Đầu tư logistics phục vụ sản xuất và xuất khẩu nông sản

Bài 2: Phát huy vai trò "đòn bẩy"

Logistics không chỉ là cầu nối mà còn là "đòn bẩy" để thúc đẩy xuất khẩu nông sản của Việt Nam, nhất là trong bối cảnh cạnh tranh về giá, chất lượng sản phẩm, thời gian vận chuyển ngày càng gay gắt trên thương trường quốc tế. Do đó, hình thành các trung tâm lớn và nâng cao chất lượng dịch vụ logistics theo hướng đồng bộ, chuyên nghiệp và hiện đại là giải pháp quan trọng để nâng cao giá trị gia tăng cho ngành nông nghiệp.
0:00 / 0:00
0:00
Cảng Ðình Vũ (Hải Phòng) là nơi vận chuyển nhiều mặt hàng như: Thủy sản, rau quả, cà-phê... (Ảnh Trần Quốc)
Cảng Ðình Vũ (Hải Phòng) là nơi vận chuyển nhiều mặt hàng như: Thủy sản, rau quả, cà-phê... (Ảnh Trần Quốc)

Quyết định số 221/QÐ-TTg ngày 22/2/2021 của Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung Quyết định số 200/QÐ-TTg ngày 14/2/2017 về việc phê duyệt Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025, nêu rõ: Ðến năm 2025, tỷ trọng đóng góp của dịch vụ logistics vào GDP đạt 5%-6%, tốc độ tăng trưởng dịch vụ logistics đạt 15%-20%, tỷ lệ thuê ngoài dịch vụ logistics đạt 50%-60%, chi phí logistics giảm xuống tương đương 16%-20% GDP.

Đồng bộ hệ thống hạ tầng

Ông Nguyễn Ðình Tùng-Tổng Giám đốc Công ty Vina T&T Group cho rằng: Ðể phát triển hệ thống logistics phục vụ sản xuất nông nghiệp, cần đầu tư đồng bộ từ vùng nguyên liệu tập trung đủ lớn đến trạm sơ chế-nhà máy-kho lạnh-hệ thống vận tải-chiếu xạ-cảng biển/hàng không; liên kết, kết nối giữa các hãng tàu lớn trong và ngoài nước để ổn định giá cước vận chuyển; tăng cường liên kết giữa các bên trong chuỗi cung ứng hàng nông sản: nông dân-thương lái-nhà máy chế biến-doanh nghiệp thương mại-doanh nghiệp logistics. Tuy nhiên, hiện nay dịch vụ như sơ chế đóng gói tại vùng sản xuất tập trung chưa có hoặc chưa đáp ứng yêu cầu, nông dân phải chở sang các nơi khác nên chi phí lớn. Chưa kể chuỗi cung ứng lạnh (kho lạnh và vận tải lạnh) hạn chế, chưa đáp ứng nhu cầu xuất khẩu. Riêng đối với lĩnh vực xuất khẩu trái cây cần vận chuyển tươi thì càng đòi hỏi tính đồng bộ cao của hệ thống logistics.

Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam Ðặng Phúc Nguyên nêu thí dụ: Như quả vải và nhãn xuất khẩu sang Trung Quốc, nếu làm việc với Hải quan Trung Quốc để có luồng riêng ưu tiên cho hai loại quả này, xe lên đến đâu thông quan đến đó thì sẽ tránh được hư hỏng và giữ độ tươi ngon, đạt mức giá cao hơn. Ðối với thị trường Mỹ, vấn đề logistics cũng đang là rào cản cho xuất khẩu trái cây đòi hỏi độ tươi ngon như quả vải. Cụ thể, cước hàng không vận chuyển hàng đi Mỹ hiện vẫn ở mức cao. Thêm vào đó, do thiếu cơ sở chiếu xạ khiến quả vải từ miền bắc phải vận chuyển vào miền nam để chiếu xạ trước khi xuất khẩu theo yêu cầu của Mỹ khiến chi phí đội lên khá nhiều. Hiện thị trường Mỹ chủ yếu nhập quả vải từ Mexico và Trung Quốc, nhưng vải Mexico trái nhỏ hơn rất nhiều. Do đó, nếu đồng bộ được hệ thống logistics thì lợi thế cạnh tranh của trái vải Việt Nam là rất lớn.

Nhằm triển khai thực hiện đồng bộ hóa hệ thống logistics, thời gian qua trên cả nước đã có nhiều tuyến đường được xây dựng, kết nối đến các vùng nguyên liệu lớn tại các địa phương cho nên thời gian vận chuyển từ một số vùng nguyên liệu đến các đầu mối cảng/hàng không cũng được rút ngắn, nhưng vẫn chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu về vận chuyển, tiêu thụ hàng hóa, nhất là trong những thời điểm thu hoạch rộ nhiều mặt hàng nông sản.

Chính vì vậy, về lâu dài, để phát triển hệ thống logistics phục vụ sản xuất nông nghiệp, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho rằng: Cần tổ chức các vùng sản xuất nguyên liệu, phát triển các cụm liên kết sản xuất-chế biến và tiêu thụ nông sản. Trên cơ sở đó, thiết lập trung tâm logistics tại các vùng, địa phương có điều kiện về cơ sở hạ tầng, đầu mối giao thông vận tải phát triển để kết nối với các trung tâm sản xuất nông sản nhằm quản lý thống nhất chất lượng sản phẩm, giảm chi phí lưu thông hàng hóa. Ðẩy mạnh đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, nguồn cung cấp điện, nước, hệ thống thủy lợi và kết nối hệ thống giao thông vận tải, bến bãi, kho tàng để thu hút các nguồn lực xã hội đầu tư phát triển hệ thống logistics; thu hút các doanh nghiệp đầu tư phát triển chuỗi cung ứng lạnh, trước mắt đầu tư xây dựng các kho lạnh lớn với công nghệ xếp dỡ tiên tiến tại các trung tâm phân phối, các chợ đầu mối rau quả và tại các cửa khẩu biên giới với Trung Quốc, bến cảng và sân bay quốc tế.

Nâng cao chất lượng dịch vụ

Các nước trên thế giới hiện đều coi logistics là chiến lược giúp nâng cao giá trị, chất lượng, sức cạnh tranh cho nông sản, trong đó đặc biệt chú trọng đến ứng dụng chuyển đổi số, công nghệ thông tin trong quản lý chuỗi logistics trong nông nghiệp để rút ngắn thời gian và nâng cao chất lượng dịch vụ.

Tại Việt Nam, Quyết định số 749/QÐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 3/6/2020 phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã xác định logistics là 1 trong 8 lĩnh vực cần được ưu tiên chuyển đổi số. Theo đó, phát triển hệ thống giao thông thông minh, tập trung vào các hệ thống giao thông đô thị, các đường cao tốc, quốc lộ. Chuyển đổi các hạ tầng logistics như cảng biển, cảng thủy nội địa, hàng không, đường sắt, kho vận...; phát triển các nền tảng kết nối giữa các chủ hàng, các nhà giao vận và khách hàng để hình thành hệ thống một cửa, cho phép chủ hàng có thể tìm ra phương tiện tối ưu để vận chuyển hàng hóa và các kho bãi chính xác cũng như hỗ trợ việc đóng gói và hỗ trợ đăng ký, hoàn thiện quá trình xử lý các văn bản hành chính liên quan.

Trước đó, Quyết định số 1012/QÐ-TTg ngày 3/7/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển hệ thống trung tâm logistics trên địa bàn cả nước đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 cũng nhấn mạnh: Ðẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin và công nghệ quản lý hiện đại trong tổ chức và hoạt động của các trung tâm logistics kết hợp với tăng cường đầu tư phương tiện, thiết bị kỹ thuật tiên tiến, bảo đảm để các trung tâm logistics thực hiện chức năng và công năng một cách lâu dài với hiệu quả cao, cạnh tranh và hội nhập được với khu vực và thế giới.

Cùng với nỗ lực chuyển đổi số trong ngành nông nghiệp, các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản đều cho rằng, số hóa trong lĩnh vực logistics sẽ là cơ sở để đáp ứng, thích nghi trong bối cảnh thị trường mới với sự bùng nổ của thương mại điện tử và các phương thức giao nhận hàng hiện đại. Giám đốc kinh doanh Công ty TNHH Hoàng Phát Fruit Nguyễn Nam Phương Thảo đề xuất: Cần nghiên cứu, cải thiện và áp dụng công nghệ mới trong quá trình vận chuyển hàng nông sản như sử dụng các ứng dụng theo dõi nhiệt độ trong chuỗi cung ứng lạnh như date logger, log tag… Ngoài ra, các doanh nghiệp logistics nên áp dụng các công cụ quản lý tiên tiến như big date, blockchain… nhằm giảm thời gian xử lý, giảm chi phí và tăng hiệu suất kinh doanh, từ đó hỗ trợ trở lại đối với các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản trên cơ sở giảm phí vận chuyển, tăng sức cạnh tranh cho hàng hóa. Cùng với đó, cũng cần ưu tiên nghiên cứu phát triển công nghệ phục vụ các dịch vụ logistics cho nông sản, nhất là các công nghệ phân loại, bảo quản, chế biến nông sản; phát triển các nền tảng (platform) logistics nông sản thông minh, áp dụng mô hình chuỗi cung ứng số, thương mại điện tử cho nông sản. Ðể làm được điều đó, một số giải pháp được đưa ra là cụ thể hóa, sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách hiện hành nhằm huy động tối đa mọi nguồn lực trong nước và ngoài nước để phát triển hệ thống trung tâm logistics. Khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng và quản lý khai thác các trung tâm logistics bằng nhiều hình thức theo quy định của pháp luật; khuyến khích đầu tư và phát triển dịch vụ logistics, gồm cả hoạt động của trung tâm logistics chuyên dụng gắn với cảng hàng không, kho hàng không kéo dài có yêu cầu riêng về an ninh, an toàn kiểm tra, giám sát hải quan. Bên cạnh đó cần chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng phát triển nguồn nhân lực làm công tác quản lý, xây dựng, vận hành… nhằm khai thác hiệu quả các trung tâm logistics.

Theo Quyết định số 1012/QÐ-TTg ngày 3/7/2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phát triển hệ thống trung tâm logistics trên địa bàn cả nước đến 2020, định hướng đến năm 2030, cả nước sẽ có 21 trung tâm logistics: 3 trung tâm hạng I, 15 trung tâm hạng II, và 3 trung tâm logistics chuyên dụng hàng không. Các trung tâm logistics hạng I cấp quốc gia và quốc tế, có vai trò là trung tâm gốc tại các thành phố Hà Nội, Ðà Nẵng và đông bắc Thành phố Hồ Chí Minh. Các trung tâm logistics hạng II cấp vùng, tiểu vùng và hành lang kinh tế, bám sát và hỗ trợ lưu thông hàng hóa từ sản xuất, nhập khẩu đến tiêu dùng, xuất khẩu...

------------------------------------------

(*) Xem Báo Nhân Dân số ra ngày 16/7/2023.