Chủ trương lớn, mang ý nghĩa thiết thực

Thời gian qua, Nghị định số 28/2022/NĐ-CP ngày 26/4/2022 của Chính phủ về tín dụng ưu đãi thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi như "phao cứu sinh" tiếp sức cho các đối tượng thụ hưởng trên địa bàn tỉnh Quảng Trị, từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần.
0:00 / 0:00
0:00
Nhiều hộ dân ở huyện Hướng Hóa được vay vốn, đầu tư vào chăn nuôi gia súc.
Nhiều hộ dân ở huyện Hướng Hóa được vay vốn, đầu tư vào chăn nuôi gia súc.

Huyện Vĩnh Linh có ba xã thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, gồm: xã Vĩnh Ô, Vĩnh Khê, Vĩnh Hà. Thời gian qua, Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện đã quyết liệt triển khai cho vay hỗ trợ xây dựng và sửa chữa nhà ở theo Nghị định 28/2022/NĐ-CP của Chính phủ (Nghị định 28). Phòng giao dịch đã giải ngân được 2,14 tỷ đồng cho 54 hộ vay, tập trung nhiều nhất ở xã Vĩnh Ô với 45 hộ, trở thành điểm sáng trong thực hiện nội dung cho vay hỗ trợ xây dựng và sửa chữa nhà ở được nhiều đơn vị học tập.

Anh Hồ Văn Lai ở thôn Lền, xã Vĩnh Ô, huyện Vĩnh Linh cho biết, năm 2022 được Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Vĩnh Linh cho vay ưu đãi 40 triệu đồng để làm nhà. Anh Lai càng vui hơn khi được Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện hỗ trợ 70 triệu đồng; cùng với số tiền gia đình tiết kiệm được gần 50 triệu đồng, nhờ đó anh đã có thể xây dựng một ngôi nhà kiên cố thay cho căn nhà ở tạm bấy lâu nay. "Tôi biết ơn Đảng và Nhà nước nhiều lắm. Nhờ nguồn vốn vay ưu đãi ban đầu, gia đình tôi có đủ điều kiện để được chính quyền, đoàn thể đồng ý hỗ trợ thêm nguồn lực, ước mơ về ngôi nhà mới lâu nay bây giờ đã trở thành hiện thực", anh Lai xúc động nói.

Còn tại huyện miền núi Hướng Hóa, những ngôi nhà mới mọc lên, những mô hình kinh tế hiệu quả được đầu tư xây dựng là minh chứng sinh động về một chủ trương lớn mang ý nghĩa thiết thực với đồng bào nghèo nơi đây. Nhiều năm qua, gia đình anh Hồ Văn ở thôn A Xóc-Lìa, xã Lìa phải sống trong ngôi nhà sàn cũ kỹ dựng tạm bợ. Anh Văn chia sẻ: nhà anh bị xuống cấp, hư hỏng cho nên được Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện hỗ trợ 40 triệu đồng từ chương trình cho vay hỗ trợ nhà ở. Cùng nguồn vốn dành dụm được, anh Văn đã quyết định xây nhà để gia đình có chỗ ở đàng hoàng. Bên cạnh đó, gia đình anh còn được cho vay 60 triệu đồng hỗ trợ chuyển đổi nghề sang chăn nuôi bò. Gia đình anh rất vui mừng vì được Nhà nước quan tâm, tạo điều kiện về nhà ở, phát triển sản xuất, kinh doanh, ổn định cuộc sống.

Được biết, với chương trình cho vay vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi theo Nghị định 28, đến nay Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Hướng Hóa đã giải ngân 12,9 tỷ đồng với 221 hộ vay vốn, đạt 43,5% kế hoạch được giao. Hai nội dung đang được Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội triển khai cho vay gồm hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà và hỗ trợ chuyển đổi nghề đã mang lại hiệu quả thiết thực cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số. Đã có 113 ngôi nhà được xây dựng mới hoặc cải tạo sửa chữa và hơn 100 dự án trồng cây cà-phê, tràm, bời lời, trồng sắn, chăn nuôi trâu, bò, dê… được người dân đầu tư vốn thực hiện đúng theo chủ trương phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của Chính phủ.

Tại địa bàn huyện miền núi Đắk Rông, tỷ lệ người dân tộc thiểu số chiếm hơn 80% dân số huyện. Đối với chương trình cho vay theo Nghị định 28, Phòng giao dịch Ngân hàng chính sách xã hội huyện đã giải ngân 5,34 tỷ đồng với 134 hộ vay vốn/trên tổng số 179 hộ được ủy ban nhân dân huyện phê duyệt. Sau khi có quyết định Ủy ban nhân dân huyện phê duyệt danh sách, Phòng giao dịch Ngân hàng chính sách xã hội huyện đã triển khai, hướng dẫn với thủ tục đơn giản giúp hộ nghèo tiếp cận nguồn vốn tín dụng ưu đãi để làm nhà thuận lợi. Đến nay, 100% số hộ vay đã triển khai xây dựng, sửa chữa nhà ở cơ bản hoàn thành. Đối với nội dung cho vay hỗ trợ đất sản xuất và chuyển đổi nghề, Ủy ban nhân dân huyện đã chỉ đạo Phòng Dân tộc cùng Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn tiến hành rà soát, hoàn thành sớm nhất, trình Ủy ban nhân dân huyện phê duyệt, có danh sách làm cơ sở để Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện cho vay.

Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Quảng Trị Trần Đức Xuân Hương cho biết, triển khai Nghị định 28 của Chính phủ về chính sách tín dụng thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn 1 từ năm 2021-2025, thời gian qua, chi nhánh đã đẩy mạnh công tác giải ngân vốn kịp thời đến đối tượng thụ hưởng trên địa bàn. Có thể thấy, Nghị định 28 chính là "phao cứu sinh" đem lại hiệu quả thiết thực, giúp đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh có vốn để đầu tư sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế, làm nhà ở, vươn lên thoát nghèo, góp phần thay đổi bộ mặt kinh tế-xã hội, từng bước nâng cao đời sống người dân.

Trong quá trình triển khai, mặc dù vẫn còn gặp một số vướng mắc, khó khăn, nhưng Chi nhánh Ngân hàng Chính sách tỉnh Quảng Trị đã phấn đấu giải ngân được 25,8 tỷ đồng với 533 hộ vay vốn, đạt 42,8% kế hoạch được giao. Trong đó, có 417 hộ vay vốn xây nhà, sửa chữa nhà ở với số tiền 16,6 tỷ đồng; 116 hộ vay vốn hỗ trợ chuyển đổi nghề với số tiền 9,2 tỷ đồng. Chi nhánh phấn đấu đến cuối năm 2023 sẽ thực hiện giải ngân số tiền khoảng 40 tỷ đồng.