Tăng sức cạnh tranh cho doanh nghiệp nông nghiệp

Có lợi thế về nông nghiệp, nhưng chủ thể sản xuất nông nghiệp của Việt Nam vẫn chủ yếu là các hộ gia đình, sự phát triển của các doanh nghiệp nông nghiệp đến nay còn chưa tương xứng tiềm năng. Để phát triển nông nghiệp hiệu quả, bền vững, một trong những giải pháp hàng đầu chính là phát huy vai trò đầu tàu của các doanh nghiệp nông nghiệp.
0:00 / 0:00
0:00
Cá tầm là loại thủy sản nuôi cho giá trị kinh tế cao. Ảnh: CATAVIET
Cá tầm là loại thủy sản nuôi cho giá trị kinh tế cao. Ảnh: CATAVIET

Trong giai đoạn 2017-2022, số doanh nghiệp trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy sản mỗi năm đã tăng gần 4,0%. Tuy nhiên, số lượng, chất lượng doanh nghiệp nông nghiệp còn rất khiêm tốn. Số liệu của Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, tính đến ngày 31/12/2022, số doanh nghiệp trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chỉ chiếm 1,35% tổng số doanh nghiệp của cả nước.

Chính sách chưa thật sự đủ mạnh

Nhìn chung, hoạt động của doanh nghiệp nông nghiệp hiện còn hạn chế, doanh thu của các doanh nghiệp nông nghiệp chỉ bằng 0,62% tổng doanh thu của hệ thống doanh nghiệp. Bên cạnh đó, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp nông nghiệp còn yếu kém. Các doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp chưa cập nhật công nghệ sản xuất, chưa chuyên nghiệp quản lý sản xuất và thiếu đầu tư vào nghiên cứu và phát triển. Chất lượng nông sản xuất khẩu của Việt Nam chưa đồng đều, thiếu ổn định, chủ yếu xuất khẩu thô. Tỷ lệ nông sản sản xuất theo các tiêu chuẩn bền vững, tiêu chuẩn xanh, giảm phát thải chưa có nhiều, trong khi yêu cầu của các nước nhập khẩu ngày càng khắt khe,... Với một "thể trạng" còn yếu, các doanh nghiệp nông nghiệp chưa phát huy được vai trò đầu tàu của mình trong sản xuất, phát triển kinh tế nông nghiệp hiện nay.

Tiến sĩ Trần Thị Hồng Minh - Viện trưởng Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương chia sẻ: Những hạn chế về năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp nói trên bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân trực tiếp đến từ các chính sách hỗ trợ, khuyến khích, thu hút đầu tư của Nhà nước. Có thể nói, hiện nay chưa có sự thống nhất ưu tiên đầu tư cho ngành nông nghiệp, chính sách khuyến khích chưa đủ mạnh để thu hút doanh nghiệp đầu tư, các doanh nghiệp khó tiếp cận đất đai. Thủ tục hành chính, sự hỗ trợ của quản lý nhà nước trong việc khởi nghiệp doanh nghiệp, tiếp cận các nguồn lực để đầu tư chưa được cải thiện.

Có cùng quan điểm trên, Tiến sĩ Vũ Mạnh Hùng - Vụ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ban Kinh tế Trung ương cho rằng: Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến sự phát triển của doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam còn khiêm tốn, đó là chưa có chính sách thật sự đủ mạnh để thúc đẩy sự phát triển của khu vực doanh nghiệp nông nghiệp. Lĩnh vực hỗ trợ của chính sách được xem là khá toàn diện, song, tính đồng bộ của chính sách, mức độ hỗ trợ của chính sách chưa tốt, mức độ tác động đến sự phát triển của doanh nghiệp chưa lớn.

Ðầu tàu cần được tiếp sức

Đánh giá sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản tám tháng năm 2023 cơ bản ổn định, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, nhưng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng chỉ ra không ít tồn tại, hạn chế; trong đó có việc các hợp tác xã còn khó khăn trong quản trị minh bạch hoạt động sản xuất, kinh doanh; chưa phát huy tốt vai trò kết nối giữa hộ nông dân và doanh nghiệp. Số lượng doanh nghiệp tham gia các hợp đồng liên kết tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp ít về số lượng, quy mô nhỏ.

Điểm yếu liên kết chuỗi cũng đã được chính Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan chia sẻ tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn, Phiên họp thứ 25 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ngày 15/8 vừa qua. Bộ trưởng Hoan cho biết, chỉ khoảng 20% diện tích nông nghiệp nằm trong chuỗi liên kết ngành hàng. Thậm chí trong số 20% đó không phải chuỗi nào cũng bền vững. Chuyện nông dân bội tín với doanh nghiệp, chuyện doanh nghiệp bỏ cọc, hay thương lái bỏ cọc, bỏ lúa giữa đồng, bỏ quả chín rục trên cây còn xảy ra.

Bàn về giải pháp, các chuyên gia cho rằng, doanh nghiệp chính là đầu tàu dẫn dắt ngành nông nghiệp phát triển, bởi vậy cần phải đầu tư trọng tâm để đầu tàu này được lớn mạnh. Theo đó, chính sách phát triển doanh nghiệp nông nghiệp cần hướng nhiều hơn vào việc thúc đẩy hình thành nhiều doanh nghiệp nông nghiệp, đặc biệt là việc chuyển dịch từ khu vực hộ kinh doanh nông nghiệp, hộ đại điền sang hoạt động theo loại hình doanh nghiệp, dần từng thúc đẩy hoạt động kinh tế nông nghiệp phi chính sách sang chính thức. Song song với đó là tăng cường các chính sách về hỗ trợ tiếp cận nguồn vốn cho doanh nghiệp nông nghiệp, hợp tác xã nông nghiệp. Mở rộng đối tượng được vay vốn từ Quỹ hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Thực hiện các chính sách hỗ trợ, thúc đẩy chuyển đổi số cho các doanh nghiệp nông nghiệp, tạo quỹ đất, quy hoạch các vùng đất sản xuất nông nghiệp, vùng nguyên liệu ổn định, đẩy mạnh xúc tiến thương mại,...

Tiến sĩ Võ Trí Thành - Viện trưởng Nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và Cạnh tranh, nhấn mạnh đến việc cần đẩy mạnh liên kết giữa nông dân trong các tổ hợp tác, hợp tác xã; giữa doanh nghiệp và nông dân là rất quan trọng. Đây là đòi hỏi tất yếu. Các thị trường yêu cầu chất lượng sản phẩm với những tiêu chuẩn ngày càng cao, nếu không liên kết, chúng ta sẽ không đủ sức cạnh tranh. Bên cạnh đó, cần đầu tư vào xây dựng hạ tầng kho bãi, chế biến sâu để giảm tỷ lệ hư tổn nông sản và thuận tiện trong quá trình vận chuyển, xuất khẩu, đặc biệt là đến các thị trường ở xa.