu áp lực đáng kể về kinh tế.

Tỷ lệ ốm đau gia tăng ở những người trưởng thành trong độ tuổi lao động cũng dẫn đến tình trạng thiếu hụt nhân lực. Theo một kết quả nghiên cứu, gần 70% số lao động mắc hội chứng Covid-19 kéo dài tại Anh cho biết, họ bị đối xử không công bằng tại nơi làm việc.

Theo đó, các hình thức đối xử bất công với người mắc Covid-19 kéo dài tại nơi làm việc có thể là không tin các triệu chứng bệnh hoặc dọa kỷ luật. Những người được hỏi cũng tỏ ra thất vọng khi chủ lao động không hiểu rằng các triệu chứng này kéo dài, thay đổi thất thường.

Huy động nguồn lực để giải quyết các công việc tồn đọng cùng áp lực nhân sự của NHS là nhiệm vụ trọng tâm mà Thủ tướng Anh Rishi Sunak (R.Xu-nác) đề ra trong năm 2023. Để giảm bớt sức ép cho dịch vụ y tế, NHS đang phối hợp các cơ quan liên quan cải thiện tình trạng thiếu giường bệnh, trong đó, những người bệnh đã phục hồi, ổn định có thể được xuất viện và tiếp nhận dịch vụ chăm sóc y tế tại nhà.

Mùa đông vừa qua, NHS đã trải qua quãng thời gian áp lực đỉnh điểm khi lượng bệnh nhân cần nhập viện do dịch Covid-19 và dịch cúm mùa tăng vọt. Ở thời điểm đó, có hơn 401.500 bệnh nhân phải chờ đợi hơn một năm để được điều trị và thường xuyên phải chịu tình trạng đau đớn do không được tiếp cận dịch vụ y tế.

Khó khăn đang bủa vây ngành y tế của Xứ sở Sương mù. Làn sóng đình công không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe người dân, mà còn gây bất ổn xã hội. Chính phủ Anh nhấn mạnh rằng, tiến hành đàm phán là hướng tiếp cận đúng đắn hơn so với việc người lao động đình công.