Công tác đối ngoại góp phần nâng cao vị thế đất nước

Bài 3: Nâng cao hiệu quả của công tác thông tin đối ngoại

Nhiều năm qua, công tác thông tin đối ngoại luôn được Ðảng ta xác định là một bộ phận quan trọng trong công tác đối ngoại Ðảng, ngoại giao Nhà nước, ngoại giao nhân dân, góp phần tạo đồng thuận trong nước và tranh thủ sự ủng hộ của bạn bè quốc tế, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ đất nước trong tình hình mới.
0:00 / 0:00
0:00
Chương trình Ngày Việt Nam ở nước ngoài 2022 được quảng bá rộng rãi đến bạn bè quốc tế.
Chương trình Ngày Việt Nam ở nước ngoài 2022 được quảng bá rộng rãi đến bạn bè quốc tế.

Trong công tác đối ngoại, thông tin đối ngoại được coi là một trong những công cụ quan trọng, phổ biến trong quan hệ quốc tế, có ảnh hưởng lớn đến các hoạt động đối ngoại của các quốc gia.

Những năm qua, Ðảng và Nhà nước ta đặc biệt quan tâm đến hoạt động này, đồng thời xác định nhiệm vụ trọng yếu của công tác thông tin đối ngoại là phổ biến kịp thời, chính xác các quan điểm, chủ trương của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trên mọi phương diện, trong mọi lĩnh vực, qua đó thể hiện rõ ràng quan điểm, lập trường của Việt Nam về các vấn đề quốc tế; đồng thời quảng bá hình ảnh đất nước, con người, lịch sử, văn hóa Việt Nam và thành tựu to lớn đất nước đạt được trong thời kỳ đổi mới… đến bạn bè quốc tế.

Phát huy vai trò của thông tin đối ngoại cũng là cách thức hiệu quả để tranh thủ cao nhất sự ủng hộ, đồng tình, đóng góp của cộng đồng người Việt Nam tại nước ngoài, bạn bè quốc tế đối với quá trình xây dựng, bảo vệ Tổ quốc cũng như kịp thời phản bác các quan điểm xuyên tạc vô căn cứ về Việt Nam, chống Ðảng, chống Nhà nước, chống chế độ.

Bước vào thời kỳ đổi mới, vị trí, vai trò, nhiệm vụ của công tác đối ngoại trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng, phản bác các quan điểm sai trái thù địch luôn được Ðảng ta khẳng định và chỉ rõ trong các văn kiện, nghị quyết, chỉ thị, qua các kỳ Ðại hội Ðảng.

Năm 1992, trước sự sụp đổ của mô hình chủ nghĩa xã hội hiện thực ở Liên Xô và Ðông Âu khiến cho chủ nghĩa xã hội tạm thời lâm vào thoái trào, các thế lực thù địch, phản động tận dụng cơ hội ra sức xuyên tạc, phủ nhận tính khoa học, cách mạng của chủ nghĩa Mác-Lênin, chống phá công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Ngày 13/6/1992, Ban Bí thư Trung ương Ðảng khóa VII đã ban hành Chỉ thị số 11-CT/TW về "Ðổi mới và tăng cường công tác thông tin đối ngoại" nhằm định hướng chỉ đạo hoạt động thông tin đối ngoại của ta trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Chỉ thị xác định rõ một trong những nội dung trọng tâm của công tác thông tin đối ngoại trước những diễn biến hết sức phức tạp của tình hình trong nước và quốc tế nhằm tiếp tục giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam là: "Ðường lối, chính sách và thành tựu đổi mới toàn diện của nước ta… Kịp thời phê phán, bác bỏ những thông tin xuyên tạc, sai lệch về tình hình Việt Nam, nhất là về tình hình dân chủ, nhân quyền, ngăn chặn việc truyền bá vào nước ta những quan điểm, tư tưởng, lối sống, văn hóa phản động, đồi trụy, kích động bạo lực".

Sau 16 năm thực hiện Chỉ thị số 11-CT/TW, ngày 10/9/2008, Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị số 26-CT/TW về tiếp tục đổi mới và tăng cường công tác thông tin đối ngoại trong tình hình mới. Về lực lượng tham gia và phương thức hoạt động của công tác thông tin đối ngoại, so với Chỉ thị số 11-CT/TW, Chỉ thị số 26-CT/TW đã có bước phát triển lớn khi Ðảng khẳng định: "Huy động mọi lực lượng, mọi khả năng để mở rộng và đa dạng hóa các phương thức thông tin đối ngoại; cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị-xã hội các cấp, các ngành, cán bộ, đảng viên, nhân dân… cần nâng cao trách nhiệm, tự giác tham gia hoạt động thông tin đối ngoại phù hợp với khả năng và điều kiện của mình".

Trong nhiệm kỳ Ðại hội XII, Ðảng tiếp tục đặt ra yêu cầu phải "đổi mới nội dung, phương pháp, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền đối ngoại", góp phần nâng cao hiệu quả các hoạt động đối ngoại nói chung nhằm phục vụ mục tiêu tranh thủ tối đa sức mạnh ngoại lực, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước, đồng thời kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, bảo vệ Ðảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa…

Kế thừa tinh thần của các nhiệm kỳ Ðại hội trước, đồng thời trước bối cảnh sự chống phá của các thế lực thù địch chuyển trọng tâm sang mặt trận mới là không gian mạng, Ðại hội XIII của Ðảng nhấn mạnh việc: "Tăng cường và nâng cao hiệu quả ứng dụng công nghệ truyền thông mới, mạng xã hội trong thông tin đối ngoại và đấu tranh dư luận".

Thực hiện chủ trương, đường lối, chỉ đạo của Ðảng, thời gian qua, các lực lượng tham gia công tác thông tin đối ngoại ngày càng phong phú với phương thức hoạt động đa dạng và ngày càng phát huy tốt hơn vai trò của mình, trong đó đặc biệt phải kể đến vai trò của hệ thống báo chí, phát thanh, truyền hình.

Bước vào thời kỳ cách mạng Công nghiệp lần thứ tư, sự phát triển mạnh mẽ của khoa học-công nghệ cùng sự xuất hiện của những phương tiện và hình thức thông tin truyền thông mới đã tạo cơ sở cho hệ thống báo chí điện tử, phát thanh, truyền hình trên internet có cơ hội phát triển mạnh mẽ, nhiều trang báo điện tử được thành lập và có số lượng người theo dõi, truy cập ngày càng tăng. Theo đó, số lượng, chương trình, chuyên mục, ấn phẩm bằng tiếng nước ngoài góp phần phục vụ công tác thông tin đối ngoại cũng ngày càng phong phú.

Các trang tin, báo, tạp chí in, điện tử đối ngoại, các kênh phát thanh, truyền hình trên cả nước đã tập trung thông tin về chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Ðảng, Nhà nước, những thành tựu Việt Nam đạt được trong thời kỳ đổi mới… đến người dân trong nước cũng như quốc tế và đồng bào Việt Nam định cư tại nước ngoài.

Từ đó, giúp mọi người hiểu được bản chất tốt đẹp của xã hội mà Ðảng, Nhà nước ta đang xây dựng, đó là bảo vệ lợi ích chính đáng, hợp pháp của đất nước, của nhân dân Việt Nam trên cơ sở giải quyết thống nhất, hài hòa với lợi ích quốc tế, lợi ích chung của nhân loại, phấn đấu vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội trên toàn thế giới. Báo chí đã phát huy vai trò tiên phong, đi đầu của mình trong việc trực tiếp đấu tranh, phản bác các luận điệu sai trái, xuyên tạc.

Nhiều hoạt động tuyên truyền, giao lưu, quảng bá, hợp tác quốc tế... cũng được các cơ quan chức năng, tổ chức xã hội nghề nghiệp,… đẩy mạnh nhằm cung cấp cho bạn bè quốc tế một hình ảnh chân thật, sống động về đất nước, con người, lịch sử, văn hóa Việt Nam, tạo dựng sự đồng thuận của người dân Việt Nam ở trong nước và kiều bào ta ở nước ngoài cũng như sự ủng hộ, giúp đỡ của cộng đồng quốc tế, nhân dân tiến bộ đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Ðồng thời, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm hạn chế và xử lý tình trạng phát tán, lan truyền tin giả, xấu độc, trong đó có những thông tin chống phá đường lối đối ngoại của Việt Nam.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được, công tác thông tin đối ngoại cũng còn tồn tại một số hạn chế, thiếu sót. Nhiều lúc, nhiều nơi thông tin còn thiếu chủ động, chưa thật sự cập nhật, thiếu nhạy bén và chưa phù hợp các đối tượng, địa bàn khác nhau, tính hấp dẫn và thuyết phục của nội dung thông tin chưa cao.

Vẫn còn tình trạng một số đơn vị báo chí, truyền thông mải chạy theo thị trường, thiếu nhạy cảm chính trị, đăng tải những thông tin chưa phù hợp, hoặc sai sót trong khai thác thông tin từ nguồn báo chí nước ngoài, trên mạng xã hội ảnh hưởng đến công tác thông tin đối ngoại. Năng lực, hiệu quả phản bác các thông tin sai trái, thù địch còn một số hạn chế, chưa kịp thời. Việc ứng dụng các thành tựu khoa học-công nghệ hiện đại vào hoạt động thông tin để nâng cao hiệu quả của công tác thông tin đối ngoại còn chậm.

Công tác chỉ đạo, phối hợp hoạt động giữa một số cơ quan, đơn vị, các lực lượng làm công tác thông tin đối ngoại chưa thật chặt chẽ, phương thức thông tin chậm được đổi mới…

Ðể phát huy những kết quả đã đạt được cũng như khắc phục những hạn chế, thiếu sót còn tồn tại, đồng thời để đáp ứng yêu cầu của tình hình mới đòi hỏi chúng ta cần phải triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả của công tác thông tin đối ngoại.

Trước hết cần phải tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện về mọi mặt của Ðảng đối với công tác thông tin đối ngoại. Cần không ngừng đổi mới nội dung tuyên truyền và phương thức hoạt động của công tác thông tin đối ngoại, chủ động cung cấp một cách bài bản, cụ thể, đậm nét với định hướng hết sức rõ ràng về quan điểm, chủ trương, đường lối của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, những thành tựu trong phát triển đất nước... với phương châm "đi trước mở đường" để giúp cộng đồng quốc tế và đồng bào ta ở trong nước và nước ngoài hiểu đúng, hiểu đủ, hiểu rõ về quan điểm, chính sách đường hướng phát triển đất nước trên mọi lĩnh vực.

Chú trọng việc cung cấp thông tin đầy đủ về các vấn đề phức tạp, nhạy cảm quan trọng liên quan chủ quyền, dân chủ, nhân quyền, tự do tôn giáo, tự do ngôn luận... cả về hàm lượng và mật độ thông tin, khắc phục nguy cơ để cho các quan điểm sai trái, xuyên tạc lấn lướt, đi trước dẫn lái dư luận trong và ngoài nước theo hướng tiêu cực. Về phương thức tuyên truyền cần đa dạng hóa, đặc biệt tăng cường ứng dụng khoa học-công nghệ hiện đại vào đổi mới việc truyền tải thông tin nhất là trên không gian mạng.

Chú trọng đầu tư phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao làm công tác thông tin đối ngoại đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ mới đặt ra trong bối cảnh Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng và toàn diện ở mọi lĩnh vực với mọi quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới.

Phối hợp chặt chẽ, phát huy sức mạnh tổng hợp từ các lực lượng, cơ quan, đơn vị chuyên trách cho đến các ban, bộ, ngành các cấp, các tổ chức, cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài và đông đảo các tầng lớp nhân dân ở trong nước cũng như đồng bào Việt Nam ở nước ngoài trong hoạt động thông tin đối ngoại. Chính sự chung sức, đồng lòng của cộng đồng người Việt Nam trong nước và nước ngoài sẽ góp phần nhân lên sức mạnh Việt Nam, thúc đẩy sự phát triển và củng cố vị thế của đất nước trên trường quốc tế ■

(Tiếp theo và hết) (★)(★) Xem Báo Nhân Dân từ số ra ngày 23 và 26/5/2023.