Tiếp tục làm theo những lời dạy của Bác, Ðảng bộ và nhân dân tỉnh Hà Nam hôm nay đồng lòng vượt khó, khai thác tối đa tiềm năng thế mạnh, tạo sức bật mới, tiến lên tự chủ, không để phụ thuộc ngân sách vào Trung ương.
Hà Nam nằm trong khu vực đồng bằng sông Hồng, sản xuất nông nghiệp là chủ yếu, thời điểm những năm bao cấp, do địa hình "chiêm trũng", sản xuất gặp khó khăn, thu nhập thấp cho nên dù nằm sát Thủ đô, Hà Nam vẫn phải nhận trợ cấp từ Trung ương. Quá trình đổi mới, Ðảng bộ tỉnh Hà Nam mạnh dạn chuyển hướng trọng tâm phát triển kinh tế sang đẩy mạnh phát triển công nghiệp. Những nỗ lực trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh đã tạo sức hút lớn đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Vượt khó, tự chủ
Nằm trong quy hoạch xây dựng vùng Thủ đô, cửa ngõ phía nam Thủ đô Hà Nội, vị trí trung tâm kết nối các tỉnh đồng bằng sông Hồng, hệ thống giao thông tương đối đồng bộ là những điều kiện thuận lợi cho Hà Nam thu hút đầu tư. Tuy nhiên, để có sức hấp dẫn thì ngoài các ưu thế khách quan tỉnh vẫn cần có cơ chế, chính sách thông thoáng, cùng các điều kiện về mặt bằng đất đai, cơ sở hạ tầng đồng bộ, nguồn nhân lực chất lượng cao… Ðây là những thách thức mà Hà Nam phải vượt qua bằng chính nội lực. Có thể thấy, với nhiều địa phương đây là một quá trình đầy thách thức, gian nan, khi xuất phát từ tỉnh nghèo. Thực tế khẳng định với sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp, sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị, Hà Nam đã tạo sức bật mới, với nhiều kết quả vượt bậc.
Phó Bí thư Tỉnh ủy Hà Nam Ðinh Thị Lụa trao đổi, nhận rõ hạn chế, bất cập trong phát triển, nhiều nhiệm kỳ qua tỉnh đã tập trung lãnh đạo đổi mới cơ chế, chính sách đầu tư theo hướng "mở", linh hoạt tạo "hành lang" mở ra nhiều cơ hội hợp tác cho doanh nghiệp, đầu tư nước ngoài.
Khảo sát thực tế cho thấy, tỉnh đã coi trọng chỉ đạo đẩy mạnh cải cách các thủ tục hành chính đồng bộ và toàn diện. Trong đó có nội dung quan trọng là thực hiện nhất quán một loạt cam kết với doanh nghiệp, nhà đầu tư. Nổi bật như: cam kết cung cấp đủ điện 24/24 giờ cho các doanh nghiệp; bảo đảm hạ tầng và cung cấp các dịch vụ thiết yếu tới chân hàng rào doanh nghiệp; giải quyết thủ tục hành chính nhanh gọn, trong đó, thời gian cấp Giấy chứng nhận đầu tư không quá ba ngày, thực hiện các thủ tục hành chính, thủ tục thuế điện tử thuận lợi, chính xác; hỗ trợ doanh nghiệp tuyển dụng và đào tạo lao động; hỗ trợ và tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp khi có nhu cầu mở rộng sản xuất, thay đổi phương án sản xuất kinh doanh, điều chỉnh Giấy chứng nhận đầu tư.
Thành lập đường dây nóng của Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh để tiếp nhận thông tin và giải quyết ngay các kiến nghị từ phía các doanh nghiệp... Ðối với những dự án có vốn đầu tư lớn, công nghệ cao, tỉnh xem xét và thực hiện những cơ chế ưu tiên để thu hút. Với phương châm "Luôn sát cánh với nhà đầu tư, đồng hành với các doanh nghiệp", lãnh đạo tỉnh thường xuyên duy trì các cuộc tiếp xúc, đối thoại nhằm phát hiện và xử lý kịp thời những khó khăn, vướng mắc của các dự án đang hoạt động, bảo đảm các dự án hoạt động có hiệu quả, đúng tiến độ. Việc làm này tiếp tục củng cố lòng tin của doanh nghiệp, nhà đầu tư đối với môi trường đầu tư, kinh doanh tại địa phương, tạo hiệu ứng lan tỏa và tác động tích cực tới nhà đầu tư mới.
Những nỗ lực trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh đã tạo sức hút lớn đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Từ một tỉnh có số doanh nghiệp quy mô lớn chỉ đếm trên đầu ngón tay, đến nay, tỉnh có tám khu công nghiệp, tỷ lệ lấp đầy khá cao; trong đó: khu công nghiệp Ðồng Văn I đạt 100%; Ðồng Văn II đạt 97,56%; Ðồng Văn III tỷ lệ lấp đầy là 66,31%; Ðồng Văn IV đạt 94,99%... Lũy kế đến nay trên địa bàn tỉnh có 7.425 doanh nghiệp.
Không chỉ đột phá trong thu hút đầu tư công nghiệp, Hà Nam còn thu hút hàng loạt các dự án phát triển nông nghiệp hiện đại, văn hóa, du lịch tầm cỡ. Ðặc biệt, Thủ tướng Chính phủ đã chính thức phê duyệt bổ sung Khu Công nghệ cao Hà Nam vào Quy hoạch tổng thể phát triển khu công nghệ cao đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030. Ðây là khu công nghệ cao thứ năm của cả nước; sẽ được đầu tư bằng nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước.
Chuyển đổi cơ cấu kinh tế đúng hướng đã giúp Hà Nam phát triển nhanh, bền vững. Năm 2021, dù chịu tác động của dịch Covid-19 nhưng tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm (GRDP) của tỉnh đạt: 8,85% (đây là mức tăng trưởng cao thứ ba trong vùng đồng bằng Bắc Bộ); thu cân đối ngân sách nhà nước đạt gần 14 nghìn tỷ đồng (vượt dự toán Trung ương và kế hoạch của tỉnh). Trong ba tháng đầu năm 2022, giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn toàn tỉnh ước đạt 35.230 tỷ đồng, tăng 13,6% so với cùng kỳ 2021. Hầu hết các sản phẩm công nghiệp chủ yếu trong tỉnh đều tăng. Với những kết quả này, Hà Nam có thể vững vàng tự chủ ngân sách trong năm 2022 và những năm tiếp theo.
Tháo gỡ "nút thắt", phát huy nội lực
Ðể có bước bứt phá về phát triển kinh tế-xã hội, Hà Nam phải đối đầu với rất nhiều khó khăn, thách thức. Quá trình này là quá trình cấp ủy đảng, chính quyền các cấp quán triệt vận dụng chủ trương đường lối của Ðảng, Nhà nước chủ động và sáng tạo. Gắn liền triển khai thực hiện Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị; các nghị quyết, kết luận của Trung ương về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Ðảng vào quá trình thực hiện nhiệm vụ. Nhiều bài học về tinh thần đổi mới, sáng tạo, vì nhân dân phục vụ đã được phát huy.
Trưởng Ban Tuyên giáo Thị ủy Duy Tiên Nguyễn Anh Tuấn nhớ lại những ngày đầu vận động nhân dân giải phóng mặt bằng dành đất mở Khu công nghiệp Ðồng Văn I, rất nhiều người chưa hiểu biết, không đồng thuận, thậm chí có hành vi cản trở, gây rối. Thấm nhuần lời dạy của Bác nếu xuất phát từ nhiệt tình cách mạng, thương yêu đồng bào thì nhất định sẽ làm tốt, đội ngũ cán bộ thị xã Duy Tiên đã không quản ngày đêm xuống từng hộ dân giải thích thuyết phục, dù người dân thể hiện bức xúc, chưa đồng thuận cũng vẫn kiên trì vận động. Tinh thần trách nhiệm của đội ngũ cán bộ thị xã dần được người dân thấu hiểu, tin tưởng làm theo. Ðến nay, khi thị xã đã trở thành trung tâm công nghiệp lớn của tỉnh, đời sống nhân dân nâng cao, nhiều người từng nặng lời với các anh nay chủ động đến cảm ơn chân thành.
Ở Hà Nam có nhiều minh chứng và bài học kinh nghiệm ở nhiều cấp ủy, chính quyền thể hiện trách nhiệm, linh hoạt, sáng tạo tháo gỡ "nút thắt" trong công tác vốn nhiều gian nan này. Mới đây, thành phố Phủ Lý tổng kết việc thực hiện thí điểm khen thưởng trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng. Ðầu năm 2022, Thành phố triển khai dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật kết hợp chỉnh trang đô thị tại phường Lam Hạ, có 68 hộ dân thuộc diện thu hồi đất.
Thành phố đã triển khai chủ trương ngoài cơ chế, chính sách bồi thường theo quy định Nhà nước sẽ có thêm cơ chế khen thưởng cho cá nhân, tập thể đăng ký đồng ý để Nhà nước thu hồi đất trước thời hạn. Sau khi phổ biến công khai và tăng cường tuyên truyền vận động, 100% các hộ diện thu hồi đất đều có đơn đồng ý để Nhà nước thu hồi đất nông nghiệp trước thời hạn quy định. Là một trong các hộ gia đình tiêu biểu được nhận bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh, bác Trần Văn Bình, tổ dân phố Hòa Lạc chia sẻ: Cách làm có lợi cho nhân dân nên tạo được sự tin tưởng, đồng thuận cao và khuyến khích người dân chấp hành.
Trong công tác cải cách hành chính, thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh cán bộ phải làm nhiều việc tốt phục vụ nhân dân, tỉnh Hà Nam đã triển khai phong trào, mô hình: "chính quyền thân thiện, vì nhân dân phục vụ". Từ thực tiễn, xuất hiện ngày càng nhiều tấm gương "công bộc" phục vụ nhân dân tận tụy, tận tâm, nâng cao đạo đức công vụ. Qua đó, các cấp ủy đã gắn phong trào với xây dựng tổ chức cơ sở đảng, cơ quan, đơn vị địa phương vững mạnh, trong sạch.
Năm 2019, xã Hợp Lý là đơn vị đầu tiên của huyện Lý Nhân được chọn triển khai làm điểm mô hình. Ðảng ủy xã đã ban hành nghị quyết chuyên đề và thành lập ban chỉ đạo, phân công, giao nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên phụ trách từng đầu mối lĩnh vực, địa bàn, đơn vị và yêu cầu 100% số cán bộ, công chức xã ký cam kết thực hiện. Ban chỉ đạo xã cũng tăng cường quán triệt đội ngũ công chức khi tiếp xúc với người dân phải niềm nở, chu đáo. Kết quả, từ năm 2019 đến nay, UBND xã đã tiếp nhận, giải quyết 5.664 hồ sơ, toàn bộ thủ tục hành chính được giải quyết trước và đúng hạn.
Người dân, tổ chức qua đánh giá đều hài lòng với việc giải quyết thủ tục hành chính tại bộ phận "một cửa" của xã. Hiện tại mô hình đã được nhân rộng toàn tỉnh, không những tinh thần phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ tốt hơn mà còn góp phần vào nâng cao chất lượng cải cách hành chính, tạo thuận lợi môi trường thu hút đầu tư. Năm 2021, Hà Nam là một trong 23 tỉnh, thành phố đã cung cấp 100% dịch vụ công đủ điều kiện lên mức độ 4.
Ðược biết, để tiếp tục phát huy tinh thần trách nhiệm, đổi mới, sáng tạo của đội ngũ cán bộ, đảng viên vào thực hiện các mục tiêu nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, Tỉnh ủy Hà Nam xác định sẽ tập trung chỉ đạo đẩy mạnh việc học và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Nội dung tập trung vào tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của các cấp ủy, tổ chức đảng, trước hết là đổi mới tác phong làm việc theo hướng sâu sát cơ sở, gần dân. Nêu cao tinh thần trách nhiệm, mạnh dạn đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm của đội ngũ cán bộ. Thực hiện tốt cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư; nâng cao ý thức, tinh thần trách nhiệm, thái độ phục vụ của cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi nhiệm vụ, công vụ, nhất là trong giải quyết công việc liên quan đến người dân và doanh nghiệp.
Ðây sẽ là một trong những giải pháp quan trọng nhằm thực hiện nhiệm vụ mục tiêu tự chủ, xây dựng tỉnh Hà Nam phát triển nhanh, bền vững, sớm trở thành tỉnh khá của vùng đồng bằng sông Hồng.