Tấm lòng nhân ái của cô giáo dân tộc Tày

Ở huyện Văn Chấn (Yên Bái), nhiều người biết cô giáo dân tộc Tày Hà Thị Huyền, dạy Trường trung học cơ sở Cát Thịnh. Cô là người có trái tim nồng ấm, không chỉ dạy con chữ mà còn góp phần thắp sáng tinh thần "tương thân, tương ái", lan tỏa những giá trị tốt đẹp tới cộng đồng.
0:00 / 0:00
0:00
Cô giáo Hà Thị Huyền và cháu Triệu Thị Trang.
Cô giáo Hà Thị Huyền và cháu Triệu Thị Trang.

Hơn 14 năm về trước, cô giáo Hà Thị Huyền được tuyển dụng về dạy tại Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học An Lương, huyện Văn Chấn, nơi từng được biết đến với tình trạng ngày ngày trẻ em phải kéo mảng tre vượt suối Ngòi Thia để đến lớp. Nơi đây, con em đồng bào Tày, Dao, H’Mông ở các bản xa được nhà trường nuôi dạy bán trú, bố mẹ thường đón con chiều thứ sáu, đưa đến trường sáng sớm thứ hai hoặc chiều chủ nhật. Những ngày nghỉ cuối tuần, do mưa, đường núi trơn trượt, suối nước lũ dâng cao, cô Huyền thường ở lại trường dạy các điệu múa mới cho các học sinh nội trú. Nghe tiếng nhạc, tiếng hát, các cháu nhỏ ở gần khu trường thường tìm đến xem. Trong số ấy, có một bé gái dân tộc Dao với đôi mắt rất sáng, thân hình bé nhỏ, gầy gò, tiếng phổ thông cũng không nói sõi... luôn đến sớm và về sau cùng, không có ai đưa đón. Cô bé khiến cô giáo Huyền có sự quan tâm đặc biệt.

Cô Huyền tâm sự, đó là cháu Triệu Thị Trang, sinh năm 2006, trú tại xã An Lương, huyện Văn Chấn. Gia đình cháu có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Không biết mặt bố từ khi mới lọt lòng, chỉ có mẹ bên Trang trong căn nhà dựng tạm liêu xiêu ven con suối Thia. Mẹ cháu đau ốm, trí nhớ giảm sút nhưng vẫn cố gắng đi làm thuê, rau cháo qua ngày. Chia sẻ khó khăn trong cuộc sống của hai mẹ con, cô giáo Huyền dành thời gian nấu những bữa cơm, mua những tấm áo, chiếc quần ấm cho bé Trang. Ngày qua ngày, tháng qua tháng, những chia sẻ của cô càng làm cho sự gắn bó giữa hai cô cháu ngày một khăng khít.

Cuộc sống của cô giáo vùng cao như Huyền vẫn còn nhiều vất vả. Cô kể, bản thân vừa làm công tác chuyên môn vừa chăm lo cho gia đình nhỏ của mình. Trong khi hai con còn nhỏ, chồng cô là thầy giáo Hoàng Văn Vương đang tham gia giảng dạy tại Trường tiểu học xã Chế Tạo, huyện Mù Cang Chải. Cô giáo thương yêu và quan tâm tới Trang như con cái trong nhà, tình cảm ấy với cô như một mối nhân duyên nơi vùng sâu, vùng xa. Dù chật vật với đồng lương giáo viên khiêm tốn, cô Huyền vẫn quyết định nhận cháu Trang làm con đỡ đầu, chịu trách nhiệm chăm sóc, nuôi dạy cháu khôn lớn nên người. Từ bé gái gầy gò 10 năm về trước, nay Triệu Thị Trang đã là nữ sinh lớp 11 xinh xắn, trưởng thành, với mong ước trở thành cô giáo như mẹ Huyền, trở về quê hương dạy các em vùng cao có thêm kiến thức để trở thành người có ích cho xã hội.

Nhận xét về cô giáo Hà Thị Huyền, thầy Trịnh Tuấn Dũng, Hiệu trưởng Trường trung học cơ sở Cát Thịnh, huyện Văn Chấn chia sẻ: Sau 11 năm dạy ở vùng đặc biệt khó khăn, cô Huyền được Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện bố trí về làm giáo viên âm nhạc của trường. Do có tố chất và được đào tạo cơ bản tại Trường đại học Sư phạm Hà Nội, Khoa Nghệ thuật nên cô Huyền được nhà trường phân công làm Tổng phụ trách đội. Nhờ vậy, các hoạt động, phong trào của nhà trường phát động thêm sôi nổi, như: chương trình "Tiếng hát tuổi hồng", giải bóng đá thiếu niên... Đặc biệt, cô Huyền rất hiểu tâm lý của các học sinh dân tộc H’Mông, Dao, Tày nơi đây. Cô thường xuyên tận tình hướng dẫn các em tham gia biểu diễn các điệu dân vũ, khèn H’Mông, thổi khèn môi, khèn lá, múa sạp... Nhờ sự nhiệt tình và tình yêu thương con trẻ của cô giáo Hà Thị Huyền, đã có nhiều học sinh đi thi và mang về nhiều giải cao trong các hội thi, hội diễn của ngành giáo dục huyện Văn Chấn.

Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Văn Chấn, Nguyễn Minh Đức cho biết thêm: Văn Chấn là huyện có đến 10 xã đặc biệt khó khăn, với 65 đơn vị trường học, các thầy, cô giáo tham gia giảng dạy tại các trường vùng cao, vùng sâu, vùng khó khăn, có thành tích tốt, có nguyện vọng chính đáng sẽ được xét duyệt cho chuyển vùng. Trường hợp cô giáo Hà Thị Huyền nằm trong số đó. Việc đỡ đầu, nhận nuôi dưỡng các trường hợp trẻ có hoàn cảnh khó khăn luôn được ngành giáo dục huyện ủng hộ, tạo điều kiện theo đúng tinh thần "Không để ai bỏ lại phía sau". Theo lãnh đạo ngành giáo dục Văn Chấn, trường hợp cháu Triệu Thị Trang sẽ được quan tâm, hỗ trợ sắp xếp công việc nếu sau này tốt nghiệp, có nguyện vọng trở về quê hương dạy học...