Hành trình đoạn tuyệt tà đạo, tìm đến ánh sáng niềm tin

Bài 2: Thoát khỏi "động quỷ"

Tây Nguyên là địa bàn có các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo phong phú và đa dạng. Thời gian qua, bên cạnh các tôn giáo chính thống được Nhà nước công nhận, đã xuất hiện hàng chục hiện tượng tôn giáo mới với nhiều biểu hiện tiêu cực rất đáng lo ngại. Một số tà đạo tìm mọi cách thức, thủ đoạn hòng dụ dỗ, lôi kéo người dân tham gia để rồi họ phải trả giá đắt bằng chính sức khỏe, tiền bạc và những bất an trong cuộc sống của gia đình.
0:00 / 0:00
0:00
Một kiểu trừ quỷ quái dị.
Một kiểu trừ quỷ quái dị.

Nhận diện nhóm tự xưng "Trừ quỷ Bảo Lộc"

Thông tin từ cơ quan chức năng tỉnh Lâm Đồng cho biết, từ năm 2015, một nhóm nhỏ tín hữu thuộc Giáo xứ Bảo Lộc (Giáo phận Đà Lạt) đã ngộ nhận rằng họ được Chúa cha "trực tiếp mạc khải", làm "thư ký cho Chúa cha" và được "Chúa cha" ban đặc ân "trừ quỷ". Nhóm này lôi kéo được một số linh mục, tu sĩ tham gia nên nhiều tín hữu dễ dàng tin theo con đường lầm lạc. Người sáng lập và cầm đầu nhóm "Trừ quỷ Bảo Lộc" là Nguyễn Chu Truyền và Nguyễn Thị Thương, dưới sự hỗ trợ của một số thành viên cốt cán, hoạt động tích cực.

Nguyễn Thị Thương hoang tưởng đến mức đã trực tiếp đến Tòa Giám mục Đà Lạt trình bày là chị ta có khả năng "hiệp thông với Chúa cha" và "Chúa cha" chọn linh mục Nguyễn Chu Truyền là "nhà tiên tri", là "thánh sống", còn Thương là thư ký của "Chúa cha". Đồng thời Nguyễn Chu Truyền cũng tự nhận mình có khả năng chữa bệnh bằng nhân điện, kể cả chữa bệnh từ xa. Tuyệt đối tin theo lời "Chúa cha" thông qua người truyền tin là Nguyễn Thị Thương, Nguyễn Chu Truyền đã có nhiều hoạt động đi ngược lại giáo lý của giáo hội, giúp sức đắc lực vào việc chữa bệnh phản khoa học của Thương, gây bức xúc dư luận.

Năm 2020, sau khi lập "Nhà Chúa cha" ở phường 1, TP Bảo Lộc (nhà riêng của Thương và Trần Vũ Lê Thanh Quảng), nhóm này sử dụng nơi đây làm địa điểm chính để hoạt động trái phép và "chữa bệnh trừ quỷ" với tên gọi "Trừ quỷ Bảo Lộc". Trước diễn biến phức tạp của nhóm người này, Tòa Giám mục Đà Lạt đã nhiều lần ra thông cáo không thừa nhận và nghiêm cấm chức sắc, giáo dân tham gia các hoạt động của nhóm, đồng thời, áp dụng quy định của Giáo luật để xử lý chức sắc, giáo dân vi phạm. Tuy nhiên, nhóm "chữa bệnh" kiểu hoang đường này vẫn tiếp tục hoạt động, lôi kéo một bộ phận quần chúng nhẹ dạ cả tin, thiếu hiểu biết tìm đến và đăng ký làm thành viên.

Những người thoát ra từ "động quỷ"

Nạn nhân thứ nhất: "Ký ức hãi hùng"

Cũng như nhiều nạn nhân khác đến từ các tỉnh, thành phố trong cả nước, chị T.T.C. (SN 1972, phường 1, TP Bảo Lộc) mang tâm lý của người đang mắc căn bệnh mạn tính, từng chữa trị nhiều nơi không khỏi, bởi vậy hễ có ai đó mách bảo chỗ nào chữa trị bệnh "hay" thì đều cố tìm đến. Giữa lúc hoang mang chị vô tình sa vào "bẫy" của nhóm tự xưng "Trừ quỷ Bảo Lộc". Chị C. kể: "Mình bị đau vai gáy, xương khớp, thấy nhiều người tìm đến đó (nhóm "Trừ quỷ") khá đông, rồi mình đi hỏi thăm. Họ bảo hay lắm, họ nói họ bị thần kinh tọa, cột sống đi hổng được, vô đây "Chúa cha" chữa hết liền à. Nghe vậy cũng chưa tin đâu, rồi tình cờ gặp một chị ở Thái Bình đi xe đến nhóm này, mình lân la hỏi thì chị ấy bảo: Vô đó sướng lắm, như thiên đường ấy! Rồi mình cho chị ấy số điện thoại, bả vô một lúc rồi gọi điện báo mình tranh thủ qua, hay lắm. Đang đau mà, mình qua liền".

Sau mỗi lần "chữa bệnh" tại nhóm "Trừ quỷ" về nhà, chị C. thực hiện việc ăn chay, mua áo trắng để mặc chứ không được dùng áo mầu. Vì theo lời nhóm "Trừ quỷ" nói với những "con bệnh" thì áo mầu ma quỷ thấy nó sẽ nhập vào. Gia đình chị C. có hai người con, con lớn đã lập gia đình và đứa bé đang học đại học. Hằng ngày, chị cùng chồng kinh doanh quán ăn uống, phân phối bia. Cuộc sống vốn an lành, vui vẻ, cho đến khi chị C. sa vào "bẫy" của nhóm "Trừ quỷ Bảo Lộc". "Rồi sao chị thoát ra được nhóm này?" - Tôi hỏi. "Chồng la, con la; nhiều người chửi mình, chớ hết chuyện hay sao mà đi vô đó chữa bậy bạ. Rồi thấy bệnh không bớt, cơ thể thì đau nhừ, rụng rời tay chân, mình mới tỉnh ngộ", chị C. phân trần.

Sau khi chị C. rời nhóm "Trừ quỷ", nhiều "tay chân" nhóm này tiếp tục lôi kéo chị. "Mình nhìn thấy nhiều người đi xe đến còn khỏe mạnh, vô nhóm này một hồi là phải dìu ra. Sợ quá. May mình thoát được sớm", chị C. kể. Sau đó, chị được chồng con đưa đi chữa bệnh tại một bệnh viện uy tín ở Thành phố Hồ Chí Minh. "Đúng thầy, đúng bệnh, đúng phương pháp khoa học, bệnh đỡ liền à. Giờ ai hỏi chuyện mình nói luôn, đừng tin những cơ sở "trừ ma, diệt quỷ", chữa bệnh xàm bậy, phi khoa học rồi tật mang, mê muội", chị C. cảnh tỉnh.

Nạn nhân thứ hai: dại dột vì thiếu hiểu biết

Tôi hẹn gặp anh N.N.M. (sinh năm 1979, ở xã Lộc Châu, TP Bảo Lộc, Lâm Đồng) tại quán cà-phê bên đường, đặt vấn đề muốn nghe chuyện "thoát" khỏi nhóm "Trừ quỷ" của anh. Khuôn mặt lam lũ, sạm nắng của người đàn ông vốn quen bươn chải mưu sinh trên những cung đường phố núi Bảo Lộc bỗng trở nên ưu tư, trầm buồn: "Tâm lý mà, mình bị bệnh thì tìm thầy tứ phương thôi. Nhưng khi tìm hiểu, mình thấy nhóm này có gì sai sai. Rồi khi được "soi sáng" mình "thoát" luôn, giờ thấy ân hận vì mình vô tình quảng bá cho nhóm tự xưng hoạt động sai trái", anh M. hối hận.

Mưu sinh bằng nghề mài dao kéo, số tiền công từ bảy đến 20 nghìn đồng mỗi lần mài dao, mài kéo có lẽ chỉ đủ cho anh M. trang trải chi tiêu của bản thân, chứ chưa dám nghĩ đến việc lo được cho đứa con 12 tuổi đang tuổi ăn, tuổi học và người vợ làm nghề thợ may. Điều kiện tiếp cận thông tin hạn chế, bản thân mang bệnh, nên khi nghe người anh trai N.Đ.K. hơn mình hai tuổi mách bảo, N.N.M. không ngần ngại gia nhập nhóm "Trừ quỷ Bảo Lộc". Anh tâm sự: "Anh trai mình cũng bệnh đủ thứ, cột sống, xoang, đau đầu… Ổng bảo, vô nhóm đó ăn chay cầu nguyện thì hết bệnh, thế là mình tin".

Anh M. chỉ đến tham gia nhóm "Trừ quỷ" ba lần, nhưng vô tình trở thành "cộng sự", tham gia "diễn" trong đoạn clip để quảng bá cách "chữa bệnh" vô căn cứ, phản khoa học của nhóm này. "Người ta nói mình ngồi làm chứng để họ "chữa bệnh", "trừ quỷ", rồi nói cảm nghĩ của mình theo kịch bản. Nghĩ lại mới thấy bà Thương, ông Quảng (chủ nhóm "Trừ quỷ Bảo Lộc") là người bình thường như mình, làm gì mà "trừ ma quỷ", "chữa bệnh" được".

Anh M. là một trong rất nhiều nạn nhân của nhóm này. Sau khi được lực lượng chức năng, Công an TP Bảo Lộc và những vị linh mục phân tích, soi sáng, anh M. vô cùng ân hận. Anh nói: "Mình sẽ làm đơn gửi cơ quan công an giúp gỡ clip liên quan đến hình ảnh của mình khi tham gia nhóm "Trừ quỷ Bảo Lộc".

Theo chân lực lượng chức năng

Thống kê sơ bộ cho thấy, nạn nhân nhóm "Trừ quỷ Bảo Lộc" đến từ trên 40 tỉnh, thành phố trong cả nước. Có được điều này là bởi nhóm có hệ thống chân rết khắp nơi, mỗi chân rết là một kênh tuyên truyền để tìm kiếm càng đông thành viên càng tốt.

Chia sẻ với phóng viên, các chiến sĩ công an cho biết: Yêu cầu đặt ra với anh em trong đội an ninh là phải bám địa bàn, nắm chắc bản chất vụ việc, lai lịch những cá nhân tham gia, sau đó phân tích kỹ để hiểu rõ bản chất, tiến hành đối chiếu pháp luật, chủ trương, chính sách của Nhà nước để phân tích cho họ hiểu. Tùy trình độ nhận thức để chọn phương thức phù hợp, bởi những người đến "chữa bệnh" tại đây phần lớn bị thiếu thông tin, nhận thức cũng hạn chế, lại đang mắc bệnh tật nên dễ bị lôi kéo.

Nhận thấy mức độ phức tạp và nguy hiểm của nhóm "Trừ quỷ Bảo Lộc" chính quyền, cơ quan chức năng cùng các tổ chức đoàn thể xã hội đã kịp thời tổ chức những đợt tuyên truyền bằng nhiều hình thức, tổ chức gặp trực tiếp người dân, phổ biến thông tin qua hệ thống phát thanh công cộng, thông qua những buổi lễ nhà thờ. Đồng thời, lực lượng công an đã tiến hành kiểm tra xử lý vi phạm hành chính nhóm "Trừ quỷ Bảo Lộc" và thông tin rộng rãi đến cộng đồng. Hiện nhóm này co cụm, hoạt động lén lút, không dám công khai hoạt động song vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ khó lường.

(Còn nữa)

-Bài 1: Ngăn chặn "gió độc" ở miền trung