Tôn bồi "bệ đỡ" văn hóa làng (★)

Kỳ 2: Đời sống tín ngưỡng sau lũy tre

Trong truyền thống văn hóa của người Việt hàng nghìn năm qua, đời sống tín ngưỡng hình thành và phát triển vô cùng phong phú, đa dạng. Xuyên suốt trong truyền thống đó là tâm thức văn hóa dân gian, mềm mại nhưng vô cùng bền bỉ, làm nên những yếu tố đặc trưng của văn hóa Việt Nam. Đó là thế giới quan gắn bó với thiên nhiên, nhân sinh quan coi trọng tình nghĩa, coi trọng cội nguồn, đề cao lòng biết ơn và hiếu đạo,…
0:00 / 0:00
0:00
Di tích quốc gia đặc biệt Đình Chu Quyến (Ba Vì, Hà Nội) tiêu biểu cho kiến trúc gỗ dân gian truyền thống của Việt Nam thời Hậu Lê. Ảnh: Nguyễn Anh
Di tích quốc gia đặc biệt Đình Chu Quyến (Ba Vì, Hà Nội) tiêu biểu cho kiến trúc gỗ dân gian truyền thống của Việt Nam thời Hậu Lê. Ảnh: Nguyễn Anh

Nhìn chung, tín ngưỡng của người Việt phản ánh khá rõ nét những đặc trưng của một nền văn minh nông nghiệp lúa nước. Bên cạnh những loại hình tín ngưỡng đặc trưng như tín ngưỡng sùng bái tự nhiên biểu hiện ở các hình thức thờ cây, thờ đá, thờ thần núi, thần sông, thần biển…; tín ngưỡng phồn thực, tín ngưỡng nông nghiệp biểu hiện ở các nghi lễ, lễ hội nông nghiệp; tín ngưỡng thờ tổ tiên, tiền nhân, người có công với làng với nước, biểu hiện ở các nghi lễ, lễ hội thờ anh hùng dân tộc, thành hoàng, vị tổ nghề, tổ tiên ông bà,… người Việt còn lưu truyền những truyền thuyết, huyền thoại, những hình thức thực hành nghi lễ theo phong tục, tập quán như thờ Trời, Đất, các thần linh, quỷ thần, linh hồn, các nghi lễ vòng đời người (phong tục cưới hỏi, tang ma, mừng thọ…). Ở những phong tục, tập quán đó có thể chưa hình thành nên một loại hình tín ngưỡng nhất định, nhưng luôn mang theo đặc điểm tâm thức dân gian người Việt. Một số loại hình tín ngưỡng tiêu biểu giới thiệu dưới đây là những nét phác họa đời sống tín ngưỡng của người Việt trong không gian làng quê trải dọc chiều dài đất nước. Hình thức thực hành của các tín ngưỡng này vô cùng đa dạng, nhưng khi đi sâu tìm hiểu, có thể nhận thấy sự tương đồng về những quan niệm cốt lõi, dựa trên đặc trưng của tâm thức dân gian dân tộc.

Tín ngưỡng nông nghiệp

Nông nghiệp là sinh kế chủ yếu và cũng gắn liền với đời sống tinh thần của người dân. Tín ngưỡng nông nghiệp được thể hiện bằng nhiều hình thức thực hành khác nhau ở mỗi cộng đồng, mỗi vùng miền, như: lễ cầu mùa, lễ năm mới, cầu an, xuống đồng, cầu đảo, cúng cơm mới, tịch điền... Các nghi thức này thường được thực hiện ở đình, chùa, đền, miếu. Lễ vật cúng chủ yếu là các loại nông sản, hoa quả, bánh trái, và một số cúng phẩm khác tùy theo phong tục địa phương.

Trong thực hành tín ngưỡng nông nghiệp của người Việt có sự giao thoa với tín ngưỡng phồn thực cổ xưa, dựa trên nguyên lý về sự sinh sôi nảy nở của tự nhiên và con người như một nhu cầu tất yếu để duy trì và phát triển sự sống. Con người cần mùa màng tươi tốt để đáp ứng nhu cầu thực phẩm thiết yếu, con người cần sinh sản để duy trì và phát triển giống nòi. Ở thời kỳ sơ khai của lịch sử loài người, tín ngưỡng phồn thực là một hình thái khá phổ biến với đối tượng thờ cúng sinh thực khí và hình thức thực hành nghi lễ bao gồm hoạt động biểu trưng cho hành vi giao phối. Ở các giai đoạn phát triển tiếp theo, tín ngưỡng phồn thực kết hợp với triết lý âm dương, các hình thức thực hành mang tính trực quan dần mờ đi nhưng ý nghĩa biểu trưng của quan niệm về sự hài hòa âm dương, cầu mong cuộc sống phồn thịnh, ấm no trong các nghi lễ thì vẫn được bảo lưu và duy trì cho đến ngày nay. Trong xã hội hiện đại, nơi mà sự phát triển của sản xuất công nghiệp và hoạt động thương mại có phần lấn át sản xuất nông nghiệp, thì những đặc trưng của tín ngưỡng nông nghiệp và tâm thức hướng tới sự no đủ, sung túc có hiện tượng biến đổi và thể hiện sự kết nối trong các nghi lễ cầu tài, cầu lộc.

Tín ngưỡng thờ nữ thần và mẫu thần

Trong một nền văn hóa nông nghiệp đặc thù thì người phụ nữ có vai trò hết sức quan trọng đối với gia đình và cộng đồng. Từ khi xã hội loài người còn duy trì các hình thái thị tộc, người phụ nữ đã đảm nhiệm vai trò chính trong việc trồng trọt, cấy hái, đồng thời cũng đảm nhiệm vai trò sinh đẻ và nuôi dưỡng con cái. Theo Giáo sư Trần Quốc Vượng, sự đề cao vai trò của nữ giới trong văn hóa Việt Nam đã được khái quát bằng Nguyên lý Mẹ trong tư duy dân gian. Trong ngôn ngữ của người Việt, từ "cái" gắn với tính nữ được dùng để chỉ rất nhiều đồ vật, địa danh. Và bởi vì đặc trưng của văn hóa Việt mang tính uyển chuyển, hướng tới sự hòa hợp nên khi tiếp nhận ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa và Nho giáo thì trong văn hóa Việt hình thành tính chất nửa Mẹ-nửa Cha. Trong đó, "nửa Mẹ" phản ánh đặc trưng tư duy văn hóa mẫu hệ của khu vực Đông Nam Á và "nửa Cha" phản ánh tư duy văn hóa phụ hệ của Trung Hoa.

Mặc dù vậy, trong tâm thức dân gian và đời sống tín ngưỡng truyền thống của người Việt, có thể thấy yếu tố Mẹ, mẫu quyền vẫn phần nào thể hiện sự vượt trội. Hệ thống các nữ thần và mẫu thần vô cùng phong phú, đa dạng được thờ cúng suốt từ bắc vào nam: Từ Mẫu Âu Cơ trong truyền thuyết trăm trứng; cho tới Mẫu Liễu Hạnh và các mẫu thần trong hệ thống Tam-Tứ phủ; Tứ vị Thánh nương; các nữ thần như Bà Thiên Y A Na, Bà Chúa Xứ, Bà Đen, Bà Thiên Hậu, Ngũ hành Nương nương; hay các vị nữ anh hùng đã trở thành các vị thần linh của cộng đồng, v.v. đều được các cộng đồng khác nhau tôn thờ, gửi gắm ước vọng được che chở, bảo vệ khỏi tai ương, bất hạnh và ban phát may mắn, hạnh phúc.

Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên

Là một hình thức tín ngưỡng phổ biến được thực hành hầu như ở khắp các làng quê Việt. Đây là một loại hình tín ngưỡng có ảnh hưởng sâu đậm của tâm thức người Việt luôn coi trọng cội nguồn, tôn thờ đạo hiếu. Tổ tiên ở đây có thể hiểu không chỉ bó hẹp trong phạm vi huyết thống (gia đình, tộc họ) mà được mở rộng tới phạm vi cộng đồng, xã hội. Tổ tiên có thể là người đã tạo dựng nên một quốc gia dân tộc, các vị tiền nhân có công lớn với cộng đồng (như các vị khai sơn lập địa, các anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa); các vị tổ truyền dạy nghề, tạo lập sinh kế cho dân trong một làng, xã; tổ tiên là ông bà cha mẹ được con cháu trong gia đình dòng tộc thờ cúng. Các hình thức thờ cúng tổ tiên rất đa dạng, có thể là các nghi lễ thực hành trong phạm vi gia đình, gia tộc, cộng đồng làng xã hay quốc gia. Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên cũng có thể biểu hiện ở các hình thức thực hành một số tôn giáo như Phật giáo, Đạo Bửu Sơn Kỳ Hương, Tứ Ân Hiếu Nghĩa, Phật giáo Hòa Hảo, v.v. Trong đó, thờ cúng ông bà cha mẹ là hình thức thờ cúng tổ tiên phổ biến nhất. Mỗi gia đình người Việt đều có bàn thờ tổ tiên. Lễ cúng tổ tiên được tổ chức trong những ngày sóc vọng, giỗ, Tết và các dịp lễ tiết khác trong năm. Người Việt Nam quan niệm rằng, linh hồn tổ tiên dù đã khuất vẫn luôn quan tâm, che chở và phù hộ cho con cháu. Đáp lại, con cháu bày tỏ lòng biết ơn và trách nhiệm đối với linh hồn tổ tiên bằng cách chăm lo chu đáo việc sửa soạn và thực hành các nghi lễ, duy trì truyền thống văn hóa của gia đình, gia tộc.

Trong bối cảnh chung đang có những biến đổi sâu sắc về kinh tế, văn hóa, môi trường và xã hội, đời sống tín ngưỡng của người Việt ở các làng quê cũng có nhiều sự chuyển biến, đan xen, dung hợp với nhau tạo nên những hình thức thực hành đa dạng, phong phú, và không phải luôn luôn có ranh giới rạch ròi. Thí dụ, trong các nghi lễ thờ cúng thành hoàng có thể phản ánh tín ngưỡng nông nghiệp, tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên; trong thực hành đạo Mẫu (Tam, Tứ phủ) có thể phản ánh cả tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, tiền nhân qua hình tượng các anh hùng dân tộc, v.v. Trong đó, có thể nhận thấy, tâm thức dân gian của người Việt như một dòng chảy xuyên suốt, đưa các giá trị bản sắc dân tộc thẩm thấu vào đức tin và thực hành của từng loại hình tín ngưỡng, truyền từ đời này sang đời khác.

(Còn nữa)

(★) Xem Báo Nhân Dân cuối tuần từ số 35, ra ngày 27/8/2023.