Quà Huế

Huế có bao nhiêu thức quà? Chỉ riêng loại quà ngọt để dùng tráng miệng sau bữa ăn chính, hoặc để dùng kèm khi uống trà, như: chè, bánh, kẹo… cũng đã thật phong phú, khó ai có câu trả lời chính xác. Dẫu chỉ gặp một người Huế bình dị, bất kỳ, ta cũng có thể biết thêm bao câu chuyện về các thức quà, đến độ cảm thấy như mỗi người Huế đều có trong tiềm thức sự khéo léo, tinh tế, tỉ mỉ để khi có duyên, có dịp, họ sẽ làm quà Huế đẹp thêm.
0:00 / 0:00
0:00
Anh Hà Quốc Phước chuẩn bị mâm bánh ngũ sắc. Ảnh: NVCC
Anh Hà Quốc Phước chuẩn bị mâm bánh ngũ sắc. Ảnh: NVCC

TRONG căn nhà cổ mới được phục dựng, trên con phố chạy dọc sông Đông Ba, Hà Quốc Phước vừa gấp hộp đựng bánh hình lập phương từ sáu mảnh giấy mầu sắc khác nhau vừa nhờ tôi ghi hình lại xem mất bao nhiêu lâu... Chừng một phút rưỡi cho một chiếc hộp cỡ lớn, 4 cm. Nếu là hộp nhỏ, có lẽ lâu hơn. Những chiếc hộp này có kích thước trung bình 2,5-3 cm/cạnh, nhưng cũng có thể nhỏ tới chừng 1,5 cm, tùy vào ý định của người dùng. Thức quà bên trong thường là bánh mứt ngũ sắc, được làm từ nước đường phèn chưng tinh khiết theo công thức riêng với bột nếp mịn, năm loại mứt củ quả có mầu sắc khác nhau sử dụng nguyên liệu có nguồn gốc hoàn toàn tự nhiên. Miếng bánh sắc mầu này được gói trong giấy gạo mỏng, trong, rồi xếp vào bên trong hộp giấy ngũ sắc. Vậy là sắc mầu bao gói sắc mầu.

Có câu chuyện kể là chiếc hộp giấy ngũ sắc này quyện với mầu bánh bên trong cũng chỉ mới được phát kiến bởi một nghệ nhân làm bánh Huế, trong ý hướng "nâng tầm" cho món bánh dân dã, vốn được sinh ra từ ý niệm tiết kiệm của người Huế dịp lễ, Tết hay mùa quả chín trong vườn nhà. Cách thức gấp hộp tựa nghệ thuật gấp giấy origami của người Nhật, còn giấy là từ làng làm hoa giấy truyền thống Thanh Tiên để tạo sự kết nối giữa các khía cạnh truyền thống… Trước kia, người Huế gói thức quà này bằng giấy mầu trắng, mở ra mới là ngũ sắc của bánh. Tương tự như chuyện các loại bánh in (in chữ Thọ hoặc sau này, có khuôn in thêm hình hoa mai) làm từ bột đậu xanh hoặc bột hạt sen tán mịn, vốn được gói trong giấy bóng kính đủ mầu sắc, tựa như món oản từ bột nếp ngào đường ở vùng đồng bằng Bắc Bộ; nhưng nay, bánh in cũng có thể được xếp vào bên trong hộp giấy ngũ sắc này…

Sau một bữa ăn với đủ vị cay, mặn, bùi của Huế, một khay bánh tráng miệng đầy mầu sắc được sắp lên. Mỗi người có thể chọn một, hai hộp tùy ý, mở từng nếp giấy, cầm nhẹ tấm bánh mỏng, trong lên, thoảng hương nếp quyện vị ngọt thanh của đường phèn tinh chế… Hoặc cũng có thể chỉ cầm hộp lên thôi, là đã cảm thấy dư vị đặc biệt của ẩm thực ủ đầy trong văn hóa địa phương đặc sắc.

Chỉ mới học làm món bánh ngũ sắc từ cuối năm 2022, nhưng đến nay, anh Phước "bị" di sản ẩm thực quê hương này cuốn hút đến độ anh từ bỏ hẳn công việc hướng dẫn viên du lịch, dành thời gian nghiên cứu, đưa sáng kiến thay thế nhân bánh, công thức làm bánh để trong thời tiết Huế khắc nghiệt, vẫn có thể giữ bánh lâu dài hơn so bánh truyền thống là dạng bánh dẻo ướt. Tháng 7 vừa qua, Phước là thí sinh nam duy nhất tham dự cuộc thi nấu ăn của thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế, có sự tham gia của 68 thí sinh khác đều là các nữ nghệ nhân. Tại đây, anh đã giành giải nhất với món bánh ngũ sắc.

Huế còn có rất nhiều người con tha thiết với truyền thống ẩm thực xứ sở. Họ đã và đang cố gắng lan tỏa vẻ riêng có của quà Huế đến nhiều nơi chốn khác.