Thu hút và phát huy hơn nữa nguồn lực kiều hối

Kiều hối là một trong những nguồn lực tài chính quan trọng để thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội. Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 ảnh hưởng lớn tới nền kinh tế toàn cầu, lạm phát leo thang tại nhiều quốc gia, dòng kiều hối về Việt Nam vẫn khá ổn định so các năm trước.
0:00 / 0:00
0:00
Kiều hối là nguồn lực tài chính quan trọng đóng góp vào phát triển kinh tế-xã hội Thành phố Hồ Chí Minh trong thời gian qua. Ảnh: TTXVN
Kiều hối là nguồn lực tài chính quan trọng đóng góp vào phát triển kinh tế-xã hội Thành phố Hồ Chí Minh trong thời gian qua. Ảnh: TTXVN

BÁO cáo về Di trú và Phát triển do Ngân hàng Thế giới (WB) và Tổ chức Hợp tác quốc tế về người di cư (KNOMAD) cho biết, năm 2022, tổng lượng kiều hối về Việt Nam đạt gần 19 tỷ USD, cao hơn khoảng 1 tỷ USD so năm 2021. Việt Nam nằm trong top ba quốc gia nhận tiền kiều hối nhiều nhất khu vực châu Á-Thái Bình Dương, top 10 quốc gia trên thế giới về nhận kiều hối.

Với bản chất là nguồn ngoại tệ từ thu nhập, tích lũy của kiều bào, người lao động Việt Nam ở nước ngoài chuyển về, lượng kiều hối này có vai trò quan trọng, góp phần phát triển kinh tế-xã hội và nâng cao hiệu quả điều hành chính sách tiền tệ của ngân hàng trung ương. Nếu xem đây là nguồn vốn cho phát triển kinh tế-xã hội, kiều hối có đặc điểm khác với các nguồn vốn khác, đó là không phải hoàn trả, không phải trả chi phí sử dụng vốn, chi phí lãi vay. Kiều hối "chảy" thẳng vào khu vực dân cư, do đó có tính thúc đẩy đầu tư tư nhân cao, giải quyết công ăn việc làm, nâng cao mức thu nhập cho các chủ thể nhận kiều hối và các chủ thể được hưởng lợi từ nguồn đầu tư kiều hối, đóng góp cho công cuộc xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống người lao động. Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay, khi kinh tế khó khăn, tổng cầu yếu thì tiêu dùng gia tăng cũng có tác động thúc đẩy sản xuất, giúp phục hồi nền kinh tế.

Trong số các địa phương nhận kiều hối, Thành phố Hồ Chí Minh là địa phương nổi bật, tiếp tục ghi nhận mức tăng trưởng tích cực. Theo thông tin từ Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh, tính đến cuối tháng 6/2023, lượng kiều hối chuyển về đạt 4,33 tỷ USD, tăng 37% so cùng kỳ năm ngoái và bằng 65,6% so cả năm 2022. Riêng quý II/2023, lượng kiều hối chuyển về đạt 2,2 tỷ USD, tăng 4,5% so quý I/2023.

Việc phát triển, hoàn thiện hệ thống mạng lưới và dịch vụ chi trả ngoại tệ theo hướng tiện ích, nhanh chóng và an toàn cùng với đối tác ngày càng mở rộng và môi trường đầu tư thuận lợi,… là các yếu tố góp phần thu hút kiều hối hiện nay. Kiều hối sẽ cùng với các nguồn vốn khác, góp phần vào phát triển sản xuất, kinh doanh, thương mại dịch vụ cũng như tham gia các thị trường, thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế; đồng thời, đây cũng là điểm sáng phản ánh môi trường đầu tư của đất nước ngày càng thuận lợi, cho thấy sự quan tâm và lòng yêu nước của kiều bào, tinh thần nỗ lực và ý thức tích lũy của người lao động Việt Nam tại nước ngoài.

WB và KNOMAD dự báo, kiều hối chuyển về Việt Nam sẽ tăng 3,6-4,5% trong năm 2023. Xác định kiều hối là nguồn lực vàng cho phát triển kinh tế-xã hội, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đang xây dựng Đề án "Chính sách thu hút và phát huy nguồn lực kiều hối trên địa bàn thành phố", nhằm tiếp tục thu hút và sử dụng hiệu quả nguồn kiều hối chuyển về, đồng thời tiếp tục phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, lòng yêu nước và tự hào Việt Nam của kiều bào và cộng đồng người Việt đang sinh sống, học tập và lao động tại nước ngoài để đóng góp vào sự phát triển của thành phố, của đất nước. Dự thảo Đề án đưa ra các mục tiêu cụ thể về tốc độ tăng trưởng kiều hối; về thực hiện các dự án phát triển xã hội, giáo dục, y tế và môi trường từ nguồn kiều hối và sự tham gia đóng góp của người Việt Nam đang sinh sống và làm việc ở nước ngoài. Phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng kiều hối chuyển về ít nhất 10% mỗi năm giai đoạn 2023-2025, duy trì tốc độ này trong giai đoạn 2025-2030.

Để phát huy hơn nữa hiệu quả nguồn lực, đưa kiều hối trở thành "lực đẩy" quan trọng đóng góp vào kinh tế Việt Nam, theo các chuyên gia kinh tế, chúng ta cần phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Trước hết, tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, cải cách thủ tục hành chính và triển khai đồng bộ các chính sách liên quan đến người Việt Nam ở nước ngoài khi về nước làm việc, thường trú; tạo điều kiện thuận lợi để người Việt Nam ở nước ngoài về nước đầu tư, sản xuất, kinh doanh,... theo tinh thần của Bộ Chính trị tại Kết luận số 12-KL/TW ngày 12/8/2021 về công tác người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới. Bên cạnh đó, cần tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, hoàn thiện môi trường đầu tư theo hướng tích cực, đặc biệt là hạn chế thay đổi đột ngột các quy định trong hoạt động đầu tư, nới lỏng các quy định, điều khoản đầu tư kinh doanh, đơn giản hóa các thủ tục chứng nhận đầu tư ở tất cả các cấp, nhất là khâu thực thi ở các địa phương để tạo điều kiện thuận lợi cho kiều bào đầu tư về nước.