Công tác đối ngoại góp phần nâng cao vị thế đất nước

Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn nhất quán thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển; đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ đối ngoại; bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia-dân tộc.
0:00 / 0:00
0:00
Phiên họp bầu 14 thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023-2025 ngày 11/10/2022 tại Trụ sở Liên hợp quốc ở New York, Mỹ. (Ảnh UN)
Phiên họp bầu 14 thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023-2025 ngày 11/10/2022 tại Trụ sở Liên hợp quốc ở New York, Mỹ. (Ảnh UN)

Đến nay, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu đáng tự hào trong công tác đối ngoại, được bạn bè quốc tế ghi nhận và đánh giá cao.

Tuy nhiên thời gian gần đây, trước những diễn biến phức tạp của tình hình thế giới, các thế lực thù địch không ngừng chĩa mũi nhọn tấn công, xuyên tạc, chống phá Việt Nam, phủ nhận những thành quả mà chúng ta đã đạt được, hạ thấp uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.

Bài 1: Yêu cầu trong tình hình mới

Thời gian qua, một trong những mục tiêu tấn công quan trọng mà các thế lực thù địch, thiếu thiện chí tập trung hướng đến đó là các chính sách, hoạt động đối ngoại của Việt Nam. Đặc biệt lợi dụng sự phát triển bùng nổ của internet, các đối tượng chống phá không ngừng gia tăng cường độ, tần suất và mức độ bao phủ của thông tin xuyên tạc về công tác đối ngoại trên các diễn đàn mạng xã hội.

Cách thức phổ biến được các đối tượng áp dụng là thường xuyên đăng tải các bài viết có nội dung bịa đặt, làm người dân hiểu sai lệch việc triển khai đồng bộ, sáng tạo, hiệu quả hoạt động đối ngoại chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng của Đảng, Nhà nước ta; xuyên tạc quan điểm, đường lối, chính sách đối ngoại và quan hệ của Việt Nam với các nước đối tác; phủ nhận thành tựu trong công tác đối ngoại, hạ thấp vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế...

Các đối tượng cố tình xuyên tạc, cắt ghép các chủ trương, chính sách, đường lối phát triển đất nước, phát biểu của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các tổ chức quốc tế... theo hướng giật gân, gây tranh cãi, đăng tải các hình ảnh, video clip được ngụy tạo để hướng lái dư luận, phục vụ những mục đích đen tối.

Với các sự kiện ngoại giao quan trọng, nhất là những hội nghị lớn do Việt Nam đăng cai tổ chức, các thế lực thù địch lập tức tổ chức những chiến dịch chống phá cả trước, trong và sau hội nghị ở trong nước cũng như ở nước ngoài.

Lợi dụng các diễn đàn mạng xã hội, các tờ báo tiếng Việt ở hải ngoại thiếu thiện chí với Việt Nam, các đối tượng chống phá liên tục đưa ra các ý kiến, nhận định sai lệch, bóp méo về tình hình đất nước, đường lối ngoại giao nhằm hạ thấp uy tín của Việt Nam.

Không chỉ gây bất lợi cho Việt Nam trong quá trình tổ chức sự kiện, các đối tượng chống phá còn kêu gọi cộng đồng quốc tế “tẩy chay” sự kiện, đồng thời liên tục gửi “thư ngỏ”, “kiến nghị” đến các đoàn, cơ quan ngoại giao nước ngoài yêu cầu can thiệp những vấn đề trong nước, gây sức ép đối với chính quyền, triệt để thực hiện phương châm “quốc tế hóa các vấn đề nội bộ”.

Bằng việc sử dụng những thông tin không chính xác, những tin đồn bịa đặt, vô căn cứ liên quan công tác đối ngoại, các đối tượng chống phá cố tình xuyên tạc đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước.

Nắm bắt được lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết dân tộc là một nguồn lực quan trọng của đất nước, góp phần to lớn vào thắng lợi của cách mạng Việt Nam, bởi vậy các đối tượng chống phá tìm mọi cách thức để gây hoang mang, nghi ngờ, chia rẽ người dân với Đảng, Nhà nước, kích động những người cực đoan, bất mãn hoặc nhẹ dạ, thiếu hiểu biết tham gia xuống đường biểu tình, bạo loạn, kêu gọi đòi “thoát”, hoặc “đồng minh” với các nước lớn như một cách để “bày tỏ lòng yêu nước”.

Chúng cũng triệt để lợi dụng các vấn đề đối ngoại để xuyên tạc các lĩnh vực khác có liên quan, nhất là các vấn đề nhạy cảm như chủ quyền biển đảo, quan hệ kinh tế quốc tế, nhân quyền, dân tộc, tôn giáo… từ đó kêu gọi người dân ký thư ngỏ gửi tới các tổ chức quốc tế để lên tiếng về vấn đề nhân quyền, tự do tôn giáo,… tại Việt Nam; đề nghị các nước, tổ chức quốc tế gây sức ép về ngoại giao đối với Việt Nam nhằm thực hiện âm mưu chống phá “một mũi tên trúng nhiều đích”.

Đáng chú ý, trong những diễn biến phức tạp liên quan công tác đối ngoại thời gian qua là sự nở rộ của hàng loạt “nhà hoạt động”, “nhà dân chủ”, “trí thức yêu nước” trên mạng xã hội, trong số đó có cả một số KOLs-những người có tầm ảnh hưởng đến cộng đồng.

Những người này thường xuyên đưa ra những phân tích nhận định tình hình đất nước theo chiều hướng cực đoan, phiến diện, rồi lớn tiếng “tư vấn, phản biện, định hướng” các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, trong đó bao gồm cả lĩnh vực ngoại giao theo những góc nhìn đầy cảm tính, thiếu cơ sở khoa học cũng như thiếu tính thực tiễn.

Cường độ hoạt động dày đặc của những cá nhân này trên không gian mạng với nội dung đăng tải phần nhiều mang tính võ đoán, suy diễn đã thu hút không ít người nhẹ dạ, cả tin hoặc hiếu kỳ, thích “bàn luận chuyện chính trị” vào tham gia trao đổi, hưởng ứng.

Thậm chí không ít những bài viết được người đăng tải sử dụng hình thức quảng cáo nhằm tạo viral (lan truyền nhanh chóng) nội dung đến với nhiều người sử dụng mạng xã hội. Ảnh hưởng từ những luồng thông tin độc hại này trên không gian mạng đã và đang nguy cơ tác động tiêu cực đến việc tiếp nhận của cộng đồng mạng, đặc biệt là giới trẻ.

Trên thực tế, tình trạng “nhiễm độc thông tin” từ mạng xã hội dần trở thành một nguy cơ không thể xem nhẹ.

Trên thực tế, tình trạng “nhiễm độc thông tin” từ mạng xã hội dần trở thành một nguy cơ không thể xem nhẹ.

Một số người ban đầu chỉ hùa theo tâm lý đám đông vào “bình luận cho vui”, song do thường xuyên tiếp xúc với những thông tin xấu độc nên dần dần bị mất phương hướng, nhận thức lệch lạc, hoang mang, nghi ngờ chế độ, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, thậm chí trở nên cực đoan, hình thành tâm lý chống đối, bất hợp tác với chính quyền, dễ bị lôi kéo vào các hội nhóm, tổ chức phản động để chống phá đất nước.

Một số người ngộ nhận về quyền “tự do ngôn luận” nên đã tùy tiện đăng tải các nội dung có tính chất công kích, đả phá, miệt thị, xúc phạm lãnh đạo Đảng, Nhà nước, chỉ trích vô căn cứ đường lối, chính sách ngoại giao của Việt Nam, phỉ báng chế độ. Trong số đó có cả một số người đã, hoặc đang công tác tại các cơ quan nhà nước.

Với nhãn quan lệch lạc, cực đoan, hoặc do có những bức xúc, mâu thuẫn cá nhân chưa được giải quyết, họ nảy sinh bất mãn, thù hằn, thực hiện nhiều việc làm vi phạm quy định, nguyên tắc áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức và những điều đảng viên không được làm, như việc cố tình đã làm lộ, lọt bí mật thông tin nội bộ, bí mật nhà nước, tiếp tay cho các đối tượng chống phá, tìm mọi cách khoét sâu vào một số khuyết điểm, yếu kém trong công tác đối ngoại để chống phá chế độ.

Đây là thời cơ thuận lợi để các thế lực thù địch nhanh chóng chớp lấy, gia tăng các phương thức, thủ đoạn hòng lôi kéo, dụ dỗ, thu nạp những phần tử cực đoan, chống đối tham gia các hoạt động chống phá do chúng tổ chức.

Từ thực tế nêu trên đặt ra những nhiệm vụ, yêu cầu mới đối với công tác đối ngoại.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị Đối ngoại toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng ngày 14/12/2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ rõ phương hướng đối ngoại trong thời gian tới, đó là: “Triển khai đồng bộ, sáng tạo, hiệu quả các hoạt động đối ngoại, bao gồm đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân; đối ngoại của các cấp, các ngành, các địa phương, các cơ quan, đơn vị, cộng đồng các doanh nghiệp. Đưa các mối quan hệ đối ngoại đi vào chiều sâu, thực chất, thiết thực; huy động và kết hợp có hiệu quả các nguồn lực bên ngoài với nguồn lực trong nước để phục vụ sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc. Không ngừng đổi mới, sáng tạo trên cơ sở vận dụng nhuần nhuyễn bài học “dĩ bất biến, ứng vạn biến”, kiên định về nguyên tắc, chiến lược, linh hoạt về phương pháp, sách lược”.

Trước sự chống phá dữ dội của các thế lực thù địch, việc đấu tranh phản bác các luận điệu xuyên tạc, sai trái, thù địch liên quan công tác đối ngoại là yêu cầu có tính cấp bách trong giai đoạn hiện nay.

Trước sự chống phá dữ dội của các thế lực thù địch, việc đấu tranh phản bác các luận điệu xuyên tạc, sai trái, thù địch liên quan công tác đối ngoại là yêu cầu có tính cấp bách trong giai đoạn hiện nay.

Các bộ, ngành chức năng cần chủ động bám sát các vấn đề thời sự, phát hiện kịp thời những diễn biến phức tạp trong công tác đối ngoại để có giải pháp phù hợp; kịp thời nhận diện, ngăn chặn, xử lý nghiêm các đối tượng có hành vi chống phá, lan truyền thông tin xấu độc gây hoang mang dư luận, gây mất an ninh, trật tự xã hội;

Đồng thời các bộ, ngành chức năng cần chú trọng hơn nữa công tác thông tin tuyên truyền, đăng tải kịp thời các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, tăng cường các nội dung phân tích, khẳng định chính sách ngoại giao đúng đắn của Việt Nam; thông tin kịp thời các hoạt động đối ngoại của lãnh đạo Đảng, Nhà nước tới các tầng lớp nhân dân, nhất là người Việt Nam ở nước ngoài; đẩy mạnh hoạt động quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam đến với bạn bè quốc tế, khẳng định những thành tựu mà đất nước ta đã đạt được.

(Còn nữa)