Bài ca lao động qua phim tài liệu về ngành điện

NDO - "Hoành Sơn vạn vạn bước chân" là bộ phim tài liệu về không khí lao động hăng say trên công trường đường dây 500kV mạch 3, cung đoạn Quảng Trạch (Quảng Bình)-Quỳnh Lưu (Nghệ An). Đội ngũ công nhân truyền tải điện khắp cả nước đã "hội quân" về Hoành Sơn, cùng nhau góp sức cho một công trình thế kỷ, và đây cũng là một sự kiện vô cùng đặc biệt.
0:00 / 0:00
0:00
Cảnh phim tài liệu "Hoành Sơn vạn vạn bước chân".
Cảnh phim tài liệu "Hoành Sơn vạn vạn bước chân".

Sau 30 năm mạch 1, đường dây siêu cao áp 500kV mạch 1 Hòa Bình-Phú Lâm đóng điện vận hành, lần đầu tiên trong lịch sử thống nhất lưới truyền tải quốc gia 3 miền bắc-trung-nam, thì 30 năm sau, tinh thần thời đại, tinh thần tổng tiến công lần nữa lại được tái hiện trên công trường các dự án đường dây 500kV mạch 3, từ Quảng Trạch-Quảng Bình đến Phố Nối-Hưng Yên.

Bài ca lao động qua phim tài liệu về ngành điện ảnh 1

Những thước phim tài liệu góp phần phản ánh một sự kiện quan trọng của đất nước.

Đặc biệt hơn cả, là thêm một lần nữa, người ta thấy sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị và nhân dân. Dường như, cả đất nước đã đứng chung một hàng ngũ cùng với ngành điện, tất cả tập trung dồn sức lực cho một công trình mang tầm vóc lịch sử.

Ê-kíp phim, gồm: Biên kịch-Đạo diễn Việt Bắc, quay phim Minh Tú, quay phim-dựng phim Hoàng Nguyễn. "Hoành Sơn vạn vạn bước chân" lấy bối cảnh dãy núi Hoành Sơn, dãy núi gắn liền với lịch sử, là ranh giới giữa Đàng Trong và Đàng Ngoài, với những vị trí cột điện được thi công trên những điểm cao cheo leo.

Bộ phim "Hoành Sơn vạn vạn bước chân" của Đài Phát thanh truyền hình Hà Nội là bộ phim tài liệu duy nhất đến thời điểm hiện tại nói về đời sống của các công nhân, kỹ sư trong những tháng ngày nước rút trên dãy núi Hoành Sơn, Kỳ Anh, Hà Tĩnh - công trường khó khăn bậc nhất trên toàn tuyến truyền tải khép vòng mạch 3.

Từ trước đến nay, công việc dựng cột-kéo dây là việc của các công nhân xây lắp, nhưng tại công trường này, lần đầu tiên trong lịch sử, có bóng hình của những "người lính truyền tải", trên khắp cả nước, cùng nhau về đây, do tính cấp thiết của dự án. Có lẽ đây cũng là lần đầu tiên và duy nhất, các công nhân truyền tải phải xa nhà lâu đến vậy, có người đã đi đến hơn nửa năm. Những tâm tình lán trại, những tâm tình của anh em công trường, trong giai đoạn nước rút của dự án đã được ghi lại trong những thước phim này tài liệu này.

Nếu với các dự án tương tự, chúng ta cần thời gian 3-4 năm để hoàn thành, thì với dự án 500kV mạch 3 đoạn Quảng Trạch-Phố Nối, với hơn 7 tháng thi công, dự án đã về đích. Sự thần tốc ấy đã khiến dự án này không những trở thành kỳ tích của ngành xây lắp điện, mà còn là một sự kiện, một câu chuyện lịch sử phản ánh tinh thần dân tộc, trong tiến trình phát triển đất nước.

Với lối kể tự sự, theo đường dẫn chuyện là mạch hình ảnh tại những vị trí thi công cột khó khăn nhất của Hoành Sơn, khán giả có thể thấy rõ không khí lao động khẩn trương, không ngừng nghỉ, sự hăng say và quyết tâm cao độ của những công nhân, kỹ sư. Một bên là Hoành Sơn hiểm trở, cheo leo, một bên là sức vóc con người bé nhỏ, một bên là dải núi đã từng là nỗi niềm đau đáu khi đất nước phân chia, một bên là tuyến truyền tải phi giới tuyến, kết nối, san sẻ điện của miền trung ra với miền bắc.

Bài ca lao động qua phim tài liệu về ngành điện ảnh 2

Những khung hình nên thơ.

Hình ảnh chúng ta vẫn thấy là những thợ điện sửa chữa sự cố điện nơi phố thị, bản làng… hình ảnh chúng ta sẽ thấy và nhớ ghi sau đây là hình ảnh những công nhân truyền tải điện, những "người lính tuyến đầu" của ngành điện. Không chỉ là những đường dây truyền tải, đó còn là câu chuyện địa chính trị, kết nối liên vùng, bảo đảm an ninh năng lượng cho đất nước.

Bài ca lao động qua phim tài liệu về ngành điện ảnh 3

Đoàn phim đã nỗ lực vượt qua nhiều thử thách.

Nhân vật trong phim là những công nhân, kỹ sư ngành xây lắp và những công nhân truyền tải điện mà đoàn làm phim đã gặp khắp dải Hoành Sơn. Họ có thể là những người mà cách đây 30 năm, đã tham gia vào công trường mạch 1 500kV Hòa Bình-Phú Lâm, là những người mà cả cuộc đời gắn với lán trại trên những công trình truyền tải; họ có thể là những công nhân truyền tải mà làn da đã nhuộm rám nắng miền trung. Nơi "Trường Sơn Đông nắng, Tây mưa…", nơi Hoành Sơn túi mưa, chảo lửa của dải miền trung, sức người đã chiến thắng nỗi khắc nghiệt của thiên nhiên.

Bộ phim đi từ nơi bắt đầu của dãy Hoành Sơn, trải đến các vị trí cột khó khăn nhất, và kết thúc nơi cả 3 đường dây 500KV mạch 1, mạch 2 và mạch 3 gặp nhau, nơi mà nhóm làm phim đã gọi là "ngã ba ánh sáng". Cùng với những mẩu chuyện nhỏ, những tâm tình của các công nhân… sự chân thực trong từng khuôn hình đã lay động nhiều trái tim người xem, trong đó có những người đã từng gắn bó với ngành, nay đã nghỉ hưu, hay hậu phương-gia đình của những công nhân, kỹ sư và khán giả xem truyền hình.

Bài ca lao động qua phim tài liệu về ngành điện ảnh 4

Vẻ đẹp tâm hồn của công nhân ngành điện được ghi lại qua từng thước phim.

Khi thời lượng 30 phút của bộ phim khép lại, hành trình phim mới thực sự bắt đầu. Đó là giai điệu ngợi ca, là bài ca lao động, là tinh thần thời đại Hồ Chí Minh lần nữa sống dậy, mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Sự hào sảng trong nỗi gian lao được khắc họa trên chính dải Hoành Sơn hiểm trở, trên những gương mặt người thợ đường dây, và trong chính thành quả của dự án.

Đoàn phim đã gắn bó với công trường Hoành Sơn, đã bước vào cuộc sống của những người thợ nơi này, tâm tình cùng họ, đồng hành với họ cả ngày lẫn đêm trên những lán trại, cùng họ một đoạn đường đi qua nắng, mưa. Sự chân thực mà lãng mạn, chính là yếu tố thuyết phục người xem.

Dự án 500kV mạch 3, cung đoạn Quảng Trạch-Phố Nối, trong suốt thời gian vừa qua là "điểm nóng" đúng nghĩa với báo chí, cụ thể là những phóng viên đưa tin về tiến độ của dự án. Riêng với đoàn phim của Đài Phát thanh-Truyền hình Hà Nội, họ đã chọn làm phim khai thác đời sống thực tế của các công nhân, kỹ sư tại công trường hội tụ đủ mọi cung bậc khó khăn của toàn dự án.

Với tính chất phải bám sát tiến độ dự án, đoàn phim đã tranh thủ ghi hình liên tục trong mỗi chuyến công tác, ban đầu làm quen, gần gũi anh em công nhân, sau cùng là thực sự bước vào cuộc sống nơi Hoành Sơn. Nói về tính cấp thiết của dự án, thì đây là một kho tin tức; và với những nhà làm phim tài liệu, thì đây chính là một bối cảnh lịch sử, với câu chuyện lịch sử phản ánh tinh thần thời đại, truyền cảm hứng một cách mãnh liệt.

Bắt đầu ghi hình vào cuối tháng 6, đầu tháng 7, khoảng thời gian mà thời tiết miền trung khắc nghiệt nhất, cùng với những quãng đường di chuyển rất khó khăn mới có thể đến được các vị trí thi công trên núi, nhưng không vì vậy mà bước chân của đoàn phim chậm lại.

Công nhân trên công trường Hoành Sơn dường như đã quen với sự xuất hiện của các nhà báo, nên những ngày đầu, sự kết nối mới chỉ tạm thời dừng lại ở những câu kể đơn giản, thậm chí có phần né tránh, do đặc thù công việc quá vất vả. Rất nhanh sau đó, chính những người thợ cũng đã từ ngạc nhiên, đến tò mò khi những người ghi hình lần này không chỉ đến và rời đi ngay sau đó, mà lại ở lại khá lâu và làm việc cùng, ăn cùng, ngủ lán trại cùng với họ. Chưa kể có những vị trí thi công, cũng chưa từng có báo chí đặt chân tới vì quãng đường di chuyển vô cùng thử thách. Chính sự đồng hành của đoàn phim với công trường, đã cho họ cơ hội được lắng nghe những tâm tình của anh em công nhân, những khoảnh khắc vô giá với những người làm phim tài liệu.

Sự có mặt của đoàn phim cũng đã trở thành "thói quen" của nhiều anh em công nhân, kỹ sư; để rồi không còn khoảng cách của sự xa lạ nữa, thay vào đó là những nụ cười, những nỗi niềm được ghi lại chân thực trong từng thước phim. Kỷ niệm đáng nhớ với những công nhân đã 30 năm gắn bó với ngành điện, từ mạch 1 500kV bắc nam, Hòa Bình-Phú Lâm, tới hôm nay, từ khi còn là công nhân dựng cột-kéo dây, đến giờ khi tuổi đã cao, thì chuyển sang nấu bếp cho anh em trên những lán trại, khi ban đầu là niềm tự hào, vui sướng và khép lại dẫu là nỗi mệt mỏi vì áp lực công việc, vì xa nhà đằng đẵng… nhưng không vì thế mà mạch cảm xúc của phim yếu đi, mà chính sự chân thực ấy đã khiến bộ phim đi vào lòng khán giả.

Bài ca lao động qua phim tài liệu về ngành điện ảnh 5

Công việc đầy vất vả của công nhân ngành điện sẽ được lan tỏa mạnh mẽ qua phim.

30 năm lưới truyền tải thống nhất đất nước, cũng là 30 năm phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế, của đời sống xã hội, dân sinh, cũng là những 30 năm thăng trầm của ngành truyền tải. Những tưởng trong đời sống hiện đại hôm nay, khi vật chất đủ đầy, khi kết nối trong một thế giới phẳng, dường như đã tạo những khoảng cách vô hình giữa chúng ta, thì tại công công trường các dự án đường dây 500kV mạch 3 Quảng Trạch-Phố Nối, tinh thần cách mạng hòa trong bài ca lao động đã khẳng định rằng: ý chí bất khuất, tinh thần đoàn kết, chung sức, chung lòng và quyết tâm của người Việt Nam vẫn luôn được bồi đắp qua mỗi chặng đường lịch sử.

Là một đạo diễn phim tài liệu, tôi đặt chân vào công trình trọng điểm quốc gia với nhiệm vụ kể lại những câu chuyện không chỉ bằng hình ảnh. Nghe thì có vẻ thật đơn giản, nhưng khi bước vào thực tế, tôi mới hiểu rằng không chỉ là ghi hình, mà còn phải sống, gắn bó, đồng hành và sẻ chia như một người trong cuộc.

Biên kịch, Đạo diễn Việt Bắc

"Là một đạo diễn phim tài liệu, tôi đặt chân vào công trình trọng điểm quốc gia với nhiệm vụ kể lại những câu chuyện không chỉ bằng hình ảnh. Nghe thì có vẻ thật đơn giản, nhưng khi bước vào thực tế, tôi mới hiểu rằng không chỉ là ghi hình, mà còn phải sống, gắn bó, đồng hành và sẻ chia như một người trong cuộc", Biên kịch, Đạo diễn Việt Bắc chia sẻ.

Đạo diễn phim cho biết: "Thú thực thì tôi khá áp lực, vì tôi từng được xem những thước phim tư liệu về quá trình thi công đường dây siêu cao áp 500kV Bắc Nam mạch 1, cách đây hơn 30 năm. Hoành Sơn những ngày tháng 7 ấy, cũng là những ngày lòng tôi rối như tơ vò; làm sao để vừa ghi lại những hình ảnh chân thực nhất, vừa ghi được không khí của một đại công trường lịch sử. Hành trình này không chỉ là một hành trình nghề nghiệp. Nó là một phần trong cuộc sống của chúng tôi, là những trải nghiệm tôi sẽ mang theo suốt cuộc đời mình. Những bộ phim tài liệu đó không chỉ là câu chuyện của tôi, mà còn là câu chuyện của hàng ngàn người công nhân đã đóng góp cho dự án này".

Bài ca lao động qua phim tài liệu về ngành điện ảnh 6

Đạo diễn Việt Bắc sinh năm 1990.

Theo chị, Hoành Sơn với hàng vạn anh em công nhân, kỹ sư, quả thực là một thử thách lớn. Còn Hoành Sơn với những người làm phim tài liệu thì đích thực là một kho tài nguyên khổng lồ. Đoàn phim đã xin phép để được leo lên những vị trí công nhân đang làm việc trên cao để trực tiếp phỏng vấn. Mỗi bước lên cao, như được chạm vào mây trời, mỗi bước đi trên tầng không, là mỗi bước niềm vui sướng ngập tràn… Đó đích thực là niềm hạnh phúc mà chỉ người làm nghề mới có thể có được.

Đạo diễn Việt Bắc tên thật là Nguyễn Thị Hương Dung, sinh năm 1990. Tốt nghiệp Đạo diễn Điện ảnh - Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội. Chị đã có nhiều tác phẩm tiêu biểu: Các bộ ký sự truyền hình: "Hành trình người đi tìm lửa" (20 tập), "Nhớ Việt Bắc" (20 tập); Các phim tài liệu: "Phần đời còn lại", "Hà Nội, tầng 2", "Đò ơi", "Những lá thư gửi từ thềm lục địa", "Đất nước một phần tư bước sóng", "500kV mạch 3 - Cuộc hành quân Bắc tiến"...

Bài ca lao động qua phim tài liệu về ngành điện ảnh 7

Bình minh huy hoàng trên công trình đặc biệt.

Phim tài liệu là câu chuyện về những bước chân gan dạ trên cung đường Hoành Sơn hiểm trở. Hoành Sơn làm bối cảnh của bộ phim này không chỉ vì địa hình khắc nghiệt, mà còn vì nơi đây hội tụ tinh thần bất khuất của những người lao động. Phim là một hành trình gắn liền với con người – những người đã để lại dấu chân trên từng đỉnh núi cao, trên từng cây cột điện dựng đứng nơi bão gió. Mạch 3 đã đóng điện thành công sau hơn 7 tháng thần tốc thi công. Các anh em công nhân được trở về nhà sau những tháng ngày biền biệt. Họ đã hoàn thành lời hứa với gia đình, với Tổ quốc và nhân dân. …

Hoành Sơn năm xưa là giới tuyến của xứ Đàng Ngoài và Đàng Trong. Hoành Sơn với đèo Ngang năm ấy còn đau đáu nỗi niềm nhớ nước thương nhà của Bà Huyện Thanh Quan. Còn Hoành Sơn với 500kV mạch 3 hôm nay, cùng với lưới truyền tải bắc nam, đã thống nhất lưới điện quốc gia, không còn giới tuyến phân chia.