Bài toán nguồn cát xây dựng đường cao tốc ở Tây Nam Bộ

Bài 1: Nguồn cát chưa đáp ứng nhu cầu

Khu vực Tây Nam Bộ đang triển khai xây dựng bốn tuyến cao tốc với tổng chiều dài 355 km, tổng nhu cầu lượng cát phục vụ xây dựng hơn 53 triệu mét khối. Trong đó, hai tuyến đường cao tốc Cần Thơ-Cà Mau và Châu Ðốc-Cần Thơ-Sóc Trăng đã khởi công nhưng tiến độ thi công chậm do thiếu cát.
0:00 / 0:00
0:00
Ðường cao tốc Cần Thơ-Cà Mau, đoạn qua thành phố Cần Thơ phải chờ cát để tiếp tục thi công.
Ðường cao tốc Cần Thơ-Cà Mau, đoạn qua thành phố Cần Thơ phải chờ cát để tiếp tục thi công.

Hiện nay, tiến độ thi công các tuyến đường cao tốc ở Tây Nam Bộ đang bị chậm do thiếu cát xây dựng. Mặc dù Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo tháo gỡ nhưng tình trạng này vẫn tiếp diễn, kéo dài. Vấn đề nan giải là các cơ quan chức năng không biết rõ trữ lượng cát toàn vùng còn bao nhiêu để có thể khai thác nhằm hạn chế sạt lở, sụt lún đất trước tác động của biến đổi khí hậu...

Tuyến đường cao tốc Cần Thơ-Cà Mau dài hơn 110 km cần hơn 18 triệu mét khối cát nhưng đến nay lượng cát cung ứng cho dự án này chưa đến 10%. Riêng năm 2023, tuyến cao tốc này cần hơn 9 triệu mét khối cát đắp nền để bảo đảm tiến độ thi công nhưng lượng cát cung cấp đang gặp rất nhiều khó khăn...

Tiến độ phụ thuộc nguồn cát

Theo Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận (chủ đầu tư), Chính phủ đã chỉ đạo ba tỉnh An Giang, Ðồng Tháp và Vĩnh Long cung cấp cát cho tuyến đường cao tốc Cần Thơ-Cà Mau và các tỉnh này đã cam kết thực hiện. Tuy nhiên, thực tế lượng cát cung cấp không như kế hoạch. Ðến nay, các địa phương mới cung cấp khoảng 1,5 triệu mét khối cát, chưa đến 10% nhu cầu trong khi mặt bằng giải phóng toàn tuyến đã đạt hơn 98%, nhiều đoạn tuyến cao tốc này đang chờ cát để thi công.

Ghi nhận thực tế thi công tuyến đường cao tốc Cần Thơ-Cà Mau đoạn qua thành phố Cần Thơ ở phường Tân Phú, quận Cái Răng và đoạn qua tỉnh Hậu Giang ở xã Long Thạnh, huyện Phụng Hiệp, nhiều đoạn, đơn vị thi công đã đào đắp ta-luy đường, trải vải địa kỹ thuật để bơm cát đắp nền nhưng do không có cát, nên việc thi công tạm dừng.

Theo Giám đốc Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận Trần Văn Thi, nhu cầu vật liệu cát đắp nền đường của dự án đường cao tốc Cần Thơ-Cà Mau rất lớn (khoảng 18,46 triệu mét khối), trong khi nguồn cát trong khu vực đang gặp nhiều khó khăn, chưa có giải pháp thay thế hiệu quả. Ðể bảo đảm cung cấp kịp thời, đủ khối lượng cát, Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận đã đề nghị Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Ðồng Tháp quan tâm chỉ đạo sớm hoàn thiện thủ tục để tăng không quá 50% công suất được ghi trong giấy phép của các mỏ đang khai thác, bảo đảm bố trí cho dự án khoảng 1 triệu mét khối. Ðồng thời, tiếp tục rà soát những mỏ cát trên địa bàn tỉnh để giới thiệu cho các nhà thầu tiến hành khảo sát, thực hiện thủ tục khai thác.

Tuyến đường cao tốc Châu Ðốc-Cần Thơ-Sóc Trăng dài 188 km đi qua địa phận bốn tỉnh, thành phố với nhu cầu cát xây dựng hơn 30 triệu mét khối. Thành phố Cần Thơ và tỉnh Hậu Giang không có nguồn cát phục vụ xây dựng cao tốc này, phải phụ thuộc vào hai tỉnh An Giang và Ðồng Tháp. Thế nhưng, hai tỉnh này đang khảo sát, rà soát các mỏ cát trên địa bàn, chưa bàn giao mỏ trên thực địa và tuyến cao tốc này vẫn "đói" cát thi công. Cụ thể hơn, dự án đường cao tốc này đoạn qua thành phố Cần Thơ dài hơn 37 km, vốn đầu tư hơn 9.700 tỷ đồng, cần khoảng 5 triệu mét khối cát đắp nền. Tuy nhiên đến nay công trình vẫn đang chờ tỉnh An Giang bố trí mỏ cát theo chỉ đạo của Chính phủ để thi công cho dù các đơn vị đã đào khuôn đường, lót vải địa kỹ thuật và chỉ đợi nguồn cát để tăng tốc thi công trong vài tháng tới...

Nỗ lực tìm nguồn cát

Tỉnh Ðồng Tháp được Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ cung ứng cho dự án đường cao tốc Cần Thơ-Cà Mau 7 triệu mét khối cát. Ngày 20/9, UBND tỉnh Ðồng Tháp tổ chức bàn giao thực địa mỏ cát san lấp trên sông Tiền thuộc xã An Nhơn, huyện Châu Thành cho Tổng công ty Xây dựng số 1-Công ty cổ phần (CC1) trực tiếp lập thủ tục khai thác mỏ để cung ứng cát phục vụ thi công dự án đường cao tốc Cần Thơ-Cà Mau do Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận làm chủ đầu tư. Mỏ cát được bàn giao có tổng trữ lượng khoảng 547.798 m3; công suất khai thác 547.798 m3/năm (thời hạn khai thác là 1 năm).

Ðối với dự án đường cao tốc Cao Lãnh-An Hữu dài hơn 27 km đi qua địa bàn hai tỉnh Ðồng Tháp và Tiền Giang, nhu cầu sử dụng khoảng 3,58 triệu mét khối cát. Tỉnh Ðồng Tháp đã thống nhất đảm nhận việc bố trí đủ nguồn cát phục vụ dự án này và hiện tỉnh đã bố trí ba mỏ cát nằm trên địa phận các xã Tân Thuận Ðông (thành phố Cao Lãnh), Long Khánh A (huyện Hồng Ngự), An Hiệp và An Nhơn (huyện Châu Thành) với tổng trữ lượng khoảng 2,9 triệu mét khối nhưng chưa có kế hoạch triển khai cụ thể. UBND tỉnh cam kết sẽ điều phối hợp lý nguồn cung từ các mỏ cát đang hoạt động, bảo đảm không để thiếu cát làm ảnh hưởng đến tiến độ công trình.

UBND tỉnh An Giang đã ký quyết định phê duyệt danh mục khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh gồm 21 khu vực trên sông Tiền, sông Hậu, được khoanh vùng để phục vụ nguồn vật liệu cho các dự án đầu tư xây dựng công trình đường bộ cao tốc khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Chủ tịch UBND tỉnh An Giang giao Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh khẩn trương tham mưu để UBND hoàn thành các thủ tục bố trí, phân bổ nguồn cát cho các dự án.

Theo đó, phục vụ dự án đường bộ cao tốc Châu Ðốc-Cần Thơ-Sóc Trăng, đoạn đi qua địa phận tỉnh An Giang hơn 9,32 triệu mét khối; đoạn đi qua địa phận thành phố Cần Thơ và tỉnh Hậu Giang 7,5 triệu mét khối; dự án cao tốc Cần Thơ-Cà Mau 6,59 triệu mét khối (đã phân bổ 0,41 triệu mét khối). Cụ thể, đối với mỏ cát trên sông Tiền thuộc xã Bình Phước Xuân, huyện Chợ Mới, tỉnh chấp thuận chủ trương chia khu mỏ thành hai khu vực giao cho thành phố Cần Thơ và tỉnh Hậu Giang tổ chức việc khai thác theo đúng quy định và các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ để xây dựng đường bộ cao tốc Châu Ðốc-Cần Thơ-Sóc Trăng giai đoạn 1.

Ðầu tháng 10/2023, Hội đồng nhân dân tỉnh Sóc Trăng thông qua Nghị quyết cho phép khai thác bảy mỏ cát trên sông Hậu, sản lượng khoảng 16 triệu mét khối để phục vụ xây dựng đường cao tốc Châu Ðốc-Cần Thơ-Sóc Trăng đoạn đi qua địa bàn tỉnh dài hơn 58 km. Tỉnh Sóc Trăng sẽ sớm bàn giao bảy mỏ cát này cho các đơn vị trực tiếp thi công cao tốc đoạn qua tỉnh theo cơ chế đặc thù của Trung ương.

Trước khi khai thác cát, nhà thầu thi công phải lập hồ sơ đăng ký khu vực, công suất, khối lượng, phương pháp, thiết bị và kế hoạch khai thác. Ngoài ra, còn phải thực hiện đánh giá tác động môi trường và thực hiện đầy đủ nghĩa vụ nộp tiền cấp quyền khai thác cát, thuế, phí và lệ phí theo quy định. Sau khi khai thác cát đủ khối lượng cung cấp cho dự án, nhà thầu có trách nhiệm thực hiện các nghĩa vụ cải tạo, phục hồi môi trường, bàn giao mỏ cát và đất đai để địa phương quản lý theo quy định về khoáng sản và pháp luật khác liên quan.

Trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long, có bảy giấy phép khai thác khoáng sản còn hiệu lực hoạt động với tổng công suất khai thác 835.000 m3/năm. Theo chỉ đạo của Chính phủ, Vĩnh Long cung cấp cát cho đường cao tốc Cần Thơ-Cà Mau năm 2023 là 2,5 triệu mét khối, năm 2024 là 2,5 triệu mét khối, vượt khả năng của tỉnh. Ðại diện Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận cho biết, chất lượng của các mỏ cát đã được cấp phép trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long không đạt quy chuẩn để đắp nền đường cho cao tốc, cho nên các nhà thầu thi công không có nhu cầu sử dụng nguồn cát này và đề xuất được cấp mỏ mới để khai thác. Tuy nhiên, các khu vực có mỏ cát lại tập trung chủ yếu trên một khu vực thuộc nhánh trái sông Hậu, nên nguy cơ sạt lở bờ sông và ảnh hưởng tác động môi trường rất cao...

(Còn nữa)