Ngăn chặn “sóng độc” tà đạo

Bài 2: Cuộc chiến chưa có hồi kết

Quan tâm chăm lo và không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân là mục tiêu mà Đảng, Nhà nước ta luôn hướng tới. Do đó chúng ta kiên quyết không để các hoạt động trái pháp luật núp bóng tôn giáo gây tổn hại đến lợi ích chính đáng của mỗi cá nhân cũng như cộng đồng dân cư, gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
0:00 / 0:00
0:00
Công an huyện Hà Quảng thăm gia đình anh Lý Văn Nó.
Công an huyện Hà Quảng thăm gia đình anh Lý Văn Nó.

Những ngày cuối tháng 6/2024, ngồi trò chuyện cùng chúng tôi trong căn nhà mới khang trang, diện tích xấp xỉ 100 m2 tại xóm Sỹ Điêng, xã Thượng Thôn, huyện Hà Quảng (Cao Bằng), anh Lý Văn Nó (sinh năm 1990) khoe, gia đình anh chuyển về nhà mới chưa đầy một năm, ai cũng phấn khởi. Ngôi nhà nằm trong chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, nhà có hoàn cảnh khó khăn của UBND huyện Hà Quảng. Ngôi nhà cũ dột nát, chật chội với diện tích chừng 40 m2 nằm cách đó không xa, dựng bằng cọc ván tạm bợ, mái fibro xi-măng khấp khểnh, đông lạnh, hè nóng.

Trước những diễn biến ngày càng phức tạp liên quan đến hoạt động tôn giáo trái phép, nhất là tại khu vực tập trung đông đồng bào dân tộc thiểu số, các cấp chính quyền và lực lượng chức năng, đặc biệt là công an huyện, công an xã đã kịp thời vào cuộc.

Nhưng niềm vui lớn hơn của anh Lý Văn Nó và nhiều người dân xã Thượng Thôn là thoát được khỏi “bùa mê thuốc lú” của tà đạo Dương Văn Mình, để quay trở về cuộc sống đời thường, vợ chồng bảo ban nhau làm ăn, ổn định cuộc sống.

Anh Lý Văn Nó kể, do thiếu hiểu biết, bị kẻ xấu lôi kéo, dụ dỗ, anh và nhiều người dân trong xóm, trong huyện đã dại dột tham gia tà đạo Dương Văn Mình.

Anh bảo, mình không biết, không hiểu về tổ chức này, thấy người ta rủ, bảo vào vui lắm, cuộc sống sẽ được giàu có nên tò mò tham gia. Hằng tháng, dù trong thời điểm thu hoạch mùa vụ, các tín đồ vẫn bỏ mặc nương rẫy để tụ tập nghe tuyên truyền rao giảng giáo lý, hát hò, tổ chức sinh nhật cho Dương Văn Mình.

Việc làm ăn chẳng thấy ai đề cập. Bởi vậy, cuộc sống của gia đình anh càng thêm cơ cực. 10 thành viên trong gia đình gồm hai vợ chồng, 6 đứa con và bố mẹ anh Lý Văn Nó vẫn ngày ngày chen chúc nhau sống trong căn nhà tạm bợ, tài sản chẳng có gì đáng giá, cơm ăn không đủ no.

Cùng thôn với anh Lý Văn Nó, anh Sùng Văn Đình cũng là nạn nhân của tà đạo Dương Văn Mình, bức xúc kể: “Mỗi lần tham gia sinh hoạt, họ bắt chúng tôi phải đóng tiền. Hằng tháng, hằng quý cũng phải đóng tiền. Mà chúng tôi thì nghèo, lấy đâu ra tiền, nhưng không có tiền đóng thì họ dọa là chết đi không được lên thiên đường nên nhiều người sợ lắm”.

Thượng Thôn là một trong 7 xã vùng cao huyện Hà Quảng. Địa hình nơi đây chủ yếu là núi đá, giao thông đi lại khó khăn, lại không có nguồn nước, bởi vậy còn có tên gọi khác là Lục Khu, tức là “vùng đất khát”. Cuộc sống của người dân chỉ trông vào cây ngô. Nhưng hạn hán kéo dài, cùng với thời tiết nắng nóng khiến cây ngô còi cọc, kém phát triển, năng suất thấp, có khi mất mùa triền miên.

Thế nhưng, Thượng Thôn lại là một trong 6 xã trên địa bàn huyện bị tổ chức bất hợp pháp Dương Văn Mình tìm tới, vận động lôi kéo người dân tham gia. Không ít người đã u mê, bỏ bê công việc, gia đình để đi theo tà đạo Dương Văn Mình, khước từ những chính sách hỗ trợ xóa đói, giảm nghèo của Đảng, Nhà nước.

Cùng chung tình cảnh, anh Lầu A Tú hiện sống tại xã Co Mạ - xã vùng cao đặc biệt khó khăn của huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La bộc bạch: Trước đây vì cuộc sống gặp nhiều khó khăn nên đã nghe theo kẻ xấu tuyên truyền, về đốt bỏ bàn thờ tổ tiên, ông bà, tham gia tà đạo với lời hứa hẹn là mọi thứ sẽ tốt đẹp hơn. Thế nhưng càng dấn sâu vào tà đạo anh càng thấy cuộc sống bế tắc, khổ sở hơn.

Còn anh Vừ Sáy Chư, bản Cà Nà Pá (xã Leng Su Sìn, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên) phân trần: Tham gia tà đạo biết là bị mất tiền, mất thời gian nhưng không phải ai cũng dám dũng cảm từ bỏ tà đạo vì sợ bị “Chúa quở trách”, sợ bị chính những người trong tổ chức - vốn là bà con hàng xóm láng giềng quay lưng lại với gia đình mình, lúc muốn mượn cái cày, cái cuốc cũng không ai cho mượn, bị coi là kẻ “vô đạo”. Thậm chí ở những địa bàn có đông người theo tà đạo, nếu trưởng bản không gia nhập tà đạo thì cũng bị chính người dân tẩy chay, nói gì cũng không ai nghe. Do những mối quan hệ có tính ràng buộc trong cộng đồng là kẽ hở giúp các đối tượng xấu đẩy mạnh việc tuyên truyền, lôi kéo đông người dân tham gia các tổ chức bất hợp pháp núp bóng tôn giáo.

Trước những diễn biến ngày càng phức tạp liên quan đến hoạt động tôn giáo trái phép, nhất là tại khu vực tập trung đông đồng bào dân tộc thiểu số, các cấp chính quyền và lực lượng chức năng, đặc biệt là công an huyện, công an xã đã kịp thời vào cuộc.

Như tại địa bàn huyện Hà Quảng thời gian qua đã triển khai 3 đợt cao điểm xóa bỏ tổ chức bất hợp pháp Dương Văn Mình. Trong đợt cao điểm về đích triển khai từ ngày 9/3/2023, huyện huy động tổng thể mọi nguồn lực, phát huy vai trò của các tổ công tác, thực hiện phương châm “bốn cùng” (cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng dân tộc) tại 4 xóm của xã Thượng Thôn - nơi có nhiều người dân đi theo tổ chức bất hợp pháp Dương Văn Mình.

Các lực lượng chức năng vừa chủ động lắng nghe những tâm tư, nguyện vọng của bà con, vừa vận động bà con không để cho các đối tượng xấu rủ rê tham gia các tổ chức bất hợp pháp, vừa định hướng, tư vấn, hỗ trợ bà con lao động sản xuất nhằm nâng cao chất lượng đời sống.

Nhờ đó, nhiều người dân đã tỉnh ngộ, tự nguyện ký cam kết từ bỏ tà đạo, dỡ bỏ “nhà đòn”, “phông trắng” (biểu tượng của tà đạo Dương Văn Mình). Thoát khỏi “bóng ma” hắc ám của tà đạo, được cập nhật các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, nhiều gia đình có hoàn cảnh khó khăn đã tiếp cận và được thụ hưởng các phúc lợi xã hội, được ưu tiên tạo sinh kế bền vững tại chỗ.

Như gia đình anh Lý Văn Nó được hỗ trợ trâu, bò để phục vụ sản xuất, còn anh Sùng Văn Đình được Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội tư vấn, giới thiệu nên đã tìm được việc làm, hằng tháng có thu nhập ổn định giúp trang trải cuộc sống gia đình.

Điều đáng quý là chính những người sớm tỉnh ngộ, hiểu rõ sự việc như anh Lý Văn Nó đã tích cực tham gia tuyên truyền, thuyết phục những người khác từ bỏ tà đạo, xây dựng niềm tin tôn giáo lành mạnh và nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật.

Dù vậy, với bản chất lừa bịp, bất minh, mưu mô thâm độc, các tà đạo tựa như dịch bệnh nguy hiểm vẫn tiếp tục lây lan, lén lút hoạt động, gây hại trong cộng đồng.

Đơn cử như tại tỉnh Tuyên Quang, số liệu thống kê đầu năm 2024 cho thấy vẫn tồn tại 12 loại hình tà đạo, “đạo lạ” hoạt động. Đây cũng là tình trạng khá phổ biến ở khu vực có đông đồng bào dân tộc sinh sống, nhất là các khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ.

Tại tỉnh Điện Biên, từ năm 2017, trước sự xâm nhập của tà đạo Bà cô Dợ, Công an tỉnh đã rà soát địa bàn để nắm bắt tình hình, trên cơ sở đó tiến hành hơn 300 buổi họp với hơn 26.000 người dân, tuyên truyền về bản chất mê tín, phản động của các tà đạo, vận động người dân không tin theo.

Nhưng bên cạnh đó, vẫn còn những địa phương buông lỏng công tác quản lý, chưa kịp thời nắm bắt diễn biến bất thường trong cộng đồng dân cư. Do đó việc phát hiện, ngăn chặn hoạt động của tà đạo chưa hiệu quả, chưa kịp thời, nảy sinh nhiều bất cập.

Thực tế, hậu quả mà các tà đạo này gây ra cho người dân và xã hội là rất khó lường. Cuộc sống của nhiều gia đình bị xáo trộn, cá nhân bị thao túng tâm lý, các truyền thống tốt đẹp bị phá vỡ, cuộc sống ngày càng nghèo khó, bế tắc.

Một số người bị đối tượng chống phá núp bóng tôn giáo xúi giục nên có hành vi gây rối trật tự công cộng, vi phạm pháp luật, gây bất ổn cho xã hội. Nguy hiểm hơn, cộng đồng các dân tộc đứng trước nguy cơ bị chia rẽ, mất đoàn kết, tạo cơ hội để thế lực thù địch khai thác nhằm chống phá chế độ, lật đổ chính quyền.

Hiện nay vấn đề dân tộc, tôn giáo đang là một trong những mục tiêu chống phá của các thế lực thù địch. Thậm chí có những tà đạo do chính các tổ chức phản động ở nước ngoài điều hành, hỗ trợ tài chính, giật dây mọi hoạt động.

Trước sự vào cuộc tích cực của chính quyền và lực lượng chức năng nhằm ngăn chặn các hoạt động tôn giáo trái phép, lập lại an ninh trật tự trên địa bàn, ổn định cuộc sống cho người dân, các đối tượng phản động lập tức xuyên tạc rằng chính quyền ngăn cản hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo của đồng bào, “đàn áp dân theo đạo”, “phân biệt đối xử, đàn áp quyền của người dân tộc thiểu số”.

Đồng thời chúng liên hệ, cung cấp những tư liệu sai sự thật tới các tổ chức, cá nhân thù địch, thiếu thiện chí nhằm tố cáo Việt Nam vi phạm dân chủ, nhân quyền, tự do tôn giáo, kêu gọi các tổ chức nước ngoài can thiệp, giúp đỡ, âm mưu quốc tế hóa các vấn đề nội bộ.

Đảng, Nhà nước ta luôn coi trọng và bảo vệ quyền tự do tín ngưỡng, tự do tôn giáo của người dân. Chính vì thế, trước đòi hỏi của thực tiễn cho thấy công tác dân tộc, tôn giáo nói chung, cuộc đấu tranh ngăn chặn các hoạt động tôn giáo bất hợp pháp nói riêng trong giai đoạn tới cần phải được hết sức coi trọng.

Theo đó phải tiếp tục phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, sự tham gia tích cực của quần chúng nhân dân, không để phát sinh những điểm nóng về tôn giáo gây bất ổn trên địa bàn.

Công tác tuyên truyền vận động quần chúng nhân dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số cần được đẩy mạnh, chú trọng về nội dung và phương pháp tuyên truyền cho phù hợp.

Cần phân tích giúp người dân nhận thức rõ âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch trong nước và ngoài nước lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo để gây chia rẽ đại đoàn kết các dân tộc, nhận diện chân tướng của các tà đạo, từ đó góp phần nâng cao ý thức chính trị cho đồng bào, giúp tăng cường sức đề kháng trước sự lôi kéo, dụ dỗ của kẻ xấu. Kiên quyết trấn áp, xử lý nghiêm những đối tượng lợi dụng hoạt động tôn giáo gây bất ổn xã hội, xâm phạm an ninh quốc gia.

Quan trọng không kém là tăng cường các giải pháp hỗ trợ, giúp người dân tiếp cận các chính sách an sinh xã hội, tạo sinh kế, cải thiện cuộc sống, từ đó vững tin vào đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước, xây dựng niềm tin tín ngưỡng, tôn giáo lành mạnh, chung tay vì sự phát triển của đất nước.

-----------------

(*) Xem Báo Nhân Dân số ra ngày 16/7/2024.