GIẢI chạy S-Race 2023, mới đây, thu hút sự tham gia của gần 5.000 học sinh, sinh viên, thầy, cô giáo và phụ huynh, tại cung đường quanh hồ Xuân Hương (thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng). Với thông điệp "Vì tầm vóc Việt", hoạt động hằng năm có quy mô lớn nhất dành cho học sinh, sinh viên này, đóng vai trò xây dựng, lan tỏa thói quen tập luyện thể dục, thể thao thường xuyên, nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc rèn luyện thể chất, hướng đến mục tiêu cải thiện chất lượng giống nòi cũng như tầm vóc thanh niên Việt Nam.
Ở thời điểm năm học mới chuẩn bị bắt đầu, quy mô của S-Race 2023 đã khẳng định quyết tâm chung tay của gia đình, nhà trường và xã hội vì sự phát triển toàn diện của thế hệ trẻ. Bên cạnh đó, giải chạy cũng thúc đẩy quá trình thực hiện Đề án tổng thể phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam giai đoạn 2011-2030 theo Quyết định số 641/QĐ-TTg ngày 28/4/2011 và Chương trình Sức khỏe học đường giai đoạn 2021-2025 theo Quyết định số 1660/QĐ-TTg ngày 02/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ.
Nhìn vào kết quả Tổng điều tra Dinh dưỡng toàn quốc 2020, nhóm thanh niên nam và nữ 18 tuổi ở nước ta đạt chiều cao trung bình lần lượt là 168,1 cm và 156,2 cm (tương đương mức tăng 3,7 cm và 1,4 cm so năm 2010). Ở khu vực Đông Nam Á, hai chỉ số này giúp chúng ta nằm trong top 4, sau Singapore, Malaysia và Thái Lan. Còn trên toàn thế giới, chiều cao của người Việt đứng thứ 153 trên tổng số 201 quốc gia và vùng lãnh thổ.
CÁC chuyên gia nhận định: Một trong những nguyên nhân khiến thể lực và chiều cao của thanh thiếu niên nước ta vẫn còn hạn chế là do thói quen lười vận động, ít tập luyện thể dục thể thao. Phần lớn thời gian của trẻ em đều gói gọn trong việc đến trường, đi học thêm, về nhà nghỉ ngơi. Khung giờ dành cho hoạt động thể chất rất ít, thậm chí không có. Chưa nhiều gia đình nhận thức được tầm quan trọng của việc tìm hiểu những kiến thức và hoạt động nhằm cải thiện chiều cao.
Trong những năm trước đây, các hoạt động giáo dục thể chất ở trường học vẫn chưa thật sự được quan tâm, xem trọng. Bên cạnh thời lượng hai tiết chính khóa mỗi tuần, nội dung môn học còn tương đối nghèo nàn khi chỉ xoay quanh các bài tập thể dục, đá cầu, nhảy dây hay một số nội dung điền kinh (chạy, nhảy cao, nhảy xa). Không nhiều trường học có điều kiện giảng dạy các bộ môn được yêu thích như bơi lội, bóng đá, bóng chuyền hay bóng rổ...
Với mục tiêu cải thiện tình trạng này, Vụ Giáo dục thể chất (Bộ Giáo dục và Đào tạo) đã xây dựng và được Chính phủ phê duyệt Chương trình Sức khỏe học đường giai đoạn 2021-2025. Cùng với những đổi mới ở chương trình giáo dục phổ thông 2018, tất cả đã trở thành cú huých giúp bộ môn giáo dục thể chất và hoạt động thể thao học đường được quan tâm toàn diện, nâng cao nhận thức của giáo viên, học sinh và các bậc phụ huynh, từ đó thúc đẩy phong trào thể thao, rèn luyện sức khỏe trong và ngoài nhà trường.
Bên cạnh đó, Kế hoạch triển khai Đề án tổng thể phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam giai đoạn II (2021-2030) nêu rõ: Cần bảo đảm chất lượng dạy và học thể dục chính khóa, các hoạt động thể dục thể thao ngoại khóa; xây dựng chương trình giáo dục thể chất hợp lý có kết hợp với giáo dục quốc phòng, triển khai đồng bộ với công tác y tế học đường và dinh dưỡng học đường; cải thiện và tăng cường điều kiện phục vụ hoạt động thể dục, thể thao trong trường học; đầu tư xây dựng cơ sở vật chất cho giáo dục thể chất; đến năm 2030 đạt 90% tổng số trường tại 63 tỉnh, thành phố.
THỰC tế, tầm vóc của thanh thiếu niên nước ta đã tăng lên và tăng nhanh hơn qua các thế hệ, với những bước đột phá thật sự trong vòng mười năm trở lại đây. Mức tăng chiều cao của thanh niên Việt Nam trong giai đoạn 1990-2020 tương đương thời kỳ vàng của Nhật Bản về tăng chiều cao thanh niên (giai đoạn 1955-1995). Nếu tiếp tục duy trì được việc này trong những năm tới, Việt Nam sẽ thu hẹp khoảng cách chiều cao với các nước dẫn đầu châu Á.
Trong khuôn khổ Giải cúp các câu lạc bộ bóng chày toàn quốc 2023, Chủ tịch Liên đoàn Bóng chày và Bóng mềm Việt Nam Trần Đức Phấn khẳng định: Sẽ phối hợp Bộ Giáo dục và Đào tạo để đưa các nội dung phù hợp của hai môn này vào trường học nhằm phát triển thể chất cho học sinh.
Bộ môn bóng mềm dành cho nữ (với đặc tính quả bóng to nhưng nhẹ, không gây chấn thương khi thi đấu) được rất nhiều bạn trẻ quốc tế yêu thích. Còn nội dung bóng chày năm người rất thích hợp để phát triển với điều kiện các trường ở Việt Nam. Bởi ưu thế là không cần gậy, không cần cơ sở vật chất phức tạp, chỉ cần khoảng sân nhỏ là có thể chơi được. Đây sẽ là những lựa chọn mới đầy hấp dẫn, góp phần thúc đẩy mục tiêu cải thiện thể lực, tầm vóc cho thế hệ tương lai của nước nhà.