Độc đáo khúc ca kể chuyện của người Khmer

Theo tiếng Khmer, "Chầm riêng" nghĩa là hát còn "chà pây" là tên gọi của cây đàn. Đã từ lâu, Chầm riêng chà pây luôn là một phần trong bữa tiệc tinh thần không thể thiếu sau những ngày làm đồng vất vả của cộng đồng người Khmer Nam Bộ.
0:00 / 0:00
0:00
Các nghệ nhân biểu diễn Chầm riêng chà pây. Ảnh: QUỐC ĐẠT
Các nghệ nhân biểu diễn Chầm riêng chà pây. Ảnh: QUỐC ĐẠT

TIẾN sĩ, nhạc sĩ Sơn Ngọc Hoàng, Chi hội trưởng Chi hội Nhạc sĩ Việt Nam tỉnh Sóc Trăng, cho biết: "Chầm riêng chà pây nghĩa là đàn ca hay ca kể chuyện. Người nghệ nhân không có lời bài hát, không có bản nhạc soạn sẵn mà chỉ dựa vào cốt truyện để ứng tác thành những đoạn thơ, chủ yếu theo thể thơ bốn câu, mỗi câu có bảy chữ rồi diễn tấu, hòa nhạc".

Chưa có một tài liệu nào ghi lại thời điểm Chầm riêng chà pây ra đời nhưng theo các Acha (người lớn tuổi, có uy tín cao trong cộng đồng người Khmer), nó xuất hiện trước cả các loại hình nghệ thuật phổ biến của người Khmer, như múa Rô băm, hát kịch Dù kê hay À day đối đáp.

Giống như nghệ thuật hát xẩm ở miền bắc, người chơi Chầm riêng chà pây tự chơi nhạc cụ (cây đàn chà pây). Có nguồn gốc từ Ấn Độ, đàn chà pây có cần đàn dài, thùng đàn to với nhiều kiểu như hình thang cân, hình lá bồ đề, hình trái thơm (dứa) hoặc giống đàn đáy của Việt Nam. Đàn chà pây có âm trầm ấm, sâu lắng, phù hợp nhạc tự sự, tình cảm êm đềm và lắng đọng. Điểm khác biệt của Chầm riêng chà pây là không phải vừa đàn vừa hát như nhiều loại hình biểu diễn khác mà nghệ nhân sẽ hát không nhạc một đoạn, dừng lại đàn rồi mới hát tiếp. Lời bài hát do nghệ nhân tự ứng tác, thể hiện theo phong cách biểu diễn riêng nên khúc nhạc dạo, nhạc đệm, cách luyến láy, giọng điệu không ai giống ai, tạo nên sự đa dạng, phong phú trong cách biểu diễn.

Chầm riêng chà pây thường xuất hiện trong các lễ cưới hoặc cúng thần với không gian và thời gian không bị ràng buộc bởi một quy định nào. Tùy ngữ cảnh đám cưới hay lễ hội lớn mà nghệ nhân có thể biểu diễn kéo dài một vài giờ đồng hồ hay say mê hát từ lúc hoàng hôn cho đến tinh mơ hôm sau. Để có một buổi biểu diễn thành công, phải kết hợp nhiều yếu tố: tay đàn phải điêu luyện, ca từ phải vần, người hát phải ứng tác thật bài bản, phù hợp với chủ đề, điệu nhạc… Chẳng thế mà nghệ nhân Chầm riêng chà pây, ngoài việc phải có giọng tốt, biết đàn hay, còn cần vốn kiến thức sâu rộng từ cả ngoài đời và trong sách vở, đặc biệt là trong sa tra (sách lá buông) của đồng bào Khmer.

Việc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quyết định đưa nghệ thuật Chầm riêng chà pây vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia là ghi nhận xứng đáng về giá trị của loại hình nghệ thuật này, đáp ứng lòng mong mỏi và nguyện vọng của đông đảo người dân, đặc biệt là của các nghệ nhân Chầm riêng chà pây trong việc gìn giữ một di sản văn hóa độc đáo của đồng bào Khmer.