Sóng đỏ sông Đằng

Sẽ có một lần, mà cũng có thể nhiều hơn, tôi đưa con mình đến chốn này. Không bài học lịch sử nào về lòng tự hào dân tộc mà chúng có được từ những trang sách so sánh được với cảm giác ngập tràn biết ơn và kiêu hãnh, khi đứng dưới bầu trời nắng lửa gay gắt ở đây, nhìn ra mênh mông sông lớn, dưới chân tượng đài của ba vị anh hùng dân tộc. Tôi sẽ đọc cho bọn trẻ nghe, tại đây, câu đối nổi tiếng trong giai thoại về Giang Văn Minh bất khuất: "Đằng giang tự cổ huyết do hồng".
0:00 / 0:00
0:00
Quảng trường Chiến thắng Bạch Đằng.
Quảng trường Chiến thắng Bạch Đằng.

Chỉ mất chưa đầy hai giờ đồng hồ lái xe từ Thủ đô, vượt sông Hồng, rồi theo đường cao tốc Hà Nội-Hải Phòng hướng về miền "hải tần phòng thủ" phía đông, là đã có thể đến được Khu di tích Bạch Đằng Giang (huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng).

Bạch Đằng Giang! Ba tiếng ấy ngân lên, đủ làm bất cứ tâm hồn người Việt nào cũng như có một luồng điện chạy qua, chẳng khác nào khi nghe âm hưởng hào hùng của bản Tiến quân ca. Không biết có phải vì cũng là một người con đất Cảng, lớn lên ngay cạnh cửa sông và hàng cọc ba lần nhuộm máu ngoại xâm hay không, mà người nhạc sĩ tài hoa có thể cô đọng tinh thần cả nghìn năm chống giặc trong lịch sử đất nước vào bản Quốc ca hùng hồn đến như vậy.

Bạch Đằng Giang, theo cách riêng của nó, đã là một bản "Tuyên ngôn độc lập" đanh thép không lời.

Và Khu di tích Bạch Đằng Giang là sự cụ thể hóa dáng vóc của bản "Tuyên ngôn độc lập không lời" ấy, trong hiện thực. Nơi đây, mỗi bước đi của chúng ta đều như thấm đẫm nguyên khí hùng thiêng thuở cha ông dựng nước và giữ nước.

Có lẽ không phải ngẫu nhiên, trước khi đến được quần thể tượng đài Ngô Quyền-Lê Đại Hành-Trần Hưng Đạo sát bờ nước sóng đỏ xôn xao quanh dấu tích bãi cọc xưa, con đường dẫn từ cổng vào êm ả và thanh bình đến như vậy. Dưới rợp những tán cây, mỗi lần cúi đầu trước đền thờ các bậc tiền nhân trong mùi khói hương thành kính, là một lần niềm tri ân cũng như những ý niệm về dải non sông hoa gấm hiền hòa này lại được khắc họa thêm rõ rệt.

Trước khi bước ra Quảng trường Chiến thắng Bạch Đằng lộng gió, uy nghiêm trên mây nước, nhất thiết, ta phải lên đền Mẫu trên đỉnh núi. Không chỉ để chắp lại những mối dây liên hệ với tâm thức ngàn xưa, mà từ đây, đưa mắt nhìn bốn phía, ai yêu thích tìm hiểu lịch sử dân tộc cũng có thể tự "xuất thần", thấy mình đang được ngược dòng thời gian, trở về làm một viên cận tướng dưới trướng Đức Ngô Vương - bậc "Tổ trung hưng" của đất nước, hay đang sẵn sàng đợi lệnh Đức Thánh Trần, khi xa xa nơi chân trời, đã hằn lên bóng dáng hắc ám của những đoàn thuyền giặc.

Và sau đó, đôi chân thấm mệt sau một quãng đường "lên dốc xuống đèo" sẽ như được tiếp thêm sinh lực, lúc ta tựa vào lan-can sát mép nước. Sau lưng là lời chính khí ngàn thu thôi thúc, trong dáng hình Ngô Vương quyết đoán chỉ tay. Đó là khoảnh khắc ta hiểu, vì sao bao nhiêu thế hệ hùng anh sẵn sàng hy sinh, trên khúc sông này, vì nền độc lập của mảnh đất này.

Tôi muốn những đứa trẻ của tôi cũng được hun đúc bởi thứ tình yêu Tổ quốc mãnh liệt này, bởi chính khí này, bởi lòng trân trọng và biết ơn lịch sử này! Tôi muốn cảm xúc của chúng cũng sẽ chạm vào bầu không khí của nghìn năm chiến công oanh oanh liệt liệt nơi đây! Tôi muốn thấy chúng chạy trên quảng trường này, mắt sáng long lanh, tóc bay xấp xõa, như chạy trên một đại lộ đầy tự hào về phía của tương lai và hy vọng!

"Đây Bạch Đằng Giang, sông hùng dũng của nòi giống Tiên Rồng, giống Lạc Hồng, giống anh hùng Nam-Bắc-Trung!"…