Đưa di sản phố cổ thành động lực phát triển (Tiếp theo và hết) (*)

Bài 5: Kỳ vọng về một trung tâm công nghiệp văn hóa

Phố cổ Hà Nội được ví là nơi "không thể không đến" với khách du lịch. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều tài nguyên chưa được khai thác hết. Cùng với công tác bảo tồn, quận Hoàn Kiếm đang triển khai những biện pháp để từng bước trở thành "quận công nghiệp văn hóa" của Thủ đô.
0:00 / 0:00
0:00
Biểu diễn nghệ thuật truyền thống tại phố đi bộ trong khu phố cổ Hà Nội thu hút sự quan tâm của đông đảo công chúng.
Biểu diễn nghệ thuật truyền thống tại phố đi bộ trong khu phố cổ Hà Nội thu hút sự quan tâm của đông đảo công chúng.

Phố cổ đã và đang được triển khai các giá trị văn hóa để phát triển kinh tế và là khu vực kinh tế năng động của Thủ đô. Tuy nhiên vẫn cần có cách tiếp cận mới để khai thác hiệu quả hơn những giá trị này.

Đổi mới mạnh mẽ khai thác tài nguyên văn hóa

Khu phố cổ là nơi diễn ra các hoạt động du lịch, dịch vụ sôi động. Bên cạnh các điểm tham quan hấp dẫn, khách du lịch còn có thể thưởng thức nhiều loại hình nghệ thuật diễn xướng dân gian như: hát ca trù, hát xẩm, biểu diễn cải lương… Địa bàn phố cổ cũng là "thiên đường" của ẩm thực đường phố, là nơi có các phố nghề truyền thống, phố chuyên doanh các mặt hàng thủ công mỹ nghệ. Năm 2019, có 2,35 triệu lượt khách du lịch lưu trú trên địa bàn quận Hoàn Kiếm, chủ yếu là khách quốc tế.

Trước yêu cầu mới của thực tiễn, để triển khai Chương trình 06/CTr-TU của Thành ủy về "Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh, giai đoạn 2021-2025" gắn với thực hiện Nghị quyết 09-NQ/TU của Thành ủy về phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Quận ủy Hoàn Kiếm đang triển khai xây dựng Kế hoạch thực hiện phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn quận giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Theo dự thảo Kế hoạch, việc khai thác, phát huy giá trị di sản phố cổ trong công nghiệp văn hóa nằm trong sự liên kết chặt chẽ với các không gian khác của quận Hoàn Kiếm. Các ngành công nghiệp văn hóa được tập trung phát triển gồm: Du lịch văn hóa, nghệ thuật biểu diễn, nghề thủ công, quảng cáo, ẩm thực. Đối với du lịch, quận sẽ đẩy mạnh phát triển kinh tế đêm, các tua tham quan buổi tối; nâng cao chất lượng Đề án "Xây dựng một số nét văn hóa ứng xử của người dân Khu phố cổ", Đề án "Tổ chức lễ hội truyền thống trong khu phố cổ và khu vực chung quanh hồ Hoàn Kiếm". Tiếp tục tổ chức biểu diễn và bảo tồn âm nhạc truyền thống như: Ca trù, hát xẩm; tăng cường tổ chức các sự kiện, giao lưu các loại hình nghệ thuật dân gian… Đối với nghề thủ công, quận xây dựng đề án phát huy giá trị nghề truyền thống của "Phố nghề" gắn với phát triển du lịch, xây dựng mô hình gắn kết "Phố nghề" trên địa bàn quận với các làng nghề nguyên gốc tại các địa phương. Các giá trị ẩm thực đặc trưng của phố cổ được nghiên cứu, nâng tầm, nâng cao chất lượng tuyến phố "Văn hóa ẩm thực Việt Nam" tại phố Tống Duy Tân; xây dựng bản đồ chỉ dẫn địa lý về ẩm thực, món ngon, truyền thống phố cổ... Đối với kinh tế đêm, trên địa bàn sẽ hoàn thiện, phát triển sáu không gian mang tính động lực, gồm: Các không gian đi bộ trong Khu phố cổ, khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận, tuyến Phùng Hưng - Gầm Cầu, tuyến phố "Văn hóa ẩm thực Việt Nam" Tống Duy Tân-ngõ Hàng Bông, tuyến phố Tràng Tiền-Quảng trường Cách mạng tháng 8, Tuyến phố chuyên doanh, phố nghề truyền thống.

Về chủ trương phát triển Hoàn Kiếm thành quận công nghiệp văn hóa, Phó Giáo sư Bùi Hoài Sơn, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho biết: "Việc định vị các ngành công nghiệp văn hóa như là hướng đi chính cho sự phát triển là một sáng kiến quan trọng, dựa trên những thế mạnh về giá trị văn hóa, cảnh quan và rất nhiều các dịch vụ phong phú khác của quận Hoàn Kiếm. Với hướng đi này, Hoàn Kiếm sẽ biến mình thành trung tâm của nghệ thuật, sáng tạo, di sản và các sự kiện tôn vinh những giá trị ấy. Điều này không chỉ cụ thể hóa Nghị quyết 09-NQ/TU của Thành ủy về công nghiệp văn hóa, mà còn phù hợp việc xây dựng Hà Nội trở thành Thành phố sáng tạo".

Tầm nhìn xa hơn cho phố cổ

Phố cổ được kỳ vọng là động lực đưa quận Hoàn Kiếm trở thành quận công nghiệp văn hóa của Thủ đô. Song, cơ sở để hình thành quận công nghiệp văn hóa chính là công tác bảo tồn. Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Trần Trung Hiếu cho rằng, cần đặc biệt quan tâm vun đắp các giá trị di sản phố cổ. Bởi đây là tài nguyên quý giá bảo đảm tính bền vững trong phát triển du lịch, là chất liệu khai thác để xây dựng nội dung cho các sản phẩm, dịch vụ du lịch trên địa bàn. Phó Giáo sư Đặng Văn Bài, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia cho biết: "Với tư cách là một bộ phận cấu thành của Thăng Long - Hà Nội suốt hàng nghìn năm hình thành và phát triển, khu phố cổ Hà Nội hoàn toàn xứng đáng được nâng cấp xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt... Khu Phố cổ nếu được nghiên cứu sâu, làm rõ các giá trị khoa học với tư cách là "phần thị" của Hoàng thành Thăng Long (khu vực thị dân gắn liền với hàng nghìn năm lịch sử với Hoàng thành Thăng Long), chúng ta hoàn toàn có khả năng bổ sung hồ sơ trình UNESCO vinh danh Di sản thế giới Hoàng thành Thăng Long gắn với Phố cổ Hà Nội". Việc vinh danh phố cổ sẽ tạo điều kiện để thực hiện công tác bảo tồn tốt hơn. Thành phố nên có Hội đồng tư vấn khoa học để tư vấn những vấn đề chuyên môn liên quan tới các hoạt động quản lý di sản văn hóa và tu bổ, tôn tạo, phát huy giá trị di tích gắn với phát triển du lịch.

Phố cổ Hà Nội là nơi lưu giữ những nét văn hóa truyền thống đặc sắc nhất, tiêu biểu nhất cho Thủ đô Hà Nội nghìn năm văn hiến; đồng thời, cũng là động lực quan trọng để thành phố phát triển du lịch văn hóa nói riêng, công nghiệp văn hóa nói chung. Bởi vậy, Phó Giáo sư Bùi Hoài Sơn cho rằng, phát triển khu vực này thế nào để tương xứng với vị trí, tiềm năng là trăn trở chung của cả Hà Nội. Sáng kiến của quận Hoàn Kiếm về phát triển công nghiệp văn hóa sẽ là bài học cho các quận, huyện khác của Thủ đô trong việc phát triển công nghiệp văn hóa cụ thể và thực chất hơn, để Hà Nội thật sự xứng đáng với danh hiệu Thủ đô nghìn năm văn hiến, nơi hội tụ và tỏa sáng, tiêu biểu cho giá trị văn hóa và con người Việt Nam.

---------------------------------

(*) Xem Trang Hà Nội, Báo Nhân Dân từ số ra các ngày 19, 22, 26 và 29/7/2022.