Dấu thiêng trên bến vắng

Phố Chương Dương Độ (quận Hoàn Kiếm, Thủ đô Hà Nội), cũng như phố Hàm Tử Quan chạy song song, hay những tên phố Tây Kết, Bạch Đằng, Vân Đồn… gần đó, hiển nhiên được đặt để gợi nhớ đến các chiến công oanh liệt của một thuở hào hùng xưa, "vua tôi một lòng, anh em hòa mục, cả nước gắng sức"…
0:00 / 0:00
0:00
Tượng Đức Thánh Trần trên nóc tam quan Sơn Hải linh từ.
Tượng Đức Thánh Trần trên nóc tam quan Sơn Hải linh từ.

Song, có lẽ không nhiều du khách đến đất Thăng Long này kịp biết: Cứ đi theo phố Chương Dương Độ, tới sát bờ sông Hồng, rẽ trái, sẽ gặp một ngôi đền nhỏ, mặt hướng thẳng ra mây nước, là nơi mấy trăm năm thờ phụng linh khí tiền nhân.

TRONG ký ức bạn tôi, một người con của phường Chương Dương "ngoài bãi" đó, những hoạt động thờ cúng của Sơn Hải linh từ (tên chữ của ngôi Đền Trần ấy) mới chỉ bắt đầu được thực hiện trong một ngôi đền đích thực, khang trang, bề thế. Còn trước đó, theo lời kể của những thế hệ trước (cha mẹ, cô dì, chú bác), các buổi hành lễ diễn ra dưới lòng thuyền - những vạn chài từng một thời ken kín mặt sông đoạn Cơ Xá - Phúc Xá - Phúc Tân…

Bạn tôi không sai, và những lời kể cũng không nhầm. Chỉ là, nguyên ủy câu chuyện này gắn liền với bao nhiêu thăng trầm, những "thời đạn bom" và những "thời hòa bình" của thủ đô yêu dấu.

Đền Sơn Hải vốn được nhân dân xây dựng từ thời Hậu Lê, năm 1785, trên nền đất của bến Đông Bộ Đầu lịch sử, nơi mà gần 500 năm trước đó (năm 1258), vua tôi nhà Trần lớp lớp đổ quân, chiếm lại kinh thành từ tay viên đại tướng Ngột Lương Hợp Thai, kẻ chỉ huy cuộc xâm lược Đại Việt lần thứ nhất của đế chế Mông Cổ.

Đền Sơn Hải thờ Đức Phật hoàng Trần Nhân Tông, Đức Quốc công Tiết chế Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, bốn người con trai của ông, cùng cả 18 danh tướng Trần triều, mà phần đông là những người theo ông phá giặc trong suốt hai cuộc kháng chiến chống Nguyên - Mông kế tiếp, lưu danh thanh sử: Yết Kiêu, Dã Tượng, Trần Khánh Dư, Trần Bình Trọng, Trần Quốc Toản, Nguyễn Chế Nghĩa, Nguyễn Khoái, Nguyễn Địa Lôi…

Ngôi đền thiêng này vẫn sừng sững cùng dâu bể, qua những trận giao tranh Lê-Mạc, đến cả khi quân Thanh bị người anh hùng áo vải Quang Trung quét sạch khỏi Thăng Long, "mây tạnh mù quang trời lại sáng" (thơ Đỗ Ngọc Du). Ngôi đền cũng chứng kiến cuộc chiến đấu hào hùng kéo dài suốt hai tháng của Trung đoàn Thủ đô và tự vệ thành, những người "Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh" mùa đông năm 1946.

Song, ngôi đền linh thiêng ấy đã không thể chào đón đoàn quân chiến thắng tiến qua cầu Long Biên, trở về tiếp quản Thủ đô, ngày mùa thu lịch sử năm 1954. Mùa đông năm 1946, hòng triệt phá các hoạt động tiếp vận và thông tin của ta, thực dân Pháp đã thả bom, cũng như đã đốt phá cả một dải bến sông. Sơn Hải linh từ tan nát. Hồng Hà ngầu sóng đỏ căm hờn.

Bà con, dù vậy, vẫn quyết không để mất dấu thiêng "Đền Trần". Những tấm bài vị được rước xuống những chiếc thuyền chài tiếp tục hương khói, để gương ái quốc trung quân thiên cổ không bao giờ phai mờ được.

Năm 1984, nghĩa là khi chúng tôi học vỡ lòng, đền Sơn Hải mới được xây lại. Linh vị tiền nhân lại được rước lên bờ, trở về đúng nơi trấn giữ vượng khí "đất Rồng bay". Để rồi năm 2010, tròn 1.000 năm Thăng Long, Sơn Hải linh từ được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp thành phố.

TÔI thường cố gắng không bỏ lỡ dịp đưa những người bạn phương xa đến đây, cũng từng đưa những đứa con tôi rảo bước ngoài tam quan này. Thậm chí, có những chiều nhạt nắng vơ vẩn, một mình tôi cũng lững thững tìm tới, theo Chương Dương Độ hay Hàm Tử Quan.

Từ bến sông lộng gió xuyên qua lau lách um tùm, chỉ cần ngước nhìn lên bức tượng đồng Đức Thánh Trần sừng sững trên cổng đền, là đã đủ để được đắm mình trong cảm khái trùng trùng.

Đây, "Xã tắc lưỡng hồi lao thạch mã/Sơn hà thiên cổ điện kim âu"…