Liên đoàn Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế (IFRC) nhận định: Châu Mỹ đang đối mặt thách thức to lớn trong việc bảo vệ và đáp ứng nhu cầu nhân đạo cho người di cư. Lời cảnh báo được đưa ra trong bối cảnh, các số liệu thống kê về người di cư liên tiếp có những "kỷ lục" mới. Theo Tổ chức Di cư quốc tế (IOM), chỉ trong hai tháng đầu năm 2022, số người vào khu vực Trung Mỹ từ ngả rừng rậm Darien, biên giới tự nhiên giữa Panama và Colombia, nhằm tìm đường di cư sang Bắc Mỹ, đã tăng gần ba lần so với con số ghi nhận cùng kỳ năm 2021. Số người di cư vượt rừng Darien trong năm ngoái là khoảng 134.000 người, tương đương tổng số người di cư ghi nhận trong cả thập niên trước.
Trong tháng 3 vừa qua, lực lượng an ninh biên giới của Mỹ đã bắt giữ 210.000 người, con số cao nhất trong vòng 2 thập niên qua. Phía Mexico cũng thông báo, từ đầu năm 2022 đến nay, đã chặn khoảng 115.000 người di cư tìm cách vào Mỹ, chủ yếu đến từ các nước Trung Mỹ.
Câu chuyện người di cư không phải vấn đề mới tại châu Mỹ. Trong nhiều năm gần đây, "tam giác Bắc Trung Mỹ", gồm Honduras, Guatemala và El Salvador, vốn là điểm xuất phát và trung chuyển hàng chục nghìn người mỗi năm tìm đến Mỹ nhằm thoát khỏi tình trạng nghèo đói và bạo lực ở quê nhà. Bất chấp những mối nguy hiểm và nguy cơ trở thành nạn nhân của các tổ chức buôn người, hàng nghìn người vẫn cố gắng đi về phía bắc để theo đuổi "giấc mơ Mỹ", với hy vọng tìm được việc làm và cuộc sống ấm no.
Người đứng đầu phái bộ IOM tại Panama cho rằng, cuộc khủng hoảng kinh tế-xã hội do đại dịch Covid-19 là một trong những nguyên nhân chính đẩy hàng nghìn người rời bỏ quê hương. Ðại diện Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR) tại Honduras nhấn mạnh, dòng người di cư ồ ạt phản ánh nhu cầu cấp bách phải cải thiện điều kiện sống tại các quốc gia, cũng như thúc đẩy các hành động phối hợp và hỗ trợ lẫn nhau.
Các nước trong khu vực đã tích cực làm việc nhằm đưa ra phản ứng chung trước nguy cơ vấn đề người di cư trở thành cuộc khủng hoảng vượt tầm kiểm soát. Cuối tháng 4 vừa qua, các bộ trưởng của hơn 20 nước châu Mỹ đã họp tại Panama thảo luận vấn đề người di cư. Các nước nhất trí thành lập nhóm làm việc chung để ứng phó tình trạng di cư bất hợp pháp gia tăng ở cấp châu lục, với mục tiêu trọng tâm là ổn định đời sống của các cộng đồng và giải quyết tận gốc tình trạng này.
Là đích đến chính của những người di cư, Mỹ phối hợp các quốc gia Trung Mỹ để hạn chế dòng người di cư và đưa họ trở lại nơi xuất phát, cũng như tăng cường các biện pháp ngăn chặn các băng nhóm đưa người di cư trái phép. Chính quyền Tổng thống Joe Biden (G.Bai-đơn) cũng đang chuẩn bị một chiến lược toàn diện để đối phó khả năng một lượng lớn người di cư tìm cách nhập cảnh vào Mỹ sau khi quy định nhằm hạn chế dịch Covid-19 hết hiệu lực vào ngày 23/5 tới. Mỹ mới đây đã ký thỏa thuận hợp tác với Panama trong lĩnh vực di cư và hy vọng ký kết Tuyên bố Los Angeles về quản lý và bảo vệ người di cư, trong khuôn khổ Hội nghị cấp cao châu Mỹ sẽ diễn ra vào tháng 6 tới.
Dự báo dòng người di cư tại khu vực sẽ không dừng lại, IOM tiếp tục kêu gọi khu vực Trung Mỹ và cộng đồng quốc tế tăng cường nỗ lực, nhất là xác định căn nguyên vấn đề và tìm ra giải pháp hợp lý. IOM cũng kêu gọi các nước tiếp nhận người di cư bảo đảm quyền tiếp cận các thủ tục xin tị nạn, thêm lựa chọn về tình trạng lưu trú, đồng thời đẩy mạnh truy quét tội phạm buôn người, chống phân biệt đối xử và nạn bài ngoại.