Tạo đột phá cho môi trường kinh doanh

Bài 2: Duy trì "ngọn lửa" cải cách

Tại Nghị quyết số 41-NQ/TW của Bộ Chính trị ban hành ngày 10/10/2023 đã đề ra nhiệm vụ quyết liệt cải thiện môi trường kinh doanh theo hướng thuận lợi, an toàn và bình đẳng. Trong đó, xác định việc bãi bỏ các rào cản, quy định, điều kiện kinh doanh bất hợp lý, không cần thiết, nhằm tăng khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp, giúp kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của đất nước.
0:00 / 0:00
0:00
Nhà máy sản xuất, lắp ráp ô-tô, Công ty TNHH Ford Việt Nam, tỉnh Hải Dương. (Ảnh TRẦN HẢI)
Nhà máy sản xuất, lắp ráp ô-tô, Công ty TNHH Ford Việt Nam, tỉnh Hải Dương. (Ảnh TRẦN HẢI)

Tuy nhiên theo nhận định của một số chuyên gia, dường như vẫn còn tình trạng "trên nóng, dưới lạnh" khi "ngọn lửa" cải cách ở Trung ương luôn hừng hực, nhưng tại một vài bộ, ngành, địa phương vẫn còn "hờ hững".

Thực tế, tuy việc cắt giảm là có, nhưng quá trình cải cách bị đánh giá còn chậm, nặng tính hình thức; tình trạng "cài cắm" điều kiện kinh doanh trong các thông tư do cấp bộ ban hành vẫn còn chưa thật sự tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.

Tháo gỡ những "nút thắt"

Môi trường kinh doanh ở nước ta dù được đánh giá liên tục cải thiện với thái độ và trách nhiệm của các bộ, ngành và địa phương đang ngày một tăng lên, nhưng theo phản ánh của không ít doanh nghiệp, vẫn còn đó những "nút thắt" đang tạo ra điểm nghẽn trong quá trình cải thiện môi trường kinh doanh.

Theo đó, tình trạng phiền hà, nhũng nhiễu vẫn phổ biến với một số lĩnh vực thủ tục hành chính khiến thời gian xử lý kéo dài; việc tiếp cận nguồn lực vốn vay ưu đãi, tìm kiếm khách hàng, thị trường chưa thuận lợi.

Theo Báo cáo Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2023, có 57,1% số doanh nghiệp cho biết, khó khăn lớn nhất các doanh nghiệp đang gặp phải là vấn đề tiếp cận tín dụng, đây là con số cao nhất từ trước tới nay; 14,5% số doanh nghiệp phản ánh những biến động về chính sách, pháp luật cũng đang cản trở doanh nghiệp phát triển, làm gián đoạn kế hoạch triển khai các dự án,...

Ðiều này cho thấy, dù Chính phủ rất quyết liệt chỉ đạo, nỗ lực trong điều hành để cải thiện chất lượng môi trường đầu tư kinh doanh, nhưng đâu đó ở địa phương, cấp sở, ngành, huyện, thị cũng đang còn nhiều vấn đề hạn chế với việc giải quyết vướng mắc cho doanh nghiệp và người dân. Thậm chí có hiện tượng né tránh trách nhiệm, đùn đẩy hoặc làm với tinh thần trách nhiệm không cao.

Chủ tịch HÐQT Tổng công ty CP Hợp Lực Nguyễn Văn Ðệ chia sẻ, trong quy trình lấy ý kiến tại nhiều địa phương với các tờ trình, kế hoạch, đề án, dự án,... chưa thật sự phù hợp. Có những tờ trình về phương án giá đất, nhưng máy móc xin ý kiến của cả những sở, ngành lĩnh vực quản lý không liên quan đến giá đất như: Nội vụ, Ngoại vụ, Giáo dục và Ðào tạo, Thông tin và Truyền thông, Quân sự. Những cơ quan này thường không có bộ phận có chuyên môn để tham mưu nội dung liên quan cho nên việc xin ý kiến là điều không cần thiết, dẫn tới tình trạng đa số văn bản trả lời đều đồng ý cho xong việc.

Vì vậy, nên sửa đổi quy chế làm việc ở các địa phương và phải đẩy mạnh thực hiện phân cấp, phân quyền hơn nữa. Với các vấn đề mang tính chuyên ngành, chuyên biệt, chỉ cần xin ý kiến các sở, ngành mà lĩnh vực quản lý trực tiếp liên quan đến nội dung cần xin ý kiến; tránh hình thức, lãng phí thời gian, kéo dài thủ tục, từ đó dễ xảy ra nguy cơ lợi dụng trách nhiệm tập thể nhằm trốn tránh trách nhiệm của người đứng đầu, không quyết liệt, không dám nghĩ, dám làm trong chỉ đạo, điều hành.

Phản ánh nêu trên đang rất sát với khảo sát của PCI năm 2023 khi chỉ số "tính năng động tiên phong của bộ máy chính quyền địa phương" có dấu hiệu giảm sút so với các năm trước, giảm từ 6,84 điểm (năm 2022) xuống còn 6,77 điểm (năm 2023).

Chỉ 82,1% số doanh nghiệp cho biết "UBND tỉnh linh hoạt trong khuôn khổ pháp luật nhằm tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp tư nhân", giảm 3,9% so với năm 2022; 57,6% số doanh nghiệp cho biết "chính quyền địa phương có thái độ tích cực với khu vực tư nhân", giảm 6% so với năm 2022.

Bên cạnh đó, có tới 20% số doanh nghiệp được hỏi cho biết, "trì hoãn thực hiện, xin ý kiến chỉ đạo, không làm gì" là phản ứng của địa phương khi có điểm chưa rõ ràng trong chính sách, văn bản của Trung ương. Ðáng lưu ý, 51,5% số doanh nghiệp đồng ý với nhận định "các sở, ngành không thực hiện đúng chủ trương, chính sách của lãnh đạo tỉnh, thành phố", tăng 1,1% so với năm 2022.

Ngoài những vướng mắc về thủ tục hành chính, theo chia sẻ của nhiều hiệp hội, doanh nghiệp, vẫn còn tồn tại tình trạng trùng lặp nội dung thanh tra, kiểm tra với tần suất khá thường xuyên.

Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) Trương Ðình Hòe cho biết, tuy gánh nặng thanh tra, kiểm tra có giảm, nhưng vẫn còn nhiều doanh nghiệp trong ngành thủy sản phản ánh tình trạng phải tiếp quá nhiều đoàn thanh tra, kiểm tra trong một năm. Ðôi lúc, cùng một nội dung, lĩnh vực nhưng lại có nhiều đơn vị thanh tra, kiểm tra khác nhau, đặc biệt là lĩnh vực hải quan, thuế, môi trường,... dẫn đến tình trạng trùng lặp, chồng chéo trong hoạt động thanh tra, kiểm tra và phần nào làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, làm giảm khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp. Khảo sát PCI năm 2023 cũng cho thấy, tỷ lệ doanh nghiệp cho biết nội dung thanh tra, kiểm tra bị trùng lặp cũng đã tăng từ 6,7% năm 2022 lên 8,5% năm 2023. Vì vậy, để khắc phục triệt để tình trạng nêu trên, các cơ quan thanh tra phải tăng cường phối hợp, phát hiện chồng chéo, trùng lặp ngay từ khâu xây dựng, ban hành kế hoạch thanh tra, kiểm toán hằng năm, bảo đảm một nội dung hoạt động của doanh nghiệp chỉ là đối tượng của một cơ quan thanh tra.

Kỳ vọng tạo đột phá

Có thể khẳng định, việc tiếp tục đẩy mạnh cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính một cách hiệu quả, thực chất tại các bộ, ngành, địa phương nhằm phục vụ người dân, doanh nghiệp là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách hiện nay. Ðây được xem là một giải pháp căn cơ và quan trọng nhất để mang đến "sự yên tâm" cho các doanh nghiệp. Song thực tế, quá trình cải cách có dấu hiệu chậm lại, chưa được như Chính phủ chỉ đạo và doanh nghiệp kỳ vọng.

Cộng đồng doanh nghiệp rất mong muốn Nhà nước nhanh chóng hoàn thiện chính sách, pháp luật, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, an toàn, bình đẳng cho doanh nhân, doanh nghiệp phát triển và cống hiến; nhất là có cơ chế ngăn ngừa, xử lý nghiêm hành vi nhũng nhiễu, cản trở, tham nhũng, tiêu cực, chây ỳ trong xử lý hành chính, cũng như trong quá trình đưa chính sách tới gần với thực tiễn. Bởi suy cho cùng, một chính sách tốt nếu không được tổ chức thực thi tốt, mang lại hiệu quả thực chất thì cũng không có nhiều ý nghĩa.

Nhấn mạnh vai trò cải cách thể chế chính là chìa khóa quan trọng và vô cùng cấp thiết với nền kinh tế hiện nay, theo Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Phạm Tấn Công, để một nền kinh tế mang tính cạnh tranh, trước tiên phải có một khuôn khổ pháp luật cạnh tranh phù hợp. Trong đó, cần rà soát những điều kiện kinh doanh, các quy định pháp luật bất hợp lý cản trở cạnh tranh hoặc làm méo mó sự cạnh tranh của nền kinh tế. Có một thực trạng, tuy doanh nghiệp luôn than khó, nhưng có lúc, có nơi, việc giải quyết các khó khăn, đề xuất của doanh nghiệp chỉ là lời hứa. Nhiều địa phương thực hiện cải cách vì sức ép chứ không thực tâm; chưa lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm và chủ thể, mục tiêu, động lực; chưa lấy sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp để đánh giá hiệu quả thực hiện.

Do đó, Chủ tịch VCCI kỳ vọng, Nghị quyết số 41 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới đã đề ra nhiệm vụ cụ thể cho Chính phủ cùng các bộ, ngành, địa phương trong việc tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi, an toàn, bình đẳng. Ðây sẽ là những nhiệm vụ quan trọng nhằm sốc lại tinh thần, không khí cải cách ở nhiều bộ, ngành và địa phương. Khi đó, lãnh đạo các bộ, ngành và địa phương trong phạm vi thẩm quyền phải chủ động hơn và khẩn trương tháo gỡ triệt để các rào cản đối với hoạt động đầu tư, kinh doanh do chồng chéo, mâu thuẫn, không hợp lý, khác nhau của các quy định pháp luật. Ngoài ra, cũng cần minh bạch hơn nữa về quy trình xây dựng thông tư, nghị định, nên có sự tham vấn ý kiến và quan điểm của cộng đồng doanh nghiệp nhằm tiếp thu những ý kiến đóng góp, phản hồi về chính sách, kịp thời nhận diện những vướng mắc, rào cản của môi trường kinh doanh, từ đó đề ra những giải pháp phù hợp, tạo thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp.

Thổi được "ngọn lửa" cải cách đã khó, nhưng để "giữ lửa" cho cuộc cải cách đó còn khó hơn nếu không có sự hỗ trợ, tinh thần năng động, tiên phong của chính quyền các cấp. Ngoài ra, Nhà nước cần tăng cường quản lý, điều tiết thị trường bằng các giải pháp thị trường, không bằng mệnh lệnh hành chính hoặc thay đổi thể chế, luật pháp theo lối "giật cục", khó đoán định.

Hơn lúc nào hết, các doanh nghiệp cần sự ổn định, nhất quán và tin cậy trong xây dựng và thực thi chính sách, pháp luật. Bên cạnh đó, phải gắn trách nhiệm cụ thể cho cán bộ, công chức, viên chức trong quá trình tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính, kiên quyết xử lý kỷ luật các cá nhân, tập thể gây khó khăn, cản trở hoạt động của doanh nghiệp.

Có như vậy mới tạo ra những đột phá chiến lược cho phát triển môi trường kinh doanh giai đoạn tới với tinh thần bình đẳng, cùng phát triển; lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ, từ đó, từng bước đưa nền kinh tế Việt Nam đi lên phát triển nhanh và bền vững trong thời gian tới.

-----------------------------

(*) Xem Báo Nhân Dân số ra ngày 20/6/2024.