Đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công

Bài 2: Đổi mới tư duy, cách làm

Năm 2023 được xác định là năm bản lề, có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện các nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025. Trong bối cảnh đó, ngành giao thông vận tải đồng loạt triển khai nhiều dự án quan trọng quốc gia quy mô lớn.
0:00 / 0:00
0:00
Các đơn vị thi công đào đắp nền hạng mục phụ trợ trên tuyến đường cao tốc bắc-nam.
Các đơn vị thi công đào đắp nền hạng mục phụ trợ trên tuyến đường cao tốc bắc-nam.

Với mục tiêu giải ngân tối đa nguồn vốn kế hoạch công khai, minh bạch, không tiêu cực, thất thoát, lãng phí trong quá trình thực hiện, ngành giao thông đã yêu cầu các đơn vị cần có tư duy mới, cách làm mới, tăng tốc tiến độ thi công song hành với kiểm soát chất lượng dự án.

Xử lý nghiêm cán bộ nhũng nhiễu, bê trễ

Vừa qua, chủ đầu tư Ban Quản lý dự án 85 đã báo cáo Bộ Giao thông vận tải về tình hình triển khai dự án thành phần cao tốc bắc-nam đoạn Quy Nhơn-Chí Thạnh. Dự án có chiều dài 61,7 km (chưa gồm 5,1 km hầm Cù Mông); đoạn qua tỉnh Bình Định khoảng 19,6 km, qua Phú Yên khoảng 42,1 km; tổng mức đầu tư hơn 14.800 tỷ đồng (chi phí giải phóng mặt bằng hơn 1.154 tỷ đồng). Dự án chia thành 3 gói thầu xây lắp, gói 11-XL (khởi công ngày 25/2/2023), gói 12-XL (khởi công ngày 1/1/2023), gói thầu 13-XL (khởi công ngày 1/3/2023).

Trên công trường, các nhà thầu tổ chức 63 mũi thi công với hơn 800 đầu máy, 242 kỹ sư và 1.437 công nhân, lái máy. Đến nay, dự án đã đào nền đường khoảng 5,25 triệu m3

(đạt hơn 41%), đắp nền K90 đạt 151,9 nghìn m3 (103,5%), đắp nền K95 đạt 1,53 triệu m3 (38,44%),... Lũy kế sản lượng toàn dự án đến nay hơn 1.600 tỷ đồng (khoảng 14% giá trị các hợp đồng), chậm 1,04% so với tiến độ dự án.

Cụ thể, gói thầu 11-XL đạt sản lượng hơn 358 tỷ đồng (khoảng 11% giá trị hợp đồng), chậm 1,37%. Nhà thầu Công ty cổ phần Sông Đà 10 chậm tiến độ 2,65%, Công ty cổ phần Xây dựng dịch vụ và thương mại 68 chậm 1,86%, Tổng công ty Công trình đường sắt chậm 0,26%. Gói 12-XL, nhà thầu Công ty cổ phần Hải Đăng chậm tiến độ 2,94%; gói 13-XL, nhà thầu Tập đoàn Cường Thịnh Thi chậm tiến độ 2,72%.

Nhà thầu Tập đoàn Trường Thịnh thi công gói thầu 12-XL cũng 2 lần bị Ban Quản lý dự án 85 “tuýt còi” do thi công bết bát. Tính đến cuối tháng 9, sản lượng thực hiện của Trường Thịnh chỉ tương đương 0,53% giá trị hợp đồng, chậm hơn 11% so với kế hoạch và là nhà thầu thi công chậm nhất toàn dự án. Ban Điều hành tại công trường của Trường Thịnh bị đánh giá là thiếu chủ động trong công việc, công tác xây dựng mô hình kế hoạch triển khai thực hiện còn lúng túng, mất nhiều thời gian, ảnh hưởng rất nhiều đến tiến độ triển khai thực hiện.

Việc lãnh đạo Ban Quản lý dự án 85 liên tiếp có văn bản phê bình, khiển trách nhà thầu bê trễ tại dự án đầu tư công được đánh giá là thái độ mạnh mẽ, dứt khoát với các nhà thầu bê trễ, song nếu không “mạnh tay” như vậy, chính lãnh đạo ban này cũng sẽ phải nhận chế tài xử lý từ Bộ Giao thông vận tải. Ban Quản lý dự án 85 là đơn vị được giao kế hoạch vốn lớn (khoảng 17%) của Bộ Giao thông vận tải, nhưng tiến độ giải ngân đang chậm hơn 1.000 tỷ đồng so với kế hoạch đăng ký. Trong bối cảnh sức ép về tiến độ thi công và giải ngân rất căng thẳng, bất kỳ đơn vị nhà thầu nào không đáp ứng tiến độ sẽ lập tức bị cảnh cáo, khiển trách, nhất là tại các công trình trọng điểm cao tốc bắc-nam. Thậm chí, Bộ còn yêu cầu chủ đầu tư mạnh tay điều chuyển khối lượng, chấm dứt hợp đồng.

Linh hoạt điều hòa dòng vốn

Vụ trưởng Kế hoạch và Đầu tư (Bộ Giao thông vận tải) Bùi Quang Thái đánh giá, kết quả giải ngân hằng tháng của Bộ đang bám sát kế hoạch, duy trì ở mức cao hơn bình quân chung cả nước, song sức ép đối với các chủ đầu tư vẫn rất nặng gánh. Trong mấy tháng cuối năm, tính ra mỗi tháng Bộ phải giải ngân khoảng 10.000 tỷ đồng, dù nguồn vật liệu còn chưa xử lý được dứt điểm. Tại cuộc họp sơ kết 9 tháng vừa qua, người đứng đầu ngành giao thông một lần nữa nhấn mạnh: “Các chủ đầu tư phải xử lý, thay thế kịp thời những cán bộ, viên chức năng lực yếu kém, có hành vi nhũng nhiễu trong khâu nghiệm thu, thanh toán, gây cản trở giải ngân vốn đầu tư công. Người đứng đầu các chủ đầu tư/ban quản lý dự án chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng nếu kết quả giải ngân không đạt yêu cầu”.

Những ngày cuối năm 2023 các ban quản lý dự án ngành giao thông liên tục tiếp nhận và chỉ đạo thi công các dự án để có phương án điều hòa dòng vốn kịp thời, bảo đảm kế hoạch giải ngân. Lãnh đạo Ban Quản lý dự án Thăng Long tính toán, dự kiến kết thúc năm 2023, đơn vị sẽ giải ngân khoảng 97% kế hoạch vốn điều chỉnh.

Chỉ vài tháng trước, Ban Quản lý dự án Thăng Long đã trải qua khoảng thời gian “cân não” bởi nguồn vốn cho 2 trong số 4 dự án chiếm khối lượng giải ngân lớn của đơn vị bị “tắc”. Hai dự án đường bộ cao tốc bắc-nam gồm Mai Sơn-Quốc lộ 45 và Phan Thiết-Dầu Giây được bố trí vốn từ kế hoạch đầu tư công trung hạn (2021-2025) và nguồn vốn phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội (vốn phục hồi), điều chỉnh linh hoạt từ dự án cao tốc bắc-nam giai đoạn 2021-2025, giải ngân trong năm 2023 (cả 2 dự án khoảng 1.700 tỷ đồng).

Tuy nhiên, đến tháng 5/2023, cả hai dự án đã “tiêu” hết vốn trung hạn, nhưng nguồn vốn phục hồi vẫn chưa được rót về, do các bộ chuyên ngành chưa có hướng dẫn cụ thể. Để giải quyết, Ban Quản lý dự án Thăng Long đã lên phương án huy động vốn khoảng 500 tỷ đồng để duy trì nhịp độ triển khai dự án. Trong đó, điều hoà nội bộ 100 tỷ đồng từ dự án Mai Sơn-Quốc lộ 45 sang dự án Phan Thiết-Dầu Giây. Bộ Giao thông vận tải tiếp tục điều hòa thêm vốn khoảng 400 tỷ đồng của một số đơn vị cho hai dự án, do vậy nhà thầu có dòng tiền gối đầu, công trường thoát khỏi cảnh “đói vốn”, kế hoạch giải ngân, nhờ đó vẫn bám sát kế hoạch.

Theo Thứ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Danh Huy, ngay từ đầu năm 2023, bên cạnh sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo Chính phủ, sự phối hợp của các bộ, ngành, địa phương, Bộ Giao thông vận tải đã tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong giải ngân vốn đầu tư công, đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu, gắn trách nhiệm người đứng đầu đơn vị với kết quả giải ngân, coi đây là tiêu chí quan trọng để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ; đồng thời phân cấp phân quyền triệt để, gắn trách nhiệm người đứng đầu ở địa phương, chủ đầu tư/ban quản lý dự án trong quá trình tổ chức thực hiện.

Một trong những giải pháp đột phá Bộ Giao thông vận tải thực hiện chính là thay đổi cách thức trong xây dựng kế hoạch giải ngân. Trước đây, kế hoạch giải ngân được căn cứ trên tiến độ dự án, nhưng năm nay, do kế hoạch vốn rất lớn (khoảng 95 nghìn tỷ đồng), Bộ yêu cầu các chủ đầu tư xây dựng kế hoạch giải ngân trước làm cơ sở xây dựng tiến độ thi công, biện pháp tổ chức thi công phù hợp, bảo đảm giải ngân đúng kế hoạch.

Lãnh đạo Bộ liên tục rà soát các dự án, dự án giải ngân chậm sẽ bị điều hòa, chuyển vốn cho các dự án có tiến độ giải ngân tốt. Việc điều hòa vốn được ưu tiên cho các dự án quan trọng, cấp bách có khả năng giải ngân lớn như dự án cao tốc bắc-nam, một số dự án phải hoàn thành trong năm 2023. Với 7 đợt điều chỉnh cho 71 dự án, giá trị điều chỉnh gần 4.500 tỷ đồng, áp lực giải ngân ở các dự án giao thông đang từng bước được giải tỏa. Nhận diện và chủ động lường trước được khó khăn, bất lợi, tạo mạch làm việc liên tục, xuyên suốt từ thi công trên hiện trường đến thủ tục nội nghiệp là mấu chốt giúp ngành giao thông giữ vững nhịp độ giải ngân ■
------------------
(Tiếp theo và hết) (★)
(★) Xem Báo Nhân Dân từ số ra ngày 5/12/2023.