VỚI kinh nghiệm làm hướng dẫn viên du lịch khi còn ngồi trên ghế giảng đường Trường đại học Văn hóa Hà Nội, được đi nhiều nơi, khám phá nhiều vùng đất, Chẩu Thanh Ngà, sinh năm 1991, chàng trai Tày chợt nhận ra: "Quê hương mình đẹp, con người sống thuận tự nhiên, an yên. Vậy sao mình không lập nghiệp ở quê ngay từ khi còn trẻ?".
Nghĩ là làm, Chẩu Thanh Ngà quyết định trở về quê trong sự ủng hộ của cha mẹ. Về quê, từ khi được tín nhiệm bầu làm Phó Bí thư Đoàn Thanh niên xã Thượng Lâm (huyện Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang), Chẩu Thanh Ngà có thêm ước mơ mới là tạo ra việc làm để 800 trong số 1.200 đoàn viên của xã không phải đi làm ăn xa, có thể góp phần xây dựng quê hương. Đề án Hợp tác xã thanh niên làm du lịch homestay tại xã Thượng Lâm ra đời từ những cơ duyên đó. Đề án đã đạt giải nhất Cuộc thi Ý tưởng khởi nghiệp của tỉnh Tuyên Quang (năm 2018), được Tỉnh đoàn Tuyên Quang đưa đi dự thi toàn quốc, được Trung ương Đoàn trao giải Ba và được trao gói hỗ trợ 300 triệu đồng từ Quỹ Quốc gia giải quyết việc làm để hiện thực hóa. Homestay Tài Ngào ra đời, toàn bộ hoạt động thời điểm đó đều do đoàn viên trong xã đảm trách. Họ tự tay trang trí, dọn dẹp, vào bếp nấu nướng các món đặc sản địa phương và làm hướng dẫn viên cho du khách. Chẩu Thanh Ngà đứng ra kết nối với các doanh nghiệp lữ hành, lập các trang quảng cáo trên mạng xã hội, nhận booking online...
Giờ đây, homestay Tài Ngào đón nhiều du khách trong, ngoài nước đến nghỉ dưỡng. Vùng đất Thượng Lâm trở nên sôi động hơn. Chẩu Thanh Ngà cho hay: Người Thượng Lâm phần lớn là dân tộc Tày, nhưng giữ được bản sắc Tày không dễ khi thanh niên lớn lên rời quê đi làm, sinh sống xa quê. "Tôi cùng các đoàn viên xây dựng Đề án Bảo tồn, phát triển văn hóa Tày ở xã Thượng Lâm. Hợp tác xã đã có đội văn nghệ hát các bài dân ca mà hầu như mọi người đã lãng quên. Tôi nghĩ bản sắc văn hóa Tày ở Thượng Lâm sẽ thu hút du khách và giúp người Tày không quên đi nguồn cội của mình", Chẩu Thanh Ngà tin tưởng.
TƯƠNG tự, Hoàng An (tên thật là Hoàng Văn Hoàn, 35 tuổi, dân tộc Tày) vào Thành phố Hồ Chí Minh học tập và làm nhiều công việc khác nhau, anh trở về quê hương lập nghiệp. Sau một thời gian mày mò, năm 2018, Hoàng An bắt đầu xây dựng chương trình tour xe máy đầu tiên cho khách đến tham quan du lịch tại Hà Giang. Một khách du lịch sẽ có một người chở đi khám phá cao nguyên đá Đồng Văn. Tiếp đó, anh tự xây dựng những chương trình tour chất lượng hướng dần lên cao cấp. Ngoài những địa điểm chính ở cao nguyên đá Đồng Văn, đội ngũ hướng dẫn viên là người dân tộc thiểu số sẽ đưa khách đi sâu vào các bản làng, nhà dân để tìm hiểu về phong tục tập quán của người dân tại đây, cũng như trải nghiệm văn hóa, thưởng thức ẩm thực đặc trưng.
Thành công ngoài mong đợi, chỉ một năm sau, anh thành lập Công ty du lịch lữ hành Gió Hà Giang, kết nối nhiều homestay để hợp tác làm du lịch. Từ đó công ty của anh tạo ra công việc cho hàng chục người dân địa phương, với thu nhập vào mùa du lịch hơn 10 triệu đồng/tháng/người.
NHIỀU mô hình du lịch cộng đồng do người trẻ khởi nghiệp thành công trên quê hương, như Chẩu Thanh Ngà, hay Hoàng An… không chỉ mở ra hướng phát triển kinh tế mới cho địa phương, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội ở khu vực nông thôn theo hướng bền vững, mà còn cùng lan tỏa những giá trị tử tế đến cộng đồng. Với tiềm năng du lịch bản địa sẵn có, họ mong muốn tương lai sẽ còn tạo ra nhiều công việc hơn nữa cho những người dân địa phương mình, như Hoàng An bộc bạch: "Tôi yêu mảnh đất mình đang sống hằng ngày. Tôi sẽ cố gắng nhiều hơn để cùng người dân gìn giữ những bản sắc vốn có, hỗ trợ tư vấn miễn phí cho khách du lịch để có chuyến đi tốt đẹp nhất đến với quê hương tôi".