Chiêu thức ngày càng tinh vi
Ngay sau khi để lại lời bình luận trên trang fanpage "Chúng tôi biết sự thật về Hội Thánh Đức Chúa Trời", facebook của tôi xuất hiện lời mời kết bạn của nickname Giang Đ., đi kèm tin nhắn: "Những người phê phán Hội Thánh Đức Chúa Trời là người không tham gia Hội Thánh. Người ở ngoài không hiểu chuyện bên trong thì phát biểu đúng làm sao được?". Kể từ hôm đó, ngày nào tôi cũng nhận được những lời hỏi thăm, chúc sức khỏe của Giang Đ. Đồng thời câu chuyện về "Hội Thánh Đức Chúa Trời" cũng đi vào "chiều sâu". Tôi được khen là người "có phước" khi tiếp cận "Đức Chúa Trời" và được khuyến khích tham gia bình luận về "Hội Thánh Đức Chúa Trời Mẹ" trên mạng xã hội, bởi: "Nếu đã tin thì cần bảo vệ đức tin của mình". Tiếp đó, tôi được hướng dẫn để gặp gỡ những người có chức sắc cao hơn; tiến tới chịu phép baptem (một nghi lễ quan trọng thể hiện dấu hiệu của sự ăn năn, gột bỏ tội lỗi sự chấp nhận "Đức Chúa Trời" trong cuộc sống). Theo giải thích, tôi sẽ tiếp tục được "học hỏi" để đi đến Lễ Vượt qua. Sau khi tham gia Lễ Vượt qua sẽ được "Đức Chúa" bảo vệ để có hạnh phúc, bình an, mới thoát được khỏi "ngày tận thế".
Trái với thông tin về việc những người giảng đạo hay "nói lấy được" về "Chúa Trời", về hạnh phúc, giải thoát khổ đau… "nhân vật" Giang Đ. của tôi trò chuyện một cách đầy hiểu biết, phản ứng một cách rất điềm tĩnh trước những lời phê phán nhằm vào "Hội Thánh". Điều này cho thấy những người truyền đạo "thế hệ mới" đã có sự linh hoạt, uyển chuyển hơn rất nhiều trong việc tiếp cận các "con mồi" sống ở khu vực đô thị, nhất là các thành phố lớn. Ban đầu họ thường nương theo những tôn giáo, những niềm tin, tín ngưỡng vốn có lâu nay của người Việt để tăng tính thuyết phục. Vì thực hiện nhiều cách thức khác nhau nên nạn nhân của tà đạo này rất đa dạng về tuổi tác, nghề nghiệp.
Sau một thời gian bị "tẩy chay", "Hội Thánh Đức Chúa Trời Mẹ" đang có dấu hiệu quay trở lại. Ở lần trở lại này cách thức hoạt động lặng lẽ hơn, chiêu thức dụ dỗ các tín đồ cũng tinh vi hơn. Họ "khoanh vùng" đối tượng thành những nhóm khác nhau căn cứ vào lứa tuổi, nghề nghiệp... Cách tiếp cận ban đầu thường "đánh" vào tâm lý cần sự chia sẻ, cảm thông trong cuộc sống; sau đó dựa theo nhu cầu của từng đối tượng để áp dụng những biện pháp dẫn dụ khác nhau. Những người ốm đau, bệnh tật thì được mời tham gia những buổi tư vấn về sức khỏe. Đối với sinh viên, các đối tượng tiếp cận bằng cách mời tham gia các hoạt động hội sách, báo, câu lạc bộ khoa học hay các hoạt động từ thiện… Trong đó, những sinh viên mới về thành phố học tập, thuê trọ xa nhà thường tâm lý chưa ổn định nên dễ "mắc bẫy" hơn cả. Khi hẹn gặp để "truyền đạo", phía "Hội Thánh Đức Chúa Trời Mẹ" thường đi từ hai đến ba người để thay nhau "bọc lót" các tình huống xảy ra, tăng độ thuyết phục đối với "con mồi". Việc đánh vào tâm lý, tiếp đến là đức tin, dùng các thủ thuật thao túng tâm lý khiến một khi nạn nhân "dính bẫy" thì sẽ rất khó thoát ra.
Những hệ lụy khi bị mắc bẫy
Trên thực tế, không chỉ "Hội Thánh Đức Chúa Trời", nhiều tà đạo khác vẫn âm thầm len lỏi xâm nhập vào đời sống của cư dân tại các đô thị. Bà Đinh Thị L. may mắn trở về cuộc sống bình thường mấy năm nay, nhưng mấy năm trước bà là một "tín đồ" trung thành của tà đạo "Long Hoa Di Lặc". Khi ấy, vì bị mê hoặc bởi tà đạo bà còn hăng hái đi thuyết phục bạn bè người thân. Thậm chí, để hàng xóm, bạn bè tin theo, bà còn may nhiều bộ đồng phục đi phát, tặng cho mọi người, đồng thời xin danh sách thành viên các gia đình để đi… lễ hộ.
Bà Đinh Thị L. nhớ lại: "Năm đó chồng tôi bị bệnh và qua đời. Chỉ còn mình tôi với ba đứa con. Có đứa vẫn chưa trưởng thành nên cuộc sống khó khăn. Quê mình, quê chồng lại xa, không biết dựa vào đâu. Lúc đó tôi thật sự khủng hoảng tinh thần. Một người bạn rủ tôi đi chùa lễ Phật cho lòng thanh thản. Ban đầu tôi đi lễ chùa cùng họ. Nhưng sau đó thì mới biết dù đi lễ chùa nhưng họ lại có tổ chức, hội đoàn riêng, trang phục riêng. Tôi thấy cũng không có gì quá phiền phức nên tham gia. Đặc biệt vào dịp rằm tháng bảy, có lễ "mở cửa ngục", tôi được các "thầy" giúp, cho vào "cõng" người thân ra khỏi ngục. Lúc đó chồng tôi mất chưa lâu nên những nghi lễ đó giúp tôi được an ủi rất nhiều".
Bà L. chia sẻ: "Tôi chỉ thật sự nhận ra "Long Hoa Di Lặc" có vấn đề khi họ sử dụng hình tượng những lãnh đạo cách mạng "giáng" hay "nhập" vào các tín đồ để "phán" những nội dung về phát triển đạo, về vấn đề của cuộc sống, kể cả chuyện gia đình, vợ chồng, con cái… Phải chăng đó là lợi dụng niềm tin để truyền đạo? Hơn nữa, một số người bị bệnh được khuyên không chữa bệnh, chỉ tụng kinh là qua khỏi, nhưng sau đó bệnh nặng thêm. Chuyện đóng quỹ cũng rất phức tạp, thiếu minh bạch. Kết hợp với việc con cái hướng dẫn tôi nghe những clip về đạo Phật nguyên gốc, tôi nhận ra yếu tố mê tín, lợi dụng tôn giáo để trục lợi của "Long Hoa Di Lặc". Có một thời gian tôi phải đi giải thích cho những bạn bè mà mình đã trót tuyên truyền để họ thức tỉnh, rất may mọi người đều đã dừng lại".
Tác hại của việc đi theo những tà đạo đã thể hiện trên thực tế: nhiều người sau khi đi theo tà đạo đã thay đổi hẳn tâm tính, suốt ngày âu sầu nghĩ đến ngày tận thế, có bệnh không muốn chữa, bao nhiêu tiền của đều cung tiến cho "thầy"; xa lánh người thân, ngay cả bố mẹ, vì tin rằng chỉ có lời của "Đức Chúa Trời" mới là chân lý, còn lại là lời của ma quỷ... Ban đầu, các "chân rết" của các tà đạo đưa ra những lý lẽ khá thuyết phục để dẫn dụ, nhưng càng ngày những nội dung truyền bá càng vô lý song nhiều tín đồ vẫn tin theo do bị thao túng tâm lý; hoặc họ bị các đối tượng đe dọa, ép buộc nên không đủ dũng cảm thoát ra.
Ngăn chặn tà đạo len lỏi vào đời sống
Trước diễn biến phức tạp của những hoạt động vi phạm pháp luật núp dưới danh nghĩa tín ngưỡng, tôn giáo, chính quyền địa phương cũng như các cơ quan chức năng tại nhiều tỉnh, thành phố đã phát đi cảnh báo về sự biến tướng của các tà đạo để người dân cảnh giác, không để kẻ xấu lợi dụng. Tuy nhiên, nhiều người khi đã trở thành tín đồ sẽ bị rất nhiều ràng buộc, sức ép nên con đường "vượt qua" cạm bẫy hoàn toàn không đơn giản.
Là một người mới thoát ra khỏi "Hội Thánh Đức Chúa Trời Mẹ", em Nguyễn Hồng L. (một sinh viên mới ra trường, hiện làm việc cho một Công ty du lịch trên địa bàn Hà Nội) cho biết: "Khi thấy em có dấu hiệu ít tham gia các hoạt động của "Hội Thánh Đức Chúa Trời Mẹ", người ta đã dọa nạt em rằng nếu không tham gia nữa, họ sẽ công bố việc em tham gia "Hội Thánh" với nhà trường, bạn bè. Họ còn giữ những hình ảnh em tham gia các buổi lễ nên em rất sợ.
Ngăn chặn những "vòi bạch tuộc" của các tà đạo, không cho len lỏi vào đời sống các cư dân đô thị là công việc đầy thách thức. Vì vậy, biện pháp tốt nhất là phải chủ động xây dựng các biện pháp phòng và chống hiệu quả ngay tại cơ sở. Tại Hà Nội, địa bàn quận Hà Đông là nơi "Hội Thánh Đức Chúa Trời Mẹ" tổ chức một số buổi truyền đạo trái phép. Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc quận Hà Đông Trần Hải Sơn cho biết: "Ngay khi có hiện tượng, Ban Tuyên giáo Quận ủy đã phát đi cảnh báo đến người dân. Về phía các đoàn thể, chúng tôi đã khẩn trương phổ biến đến các khu dân cư, yêu cầu cán bộ Mặt trận phối hợp các đoàn thể ở cơ sở, nhất là Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên bám sát địa bàn từng Tổ dân phố, Tổ liên gia, khẩn trương báo cáo cấp ủy, chính quyền khi có hiện tượng để có biện pháp xử lý".
Đối với các cơ sở giáo dục, nhiều chuyên gia cho rằng cần đẩy mạnh các biện pháp "phòng thủ chủ động" trước sự lôi kéo của một số tà đạo. Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch danh dự Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội cho biết: "Sinh viên là đối tượng chịu sự tác động của xã hội. Tuy nhiên, các trường đại học hiện nay phần lớn không hiểu mong muốn, nhu cầu của sinh viên, dẫn đến việc sinh viên dễ bị lôi kéo theo những cách làm giàu nhanh hay đi tìm đức tin phi tôn giáo". Để giải quyết vấn đề này, các trường đại học cần quan tâm hơn đến đời sống vật chất và tinh thần của sinh viên, tổ chức nhiều hoạt động bổ ích để các em tham gia, khuyến khích sinh viên khởi nghiệp, sáng tạo để thu hút các em. Từ đó, những tà đạo sẽ khó có cách để xâm nhập và phát tác trong môi trường học đường.
(Còn nữa)
(★) Xem Báo Nhân Dân cuối tuần từ số 32, ra ngày 6/8/2023 hoặc truy cập đường link: