Tôn bồi "bệ đỡ" văn hóa làng

Kỳ 1: Mạch nguồn cuộn chảy

Là chiếc nôi hình thành, nuôi dưỡng và trao truyền các giá trị văn hóa đặc sắc qua chiều dài hàng nghìn năm lịch sử, văn hóa làng luôn là một cơ tầng trọng yếu của nền văn hóa Việt Nam.
0:00 / 0:00
0:00
Vướng mắc kéo dài về thủ tục dự án tu bổ, tôn tạo khiến cho đình Phú Lương Thượng (xã Quảng Phú Cầu, huyện Ứng Hòa, thành phố Hà Nội) xuống cấp nghiêm trọng. Ảnh: NGUYỄN ANH
Vướng mắc kéo dài về thủ tục dự án tu bổ, tôn tạo khiến cho đình Phú Lương Thượng (xã Quảng Phú Cầu, huyện Ứng Hòa, thành phố Hà Nội) xuống cấp nghiêm trọng. Ảnh: NGUYỄN ANH

Văn hóa làng đang ở một vị trí có phần ẩn khuất trước những tác động mạnh mẽ, sâu sắc từ sự phát triển của đời sống kinh tế-xã hội. Dù vậy, nhìn sâu vào những vận động lặng thầm, bền bỉ của văn hóa, dấu ấn làng vẫn thật sự đậm nét, có mối quan hệ chặt chẽ, mang tính nền tảng với những thay đổi và phát triển.

Những giá trị ẩn tàng, bền chặt

Với tỷ lệ đô thị hóa trên cả nước ước đạt hơn 40%, hơn 30% dân số đang cư trú ở đô thị, đồng nghĩa với gần 70% dân số đang cư trú ở nông thôn, trong đó, một bộ phận, nhất là người trẻ, thuộc làn sóng di cư lao động giữa nông thôn với thành thị, tạo nên những làn sóng giao thoa văn hóa mạnh mẽ, làm biến chuyển nhiều thành tố của văn hóa, nhất là văn hóa ứng xử, ở cả nông thôn và thành thị.

Dưới tác động, ảnh hưởng của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, số hóa,… làng quê Việt giờ đã không còn bó hẹp phạm vi sinh hoạt và sự kết nối trong làng, trong xã. Bức tranh văn hóa của làng quê đã có sự biến đổi trong mọi thành tố, phương diện, từ lối sống, cách sinh hoạt, sáng tạo và hưởng thụ văn hóa, đến tư duy, nếp nghĩ, hệ giá trị và cả các phong tục, tập quán. Các giá trị của văn hóa truyền thống, đặc biệt trong quan hệ ứng xử, mối dây ràng buộc giữa các thành viên trong gia đình, họ tộc, làng xóm... tuy có những thay đổi, điều chỉnh song vẫn là những mối liên hệ thiết yếu trong đời sống tinh thần của mỗi con người. Đồng thời, sau một thời gian có phần bị sao lãng, xem nhẹ để chạy theo các mục tiêu mang tính vật chất, những năm gần đây đang chứng kiến sự trở lại của quan niệm coi trọng yếu tố cội rễ, quê hương, dòng tộc... trong nhận thức của nhiều thế hệ.

Từ một khía cạnh khác, văn hóa làng vẫn hiện diện bề thế với đầy đủ yếu tố truyền thống qua hệ thống các di tích đình, chùa, đền, miếu, văn chỉ... đang ngày càng được tu bổ, tôn tạo và phục dựng to đẹp, cùng với đó là sự hồi phục các sinh hoạt văn hóa truyền thống như lễ hội, các hình thức diễn xướng dân gian... Những di sản văn hóa vật thể và phi vật thể đó đã góp phần tạo nên sinh khí cho văn hóa làng, vừa là môi trường hoạt động cho người dân nông thôn, vừa tạo nên các giá trị văn hóa đặc sắc, góp phần tạo nên niềm tự hào cho mỗi chủ thể ở làng, tạo sức hút với những người con xa quê và lan tỏa giá trị ra bên ngoài cộng đồng làng.

Trong làn sóng di cư lao động cùng quá trình đô thị hóa đang được tiến hành trên khắp cả nước, nhiều giá trị đặc sắc của văn hóa làng vẫn được những người con của làng lưu giữ và tích hợp vào đời sống đô thị, tạo nên những nét riêng trong văn hóa ứng xử. Tính cố kết cộng đồng là một trong những đặc điểm nổi bật của nhiều người khi di cư lao động từ nông thôn ra thành thị. Sự gắn kết, tương trợ, đùm bọc đã tạo điều kiện cho nhiều con người có cơ hội khẳng định và phát triển, cũng góp phần lan tỏa giá trị nhân văn, ấm áp của tình người trong xã hội. Trong đại dịch Covid-19, tinh thần đùm bọc, tương thân, tương ái - những yếu tố nền tảng của văn hóa làng Việt, đã được nêu cao, tỏa sáng, tạo nên nguồn sức mạnh lớn lao, giúp cho nhiều thân phận vượt qua cơn hoạn nạn. Cũng trong cuộc "thử lửa" đầy mất mát, đau thương ấy, người Việt mới có dịp nhận thấy rõ vai trò "bệ đỡ" của làng, cả về kinh tế và văn hóa, nhất là ở những thời điểm gian nan của lịch sử.

Làng, như vẫn luôn là vậy, dang rộng vòng tay bao dung, ấm áp và vững chãi, để che chở cho đàn con trước những đòn giáng bất thường của số phận. Và cũng chính ở thời điểm đó, nhiều người mới chợt nhận ra rằng, dẫu đã có nhiều chính sách lớn hỗ trợ cho sự phát triển của kinh tế, văn hóa nông thôn, thì làng - trên thực tế, vẫn chưa nhận được sự quan tâm đúng tầm mức, và đang phải chịu nhiều ứng xử bất hợp lý.

Bức tranh đang có nhiều biến đổi

Sự thay đổi, mở rộng về phương thức canh tác và kết nối với xã hội đang giúp cho người nông dân mở rộng không gian vật lý ra ngoài ngôi làng nhỏ của mình. Cùng với đó, sự lựa chọn giá trị cũng khiến cho nhiều giá trị văn hóa truyền thống bị tác động, thậm chí, bị loại trừ, lãng quên và ẩn khuất. Không nằm ngoài sự vận động chung của cả xã hội, văn hóa làng cũng đang trong quá trình chọn lọc, chuyển hóa và định vị lại hệ giá trị mới, thích ứng với đời sống hiện đại.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Xuân Đính, chuyên gia nghiên cứu về văn hóa làng, phân tích: Mục tiêu phát triển của đất nước ta là xây dựng một xã hội công nghiệp. Nếp sống đô thị sẽ dần chiếm tỷ trọng lớn. Nếp sống nông thôn, được hình thành cùng với nền nông nghiệp, sẽ dần trở nên mờ nhạt. Tuy nhiên, trong đà phát triển ấy, nếp sống nông thôn vẫn sẽ là một cơ tầng, có thể hiện rõ, có thể ẩn xuống, tùy theo từng vùng, từng thời điểm, nhưng nó vẫn sẽ là yếu tố có tính nền tảng, là xuất phát điểm của mỗi con người ở nông thôn khi gia nhập cuộc sống hiện đại. Vì vậy, chúng ta cần có những giải pháp để chọn lọc, lưu giữ được những giá trị tích cực của văn hóa làng, như đề cao giá trị tình yêu thương con người, tình yêu thương, tôn ti trật tự trong gia đình - để từ đó mới bước ra xã hội; tinh thần đùm bọc, cố kết cộng đồng...

Theo Tiến sĩ Trần Hữu Sơn, nguyên Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, thì một trong những bất hợp lý trong chính sách hỗ trợ phát triển văn hóa khu vực nông thôn là lấy cấp xã là đơn vị cơ sở. Chính vì vậy, các chương trình đầu tư đều hướng đến việc thiết lập hệ thống thiết chế văn hóa xã, trong khi, đối với văn hóa, thì làng mới là đơn vị cơ sở có ý nghĩa quyết định. Bởi đặc thù văn hóa của từng làng có nhiều yếu tố rất khác nhau, và hệ thống di sản văn hóa, cả vật thể và phi vật thể, đều gắn chặt với từng làng.

Sự xem nhẹ và thiếu tầm nhìn trong quy hoạch ở nhiều địa phương đang khiến cho quỹ đất dành cho các không gian sinh hoạt văn hóa ở nhiều thôn làng bị hạn chế. Việc khôi phục lại không gian cho sinh hoạt văn hóa truyền thống tại khuôn viên các di tích như đình, chùa... theo nhiều nhà nghiên cứu đề xuất, có thể xem là giải pháp nối mạch văn hóa làng, giúp cho việc trao truyền, tiếp nối các giá trị văn hóa dân gian truyền thống được thuận lợi hơn.

Tuy nhiên, những nỗ lực khôi phục và bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống ở các làng quê, nếu không được tiến hành một cách bài bản, khoa học, thì rất dễ tiềm ẩn nguy cơ làm sai lệch giá trị di sản. Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Xuân Đính cho biết: Hiện nay có tình trạng ở nhiều làng, xã tiến hành biên soạn địa chí, lịch sử theo mẫu, thiếu sự điều tra cẩn trọng nên nội dung cứ na ná như nhau, không thấy được yếu tố riêng của từng địa phương.

Làng Việt đang biến đổi. Bức tranh văn hóa của làng quê đang từng ngày chuyển động, đan xen nhiều giá trị cũ-mới. Trong tiến trình đó, sự điều chỉnh hợp lý các chính sách hỗ trợ cho văn hóa sẽ góp phần gia cố "tấm lưới lọc", để từng bước định vị hệ giá trị đặc sắc mới cho văn hóa làng.

(Còn nữa)