Kiên trì quan điểm “lấy dự phòng là chính, công tác thông tin-giáo dục-truyền thông là then chốt, chủ động nâng cao ý thức tự bảo vệ cho công nhân, viên chức, lao động và gia đình họ ngay từ khi trong cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp chưa có người phạm tội, nghiện ma túy”, nhiều năm qua, việc tham gia bảo đảm an ninh trật tự trong công nhân luôn được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam coi là một trong những nhiệm vụ quan trọng.
Bài 1: Bảo vệ công nhân trước tệ nạn xã hội
Chủ động ngăn chặn tệ nạn từ sớm, từ xa
Xác định rõ nhiệm vụ tham gia bảo đảm an ninh, an toàn cho công nhân, thời gian qua, tổ chức công đoàn đã chủ động phối hợp lực lượng công an trong công tác phòng ngừa, ngăn chặn các loại tội phạm nói chung, tội phạm ma túy từ sớm, từ xa để bảo vệ đoàn viên, công nhân lao động. Hai bên đã tiến hành ký Quy chế phối hợp giữa Bộ Công an và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam trong công tác bảo đảm an ninh trật tự vào tháng 9/2017 và tháng 4/2023.
Mô hình “Tổ công nhân tự quản khu nhà trọ” do tổ chức công đoàn phối hợp công an, chính quyền địa phương thành lập và tổ chức hoạt động trong thời gian vừa qua đã mang lại nhiều kết quả thiết thực, nâng cao ý thức phòng ngừa tội phạm, ma túy, tệ nạn xã hội đối với công nhân, người lao động và người dân trên địa bàn. Họ cũng chính là hạt nhân trong thực hiện phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc ở cơ sở. Từ chỗ chỉ có một vài mô hình, hiện cả nước có 23 địa phương có mô hình này. Theo báo cáo từ các địa phương, đến nay có 3.184 “Tổ tự quản khu nhà trọ công nhân” với gần 300.000 công nhân, lao động tham gia.
Ðánh giá về mô hình tự quản trong công nhân, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu cho biết: Ðây là một hình thức tập hợp công nhân, người lao động rất phù hợp trong tình hình hiện nay, góp phần tích cực trong việc tạo dựng mối quan hệ gắn bó chặt chẽ giữa chính quyền, công an, công đoàn, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị xã hội ở cơ sở; đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức công đoàn tuyên truyền, phổ biến pháp luật, góp phần nâng cao nhận thức của công nhân, nắm bắt tâm tư, tình cảm và nguyện vọng của họ để kịp thời giải quyết những vấn đề bức xúc của công nhân tại cơ sở, từ đó hạn chế xảy ra các vụ lộn xộn, gây mất trật tự an toàn xã hội tại địa phương.
Hưởng ứng Tháng hành động phòng chống ma túy năm 2024, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam xây dựng và triển khai thực hiện chương trình phòng chống ma túy với chủ đề “Công nhân lao động chung tay xây dựng môi trường sạch ma túy” bằng những giải pháp đồng bộ, toàn diện với nhiều hình thức đổi mới trong công tác tuyên truyền.
Cụ thể, tổ chức công đoàn các cấp đã đưa ra nhiều sản phẩm truyền thông ngắn gọn, tiện lợi để đưa đến tận các cơ quan truyền thông của công đoàn, chú trọng công tác truyền thông qua mạng xã hội; xây dựng những clip ngắn đưa xuống tận cơ sở để công nhân, người lao động hiểu được tác hại cũng như các phương pháp phòng tránh tác hại của ma túy.
Bên cạnh đó, công đoàn tổ chức các buổi tập huấn, đi thực tế tại trại cai nghiện cho các cán bộ chủ chốt, để mỗi cán bộ công đoàn là tuyên truyền viên, tuyên truyền về hậu quả, tác hại của ma túy, phương thức, thủ đoạn của tội phạm ma túy tới đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động.
Thực hiện Chỉ thị số 12 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã ban hành văn bản chỉ đạo công đoàn các cấp, nhất là công đoàn các địa bàn khu công nghiệp kịp thời, tích cực phối hợp lực lượng công an, vừa tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao cảnh giác về phương thức, thủ đoạn và hậu quả do tín dụng đen; đồng thời, duy trì, xây dựng các nguồn quỹ của các cấp công đoàn như: Hỗ trợ vốn cho người lao động nghèo tự tạo việc làm (Quỹ CEP); “Tương trợ nội bộ”; “Vòng tay yêu thương 1.000 đồng”; quỹ xoay vòng, quỹ trợ vốn, quỹ Mái ấm Công đoàn, tương thân tương ái; “Phúc lợi cho người lao động”... hỗ trợ đoàn viên, công nhân, người lao động gặp khó khăn về tài chính, từng bước đẩy lùi tệ nạn tín dụng đen.
Đồng hành với công nhân trên mạng xã hội
Nhờ ưu thế lớn của mạng xã hội, thời gian qua, tổ chức công đoàn đẩy mạnh tiếp cận thông tin và định hướng trong công tác tuyên truyền, vận động, định hướng đoàn viên, người lao động. Chú trọng truyền thông trên các ứng dụng 4.0, internet, mạng xã hội, hệ thống thông tin cơ sở của tổ chức công đoàn.
Bảo vệ công nhân trước tệ nạn xã hội
Chủ tịch Công đoàn Công ty Nidec Việt Nam (Khu công nghệ cao, thành phố Thủ Ðức, Thành phố Hồ Chí Minh) Lưu Kim Hồng cho biết: Tình trạng tội phạm, tệ nạn xã hội trong công nhân, người lao động có thể xảy ra ở nơi trọ và cả nơi làm việc. Thực tế, đã có công nhân tham gia cá độ bóng đá, đánh bạc qua mạng, chơi số đề, thậm chí cho vay lãi cao trong nhà máy.
Tuy nhiên, với doanh nghiệp có vài nghìn người lao động, tổ chức công đoàn không thể bao quát, nắm được hết tình hình ở khu trọ, mà chỉ có thể nắm bắt tình hình tại doanh nghiệp. Theo Chủ tịch Công đoàn Công ty Nidec Việt Nam, hiện nay, hầu hết người lao động đều sử dụng điện thoại thông minh. Việc công đoàn cơ sở thành lập các nhóm Zalo để liên lạc, sinh hoạt tổ và triển khai các công việc của Ban Chấp hành công đoàn cơ sở, cũng như phổ biến các thông tin cần tuyên truyền, thông tin cảnh giác, cảnh báo về các loại tội phạm, nhất là lừa đảo qua các mạng xã hội rất hiệu quả; qua đó, vận động đoàn viên, người lao động tích cực tham gia tố giác tội phạm, phát hiện nhanh, sớm để ngăn chặn, triệt phá tội phạm ma túy, tệ nạn xã hội trên địa bàn. Bên cạnh đó, công đoàn có thể đưa các thông tin hỗ trợ người lao động như việc vay vốn từ Tổ chức tài chính vi mô CEP, hỗ trợ làm thủ tục vay vốn để không phải vay tín dụng đen; tổ chức, giới thiệu vui chơi giải trí, văn hóa văn nghệ để thu hút công nhân tham gia...
Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu cho rằng: Cán bộ công đoàn, bên cạnh nhiệm vụ chăm lo, còn có trách nhiệm bảo đảm an toàn đời sống của đoàn viên, người lao động. Do vậy, cán bộ công đoàn cần chủ động hơn nữa trong quan hệ với công an địa phương, doanh nghiệp; đẩy mạnh xây dựng lực lượng nòng cốt “Tổ tự quản khu nhà trọ công nhân” tại các khu trọ công nhân; “Tổ an ninh công nhân” tại các doanh nghiệp FDI là những mô hình rất ý nghĩa, vừa làm công tác tuyên truyền, vừa có chức năng phát hiện, cảnh báo, tạo ra một “rào chắn”, khiến các đối tượng xấu khó tiếp cận hơn với công nhân, người lao động. Khi phát hiện đoàn viên, người lao động có dấu hiệu liên quan hoặc là nạn nhân của các tệ nạn, cán bộ công đoàn phải là người đầu tiên gần gũi, động viên, bàn bạc với cơ quan chức năng địa phương về các giải pháp để “cứu” đoàn viên, người lao động của mình.
Thực tế cho thấy, những biện pháp phòng chống ma túy, tệ nạn xã hội không chỉ đến từ chính quyền, doanh nghiệp và tổ chức công đoàn, mà sự tự giác, ý thức của mỗi công nhân, người lao động, mới chính là yếu tố quyết định để xây dựng một môi trường làm việc an toàn, lành mạnh và không có ma túy. Do đó, công tác tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao ý thức của công nhân; người lao động tại các khu, cụm công nghiệp không bao giờ được xem nhẹ. Khi người lao động có đầy đủ kiến thức và nhận thức sâu sắc về tác hại của ma túy, tệ nạn xã hội, họ sẽ chủ động bảo vệ bản thân và đồng nghiệp khỏi những cám dỗ nguy hiểm luôn rình rập, bao quanh.