Chuyển đổi số là khâu đột phá
Tại nhiều bộ, ngành, địa phương, công tác cải cách hành chính (CCHC) đạt nhiều kết quả tích cực, nhất là việc rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính (TTHC), cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh; tích cực rà soát, kiện toàn cơ cấu tổ chức và sửa đổi, bổ sung quy chế làm việc để nâng cao chất lượng hoạt động bộ phận một cửa các cấp theo quy định. Nhiều đơn vị tiêu biểu trong việc thường xuyên rà soát, xây dựng và cập nhật quy trình nội bộ, quy trình điện tử, quy trình liên thông để giải quyết hồ sơ TTHC, đã ban hành nhóm TTHC liên thông thuộc phạm vi, lĩnh vực quản lý, tạo thuận lợi cho triển khai thực hiện.
Trong bối cảnh nguồn lực hạn chế, nhiều nơi chọn cải cách thể chế, chuyển đổi số làm khâu đột phá; đơn giản hóa TTHC trở thành trọng tâm, trọng điểm; nâng cao chất lượng đội ngũ là yếu tố cơ bản, quyết định hiệu lực và hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước.
Một điểm mới trong nhận thức của hầu khắp các cấp, các ngành trong cả nước là việc đổi mới tư duy và hành động xuất phát từ lợi ích của người dân, doanh nghiệp; lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm; lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp là thước đo đánh giá chất lượng phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước các cấp. Từ lề lối làm việc, phương thức quản trị đều dần được chuẩn hóa theo hướng hiện đại, trên cơ sở đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số, thực hiện chuyển đổi số trong hoạt động.
Ðể tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại, đồng thời bảo đảm công tác quản lý nhà nước chặt chẽ, Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính) xác định cải cách TTHC là nhiệm vụ trọng điểm, tiến hành thường xuyên và liên tục đổi mới trên tất cả các quy trình nghiệp vụ. Ðơn vị luôn đặt yêu cầu cải cách TTHC ngay trong quá trình xây dựng chính sách, pháp luật, thường xuyên tổng kết kinh nghiệm thực tiễn và tăng cường đối thoại giữa cơ quan hải quan với doanh nghiệp để tiếp tục giảm mạnh các TTHC hiện hành. Tuy nhiên, với khối lượng công việc ngày càng lớn, yêu cầu chất lượng, hiệu quả ngày càng cao, Tổng cục Hải quan nhận thấy nhu cầu tất yếu khách quan của việc chuyển đổi số trong từng quy trình, từng khâu nghiệp vụ trong toàn ngành với lộ trình, bước đi phù hợp.
Theo đó, Tổng cục Hải quan đã ban hành Kế hoạch chuyển đổi số ngành Hải quan đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, xác định chuyển đổi số là nhằm tạo ra sự đột phá trong công tác quản lý nhà nước về hải quan, xây dựng ngành Hải quan chính quy, hiện đại, ngang tầm nhiệm vụ; định hướng đến năm 2030 hoàn thành Hải quan thông minh. Giai đoạn 2021-2025, toàn ngành tập trung đẩy mạnh chuyển đổi số trong công tác nghiệp vụ hải quan, trong triển khai Cơ chế một cửa quốc gia và Cơ chế một cửa ASEAN và chuyển đổi số phục vụ doanh nghiệp xuất, nhập khẩu.
Làm việc tại Cục Hải quan tỉnh Bắc Ninh, chúng tôi được biết, chỉ riêng 6 tháng đầu năm 2022, tổng kim ngạch toàn Cục đạt 89 tỷ USD (tăng 26% so cùng kỳ) với hơn 505 nghìn tờ khai, số thu ngân sách gần 6,59 nghìn tỷ đồng. Ðể giải quyết khối lượng công việc lớn trong bối cảnh nhân lực hạn chế, đơn vị xác định phải chuyển đổi số gắn với CCHC trong từng khâu, từng quy trình nghiệp vụ.
Phó Cục trưởng Hải quan tỉnh Bắc Ninh Dương Minh Ðức cho biết: Hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin trong đơn vị luôn là ưu tiên hàng đầu, áp dụng trong tất cả các quy trình nghiệp vụ, thủ tục hải quan đã được điện tử hóa mọi lúc, mọi nơi. Trong đó, tập trung triển khai nộp thuế điện tử, quản lý hải quan tự động, quản lý thuế xuất, nhập khẩu, quản lý rủi ro, kiểm tra sau thông quan, xử lý vi phạm. Cùng với đó, các hệ thống: quản lý phương tiện đường biển (E-manifest), thông tin nghiệp vụ hải quan (Ecustom-V5), quản lý hải quan tự động (VASCM)… được khai thác, vận hành đồng bộ với hệ thống thông quan điện tử VNACCS/VCIS, giúp giảm thời gian thông quan hàng hóa, giảm chi phí phát sinh cho doanh nghiệp trong quá trình làm thủ tục.
Tại nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước, việc tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số và ứng dụng các tiến bộ khoa học, công nghệ được coi là đột phá quan trọng để đổi mới phương thức làm việc, nâng cao năng suất, hiệu quả hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước các cấp, nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công cho người dân, tổ chức. Tuy nhiên, từ thực tế cơ sở cho thấy, việc CCHC không thể chỉ xem xét, chú trọng "tốc độ" giải quyết, trả kết quả mà cần đặc biệt quan tâm chất lượng thẩm định, nhất là đối với những hồ sơ, dự án chuyên ngành, có tác động lớn tới đời sống xã hội, cuộc sống nhân dân.
Lãnh đạo UBND tỉnh Nghệ An, Ban Quản lý Khu kinh tế Ðông Nam cho biết: Ðối với nhiều dự án, hồ sơ, sẽ là không đầy đủ nếu chỉ xét duyệt trên giấy mà còn phải dành thời gian để các chuyên gia xem xét thực tế, đánh giá tác động, hiệu quả thực chất… Áp lực trong cải cách TTHC có thể dẫn đến cách làm vội vàng, chiếu lệ và từ đó sẽ xuất hiện những quyết định không chính xác.
Ban Chấp hành Ðảng bộ tỉnh Nghệ An vừa thông qua Nghị quyết về chuyển đổi số tỉnh Nghệ An đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Trên cơ sở đó, Ban cán sự đảng UBND tỉnh đã xác định chủ đề của công tác CCHC năm 2022 là "Tập trung chuyển đổi số trong các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh Nghệ An".
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nghệ An Lê Hồng Vinh cho biết: Nội dung này là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt và toàn diện, mang tính đột phá, yêu cầu sự vào cuộc đồng bộ, quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là vai trò của người đứng đầu và sự chung tay của toàn dân. Lấy doanh nghiệp, người dân là trung tâm của chuyển đổi số; thúc đẩy chuyển đổi số trong xã hội; từ đó, tạo lực kéo tiến trình chuyển đổi số trong cơ quan nhà nước. Việc này cần được triển khai liên tục, kiên trì, thực chất, hiệu quả, tránh hình thức, lãng phí nguồn lực; bảo đảm tính kế thừa và đổi mới sáng tạo với những bước đi vững chắc, phù hợp thực tiễn trong từng thời kỳ, từng ngành, lĩnh vực.
Từ năm 2021 đến nay, dù tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhưng người đứng đầu các ngành, các cấp trên địa bàn tỉnh Ðồng Tháp rất quan tâm chỉ đạo, điều hành đẩy mạnh công tác CCHC. Ðáng chú ý là thực hiện nâng cấp, hiện đại hóa công sở; công khai, minh bạch thông tin, quy định về TTHC; triển khai tốt cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông.
Ðối với công tác giải quyết TTHC, tỉnh đã khắc phục cơ bản tình trạng giải quyết hồ sơ bị trễ hạn, quá hạn. Sáu tháng đầu năm 2022, kết quả giải quyết hồ sơ TTHC đúng hạn trên địa bàn tỉnh đạt 97,29%. Ngoài ra, Cổng dịch vụ công tỉnh Ðồng Tháp cung cấp 256 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 1.194 dịch vụ công trực tuyến mức độ 4. Hoàn thành tích hợp với Cổng dịch vụ công quốc gia 1.450 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4.
(Phó Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Ðồng Tháp Ðỗ Thị Thanh Trang)
Có mặt tại Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả phường 2, thành phố Cao Lãnh (tỉnh Ðồng Tháp), chúng tôi nhận thấy, chưa đầy 20 phút, đã có hàng chục lượt người ra vào thực hiện các thủ tục xác nhận, sao y bản chính, nhận kết quả… Việc giao dịch ở đây được thực hiện rất nhanh. Không ít trường hợp chứng thực sao y bản chính khoảng 10 phút là có kết quả, người dân ngồi chờ nhận kết quả chứ không còn phải chờ nhận phiếu hẹn.
Công chức Võ Thị Chính cho biết: "Thực hiện mô hình Quản lý dữ liệu công dân trên địa bàn, công dân phường 2 đến giao dịch tại Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả, như: văn bằng, chứng chỉ, căn cước công dân, hộ khẩu... sẽ được cấp một thẻ có mã số giao dịch và được cập nhật thông tin trên hệ thống dữ liệu công dân. Khi thông tin đã được cập nhật, những lần sau, công dân đến đây để thực hiện giao dịch thì công chức sẽ truy xuất thông tin của công dân thông qua mã số giao dịch ghi trên thẻ, người dân không cần mang theo bản chính giấy tờ tùy thân".
Ông Nguyễn Văn Thành, sinh năm 1954, ngụ khóm 3, phường 2, cầm trên tay chiếc thẻ giao dịch, cho biết: "Cách đây một tuần, tôi được cấp thẻ có mã số. Nhờ có chiếc thẻ đơn giản này, tôi đến phường giao dịch mà không cần mang các giấy tờ tùy thân, rất gọn gàng và thuận tiện". Ðối với các công dân trẻ, mô hình Quản lý dữ liệu công dân trên địa bàn cũng mang đến sự trải nghiệm thú vị. Chị Nguyễn Thị Kim Anh, sinh năm 1989, ngụ khóm 2, phường 2 chia sẻ: "Biết được mô hình Quản lý dữ liệu công dân, tôi đã đến để trải nghiệm. Tôi thấy mô hình rất thú vị, phù hợp cho mọi lứa tuổi".
Mô hình nêu trên đã giúp nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, công chức trong thực thi công vụ, trong việc ứng dụng công nghệ thông tin vào công việc để phục vụ người dân và doanh nghiệp, giúp tiết kiệm chi phí, thời gian và tạo điều kiện thuận lợi cho công dân trong quá trình thực hiện các TTHC.
Chủ tịch UBND phường 2, Hồ Lê Hoàng Khoa cho biết: "Thời gian tới, phường thực hiện nhân rộng mô hình phục vụ cho các công dân ngoài địa bàn phường khi đến giao dịch. Phường tuyên truyền vận động công dân thực hiện hồ sơ trực tuyến, không dùng bản giấy, không cần đem giấy tờ tùy thân đến giao dịch tại Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả. Ðịnh hướng tới đây, chính quyền phường sẽ không cấp thẻ giao dịch, mà ứng dụng phần mềm nhận diện khuôn mặt khi công dân đến giải quyết TTHC. Khi hệ thống nhận diện được khuôn mặt thì sẽ tự động truy xuất ra dữ liệu của công dân đã được lưu trữ sẵn".
Quyết tâm xây dựng chính quyền điện tử hướng tới chính quyền số đã mang lại nhiều kết quả tác động tích cực đối với người dân, doanh nghiệp trong việc tiếp cận dịch vụ công dễ dàng hơn, được phục vụ tốt hơn. Tuy nhiên, thực tế tại nhiều địa phương hiện nay đang nổi lên vấn đề rất cần lưu ý, đó là: Hệ thống phần mềm trong giải quyết TTHC chưa được tích hợp hoặc thiếu đồng bộ, liên thông với nhau, cho nên trong nhiều trường hợp, khi giải quyết TTHC, cán bộ, công chức và người dân, tổ chức vẫn mất rất nhiều thời gian cho các hoạt động mang tính chất thủ công. Có nơi, cấp xã đang dùng phần mềm do một công ty viễn thông xây dựng, cung cấp nhưng cấp huyện thì lại dùng phần mềm của đơn vị viễn thông khác. Ðiều đáng nói là các phần mềm này không liên thông được với nhau, dẫn đến những khó khăn, trục trặc trong quá trình cung ứng dịch vụ công trực tuyến cho người dân.
Các địa phương cần ưu tiên nguồn lực, tập trung triển khai hiệu quả các nhóm giải pháp về xây dựng, phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số; đẩy nhanh tiến độ xây dựng và triển khai hiệu quả các cơ sở dữ liệu nền tảng tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin nhằm đổi mới căn bản phương thức làm việc của các cơ quan nhà nước, bảo đảm nâng cao năng suất, hiệu quả hoạt động của các cơ quan, đơn vị. Tổ chức vận hành hiệu quả Cổng dịch vụ công quốc gia và Cổng dịch vụ công của các bộ, tỉnh; đồng thời, quan tâm đầu tư, nâng cấp các chức năng, tiện ích mới của Cổng dịch vụ công nhằm tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong quá trình tiếp cận thông tin, giải quyết hồ sơ trực tuyến.
Hoàn thiện thể chế đáp ứng yêu cầu phát triển
Nhìn chung, kết quả CCHC của các bộ, ngành, địa phương đều thể hiện sự tăng trưởng tích cực qua từng năm. Tuy nhiên, qua tìm hiểu thực tế, chúng tôi nhận thấy vẫn có sự phân hóa rõ giữa các tỉnh, thành phố và giữa các vùng kinh tế mà nguyên nhân chủ yếu từ phía chủ quan.
Nhiều chuyên gia trong lĩnh vực CCHC cho rằng: Thời gian tới, Chính phủ cần chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương bám sát yêu cầu thực tiễn của CCHC để đề ra các giải pháp cụ thể tổ chức thực hiện hiệu quả. Thường xuyên rà soát tăng cường đổi mới sáng tạo và mạnh dạn triển khai thí điểm, nhân rộng các mô hình hay, có tính đột phá. Cần chú ý xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật nâng cao tính rõ ràng, minh bạch, đồng bộ, thống nhất và bảo đảm khả thi của các văn bản quy phạm pháp luật sau khi ban hành, đáp ứng yêu cầu phát triển của ngành, lĩnh vực và địa phương. Tăng cường rà soát, cắt giảm và đơn giản hóa TTHC một cách thực chất và hiệu quả; kiểm soát chặt chẽ việc ban hành TTHC mới, bảo đảm đơn giản, dễ hiểu, dễ thực hiện. Kịp thời công bố, công khai và cập nhật TTHC trên cổng thông tin, trang thông tin của cơ quan, đơn vị và tại nơi tiếp nhận hồ sơ TTHC. Tổ chức thực hiện tốt việc giải quyết hồ sơ TTHC cho người dân, tổ chức, hướng đến giảm hồ sơ trễ hạn, giảm thời gian đi lại và hướng tới sự hài lòng của người dân, tổ chức.
Cùng với đó, tiếp tục đổi mới việc thực hiện, cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC theo hướng không phụ thuộc vào địa giới hành chính, gắn với số hóa và sử dụng kết quả số hóa hồ sơ, giấy tờ, kết quả giải quyết TTHC, kịp thời giải quyết các phản ánh, kiến nghị về các quy định TTHC, tránh gây bức xúc, tạo dư luận không tốt trong nhân dân. Tăng cường kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm những trường hợp cán bộ, công chức, viên chức có hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực, yêu cầu người dân, tổ chức nộp thêm các giấy tờ ngoài quy định khi giải quyết TTHC. Có cơ chế loại bỏ, bãi miễn những người không hoàn thành nhiệm vụ, vi phạm kỷ luật, mất uy tín với nhân dân.
Một số cán bộ của các địa phương, bộ, ngành băn khoăn trước thực trạng: Có những nội dung công việc khi đưa ra thì được nhấn mạnh phải cắt giảm thủ tục; nhưng khi triển khai cắt giảm thì lại vướng những vấn đề liên quan quy định của pháp luật trong từng nội dung. Nếu cắt giảm có thể giảm được thời gian xem xét thủ tục, nhưng việc cắt giảm đó lại không bảo đảm nguyên tắc tuân thủ các quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, "ranh giới" giữa tinh thần tạo điều kiện, hỗ trợ với thực trạng nhũng nhiễu, hạch sách, vòi vĩnh người dân của công chức các cơ quan hành chính rất mong manh. Bởi nhiều quy định pháp luật thiếu chặt chẽ, thậm chí mâu thuẫn với nhau, khi đó việc căn cứ, áp dụng quy định pháp luật nào để giải quyết công việc sẽ phụ thuộc vào ý chí chủ quan công chức thực thi công vụ. Ðây cũng là vấn đề vướng mắc đã được một số địa phương kiến nghị với Ðoàn đại biểu Quốc hội tỉnh mình để trình ra tại các kỳ họp của Quốc hội xem xét và tìm hướng tháo gỡ kịp thời.
Sự chồng chéo, đan xen thậm chí mâu thuẫn nhau trong một số quy định của hệ thống pháp luật nói chung cần phải được xem xét quyết liệt, cụ thể hơn nữa để giải quyết tận gốc những vướng mắc trong quá trình đổi mới của đất nước.
Trải qua nhiều giai đoạn với những đổi mới về tư duy, nhận thức, công tác CCHC đang từng bước tháo gỡ rào cản về thể chế, cơ chế, chính sách, giúp phân bổ và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội. Tuy nhiên, trước những thách thức to lớn trong tiến trình hướng tới nền hành chính chuyên nghiệp, hiện đại, có năng lực kiến tạo phát triển, hơn bao giờ hết, cả hệ thống chính trị cần nhìn lại mình, cấp thiết đổi mới, linh hoạt hơn, nhạy bén hơn, sáng tạo hơn.
CCHC không chỉ là công việc riêng của hệ thống hành chính, mà là yêu cầu chung của toàn xã hội. Vì vậy, cần tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến thông tin để mọi cán bộ, công chức và người dân nhận thức đúng, đồng thuận, chấp hành các chủ trương, chính sách, nội dung CCHC của Ðảng, Nhà nước; giúp cho công tác CCHC đi vào chiều sâu để xây dựng nền công vụ thật sự vì người dân và lấy người dân làm trung tâm phục vụ.