Về Tây Giang nghe chuyện già làng Cơ Tu

Xã Lăng thuộc huyện miền núi Tây Giang, tỉnh Quảng Nam, nơi đây dân tộc Cơ Tu chiếm tới 95% số dân. Những năm qua, nhờ sự quan tâm, hỗ trợ tích cực của chính quyền cơ sở và lực lượng chức năng, đặc biệt không thể thiếu vai trò của các già làng, đời sống bà con từng bước khởi sắc.
0:00 / 0:00
0:00
Trung tá Ating Chơn trao đổi với già làng Bríu Pố về công tác giữ gìn an ninh trật tự.
Trung tá Ating Chơn trao đổi với già làng Bríu Pố về công tác giữ gìn an ninh trật tự.

TỜ mờ sáng, chúng tôi đã lên xe ô-tô, vượt qua quãng đường gần 200 km từ thành phố Tam Kỳ đến huyện miền núi Tây Giang, để kịp có mặt ở nhà già làng Bríu Pố, khi ánh nắng của ngày mới vẫn còn chênh chếch bên hiên nhà. Biết tin có đoàn công tác đến thăm, già Bríu Pố ra tận cửa nhà để chào đón chúng tôi với nụ cười hồn hậu. Sinh năm 1949, già được mệnh danh là "bách khoa thư" của người Cơ Tu ở Tây Giang. Già được biết đến là người Cơ Tu đầu tiên có bằng cử nhân và có nhiều đóng góp cho cộng đồng trong phát triển kinh tế, quan tâm đến công tác bảo tồn, lưu giữ các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Đau đáu với việc làm thế nào giúp bà con xóa đói, giảm nghèo, già Bríu Pố chia sẻ: "Tôi luôn tâm niệm rằng đói nghèo là giặc, vậy nên bà con ta cần phải quyết tâm đánh thắng giặc đói nghèo". Tuy nhiên nếu chỉ hô hào chung chung bà con sẽ khó hình dung và không biết cách phải làm như thế nào, chính vì thế già Bríu Pố quyết tâm lấy chính mình ra làm mẫu.

Già Bríu Pố bồi hồi nhớ lại. Năm 2007, khi đó mới 58 tuổi, lại đang giữ cương vị Bí thư, Chủ tịch xã, già Bríu Pố quyết định nghỉ sớm trước hai năm, vừa là tạo điều kiện cho lớp trẻ, vừa bắt tay vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo. Già Bríu Pố là người đầu tiên của Tây Giang mạnh dạn đưa cây ba kích tím từ rừng về trồng tại vườn nhà. Già Bríu Pố cho biết: "Khi đó, nhiều người cho rằng đây là cây của trời, người làm sao trồng được. Nhưng tôi đã chứng minh rằng cây ba kích tím ở Tây Giang rất dễ trồng, có thể trồng được tại vườn nhà mà không cần mất quá nhiều công chăm sóc". Không những dễ trồng mà giống cây bản địa này đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, giúp tăng thu nhập cho các hộ gia đình. Những năm gần đây, giá bán ba kích tím ở Tây Giang có thời điểm lên tới 500.000 đồng/kg, thương lái tìm đến nhiều, bà con thậm chí không có đủ hàng để bán. Từ đây mở ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế của địa phương. Không ít người dân trước đây còn nghi hoặc, nay nhìn thấy hiệu quả thật sự của việc trồng ba kích đã rủ nhau học theo già Bríu Pố.

CÒN tại xã Lăng, già làng Hốih Xấc là người rất được bà con quý mến. Khi được hỏi về câu chuyện nêu gương của "người đứng đầu" tại địa phương, già chia sẻ: "Mình cứ thể hiện qua những việc làm bình dị hằng ngày như việc trồng lúa, làm rẫy, quan tâm phát triển kinh tế gia đình". Để việc trồng lúa vốn đã gắn bó bao đời nay với đồng bào có những bước tiến mới, thu được năng suất cao, già Hốih Xấc cho biết, mình đã chịu khó học hỏi các biện pháp khoa học kỹ thuật mới kết hợp với phòng, chống dịch bệnh. Cùng với đó, già Hốih Xấc và gia đình cũng linh hoạt chuyển đổi sang trồng cây ba kích tím. Chính từ những việc làm mang lại hiệu quả trên thực tế của già làng Hốih Xấc đã góp phần thay đổi tư duy của bà con. Hoạt động sản xuất nông nghiệp tại địa phương từng bước được nâng cao về chất lượng, đa dạng cây trồng, vật nuôi theo hướng bền vững và mang lại giá trị kinh tế cao.

Không chỉ gắn bó với cây lúa, hạt ngô, bà con dần dần đã biết trồng ba kích, biết đào ao, nuôi cá, làm chuồng nuôi lợn… Cuộc sống của bà con xã Lăng nói riêng và huyện miền núi Tây Giang nói chung ngày càng khởi sắc. Các nhà tranh, tre, nứa, lá dần được thay bằng những ngôi nhà khang trang, kiên cố. Đường đi lối lại trong thôn xã được giữ gìn sạch đẹp. Những hàng rào hoa râm bụt nở đỏ thắm tô điểm cho các nếp nhà xinh xắn, thu hút khách du lịch tìm đến để khám phá và trải nghiệm. Cùng với phát triển kinh tế, đời sống tinh thần của bà con Cơ Tu ở Tây Giang cũng được các cấp chính quyền, và đội ngũ già làng, trưởng bản hết sức quan tâm. Già Hốih Xấc cùng những người cao tuổi trong làng đã phối hợp chính quyền địa phương, lực lượng chức năng kiên trì vận động, tuyên truyền cho bà con hiểu và thay đổi nếp nghĩ, cách làm, thực hiện nếp sống văn minh, từ bỏ các hủ tục như thách cưới bằng trâu hay đâm trâu để tế thần linh...

ĐỂ thật sự phát huy vai trò của các già làng, trưởng bản tại địa phương, Trung tá Ating Chơn, Trưởng công an xã Lăng chia sẻ: Trước khi triển khai các công việc, chúng tôi thường chủ động tìm đến nhà các già làng, trao đổi nội dung, bàn bạc cùng già làng cách phối hợp công việc. Với những chủ trương, chính sách mới sẽ thông tin để già làng nắm rõ vấn đề sau đó mời già làng quán triệt bà con trước, chính quyền và công an xã sẽ tuyên truyền, phổ biến cụ thể sau. Cách phối hợp này đã mang lại kết quả tích cực, người dân có sự đồng thuận, nhất trí cao. Bên cạnh đó, các cuộc họp quan trọng của địa phương đều mời già làng đến tham dự và đóng góp ý kiến. Thời gian qua, sự phối hợp giữa chính quyền cơ sở và lực lượng chức năng với già làng, trưởng bản diễn ra hết sức nhịp nhàng, chặt chẽ. Họ cũng chính là hạt nhân gương mẫu, chung tay cùng chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, chung sức, chung lòng xây dựng vùng biên giới ngày càng giàu đẹp, yên bình…