Huy động sức mạnh từ khối đại đoàn kết toàn dân

Bài 5: Kiên trì bài học “dân là gốc”

Năm 2023, thành phố Hà Nội tập trung thực hiện nhiều nhiệm vụ lớn, quan trọng, trong đó, có việc điều chỉnh bổ sung Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2060 và sửa đổi Luật Thủ đô.
0:00 / 0:00
0:00
Lãnh đạo Trung ương và thành phố Hà Nội dự Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc thành phố Hà Nội năm 2023.
Lãnh đạo Trung ương và thành phố Hà Nội dự Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc thành phố Hà Nội năm 2023.

Mặt trận các cấp thành phố cần đẩy mạnh tuyên truyền vận động để người dân thấy được vai trò chủ thể của mình trong thực hiện các nhiệm vụ này, từ đó tích cực tham gia trong từng khâu, từng bước.

Trên thực tế, trong nhiều phong trào, cuộc vận động khi được thực hiện tại nhiều nơi, nhất là tại các vùng sâu, vùng xa, công tác tuyên truyền, vận động người dân chung tay góp sức vào các nhiệm vụ chính trị ở địa phương chưa đến nơi đến chốn, còn mang tính hình thức. Nguyên nhân một phần là do một số cán bộ còn thiếu năng lực, thiếu kỹ năng tuyên truyền, vận động. Bên cạnh đó, nhiều nơi việc tuyên truyền còn chưa sâu sát thực tế, chưa làm cho nhân dân hiểu được quyền lợi khi tham gia vào phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương. Cũng có nơi, hình thức tuyên truyền còn khô khan, cứng nhắc, thiếu sự đổi mới, sáng tạo, linh hoạt.

Đơn cử, như việc tổ chức Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc trên địa bàn thành phố Hà Nội đâu đó vẫn còn những hạn chế, như: chất lượng tổ chức ngày hội chưa đồng đều giữa các địa phương, địa bàn; việc tổ chức ngày hội một số nơi còn hình thức, nặng về phần lễ, chưa chú trọng đến phần hội. Cùng với đó năng lực tổ chức, điều hành của Ban Công tác Mặt trận một số nơi còn lúng túng. Việc bình xét công nhận gia đình văn hóa, biểu dương tập thể, cá nhân tiêu biểu có nơi còn chưa tạo thành động lực để thúc đẩy phong trào. Một số nơi chưa thu hút được mọi tầng lớp nhân dân tham gia, phần lớn người tham gia là người cao tuổi. Nguyên nhân của những hạn chế đó là do công tác tuyên truyền chưa sâu; công tác lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền vẫn còn một số nơi chưa thật sự quan tâm đúng mức; sự phối hợp giữa trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố và trưởng ban công tác Mặt trận ở một số nơi còn chưa chủ động, nhất là việc huy động các ngành, đoàn thể của địa phương trong việc tổ chức ngày hội.

PGS, TS Nguyễn Chí Mỳ, nguyên Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội cho rằng, thời gian qua, các cấp chính quyền thành phố Hà Nội đã làm rất tốt việc “lấy dân làm gốc”, “dân làm trung tâm”. Trong đó, vai trò giám sát, phản biện xã hội của MTTQ thành phố Hà Nội được thực hiện thường xuyên, nhất là trong việc lấy ý kiến vào các dự thảo luật, nghị quyết cũng như các chính sách mới liên quan trực tiếp đến đời sống dân sinh... từ đó, đề xuất với cấp ủy, chính quyền điều chỉnh, bổ sung, xây dựng các chế độ, chính sách phù hợp nhằm phục vụ nhân dân tốt hơn. Đứng trước các nhiệm vụ trong giai đoạn tới, PGS, TS Nguyễn Chí Mỳ cho rằng, Hà Nội cần tập trung vào việc lấy người dân làm trung tâm trong xây dựng và phản biện các cơ chế, chính sách; vận hành cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ”; thực hiện phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”, trong đó trao đổi rõ về cơ chế giám sát của nhân dân, đánh giá mức độ thụ hưởng của người dân... Đặc biệt, để cho nhân dân tin, cán bộ Hà Nội nói chung, cán bộ Mặt trận nói riêng phải dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung; chịu khó lắng nghe ý kiến, phản ánh từ nhân dân thông qua các cuộc tiếp xúc cử tri và tiếp công dân...

Phụ trách địa bàn có hơn 2.800 nhân khẩu với sự đa dạng về thành phần giai cấp lẫn tôn giáo (hơn 90% số hộ gia đình theo đạo Thiên Chúa giáo), ông Trương Đình Quý, Bí thư Chi bộ, Trưởng ban Công tác Mặt trận Tổ dân phố số 5, phường Trung Văn (quận Nam Từ Liêm) cho rằng, người cán bộ Mặt trận phải luôn gần dân, hiểu dân và có trách nhiệm với dân; lắng nghe và kịp thời nắm bắt nguyện vọng chính đáng của dân. Từ kinh nghiệm bản thân vận động đồng bào Công giáo tham gia vào nhiệm vụ chung, ông Quý khẳng định, cán bộ cơ sở phải tranh thủ ảnh hưởng của các chức sắc tôn giáo để thực hiện công tác tuyên truyền vận động. Với sự tận tâm, linh hoạt và sáng tạo trong công tác, ông Quý luôn được người dân kính trọng và dành sự tín nhiệm cao; góp phần quan trọng đưa Tổ dân phố số 5 nói riêng, phường Trung Văn nói chung trở thành điểm sáng trong công tác đoàn kết tôn giáo, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Nhìn lại quá trình đấu tranh và giải phóng dân tộc, xây dựng đất nước của Đảng ta, tư tưởng “lấy dân làm gốc” và bài học “huy động sức dân” đã được chứng minh trong mọi giai đoạn, hoàn cảnh. Ngày nay, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân đã và đang được Mặt trận Tổ quốc các cấp thành phố Hà Nội chứng minh bằng những chương trình, hoạt động thường nhật gắn với đời sống của nhân dân. Đây là minh chứng rõ nhất về sự tiếp thu, phát huy hiệu quả bài học quý mà cha ông để lại.
------------------
(★)Xem Trang Hà Nội, Báo Nhân Dân số ra các ngày 12, 15, 19 và 22/12/2023.
(Tiếp theo và hết) (★)