Lễ mừng mùa lúa mới của đồng bào Xơ Đăng tại các tỉnh Tây Nguyên diễn ra hằng năm, sau vụ lúa rẫy thu đông cho nên thường tổ chức vào đầu năm mới dương lịch. Do tín ngưỡng tôn trọng thần linh nên buôn làng tổ chức rất cẩn thận theo lệ đã diễn ra hàng trăm năm trước.
Để chuẩn bị cho ngày lễ, già làng và dân làng chọn ngày tốt lành tổ chức. Các gia đình sửa sang lại nhà cửa, cầu thang, những đồ cũ dọn xếp quanh nhà ở những nơi dễ nhìn thấy, để thần Lúa từ rẫy trở về nhà không thấy xa lạ. Đàn ông Xơ Đăng có nhiệm vụ khơi thông mạch nước đầu nguồn, sửa sang bến nước, dựng cây nêu,... Còn phụ nữ phụ trách các công việc nội trợ, chuẩn bị các vật dụng thiêng dùng trong nghi lễ, lấy nước đầu nguồn, nhóm lửa,…
Lễ mừng lúa mới tổ chức với hai nghi lễ chính: tổ chức ăn mừng lúa mới tại mỗi gia đình và tại nhà rông của làng. Để tổ chức lễ tại nhà, chủ nhà và gia đình đến rẫy lúa đã chín của mình, dùng cây le tươi đánh dấu các vị trí tuốt lúa và thực hiện các nghi thức tín ngưỡng trước khi tuốt lúa. Sau đó họ đưa lúa về kho cất giữ. Mỗi gia đình mang một gùi lúa lớn về nhà để cúng lúa mới.
Khi tất cả các gia đình trong làng đã ăn mừng lúa mới, già làng tập trung các chủ hộ để thông báo lễ mừng lúa mới của cả cộng đồng. Vào sáng sớm ngày làm lễ, tại nhà rông, các gia đình trong làng đóng kín cửa, không ai được ra vào, chuẩn bị đầy đủ cơm, rượu ghè và các loại thức ăn nấu sẵn để lên giàn bếp. Già làng là người đầu tiên được phép mở cửa đi đến nhà rông, sau đó đánh trống báo hiệu mời dân làng tới dự.
Các nghi thức chính người Xơ Đăng thực hiện tại nhà rông có: Lễ bến nước mang nước về làm lễ mừng lúa mới; nghi thức té nước đầu nguồn quanh kho lúa với ý nghĩa mong mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu; nghi thức dâng cúng Giàng bữa cơm đầu mùa với sự chung tay đóng góp của người dân bản làng. Sau khi thực hiện các nghi thức truyền thống tại nhà rông, già làng sẽ ăn cơm mới và uống rượu làm phép, các thành viên trong làng lần lượt uống rượu và ăn cơm mới. Tiếp đó, già làng đưa tất cả mọi người ở nhà rông lần lượt đi đến từng gia đình trong làng để chúc mừng.
Khi đã đi đến tất cả các gia đình trong làng, đoàn quay lại nhà rông. Già làng thông báo cho tất cả bà con tập trung về nhà rông để mở hội ăn mừng lúa mới. Cả buôn làng tưng bừng cùng uống rượu cần, múa hát những bài ca truyền thống, đánh cồng chiêng và tham gia các trò chơi, diễn xướng dân gian cho đến tận khuya.