1. Nhớ lời người thầy - Giáo sư Tô Ngọc Thanh - thường dặn, để đem ra thi thố được gì với thế giới, có chăng nhờ vào nét độc đáo của văn hóa làng, văn nghệ dân gian - mà gần trọn cuộc đời, nhà nghiên cứu Lê Xuân Tê (Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam) đã cần mẫn đi điền dã nhiều vùng quê Bắc Bộ, nhất là một số làng đặc trưng châu thổ sông Hồng, sưu tầm tư liệu và viết.
Hễ đề cập chủ đề làng quê là ông có thể say sưa nói suốt một buổi, mà không hề chung chung, kinh viện. Cái hay của vị "chuyên gia làng" này là cả đời gắn bó với làng nên những chia sẻ của ông rất cụ thể, chi tiết. Bởi thế, đến nay, ở tuổi gần bảy mươi, cả in riêng và in chung, ông đã có mười mấy đầu sách được xuất bản, cuốn nào cũng dày dặn, công phu, nhiều tư liệu mới. Trong đó, một số tác phẩm đoạt giải cả Trung ương và địa phương, được bạn đọc đón nhận và giới chuyên môn đánh giá cao, như: Văn hóa văn nghệ dân gian Hưng Yên - Đôi nét phác thảo, năm 2005; Ghi chép từ làng nghề, năm 2005; Văn hóa dân gian làng Xuân Cầu, năm 2009; Văn học dân gian Đường Hào, tập 1, năm 2018; Hò lờ Đường Hào, năm 2022,... Cho đến giờ, chiếc xe máy cà tàng đã gắn bó mấy chục năm trời vẫn đang tiếp tục cùng ông rong ruổi, để góp nhặt thêm những phát hiện, nghiên cứu mới cho văn hóa làng Việt.
2. Khác với những nhà nghiên cứu, những người cầm bút, người sáng lập Bảo tàng Đồng Quê (xã Giao Thịnh, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định) từ hơn mười năm trước, vì yêu làng, nên lại muốn giữ gìn sự hiện diện của làng thông qua các hiện vật. Không gian văn hóa đặc biệt này ra đời ngày 4/2/2013, do Thiếu tướng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Hoàng Kiền, nguyên Tư lệnh Binh chủng Công binh, Quân đội nhân dân Việt Nam và vợ là nhà giáo Ngô Thị Khiếu thành lập.
Suốt hơn mười năm qua, kể từ khi được tỉnh Nam Định cấp phép và đi vào hoạt động, Bảo tàng Đồng Quê đã trở thành địa chỉ quen thuộc của nhân dân quanh vùng và nổi tiếng cả nước bởi những giá trị làng được lưu giữ tại đây. Có lần đến thăm Bảo tàng, bà Cora Fernandez, Tham tán Đại sứ quán Venezuela tại Việt Nam cho biết: "Đây là lần đầu tôi đến thăm Bảo tàng Đồng Quê. Tại đây tôi thấy được khung cảnh làng quê Việt Nam, cảm nhận được cái hồn của làng và hiểu được những truyền thống anh hùng của con người nơi đây được bồi đắp từ đâu".
Hiện ở Bảo tàng Đồng Quê lưu giữ hàng vạn hiện vật lớn nhỏ, đa dạng, cả trưng bày trong nhà và ngoài trời, có những thứ vẫn gần gụi nhưng có nhiều thứ đã rất xa xôi với nhận thức của thế hệ trẻ. Thúng, mủng, giần, sàng, mâm đồng, cối đá, cày, bừa, cuốc, thuổng, vó cất, lờ cá; cả nhà rạ mái gianh cho đến các món ăn truyền thống, nếp sinh hoạt văn hóa làng xã đặc trưng hiện diện sinh động tại đây.
Thiếu tướng Hoàng Kiền chia sẻ: "Tôn chỉ, mục đích của Bảo tàng là nơi lưu giữ hồn quê đất Việt, có chức năng sưu tầm, lưu trữ, trưng bày, bảo quản và giới thiệu với du khách trong nước và quốc tế về giá trị của những di sản văn hóa cả vật thể và phi vật thể của ông cha hun đúc từ ngàn năm lịch sử".
Gần đây, cùng với Vườn quốc gia Xuân Thủy, Nhà lưu niệm cố Tổng Bí thư Trường Chinh,... Bảo tàng Đồng Quê đã kết nối các điểm du lịch trong khu vực để tăng thêm cơ hội giới thiệu tới du khách các giá trị lịch sử-văn hóa truyền thống độc đáo của dân tộc. Những việc làm ấy đáng trọng biết bao.
3. Ngô Quý Đức, nhà sáng lập web velang.vn đã góp thêm một cây cầu nối xưa và nay, thành thị với nông thôn, đưa những người ở phố về làng cho hồn quê thêm sinh động.
Ban đầu, ý tưởng "về làng" của Ngô Quý Đức (sinh năm 1985 tại Hà Nội) là lập nên một trang thông tin về văn hóa Hà Nội, rồi nét đẹp của các làng nghề truyền thống như đã mê hoặc chàng trai phố thị ấy. Sau hơn mười năm đi đi về về, dẫn đoàn và có khi tổ chức tọa đàm, giới thiệu nơi Đức và mọi người cùng đến, gần đây anh đã có cả một trụ sở "Về làng" ấn tượng trên phố Đặng Tiến Đông (Đống Đa, Hà Nội). Đức chia sẻ: "Lúc đầu tôi đi là vì niềm đam mê, đi để xem họ làm những sản phẩm như thế nào, cuộc sống chung quanh của họ ra sao và cái nghề đấy có thể đem lại thu nhập cho họ hay không? Dần dần, qua những chuyến đi đó làng đã thu hút tôi. Những sản phẩm truyền thống của Việt Nam được làm từ các chất liệu quen thuộc như mây, tre, giấy, đất,... mà đẹp và bền. Nó không chỉ là sản phẩm thông thường mà còn mang cả ý nghĩa giáo dục". Cứ thế làng cuốn hút anh, các cộng sự và mọi người. Bằng tấm lòng yêu làng quê Việt, nhóm Về làng đã và đang lan tỏa và chứng minh rằng, các giá trị, vẻ đẹp văn hóa nơi thôn dã vẫn tràn đầy sức sống.
Cùng với Thiếu tướng Hoàng Kiền, nhà giáo Ngô Thị Khiếu, nhà nghiên cứu Lê Xuân Tê, "người kết nối" Ngô Quý Đức,... còn biết bao người yêu làng, yêu văn hóa làng Việt Nam, bằng những con đường, cách thức khác nhau, vẫn hằng ngày miệt mài lan tỏa các vẻ đẹp giản dị, nhân văn, bền vững của làng. Hơn thế, cùng với sự phát triển kinh tế-xã hội, những giao thoa, tiếp biến văn hóa đã mở ra nhiều không gian mới ở làng, hay đưa một số nét làng lên phố và như thế, những nếp làng truyền thống vẫn đang được các thế hệ kế tiếp đón nhận và tôn bồi thêm giá trị.
(Còn nữa)
(★) Xem Báo Nhân Dân cuối tuần từ số 35, ra ngày 27/8/2023.