PHAN ĐÌNH PHÙNG là một trong những con phố nổi tiếng nhất Hà Nội, đặc biệt là khi vào thu. Bằng chứng là tháng 8, tháng 9 năm nay, một lượng lớn khách tham quan đã đổ về, làm tắc cả con đường ba làn xe chỉ để… chụp ảnh bên những xe hoa, khóm lá rụng, bên hàng sấu già, với gốc cây to, tán lá rộng tạo hiệu hứng nắng xen kẽ - những dấu ấn làm nên con đường Phan Đình Phùng thật thu. Bên cạnh đó, mỗi một đoạn đường Hà Nội lại mang những "đặc sản" xanh rất riêng: Kim Mã với hàng xà cừ tán rộng, Trần Hưng Đạo với hai hàng sấu già, Lò Đúc lại có cổ thụ sao đen, Lý Thường Kiệt có cây cơm nguội,…
Hay mới nổi lên mấy năm nay là những phố có cây bàng Đài Loan tán ngang vươn lên những nụ mầm xanh đẹp như một bức tranh… Rồi hàng dây leo xanh mướt phủ kín hầm chui Trần Duy Hưng - Đại lộ Thăng Long (Hà Nội), tạo nên một "cổng chào" đặc biệt dẫn về nội đô…
Có nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, thiên nhiên, cây cối thật sự mang năng lượng chữa lành. Như nghiên cứu của Tiến sĩ Virginia Lohr (Đại học Washington, Mỹ) đưa ra kết luận: Những người làm việc trong môi trường có cây xanh sẽ hiệu quả hơn 12% và ít cảm thấy bị căng thẳng hơn so những người làm việc trong môi trường không có cây xanh. Cũng bởi sự tác động diệu kỳ mà cây cối mang đến cho con người, cho nên ngày càng nhiều bạn trẻ trên thế giới tin vào liệu pháp thiền - ôm cây để giúp giải tỏa áp lực và đạt độ cân bằng cảm xúc.
Hiện nay, Hà Nội ở vị trí 17 trong số 25 điểm đến thu hút nhất châu Á năm 2023, do TripAdvisor công bố. Và thứ hạng này chắc chắn sẽ được cải thiện vào năm tới, khi UNESCO vừa công bố báo cáo công nhận Hà Nội là một trong những thành phố có nhiều cây xanh nhất trên thế giới.
GIỮ được nguồn năng lượng "chữa lành" này đòi hỏi nhiều nỗ lực. Ở Hà Nội, những cổ thụ với tuổi đời cả trăm năm phần lớn đều nằm trong phố cổ, vừa thu hút khách du lịch, vừa là nhân chứng cho ngàn năm văn hiến của Thủ đô, sẽ được nhận chế độ "đãi ngộ", chăm sóc riêng biệt, như thường xuyên kiểm tra, phòng, chống sâu bệnh, rà soát cây mục,… do Công ty Công viên cây xanh Hà Nội phụ trách.
Còn với cây xanh thông thường, công tác chăm sóc cũng không bị lơ là, rõ ràng nhất chúng ta có thể thấy, trước và sau mỗi mùa mưa bão, công tác cắt, tỉa phòng, tránh cây gãy, đổ, hay trồng cây mới cây thay thế được triển khai kịp thời.
Bên cạnh đó, Thành phố Hà Nội đã ban hành kế hoạch trồng mới 500.000 cây xanh đô thị trên địa bàn thành phố, giai đoạn 2021-2025. Theo đó, nhiều cây xanh sẽ được trồng bổ sung, thay thế cây bóng mát vào những vị trí cây chết, hố trống, cây cong, xấu, già cỗi; thay thế cây xanh không thuộc danh mục cây đô thị trên một số tuyến phố, trong khuôn viên các trụ sở, trường học,… Kế hoạch đã phần nào cho thấy hiệu quả khi những trục đường mới mở như Phạm Văn Đồng, Võ Chí Công,… cũng dần có cây xanh, xoa dịu đi sự ngột ngạt của đô thị, và biết đâu hy vọng cổ thụ sẽ không chỉ còn tập trung ở phố cổ nếu cây trồng luôn được chăm sóc, giữ gìn cho tới nhiều năm sau!