Nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể

Bài 2: Thúc đẩy kinh tế tập thể

Kinh tế tập thể của Hà Nội đã có bước phát triển tích cực, song phần lớn các tổ chức kinh tế tập thể có quy mô sản xuất, kinh doanh nhỏ, tỷ trọng trong kinh tế Thủ đô còn thấp, sức cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa, dịch vụ chưa cao, năng lực quản lý, quản trị của một bộ phận hợp tác xã còn hạn chế. Yêu cầu về cung ứng hàng hóa, dịch vụ của xã hội ngày càng cao, đòi hỏi thành phố và các hợp tác xã phải chủ động và tích cực hơn nữa để phát triển mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.
0:00 / 0:00
0:00
Xã viên Hợp tác xã Ðan Hoài, huyện Ðan Phượng ươm trồng hoa lan xuất khẩu. (Ảnh BÁ HOẠT)
Xã viên Hợp tác xã Ðan Hoài, huyện Ðan Phượng ươm trồng hoa lan xuất khẩu. (Ảnh BÁ HOẠT)

(Tiếp theo và hết) (*)

Theo số liệu của Liên minh Hợp tác xã thành phố Hà Nội, cho đến nay, mặc dù số lượng hợp tác xã trên địa bàn thành phố Hà Nội dẫn đầu cả nước (chiếm 9,9% số hợp tác xã của cả nước), nhưng số lượng hợp tác xã chiếm tỷ trọng nhỏ (chiếm 1,19%) trong khu vực doanh nghiệp, hợp tác xã nói chung. Thu nhập bình quân đầu người/tháng trong khu vực kinh tế tập thể tăng qua hằng năm, nhưng vẫn ở mức thấp nhất so với các khu vực kinh tế khác. Quy mô hợp tác xã còn nhỏ, số lượng hợp tác xã có quy mô nguồn vốn dưới 5 tỷ đồng chiếm 76,6%. Nguyên nhân do những hạn chế, yếu kém chủ quan và những khó khăn từ khách quan.

Hai "điểm nghẽn" cần tháo gỡ

Nhiều hợp tác xã công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại dịch vụ trên địa bàn Hà Nội bị hạn chế về năng lực tổ chức sản xuất, kinh doanh và tiếp cận thị trường. Giám đốc Hợp tác xã Vụn Art Lê Việt Cường chia sẻ: "Quy mô vốn ít, nguồn lực có hạn, cho nên hợp tác xã rất khó mở rộng mặt bằng sản xuất, thiết lập kênh phân phối sản phẩm. Nhất là sau hai năm bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, hoạt động của các cơ sở sản xuất mặt hàng quà tặng càng bị tác động mạnh. Vì vậy, các hợp tác xã tiểu thủ công nghiệp rất cần thêm sự hỗ trợ, tiếp sức để có thể phát triển trở lại". Vấn đề tiêu thụ sản phẩm cho các hợp tác xã tiểu thủ công nghiệp, làng nghề cũng là thách thức. Bà Anh Thơ, chủ cơ sở sản xuất nón Anh Thơ (làng Chuông, xã Phương Trung, huyện Thanh Oai) cho biết: "Tham gia vào hợp tác xã tại địa phương, các thành viên đã hỗ trợ nhau tiêu thụ sản phẩm, nhưng hiện nay sản phẩm nón của làng nghề không còn được sử dụng nhiều, thu nhập thấp nên rất khó để phát triển và thu hút người tham gia. Hầu hết các hộ sản xuất đều phải tự bươn chải".

Các hợp tác xã đang gặp không ít khó khăn khi vay vốn để mở rộng sản xuất vì không có tài sản thế chấp. Ruộng đất sản xuất manh mún, khó tích tụ ruộng đất để phát triển thành vùng sản xuất tập trung, chi phí sản xuất tăng cao, trong khi cạnh tranh thị trường gay gắt. Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã sản xuất và tiêu thụ rau an toàn Bắc Hồng Nguyễn Tuấn Hồng trăn trở: Mặc dù diện tích được quy hoạch vùng sản xuất rau an toàn của xã rất lớn, nhưng đầu tư phát triển hạ tầng vùng sản xuất tập trung hạn chế. Huyện Ðông Anh có tốc độ đô thị hóa nhanh, nhiều dự án nhà ở, công nghiệp mọc lên đã ảnh hưởng đến hệ thống thủy lợi phục vụ sản xuất. Chi phí đầu vào sản xuất nông nghiệp, nhất là công lao động ngày càng tăng cao dẫn đến sản xuất rau an toàn hiệu quả rất thấp. Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã sản xuất và tiêu thụ rau an toàn Bắc Hồng chia sẻ, nếu không có hoạt động thương mại mà chỉ trông chờ vào sản xuất rau an toàn thì hợp tác xã rất khó tồn tại. Vì thế, hợp tác xã định hướng phát triển thương hiệu, đẩy mạnh thương mại, còn sản xuất chỉ mang tính nền tảng, có mô hình để nhân rộng ra các địa bàn khác.

Tập trung nguồn lực cho kinh tế tập thể

Những năm tới, Thủ đô Hà Nội tiếp tục đô thị hóa nhanh, nhiều huyện ven đô phát triển thành quận, cơ cấu kinh tế chuyển dịch mạnh mẽ từ nông nghiệp sang dịch vụ, công nghiệp chất lượng cao; chuyển dịch đất đai, lao động từ nông nghiệp sang các lĩnh vực khác; chuyển dịch dân cư nông thôn sang dân cư thành thị. Yêu cầu của thị trường về hàng hóa, dịch vụ ngày càng khắt khe hơn. Do đó, kinh tế tập thể, hợp tác xã cần đổi mới, thực hiện tái cơ cấu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, sản xuất, cung ứng hàng hóa, dịch vụ chất lượng cao hơn.

Phó Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Hà Nội Nguyễn Tiến Phong cho biết, xác định kinh tế tập thể, hợp tác xã kiểu mới không những đóng góp tích cực vào kinh tế, mà còn có vai trò quan trọng trong bảo đảm ổn định chính trị, xã hội, an ninh trật tự, tạo việc làm, nâng cao đời sống của nhân dân, thành phố khuyến khích phát triển các loại hình kinh tế tập thể với sự liên kết đa dạng, ưu tiên phát triển tổ chức kinh tế tập thể gắn với chuỗi giá trị, tăng trưởng xanh, phát triển bền vững và có tác động lớn đến thành viên, cộng đồng. Thành phố tiếp tục củng cố, đổi mới, thúc đẩy kinh tế tập thể cả về số lượng và chất lượng, để kinh tế tập thể có đóng góp tỷ trọng ngày càng cao trong nền kinh tế, đóng góp tích cực trong tái cơ cấu kinh tế của Thủ đô.

Thành phố đặt mục tiêu đến năm 2030 hỗ trợ thành lập mới từ 200 đến 300 tổ hợp tác, 1.000 hợp tác xã, thành lập mới khoảng 7 liên hiệp hợp tác xã. Trong đó phấn đấu ít nhất 80% số hợp tác xã hoạt động đạt loại tốt, khá, doanh thu bình quân của hợp tác xã là 3,525 tỷ đồng/năm. Thu nhập bình quân người lao động từ 5 đến 7 triệu đồng/người/ tháng. Ðể đạt mục tiêu này, thành phố đề ra nhiều nhóm giải pháp, trong đó tập trung kiện toàn nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy quản lý nhà nước về kinh tế tập thể theo hướng tăng cường hỗ trợ, hướng dẫn để tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho hợp tác xã hoạt động; củng cố hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã hoạt động chưa hiệu quả, tạo điều kiện thuận lợi để thành lập mới các loại hình kinh tế tập thể với các quy mô khác nhau trong các lĩnh vực, tăng cường liên kết giữa hợp tác xã với các thành phần kinh tế khác để hình thành các chuỗi giá trị sản phẩm hàng hóa có hiệu quả cao, đồng thời tập trung giải quyết các khó khăn, vướng mắc như nợ đọng, đất đai, tài sản, nhà xưởng, tài chính… cho các hợp tác xã. Thành phố tập trung nguồn lực, tăng đầu tư từ ngân sách nhà nước và huy động các nguồn lực xã hội để hỗ trợ phát triển, nhân rộng mô hình kinh tế tập thể, hợp tác xã sản xuất gắn với chuỗi giá trị, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp tại các vùng khó khăn, dân tộc thiểu số, miền núi.
------------------
(*) Xem Trang Hà Nội Báo Nhân Dân từ số ra ngày 28/10/2022.