Hỗ trợ khởi nghiệp cho đồng bào dân tộc thiểu số

Bài 2: Phát huy tốt các ý tưởng

Nằm ở vị trí chiến lược ngã ba Đông Dương, Kon Tum là điểm kết nối, trung chuyển trên trục Đông-Tây. Do đó, bên cạnh chú trọng xây dựng ba vùng kinh tế động lực, gồm: Khu kinh tế Cửa khẩu quốc tế Bờ Y, Khu du lịch sinh thái quốc gia Măng Đen và thành phố Kon Tum - đô thị đặc thù Tây Nguyên, tỉnh cần ban hành nhiều cơ chế, chính sách, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, góp phần thúc đẩy hợp tác, thu hút đầu tư và hỗ trợ các ý tưởng khởi nghiệp.
Anh A Manh (bìa phải), Giám đốc Hợp tác xã Dược liệu Măng Bút, huyện Kon Plông trao đổi với các chuyên gia trong lĩnh vực y học về mô hình trồng sâm Ngọc Linh theo công nghệ Hàn Quốc.
Anh A Manh (bìa phải), Giám đốc Hợp tác xã Dược liệu Măng Bút, huyện Kon Plông trao đổi với các chuyên gia trong lĩnh vực y học về mô hình trồng sâm Ngọc Linh theo công nghệ Hàn Quốc.

Tuy nhiên trên thực tế, việc duy trì hiệu quả mối liên kết bền vững từ khâu sản xuất, vùng nguyên liệu đến khâu thu mua, chế biến và quảng bá, bán sản phẩm đối với các chủ thể khởi nghiệp vẫn chưa thuận lợi, đòi hỏi sự tham gia tích cực hơn của các bên liên quan.

Vẫn còn nhiều khó khăn Vượt quãng đường hơn 100 km

từ thành phố Kon Tum về phía biên giới tiếp giáp với nước bạn Campuchia, huyện Ia H’Drai dần hiện ra với sự khang trang, khoác lên mình màu sắc tươi mới từ các khu dân cư, những nông trang của các hộ dân vùng kinh tế mới. Theo ông Võ Anh Tuấn, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Ia H’Drai, thời gian qua, vượt qua những khó khăn của một huyện biên giới, phong trào khởi nghiệp của người dân đã góp phần quan trọng vào việc thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, sản xuất nông nghiệp của địa phương.

Giữa cái nắng gắt đặc trưng của vùng đất biên giới Ia H’Drai, anh Đinh Công Tiền (dân tộc Mường) cùng các thành viên Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ Ia Tơi tất bật thu hoạch hạt dổi để kịp cung ứng cho đầu mối theo hợp đồng đã thỏa thuận từ trước. Anh Tiền cho biết, nhận thấy tiềm năng về điều kiện tự nhiên, thổ nhưỡng tại địa phương, năm 2020, anh đưa 1.000 cây giống dổi lấy hạt về trồng thử nghiệm trên diện tích 2 ha. Cây dổi lấy hạt không yêu cầu cao về kỹ thuật canh tác và nguồn vốn đầu tư ban đầu, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu tại đây, cho nên sau ba năm xuống giống, vườn cây bắt đầu cho thu hoạch ổn định và được các đầu mối thu mua với mức giá trung bình 450.000 đồng/kg hạt khô. Sau khi trừ chi phí, mỗi năm gia đình anh thu nhập hơn 200 triệu đồng.

Từ hiệu quả kinh tế mang lại, anh Tiền đã hình thành ý tưởng khởi nghiệp và vận động được 13 thành viên là người dân trong vùng thành lập Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ Ia Tơi. Đây là hợp tác xã đầu tiên trên địa bàn, hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ nông-lâm nghiệp, trồng rừng và cây dược liệu. Tuy nhiên, sau khi thành lập, việc mở rộng liên kết sản xuất để gia tăng giá trị kinh tế của các thành viên gặp không ít khó khăn do nhiều nguyên nhân, nhất là nguồn vốn… Anh Tiền chia sẻ, từ nguồn vốn Chương trình Mục tiêu quốc gia xã được thụ hưởng, năm 2024, Ủy ban nhân dân xã đã cân đối hỗ trợ để hợp tác xã xuống giống thêm hai sào sâm cau. Hợp tác xã cũng chủ động tìm hiểu, huy động anh em mạnh dạn đầu tư mở rộng quy mô diện tích, đưa nhiều loại cây dược liệu có giá trị khác vào canh tác để tạo ra nhiều sản phẩm hơn. Nhưng thực tế do đường sá xa xôi, mọi chi phí đều đắt đỏ hơn, trong khi nguồn vốn đầu tư có hạn, do đó, nhiều dự định không thể thực hiện được.

Trở lại hành trình khởi nghiệp của Hợp tác xã Hữu cơ Biology (thôn Trung Nghĩa Đông, xã Kroong, thành phố Kon Tum), Giám đốc Lê Thị Khánh Ly cho biết, mặc dù đã bước đầu gặt hái những kết quả tích cực, song để mở rộng quy mô đầu tư sản xuất, ngoài nỗ lực của bản thân, các cơ chế, chính sách hỗ trợ của Nhà nước là yếu tố hết sức quan trọng. Trên thực tế, nguồn lực để mở rộng và hình thành các mối liên kết trong khâu xây dựng thương hiệu và tiêu thụ sản phẩm rất quan trọng và bản thân hợp tác xã cũng không thể tự xoay xở được. “Do đó, mong muốn của chúng tôi là sẽ được tiếp cận các nguồn vốn cũng như các chính sách hỗ trợ đầu tư để nâng cao hiệu quả, tính bền vững cho ý tưởng khởi nghiệp của mình”, chị Ly chia sẻ.

Đồng hành cùng các ý tưởng khởi nghiệp

Để hỗ trợ, khuyến khích người dân mạnh dạn hiện thực hóa ý tưởng khởi nghiệp, Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum đã ban hành Quyết định số 44/QĐ-UBND ngày 21/1/2021 về Chương trình hỗ trợ khởi nghiệp giai đoạn 2021-2025 và Kế hoạch số 2763/KH-UBND ngày 21/10/2019 về hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo giai đoạn 2020-2025. Đồng thời, Hội đồng nhân dân tỉnh Kon Tum đã thông qua Nghị quyết số 57/NQ-HĐND ngày 10/12/2019 quy định nội dung và mức chi thực hiện Đề án hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh. Các văn bản này tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho hoạt động khởi nghiệp phát triển.

Theo Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư và Hỗ trợ khởi nghiệp tỉnh Kon Tum Lê Công Dinh, đơn vị đã thường xuyên trao đổi với doanh nghiệp, hộ kinh doanh trên địa bàn để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Đồng thời, khi triển khai Dự án 3 thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, đơn vị đã tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum rà soát, ban hành danh mục dự án đủ điều kiện và xây dựng bảng mô tả từng dự án thu hút đầu tư giai đoạn 2021-2025; thường xuyên cập nhật thông tin, hoàn thiện cơ sở dữ liệu về tiềm năng, pháp luật, kinh tế-xã hội, chính sách, thủ tục đầu tư, chính sách ưu đãi đầu tư… để cung cấp kịp thời, đầy đủ thông tin cho các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước có ý tưởng tham gia đầu tư tại tỉnh. Bên cạnh đó, đơn vị đã tổ chức nhiều hoạt động giao lưu, diễn đàn đối thoại; duy trì và hỗ trợ, thành lập mới các câu lạc bộ, các tổ, đội, nhóm theo sở thích, lĩnh vực... nhằm chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm khởi nghiệp giữa các thành viên, thúc đẩy phát triển cộng đồng khởi nghiệp theo hướng sáng tạo... Với nhiều giải pháp đồng bộ, cụ thể, công tác thu hút đầu tư đã đạt được những kết quả khả quan. Đến nay, toàn tỉnh đã thu hút được 58 dự án với tổng vốn đăng ký khoảng 17.378 tỷ đồng.

Mặc dù đã gặt hái được nhiều kết quả nhất định, song với đặc thù là tỉnh miền núi có hơn 50% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, điều kiện cơ sở vật chất còn khó khăn, hạn chế trong tiếp cận thông tin, việc thúc đẩy khởi nghiệp và thu hút đầu tư kinh doanh trong vùng dân tộc thiểu số còn gặp nhiều rào cản nhất định, đòi hỏi những giải pháp đồng bộ, mạnh mẽ. Thời gian qua, nhiều hợp tác xã, hộ gia đình đã tự phát triển mô hình sản xuất, kinh doanh dựa trên tiềm năng, thế mạnh của địa phương. Tuy nhiên, phần lớn các mô hình khởi nghiệp đều có quy mô nhỏ. Các chủ thể còn gặp nhiều khó khăn, lúng túng, nhất là trong thu hút, kết nối các nguồn lực để phát triển bền vững.

“Việc hỗ trợ khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh và thu hút đầu tư vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi là một nội dung quan trọng trong Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ 2021-2025. Do vậy, trong thời gian tới, Trung tâm xúc tiến đầu tư tỉnh sẽ phối hợp cùng Ban Dân tộc tỉnh và các địa phương tập trung hỗ trợ các chủ thể khởi nghiệp liên kết với những doanh nghiệp, nhà đầu tư lớn để tạo thành những chuỗi sản xuất có hiệu quả. Cùng với đó, đơn vị sẽ tăng cường giới thiệu, kết nối và lan tỏa các sản phẩm khởi nghiệp đến với các doanh nghiệp, người tiêu dùng, góp phần hỗ trợ các chủ thể khởi nghiệp từng bước phát triển mô hình bền vững, quy mô hơn”, ông Dinh cho biết.

Sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền địa phương và các đơn vị chuyên môn đối với các dự án khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh trong vùng dân tộc thiểu số tại tỉnh Kon Tum sẽ là “chìa khóa” để triển khai vào thực tiễn, từ đó góp phần phát huy hiệu quả, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, xây dựng tỉnh Kon Tum phát triển nhanh và bền vững ■
---------------------------
(★) Xem Báo Nhân Dân từ số ra ngày 14/10/2024.
(Tiếp theo và hết) (★)