Vụ lúa đông xuân 2023-2024, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hậu Giang phối hợp Trung tâm Khuyến nông quốc gia và Công ty cổ phần phân bón Bình Điền thực hiện mô hình canh tác lúa thông minh tại hai xã Vị Trung và Vị Bình của huyện Vị Thủy với diện tích khoảng 10 ha. Mô hình này là sự tiếp nối để nhân rộng tiến bộ kỹ thuật về quy trình canh tác lúa thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu vùng Đồng bằng sông Cửu Long tại tỉnh Hậu Giang.
Kết quả cho thấy, nông dân chỉ gieo sạ với lượng lúa giống 60 kg/ha, thấp hơn 30 kg/ha so với ngoài mô hình; chi phí đầu tư từ 19,2 đến 22 triệu đồng/ha, giảm so với sản xuất đại trà từ 1,5 triệu đồng/ha đến hơn 2,8 triệu đồng/ha. Năng suất lúa tươi tại mô hình ở xã Vị Trung đạt 9,9 tấn/ha; ở xã Vị Bình đạt 8,9 tấn/ha, tăng từ 100 đến 200 kg/ha so với ruộng ngoài mô hình.
Lợi nhuận nông dân thu được tại mô hình xã Vị Trung gần 65 triệu đồng/ha, còn xã Vị Bình đạt gần 52 triệu đồng/ha, tăng gần 1,5 đến 4,6 triệu đồng/ha so với ruộng ngoài mô hình. Mô hình còn ghi nhận các chỉ số phân tích về tồn dư thuốc bảo vệ thực vật đạt ngưỡng an toàn, bảo đảm phục vụ xuất khẩu.
Trước đó, dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững (VnSAT) cũng đã ghi nhận nhiều hiệu quả đáng khích lệ. Hiệu quả của dự án VnSAT và mô hình canh tác lúa thông minh sẽ là nền tảng để Hậu Giang tham gia thực hiện tốt Đề án "Phát triển bền vững một triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long" tại địa phương.
Theo kế hoạch, giai đoạn 1 (2024-2025), Hậu Giang tập trung củng cố các diện tích đã có của dự án VnSAT là 28.000 ha. Giai đoạn 2 (2026-2030), tỉnh sẽ mở rộng thêm 18.000 ha để đạt 46.000 ha vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tổ chức lại hệ thống sản xuất theo chuỗi giá trị. Vùng chuyên canh này sẽ áp dụng các quy trình canh tác bền vững.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hậu Giang Ngô Minh Long cho biết: Tỉnh thực hiện chính sách ưu tiên cho các vùng chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp, nhất là với hộ trồng lúa trong vùng chuyên canh. Theo đó, nông dân giỏi được hỗ trợ kinh phí, kỹ thuật xây dựng các mô hình thí điểm, tham gia chương trình bảo hiểm; được vay vốn ưu đãi từ các chính sách tín dụng và các chương trình tín dụng xanh; sử dụng hợp đồng liên kết vay không cần có thế chấp tối đa 50 triệu đồng mỗi vụ sản xuất; được tham gia các dự án, được hưởng các lợi ích từ bán tín chỉ carbon cùng nhiều ưu đãi khác...
Tỉnh Sóc Trăng đã đăng ký tham gia Đề án "Phát triển bền vững một triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long" với diện tích đến năm 2030 là 72.480 ha, chiếm hơn 50% diện tích lúa của tỉnh.
Theo lộ trình, trong năm 2024, Sóc Trăng củng cố diện tích 22.330 ha thuộc dự án VnSAT và các vùng sản xuất đáp ứng tiêu chí của đề án đã triển khai. Năm 2025, tỉnh rà soát diện tích đủ điều kiện để mở rộng diện tích đạt 38.500 ha. Giai đoạn 2026-2030, rà soát diện tích đủ điều kiện để mở rộng diện tích hướng tới mục tiêu đạt 72.480 ha chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp trên địa bàn tỉnh vào năm 2030...
Có thể khẳng định, việc triển khai thực hiện Đề án "Phát triển bền vững một triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long" nói riêng và thực hiện các giải pháp nông nghiệp thuận thiên nói chung tại Đồng bằng sông Cửu Long là cách mà chúng ta chủ động chung sống với thiên nhiên. Đây cũng là hành động cụ thể của Việt Nam nhằm triển khai cam kết Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26 và COP28)...
Tỉnh Cà Mau có gần 280.000 ha nuôi tôm, chiếm khoảng 45% diện tích nuôi tôm của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và khoảng 40% diện tích nuôi tôm nước lợ của cả nước. Ngành tôm Cà Mau chi phối đời sống của khoảng hơn 50% dân số trong tỉnh (khoảng 600.000 người) và ảnh hưởng trực tiếp đến việc làm của hơn 350.000 lao động; trong đó, tham gia trực tiếp hoạt động nuôi tôm khoảng 300.000 người.
Số liệu nêu trên cũng cho thấy nông dân là nơi tiếp nhận, cũng là nơi trực tiếp thực hiện các giải pháp, khuyến cáo về sản xuất thuận thiên và quyết định sự thành bại của vụ mùa sản xuất. Vậy nhưng, nông dân thường chịu nhiều thiệt thòi trong chuỗi sản xuất nông nghiệp, nhất là tình cảnh "được mùa mất giá" và ngược lại liên tục diễn ra.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử cho rằng, cần mở rộng không gian kinh tế mang tính liên kết vùng, tạo thành chuỗi ngành hàng. Theo đó, cần đẩy mạnh nghiên cứu khoa học phục vụ sản xuất thuận thiên, xác định chính xác mô hình sản xuất phù hợp thực tiễn tại các địa phương, tạo lập cơ chế liên kết bền chặt.
Tại hội nghị quốc gia về huy động nguồn lực thực hiện các giải pháp nông nghiệp thuận thiên vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan kêu gọi các tổ chức quốc tế hỗ trợ thêm nguồn lực giúp triển khai các chương trình, đề án... Qua đó tạo cơ chế, chính sách để Đồng bằng sông Cửu Long phát triển bền vững, thích ứng biến đổi khí hậu, trở thành một trong những trung tâm kinh tế năng động, đa giá trị, hiệu quả cao, tối ưu hóa các dịch vụ của hệ sinh thái phục vụ cho phát triển kinh tế tương xứng với tiềm năng và vị trí địa chiến lược của vùng.
Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, hội nghị cũng là dịp để 13 tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long cùng nhau ngồi lại để kết nối, lan tỏa tinh thần mô hình nông nghiệp thuận theo điều kiện tự nhiên.
-----------------------------------
(*) Xem Báo Nhân Dân số ra ngày 12/4/2024.