Hành trình đoạn tuyệt tà đạo, tìm đến ánh sáng niềm tin

Bài 1: Ngăn chặn "gió độc" ở miền trung

Tại nhiều làng quê miền trung, do nhẹ dạ, cả tin, thiếu hiểu biết, không ít người dân đã bị lôi kéo tham gia vào các hoạt động tín ngưỡng bất hợp pháp. Nhiều năm sau, nỗi hãi hùng về các tà đạo ấy vẫn còn chưa hết ám ảnh, day dứt…
0:00 / 0:00
0:00
Rời bỏ tà đạo, ông Nguyễn Công Châu đã có một cuộc sống vui vẻ, ý nghĩa.
Rời bỏ tà đạo, ông Nguyễn Công Châu đã có một cuộc sống vui vẻ, ý nghĩa.

Làn "gió độc" xuất hiện

Đầu những năm 90 của thế kỷ trước, không ít gia đình, làng quê ở Hà Tĩnh lâm vào cảnh lao đao, ly tán vì tà đạo có tên "Đạo Chân không" hay còn gọi là "đạo Lưu Văn Ty".

Theo thông tin từ Bộ Công an, Lưu Văn Ty sinh năm 1954 ở thôn Thanh Phú, xã Thạch Trung, thành phố Hà Tĩnh, tỉnh Hà Tĩnh. Xuất thân là một công nhân kỹ thuật lái máy kéo, Lưu Văn Ty từng bị kỷ luật do trộm cắp tài sản và bị buộc thôi việc. Sau một thời gian bỏ nhà đi làm ăn xa, một ngày kia Lưu Văn Ty bỗng quay trở về, vỗ ngực tự xưng là "nhà sư", trong mình mang năng lực siêu phàm, có thể giao tiếp được với "người trời" để thực hiện sứ mạng cứu khổ, cứu nạn cho chúng sinh. Lưu Văn Ty lập ra tà đạo "Đạo Chân không", và trực tiếp điều hành mọi hoạt động.

Theo hồ sơ lưu trữ tại các cơ quan chức năng, Ty có cách "hành đạo" rất quái gở và man rợ, như tự cứa cho ngón tay chảy máu rồi vẩy lên người các đệ tử để "ban phước". Ty còn tổ chức các "nghi lễ" quái đản như thúc ép các đệ tử quan hệ tình dục với nhau theo kiểu nguyên thủy (được y gọi là "lễ diệt dục"). Hoặc với lễ "tiêu tội" và "diệt nghiệp", Ty đốt tài sản mà đệ tử đem đến, cho họ phơi người trên đống lửa, nhằm "chữa mọi bệnh tật". Chưa hết, Ty còn chỉ đạo đệ tử cạo trọc đầu, mặc quần áo nâu sồng, đi lang thang khắp nơi xin tiền đem về "cúng dường" cho "thầy". Hàng nghìn gia đình vì dại dột tin nghe theo lời của Ty nên đã tán gia, bại sản.

Năm 1992, Lưu Văn Ty bị Công an tỉnh Hà Tĩnh bắt trong khi đang tổ chức làm lễ "diệt dục" tại nhà riêng. Cơ quan pháp luật đã xử phạt Lưu Văn Ty ba năm tù giam về tội "hành nghề mê tín dị đoan gây hậu quả nghiêm trọng". Hiện nay Lưu Văn Ty đã tuyên bố từ bỏ không hoạt động, nhưng theo phản ánh từ người dân, các đệ tử của Ty vẫn lén lút truyền đạo, thu hút thêm tín đồ, thực hiện nhiều hành vi sai trái.

Ông H.H.H. ở phường Đại Nài, thành phố Hà Tĩnh, hồi tưởng: "Lúc đầu tôi nghĩ do trời xui, đất khiến nên mới bén duyên với Lưu Văn Ty. Nhưng sau này mới biết, hóa ra do tôi có một số "tài lẻ" về văn nghệ, có khả năng thu hút được người khác, nên họ đã chủ động dụ dỗ tôi, để từ đó lôi kéo thêm người tham gia hành đạo trái phép. Đang trong lúc khó khăn, túng quẫn, mất phương hướng, nên vợ chồng tôi đã bị người ta lợi dụng".

Theo quy định Lưu Văn Ty đặt ra, mỗi khi thực hành lễ "diệt dục", "diệt nghiệp", ông H. và các đệ tử phải cởi bỏ quần áo rồi chất thành đống và tưới xăng đốt, sau đó nhảy múa chung quanh tụng niệm, bố thí lẫn nhau. Đặc biệt, các đệ tử phải hóa đốt hết bàn thờ, không được thờ cúng tổ tiên, ông bà, và phải nhịn đói, bỏ ăn... Trong một lần "hành lễ" như thế, căn nhà cấp bốn cùng nhiều tài sản có giá trị khác của gia đình ông, tích cóp hàng chục năm trời, đã bén lửa, biến thành tro bụi.

Giờ đây, bước sang tuổi bát tuần và có cuộc sống hạnh phúc, an nhàn, nhưng ông H. vẫn không quên nhắc nhớ đến vụ cháy nhà 30 năm trước ấy như một bài học đắt giá, để khuyên bảo và cảnh tỉnh con cháu luôn tỉnh táo, cảnh giác, tránh xa những hành vi mờ ám, phi pháp… núp bóng tâm linh, tôn giáo.

Trả lời câu hỏi: "Làm sao vợ chồng ông H. từ bỏ được Đạo Chân không?", ông bà trả lời ngắn gọn: "Phải biết phân biệt phải, trái". Bài học tưởng chừng giản đơn, nhưng họ đã phải đánh đổi bằng chính mất mát, tổn thương của gia đình mình.

"Bỏ lại quá khứ và sống một cuộc đời có giá trị"

Kể với chúng tôi về quá trình theo "đạo lạ" hơn 30 năm về trước, người đàn ông vừa bước qua tuổi 70 Nguyễn Công Châu không hề giấu giếm hay lảng tránh những thăng trầm, "khúc cua hiểm" mà ông từng trải qua. "Con người ai cũng có lúc này, lúc khác, mấu chốt là phải biết bỏ lại quá khứ và sống một cuộc đời có giá trị", ông chia sẻ.

Ông Châu kể: Vào những năm cuối thập niên 80 đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, đời sống của phần đông bà con ở địa phương còn rất khó khăn. Kinh tế kém phát triển, trình độ, nhận thức của một bộ phận người dân thời điểm đó cũng nhiều hạn chế. Nắm bắt được thực tế này, một số đối tượng đã tìm cách tiếp cận, huyễn hoặc người dân, vẽ nên giấc mơ về một cuộc sống khấm khá dù rất đỗi mơ hồ, nhằm lôi kéo, dẫn dụ bà con đi theo các tôn giáo lạ, với niềm tin ngây thơ rằng sẽ có thể thay đổi cuộc sống khó khăn hiện tại.

"Năm 1987, thông qua một bà cô trong thôn sinh sống ở miền nam về quê truyền đạo, tôi tò mò gia nhập để tìm hiểu về bản chất và những điểm tích cực mà đạo phái mang lại cho tín đồ. Đến năm 1993, khi thấy các chức sắc lợi dụng, đưa tư tưởng cực đoan của mình vào giáo lý, giáo luật, tôi quyết định từ bỏ".

Theo ông Châu, thời điểm đó, những người theo "đạo lạ" không được thắp hương, thờ cúng ông bà, tổ tiên, tưởng niệm và tôn vinh những người có công với nước… Từ đây, gây ra nhiều xáo trộn, ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của người dân và tình hình an ninh, trật tự trên địa bàn.

Các "nhà truyền đạo" tự xưng gom nhặt quần áo, chăn màn thừa thãi của các gia đình giàu có ở nơi khác đem về giặt giũ, làm mới rồi phân phát cho bà con (cộng với một ít tiền mặt), và tuyên bố đây là những lợi ích của tín đồ khi theo đạo phái. Khi thấy rõ được chiêu trò lừa dối này, ông Châu càng quyết tâm từ bỏ.

"Với lại, bản thân tôi là tộc trưởng của một chi họ, tục lệ thờ cúng ông bà, tổ tiên đã ăn sâu vào máu của tôi rồi, bỏ sao được! Lẽ ra, tôn giáo phải hướng con người đến việc thiện. Đằng này, họ lại bài xích tín ngưỡng, phong tục truyền thống của ông cha, hủy hoại thuần phong mỹ tục!" - ông Châu phân tích thêm.

Theo chính quyền địa phương xã Thạch Ngọc, Thạch Hà, sau khi đoạn tuyệt với đạo lạ, ông Nguyễn Công Châu tích cực tham gia sản xuất, phát triển kinh tế gia đình, nuôi dạy con cháu ăn học. Đặc biệt, với đức tính dễ gần, hoạt động năng nổ, ông Nguyễn Công Châu đã được người dân tin tưởng bầu giữ chức trưởng thôn từ năm 2013 đến năm 2022.

Nói về gia đình ông H., Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc phường Đại Nài (thành phố Hà Tĩnh) Nguyễn Xuân Hương nhớ lại: Cùng với việc kịp thời thăm hỏi, chia sẻ và hỗ trợ gia đình lúc gặp khó khăn, các tổ chức đoàn thể tại địa phương cũng tích cực tổ chức nhiều hoạt động như văn nghệ, thể dục thể thao… và động viên vợ chồng ông H. tham gia. Bản thân ông H. là người có năng khiếu văn nghệ, nên khi câu lạc bộ thơ Đường của phường được thành lập, ông H. đã tích cực tham gia và trở thành hội viên chủ chốt.

Tuy vậy, theo chia sẻ của lãnh đạo chính quyền địa phương, từ lúc hộ gia đình cam kết không tham gia hành lễ đến thời điểm hoàn toàn đoạn tuyệt với tà đạo này là một quá trình không đơn giản, đòi hỏi sự vào cuộc quyết tâm, kiên trì và đồng bộ của chính quyền cơ sở. Chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng phải nắm chắc tình hình trên địa bàn, phát hiện kịp thời những biểu hiện bất thường để có biện pháp xử lý. Đồng thời, cần tạo dựng được môi trường sống lành mạnh, xây dựng được hành vi, ứng xử chuẩn mực, lối sống tích cực trong cộng đồng.

Chỉ có như vậy mới ngăn chặn được sự xuất hiện và lây lan, phát tác của những "cơn gió độc" mang tên tà đạo. Từ đây cũng cho thấy: Ngăn chặn tà đạo lây lan, gây hại vẫn là một cuộc chiến vô cùng cam go, phức tạp, cần sự đồng lòng, quyết tâm rất lớn của cả cộng đồng.

(Còn nữa)