Tiếp cận thị trường
Những năm gần đây, các doanh nghiệp, HTX tại tỉnh Sơn La rất chú trọng đăng ký truy xuất nguồn gốc. Hiện nay, Sơn La có hơn 90% số sản phẩm OCOP được dán tem điện tử hoặc có mã số, mã vạch truy xuất nguồn gốc, giúp người tiêu dùng tìm hiểu, thu thập thông tin về sản phẩm họ đã mua một cách đầy đủ và chi tiết nhất...
Hiện, thay vì bán hàng theo kênh truyền thống, các HTX và người dân ở Sơn La đã tận dụng các nền tảng xã hội như Facebook, Zalo, mạng xã hội để quảng bá, tìm đầu ra cho sản phẩm hiệu quả. Câu chuyện của chị Hoàng Khánh Linh và những người nông dân trồng dâu tây xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La là một thí dụ.
Chị Linh chia sẻ: Khi mạng xã hội phát triển, nhu cầu mua, bán qua mạng ngày càng tăng, tận dụng ưu điểm của các trang mạng và nắm bắt nhu cầu của người mua, nhiều người trồng dâu tây đã sử dụng mạng xã hội để kinh doanh. Từ quả dâu tươi, cây giống, cây dâu cảnh, đến các sản phẩm sau chế biến như dâu tây phơi khô, siro dâu tây, rượu dâu tây, sữa chua dâu tây... cũng được tiếp thị và quảng bá rộng rãi.
Từ các nền tảng xã hội, người tiêu dùng trong nước và nước ngoài biết đến sản phẩm dâu tây được trồng, chăm sóc như thế nào và được đầu tư công nghệ nông nghiệp thông minh ra sao... không chỉ giúp tiết kiệm thời gian và chi phí bán hàng cho người sản xuất mà còn hạ giá thành sản phẩm. Đồng thời, mạng xã hội giúp mở rộng thị trường sang các nước trong khu vực và thế giới.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sơn La Cầm Thị Phong cho biết thêm: Việc chuyển đổi số hoạt động sản xuất, kinh doanh bước đầu đã làm thay đổi tổ chức và quản trị hoạt động của HTX so với phương thức quản lý truyền thống; nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của HTX.
Phần lớn các HTX đã nhận thức về tầm quan trọng của chuyển đổi số đối với tổ chức hoạt động và sự phát triển của HTX mình trong xu thế hiện nay. Do đó, việc số hóa cơ sở dữ liệu, đầu tư trang bị cơ sở hạ tầng và ứng dụng công nghệ thông tin đã giúp HTX quản lý tốt hơn đầu vào, đầu ra, giảm thời gian tìm kiếm, dễ dàng chỉnh sửa, chia sẻ dữ liệu, thông tin trên nền tảng số, tiết kiệm được không gian lưu trữ và chi phí quản lý, kéo dài tuổi thọ cho tài liệu gốc, nâng cao hiệu suất làm việc.
Chuyển đổi số, không chỉ hỗ trợ các HTX nông nghiệp trên địa bản tỉnh Sơn La chủ động cung ứng sản phẩm đến tay người tiêu dùng, mà còn giúp cho các HTX nông nghiệp tại tỉnh Hà Nam hưởng lợi. HTX Hoàng Trà, xã Phù Vân, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam cũng là một trong những HTX thành công trong chuyển đổi số.
Giám đốc HTX Hoàng Trà Trần Đăng Nhàn chia sẻ, việc đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu sản phẩm trên website, các trang mạng xã hội như Zalo, Facebook, và ứng dụng phần mềm công nghệ trong nghiệp vụ kế toán, báo cáo thuế, thanh toán điện tử... đã giúp sản phẩm của HTX đến tay người tiêu dùng một cách rộng rãi. Hiện, sản phẩm của HTX trở thành một trong năm sản phẩm của OCOP tiêu biểu của tỉnh, đem lại giá trị thương mại cao.
Hỗ trợ cho các hợp tác xã
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Sơn La Nguyễn Thành Công cho biết, để hỗ trợ HTX nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và chuyển đổi số, tỉnh đã giao cho ngành nông nghiệp tiếp tục đề xuất các cơ chế, chính sách phục vụ chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn. Xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp an toàn, ứng dụng các thiết bị cảm biến và thiết bị thông minh được kết nối và điều khiển tự động trong suốt quá trình sản xuất.
Hiện ngành nông nghiệp tỉnh Sơn La đã xây dựng thành công hệ thống phần mềm số hóa quản lý dữ liệu vùng trồng, dự báo sản lượng các sản phẩm chủ lực gắn với bản đồ số, xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm và kết nối các sản phẩm nông sản của tỉnh với sàn thương mại điện tử. Tỉnh cũng đã giao cho ngành nông nghiệp tiếp tục đề xuất các cơ chế, chính sách trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành nông nghiệp.
Tại tỉnh Hà Nam, nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển các HTX, trong đó có HTX nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cũng đã được ban hành. Đặc biệt là cơ chế hỗ trợ hướng trực tiếp vào đổi mới và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong lĩnh vực nông nghiệp, phát triển HTX nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tham gia liên kết chuỗi nông sản, chú trọng đầu tư công nghệ chế biến, phát triển thị trường, chuyển đổi số và áp dụng công nghệ thông tin để thúc đẩy mô hình HTX thông minh.
Tuy nhiên, dù được quan tâm hỗ trợ về cơ chế chính sách, nhưng số lượng các HTX nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi số vẫn còn thấp. Theo Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Hà Nam Đỗ Xuân Trường, do thiếu nguồn lực đầu tư phát triển, nhất là nguồn vốn, quỹ đất, lao động có trình độ chuyên môn nên nhiều mô hình ứng dụng công nghệ cao chưa hoàn thiện, các HTX mới chỉ đầu tư từng phần, không đồng bộ từ đầu tư con giống đến sản xuất, sơ chế, chế biến, thị trường đầu ra sản phẩm...
Ngoài ra, năng lực quản trị và điều hành của một số cán bộ HTX còn hạn chế do phần lớn các giám đốc HTX tuổi đã cao, không có chuyên môn sâu, chủ yếu là kinh nghiệm... nên hạn chế ứng dụng công nghệ cao vào hoạch định sản xuất, kinh doanh.
Khó khăn của các HTX nông nghiệp tỉnh Hà Nam cũng là bức tranh chung của các HTX nông nghiệp của Sơn La và cả nước đã và đang đặt ra những yêu cầu trong đổi mới cơ chế, chính sách từ trung ương đến địa phương.
Cục Kinh tế hợp tác (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, trong triển khai nhiệm vụ năm 2024, ngành nông nghiệp đã và đang chú trọng đa dạng hóa truyền thông ngành kinh tế hợp tác; ưu tiên phát triển HTX gắn với phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, đồng thời, mở rộng quy mô, thu hút nông dân, người sản xuất, kinh doanh nông nghiệp tham gia, đưa HTX trở thành mô hình kinh tế-xã hội quan trọng ở khu vực nông thôn, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị gia tăng, tăng thu nhập cho người nông dân.
Đặc biệt, mục tiêu của HTX nông nghiệp thông minh chính là bảo vệ môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu, tạo điều kiện, động lực thu hút đầu tư, đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.
-------------------------
(*) Xem Báo Nhân Dân từ số ra ngày 25/6/2024.