Cùng suy ngẫm

Bài học về công tác trùng tu di sản

Căn biệt thự có tuổi đời cả trăm năm, từng một thời bị bỏ hoang, xuống cấp nghiêm trọng ở ngã tư (số 49 Trần Hưng Đạo-46 Hàng Bài, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) vừa mở cửa đón khách tham quan sau một thời gian trùng tu. Thế nhưng, bất kỳ vị khách nào khi đến đây cũng sẽ phải đi từ bất ngờ này sang bất ngờ khác.
0:00 / 0:00
0:00
Tòa biệt thự Pháp cổ tại phố Trần Hưng Đạo, Hà Nội, sau khi được trùng tu. Ảnh: GIANG NAM
Tòa biệt thự Pháp cổ tại phố Trần Hưng Đạo, Hà Nội, sau khi được trùng tu. Ảnh: GIANG NAM

Trước cửa biệt thự là một chiếc hố rộng chừng 2m2, sâu khoảng 50 cm, đáy hố có một nền gạch cũ, được bảo vệ bằng kính cường lực. Chiếc hố kể một câu chuyện nhỏ về căn biệt thự.

Trước khi trùng tu, các nhà khoa học đã phát hiện sân gạch gốc của căn biệt thự bị vùi lấp ở độ sâu 45 cm. Để phù hợp không gian, các chuyên gia phải giữ cốt nền hiện tại, nhưng thiết kế chiếc hố này để mọi người biết được nền gạch trước kia. Những câu chuyện nhỏ về biệt thự tiếp tục được kể bằng những điều “khác lạ” như thế.

Trên thực tế, dù có đầy đủ các quy định pháp luật, nhưng lâu nay, chúng ta thường xuyên đối mặt với những thảm họa trùng tu, hoặc làm mới di sản. Ngay cả những di sản văn hóa vật thể được coi là không “có vấn đề” trong trùng tu thì chúng ta vẫn có một khoảng cách khá xa về phương thức tiếp cận, nhất là vấn đề tôn trọng nguyên gốc và diễn giải giá trị di sản.

Thí dụ như toàn bộ phần tường phía trong cầu thang được bóc vữa, để mộc. Mọi người đều bất ngờ khi biết rằng, toàn bộ tầng một và tường xây ống cầu thang đều được dùng bằng gạch mà người Pháp dỡ ra từ thành Hà Nội.

Trần nhà tầng hai cũng không bằng phẳng. Các kiến trúc sư dành hẳn một gian để lộ những thanh sắt gia cố trần nhà trước đây. Một gian khác, thậm chí, còn bỏ hẳn trần để công chúng nhìn rõ kết cấu của mái nhà…

Các chuyên gia cũng dành một phòng trưng bày giới thiệu về vật liệu, cách thức xây dựng.

Qua đó, công chúng hiểu rõ loại vật liệu, cách thức xây dựng nào của bản địa, những chủng loại vật liệu, kỹ thuật nào nhập khẩu, hay chịu ảnh hưởng của văn hóa Pháp… Đi kèm với đó là những viên gạch, những trang trí, những chốt cửa… tháo dỡ từ biệt thự được trưng bày như tại bảo tàng. Khách tham quan có thể tìm hiểu quá trình trùng tu qua một bộ ảnh chi tiết.

Với cách giới thiệu, diễn giải như thế, người xem hiểu được sự cẩn trọng, tỉ mỉ của các chuyên gia từ khâu khảo sát các lớp vôi vữa, các vật liệu, đánh giá hiện trạng cấu kiện; cho đến việc nghiên cứu các tư liệu, ảnh chụp, các kiến trúc đồng đại... nhằm mục đích tôn trọng yếu tố nguyên gốc cao nhất. Ngay cả màu sơn, các chuyên gia cũng cho sơn thử trước khi sơn chính thức.

Dự án trùng tu biệt thự ở góc phố Trần Hưng Đạo-Hàng Bài do Ủy ban nhân dân quận Hoàn Kiếm triển khai, với sự hỗ trợ kỹ thuật của các chuyên gia vùng Ile-de-France (Pháp).

Trên thực tế, dù có đầy đủ các quy định pháp luật, nhưng lâu nay, chúng ta thường xuyên đối mặt với những thảm họa trùng tu, hoặc làm mới di sản. Ngay cả những di sản văn hóa vật thể được coi là không “có vấn đề” trong trùng tu thì chúng ta vẫn có một khoảng cách khá xa về phương thức tiếp cận, nhất là vấn đề tôn trọng nguyên gốc và diễn giải giá trị di sản.

Với biện pháp trùng tu và diễn giải như thế, bất kỳ ai cũng có thể được ngắm biệt thự ở góc phố Trần Hưng Đạo-Hàng Bài trong hiện tại và “ngắm” biệt thự trong quá khứ.

Một dự án trùng tu không lớn, nhưng để lại nhiều bài học quý mà chúng ta cần tham khảo, không chỉ ở các công đoạn trùng tu, mà cả ở việc giới thiệu giá trị của di sản đến cộng đồng.