Tăng tính răn đe, giáo dục
Tháng 11 vừa qua, Tòa án nhân dân quận Cầu Giấy (Hà Nội) phối hợp Công an quận tiến hành phiên toà xét xử công khai vụ án “Gây rối trật tự công cộng”. Các bị cáo đều ở lứa tuổi thanh, thiếu niên từ 16-20 tuổi nhưng hành vi phạm tội rất nghiêm trọng, manh động, coi thường pháp luật, thường xuyên tụ tập thành nhóm mang theo hung khí, rủ rê đi đánh nhau vào ban đêm, thậm chí hành hung cả người đi đường. Theo cáo trạng, liên tiếp trong hai đêm 15 và 16/6/2024, Nguyễn Tiến Đạt (16 tuổi, trú tại tỉnh Ninh Bình) rủ một số thanh, thiếu niên chuẩn bị hung khí và vỏ chai bia đi đánh nhau với các nhóm thanh niên khác.
Để hô hào, Đạt lên Facebook lập nhóm, di chuyển thành đoàn, phóng nhanh, lạng lách, đánh võng, gây rối trật tự công cộng. Trên những “cung đường” đi qua, thấy thanh niên nào cảm thấy “ngứa mắt”, cả nhóm sẽ đe dọa, chửi bới, ném vỏ chai bia, khiến người đi đường hoảng sợ. Khoảng 3 giờ 10 phút ngày 16/6, tại khu vực ngã tư phố Vũ Phạm Hàm-Trung Kính-Mạc Thái Tông (phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy), các đối tượng sử dụng tuýp sắt gắn dao nhọn đuổi đánh, hành hung, gây thương tích cho một thanh niên 19 tuổi. Kết thúc phiên tòa, Hội đồng xét xử tuyên phạt 10 bị cáo chịu án tù giam giữ với tổng hình phạt là 17 năm 2 tháng; hai bị cáo hưởng án treo, tổng hình phạt 2 năm 8 tháng.
Cô giáo trường giáo dưỡng chia sẻ về "con đò" đưa học sinh trở thành công dân lương thiện
Mới đây nhất, Đội Cảnh sát hình sự, Công an huyện Thanh Trì phối hợp Phòng Cảnh sát hình sự, Công an thành phố Hà Nội, cùng công an các quận giáp ranh, gồm: Hoàng Mai, Hà Đông triệu tập, tạm giữ hàng chục thanh, thiếu niên có hành vi gây rối trật tự trên địa bàn. Đỉnh điểm là tối 17/11, hai nhóm gặp, đuổi đánh nhau, chém gây thương tích. Trước tính chất nghiêm trọng cũng như sự manh động, liều lĩnh của các đối tượng, Ban Giám đốc Công an thành phố Hà Nội chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ khẩn trương truy xét, xác minh, làm rõ. Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an huyện Thanh Trì đã ra lệnh giữ người trong trường hợp khẩn cấp 6 đối tượng về hành vi gây rối trật tự công cộng. Các đối tượng còn lại do chưa đủ 16 tuổi, tạm thời cho gia đình bảo lãnh, để lập hồ sơ đưa đi cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng.
Trước đó, giữa tháng 2/2024, hai nhóm thanh niên ở thôn Phù Lao và thôn Thủy Trạm, xã Sơn Thủy (Thanh Thủy, Phú Thọ) có xích mích. Nhóm thôn Thủy Trạm mang theo kiếm, vỏ chai bia, gạch đá... mai phục đợi tấn công nhóm thanh niên ở thôn Phù Lao. Khoảng 22 giờ 15 phút, nhóm của Đặng Văn Nam (16 tuổi) ở xã Hoàng Xá đi qua vị trí mai phục. Do trời tối, nhóm Thủy Trạm nhận nhầm và đã ném đá tấn công, khiến Nam bị thương nặng và tử vong. Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Thanh Thủy đã khởi tố vụ án hình sự đối với 23 đối tượng về các tội “cố ý gây thương tích” và “gây rối trật tự công cộng”. Cuối tháng 10/2024, Tòa án nhân dân huyện Thanh Thủy tuyên phạt 12 bị cáo lãnh án tù giam, mức phạt tù cao nhất là 10 năm. Điều đáng nói, 23 thanh, thiếu niên đứng trước vành móng ngựa có độ tuổi phổ biến từ 15 đến 19 tuổi.
Học sinh Trường Giáo dưỡng số 2 thực hành kỹ năng nghề cơ khí. (Ảnh: LINH PHAN) |
Cần sự vào cuộc của toàn xã hội
Trung tá Lưu Hồng Thanh, Phó Hiệu trưởng Trường Giáo dưỡng số 2 (Cục Cảnh sát quản lý trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng, Bộ Công an) chia sẻ: Đối với mọi hình thức vi phạm pháp luật ở trẻ vị thành niên, không thể chỉ dựa vào sự cảm hóa, uốn nắn, giáo dục đặc biệt, mà còn cần sự vào cuộc của toàn xã hội, trong đó quan trọng nhất là gia đình và nhà trường. Cần có những chế tài đủ sức răn đe, hành lang pháp lý thông thoáng hơn để xử lý các đối tượng có hành vi lôi kéo, dụ dỗ, ép buộc trẻ vị thành niên vi phạm pháp luật.
Bác sĩ, Đại tá Tạ Đức Ninh, nguyên Trưởng phòng Thường trực Chương trình quốc gia phòng, chống ma túy (Bộ Công an), Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và ứng dụng phòng, chống ma túy PSD cũng nhận định: Gia đình và nhà trường là tấm khiên, lá chắn vững chắc đầu tiên, bảo vệ, giúp con em mình tránh được tệ nạn xã hội và vi phạm pháp luật.
Theo đánh giá từ cơ quan chức năng, đa số đối tượng trẻ vị thành niên vi phạm pháp luật đều đang sống với gia đình. Điều này cho thấy, vấn đề giáo dục con cái trong nhiều gia đình hiện nay chưa thật sự được chú trọng, quan tâm. Ngoài ra, còn có nguyên nhân xuất phát từ nhà trường khi mối quan hệ giữa gia đình và nhà trường trong việc quản lý, giáo dục trẻ vị thành niên chưa thật sự chặt chẽ, chưa thường xuyên. Công tác giáo dục pháp luật trong nhà trường nhiều nơi còn hình thức, hiệu quả chưa cao. Các biện pháp xử lý kỷ luật đối với các học sinh vi phạm trong trường học hiện nay còn nhiều bất hợp lý, như việc xử lý đối với các học sinh vi phạm kỷ luật ở hình thức buộc thôi học, dẫn đến các em bị thất học và dễ bị đối tượng xấu lôi kéo...
Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho thanh niên luôn là một nhiệm vụ quan trọng. Tuy nhiên, thực tế, hiệu quả của công tác này còn chưa cao, chưa đồng đều, toàn diện, chủ yếu mới tập trung vào đối tượng học sinh đô thị. Cách thức truyền tải chưa thật sự phát huy sự sáng tạo, đột phá, tạo sự thu hút mạnh mẽ. Do vậy, cần nghiên cứu, đổi mới các hình thức tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật gắn với ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin; linh hoạt, phù hợp với từng đối tượng, cấp học, vùng miền, địa phương; kết hợp theo dõi, kiểm tra việc thi hành pháp luật, nắm tình hình tư tưởng, nhận thức, lối sống của thanh, thiếu niên; kịp thời phát hiện từ sớm, từ xa những người trẻ có nguy cơ vi phạm pháp luật, thanh, thiếu niên bỏ học, nguy cơ bị kẻ xấu rủ rê.
Chính phủ, Bộ Công an, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội và các bộ, ngành có liên quan cần tích cực hơn nữa trong phối hợp quản lý, phòng ngừa vi phạm pháp luật do người chưa đủ tuổi thành niên gây ra. Trong đó, lực lượng công an cần tiếp tục làm tốt hơn công tác nắm tình hình; tham mưu huy động các ngành, các cấp cùng tham gia, nhất là ngành giáo dục, chính quyền và các đoàn thể thanh niên, phụ nữ ở cơ sở; đẩy mạnh phòng ngừa nghiệp vụ kết hợp chặt chẽ với phòng ngừa xã hội. Các cơ quan chức năng cần phối hợp, đưa ra những giải pháp đồng bộ, toàn diện, cũng như biện pháp, chế tài mạnh mẽ nhằm kiểm soát tốt hơn việc thanh, thiếu niên sử dụng mạng xã hội để phạm tội và vi phạm pháp luật.
Bài 1: Tăng cường giáo dục, phòng ngừa tội phạm trong thanh, thiếu niên