Bài toán nguồn cát xây dựng đường cao tốc ở Tây Nam Bộ (Tiếp theo và hết) (*)

Bài 2: Khai thác hợp lý, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên cát

Việc khai thác cát tại chỗ phục vụ cho xây dựng các tuyến đường cao tốc vùng đồng bằng sông Cửu Long là cần thiết. Tuy nhiên, khai thác cát như thế nào để hạn chế thấp nhất ảnh hưởng đến môi trường, hệ sinh thái vùng, nhất là tình trạng sạt lở, sụt lún đất, cũng là vấn đề cần quan tâm.
0:00 / 0:00
0:00
Khai thác cát phục vụ xây dựng tại sông Hậu thuộc tỉnh Vĩnh Long.
Khai thác cát phục vụ xây dựng tại sông Hậu thuộc tỉnh Vĩnh Long.

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, từ nay đến năm 2026, toàn vùng đồng bằng sông Cửu Long đã cấp 80 giấy phép khai thác cát với tổng sản lượng 110 triệu mét khối; trong đó có khoảng 20 triệu mét khối cát xây dựng, còn lại là cát san lấp, đủ phục vụ nhu cầu xây dựng cao tốc toàn vùng. Tuy nhiên, đây là con số trên giấy phép, thực tế, các cơ quan chuyên ngành, chính quyền địa phương cũng chưa biết rõ trữ lượng, chất lượng nguồn cát...

Nguồn cát khan hiếm, khó khai thác

Cuối tháng 9/2023, Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) phối hợp Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam (WWF-Việt Nam) công bố kết quả nghiên cứu ngân hàng cát cho đồng bằng sông Cửu Long. Ngân hàng cát được xây dựng dựa trên bốn yếu tố, gồm: Lượng cát đổ về đồng bằng sông Cửu Long; lượng cát đổ ra biển; lượng cát khai thác trong đồng bằng và trữ lượng cát hiện có ở đáy sông.

Theo đó, tổng trữ lượng cát đo được toàn vùng ước tính khoảng 367-550 triệu mét khối, là lượng cát được tích lũy từ hàng trăm năm qua, có vai trò quan trọng đối với sự ổn định của đồng bằng. Kết quả khảo sát cuối năm 2022 cũng cho thấy, lượng cát đổ về đồng bằng đã giảm xuống còn 2 triệu-4 triệu mét khối mỗi năm, chỉ bằng 1/3 so với trước đây, phần lớn cát bị giữ lại bởi các đập thủy điện ở thượng nguồn.

Theo kết quả nghiên cứu, với tốc độ khai thác cát hiện tại ở đồng bằng sông Cửu Long khoảng từ 35 triệu-55 triệu mét khối mỗi năm, trữ lượng cát này sẽ hoàn toàn cạn kiệt trong 10 năm tới. So sánh lượng cát bồi đắp và lượng cát khai thác, hiện, ngân hàng cát âm hàng chục triệu mét khối mỗi năm.

Đây là nguyên nhân chính dẫn đến sạt lở, sụt lún đất, xâm nhập mặn ngày càng khốc liệt ở đồng bằng sông Cửu Long. Vì vậy, cần hạn chế khai thác cát để phòng chống sạt lở, đồng thời, cấp bách nghiên cứu tìm các nguồn vật liệu thay thế để xây dựng các công trình vừa bảo đảm nhu cầu phát triển, vừa bảo đảm được hệ sinh thái của vùng đồng bằng sông Cửu Long trước tác động của biến đổi khí hậu.

Để tìm vật liệu thay thế cát sông, Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận thí điểm sử dụng cát biển để đắp nền đường tại đoạn hoàn trả tuyến đường tỉnh 978 (thuộc dự án cao tốc đoạn Hậu Giang-Cà Mau), đến nay, đã hoàn thành đắp nền bằng cát biển, đang thi công lớp đá dăm láng nhựa.

Đánh giá bước đầu cho thấy, cát biển sử dụng cho đoạn thí điểm bảo đảm các yêu cầu đối với vật liệu đắp nền về hàm lượng muối hòa tan và chỉ số sức chịu tải theo tiêu chuẩn quốc gia về đường cao tốc. Chất lượng môi trường nền trước và trong khi thi công bảo đảm, chưa có bằng chứng về việc thi công đắp cát biển làm tăng độ mặn và hàm lượng muối Clorua trong nước mặt và nước ngầm.

Việc thi công cũng không ảnh hưởng đến chất lượng đất. Bộ Giao thông vận tải đã ba lần lấy mẫu cát ngoài biển để thẩm tra chỉ tiêu cơ lý so với đất đắp nền đường, kiểm tra chỉ tiêu hóa học (hàm lượng độ mặn), lắp đặt các mẫu để lấy quan trắc nước ngầm, nước mặt trong quá trình thi công. Kết quả cát biển tương đồng với cát sông.

Hiện, Bộ Giao thông vận tải tiếp tục quan trắc về môi trường từ nay đến cuối năm (thực hiện hằng tháng) để xem xét kết quả, sớm có kết luận cuối cùng việc sử dụng cát biển xây dựng đường cao tốc.

Nhu cầu cát xây dựng ngày càng cao nhưng hiện nay, các địa phương trong vùng không xác định được trữ lượng, chất lượng cát để có kế hoạch khai thác, sử dụng hợp lý, hiệu quả. Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa băn khoăn, vấn đề quan ngại nhất của địa phương là việc khai thác cát ảnh hưởng ra sao đến sạt lở, sụt lún đất vì tình trạng này diễn biến ngày càng phức tạp, trong khi các cơ quan chức năng Trung ương chưa xác định được trữ lượng, chất lượng, báo cáo tác động môi trường việc khai thác cát toàn vùng. Ngoài ra, việc gia hạn, cấp phép khai thác các mỏ mới theo thủ tục rút gọn của cơ chế đặc thù là giao mỏ cát trực tiếp cho đơn vị thi công khai thác gặp khó khăn, vướng mắc về trình tự thủ tục pháp lý, đánh giá tác động môi trường cũng khiến địa phương lúng túng…

Phát triển kinh tế hài hòa với môi trường

Ông Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia nghiên cứu độc lập về sinh thái vùng đồng bằng sông Cửu Long, lưu ý, trong bối cảnh cát, phù sa từ thượng nguồn sông Mê Công về đồng bằng ngày càng ít do xây dựng các đập thủy điện ở thượng nguồn, việc khai thác cát quá mức dẫn đến nhiều hệ lụy như sạt lở, sụt lún đất, môi trường sinh thái bị thay đổi, ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống của cư dân vùng. Vì vậy, trong quá trình phát triển, Chính phủ, các địa phương trong vùng cần cân nhắc, bảo đảm hài hòa giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường, không phát triển kinh tế bằng mọi giá. Trong điều kiện hiện nay, vùng đồng bằng sông Cửu Long cần xây dựng "ngân hàng cát" để điều tiết việc khai thác, sử dụng nguồn cát hợp lý, hạn chế thấp nhất tác động tiêu cực của quá trình này mang lại.

Ông Hà Huy Anh, Quản lý quốc gia Dự án Quản lý cát bền vững ở đồng bằng sông Cửu Long (WWF-Việt Nam), khuyến nghị, chính quyền sử dụng ngân hàng cát như công cụ để lập kế hoạch khai thác và quy hoạch quản lý cát sông toàn vùng. Kế hoạch này cần xem xét trữ lượng hiện có dưới đáy sông và lượng cát đổ về từ thượng nguồn. Việc quản lý cát sông nên được điều phối bởi một cơ quan cấp vùng thay vì các tỉnh riêng lẻ theo ranh giới hành chính như hiện nay. Đồng bằng sông Cửu Long là một thực thể sống, hình thành từ quá trình bồi đắp phù sa hàng nghìn năm. Vì vậy, khai thác cát chỗ này sẽ sạt lở chỗ khác và ngược lại, do đó rất cần sự phối hợp điều tiết giữa các địa phương trong vùng vì lợi ích chung, hạn chế thấp nhất những tác động tiêu cực của việc khai thác cát.

Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Trần Văn Lâu kiến nghị, Bộ Tài nguyên và Môi trường sớm có đánh giá tổng thể trữ lượng, chất lượng cát toàn vùng, đánh giá tác động môi trường việc khai thác để các địa phương làm cơ sở khai thác, sử dụng cát hiệu quả, hợp lý. Sóc Trăng kiến nghị Quốc hội, Chính phủ xem xét áp dụng cơ chế đặc thù cho địa phương được phép khai thác cát biển trong thời gian chờ Quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 được duyệt. Nguồn nguyên liệu cát này phục vụ cho việc xây dựng Khu kinh tế cảng Trần Đề và đường cao tốc khi cần.

Tháng 9/2023, tại buổi làm việc với các bộ, ngành và các tỉnh, thành phố vùng đồng bằng sông Cửu Long về cung ứng cát cho xây dựng các tuyến đường cao tốc ở khu vực, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà yêu cầu, các nhà thầu được giao khai thác mỏ cát phải chịu trách nhiệm toàn diện đối với việc sử dụng nguồn vật liệu được khai thác đúng mục đích; cần xây dựng hệ thống quan trắc, đánh giá tác động môi trường tổng thể làm cơ sở cấp phép khai thác mỏ mới. Doanh nghiệp phối hợp Bộ Giao thông vận tải điều chỉnh lại và đưa ra nhu cầu cung cấp cụ thể, rõ ràng. Bộ Tài nguyên và Môi trường căn cứ theo tính toán, đánh giá của các địa phương để phân bổ theo tiến độ; thực hiện tốt việc chia tiến độ từng giai đoạn một cách khoa học, nguồn cát luôn đáp ứng đủ nhu cầu.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà lưu ý, cát đang khai thác ở vùng Tây Nam Bộ nhiều hơn 50%, sau một thời gian nữa, 50% này sẽ bắt đầu sụt lún, buộc phải dừng khai thác vì khai thác cát dưới sông bao nhiêu, đất liền sẽ sụt xuống bấy nhiêu, đó là quy luật cân bằng. Việc nâng công suất khai thác nhưng phải lấy vấn đề môi trường và phòng chống sạt lở làm ưu tiên hàng đầu. Bộ Giao thông vận tải thành lập tổ liên ngành để tháo gỡ những vướng mắc về cơ chế, chính sách, tình trạng pháp lý, trình tự thủ tục thực hiện khai thác cát theo từng giai đoạn, bảo đảm đủ nguồn cát xây dựng đường cao tốc theo tiến độ đã được duyệt.

------------------------------

(*) Xem Báo Nhân Dân số ra ngày 15/10/2023.