Hỗ trợ, tạo việc làm cho người dân có đất bị thu hồi

Cần làm tốt công tác quy hoạch đất đai và đào tạo nghề

Tạo việc làm ổn định cho người lao động, trong đó người lao động khu vực nông thôn sau khi bị thu hồi đất luôn là trăn trở của các cấp, các ngành và từng địa phương và cũng là khâu gặp nhiều vướng mắc thời gian qua. Các chuyên gia cho rằng, để tháo gỡ những khó khăn nêu trên, cần chú trọng thực hiện tốt ngay từ khâu quy hoạch, sử dụng đất, đồng thời đưa ra dự báo về thị trường lao động cũng như triển khai hiệu quả các chương trình, đề án về đào tạo và giải quyết việc làm cho người dân.
0:00 / 0:00
0:00
Người lao động tại “Phiên Giao dịch việc làm trực tuyến kết nối 10 tỉnh, thành phố” do Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội phối hợp tổ chức. (Ảnh Hường Nguyễn)
Người lao động tại “Phiên Giao dịch việc làm trực tuyến kết nối 10 tỉnh, thành phố” do Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội phối hợp tổ chức. (Ảnh Hường Nguyễn)

Quy hoạch, sử dụng nguồn lực sát với thực tế

Theo thống kê, mỗi héc-ta đất bị thu hồi sẽ làm cho 10 lao động bị mất việc làm. Trong khi đó, công tác quy hoạch và sử dụng đất tại các dự án phát triển kinh tế- xã hội thời gian qua đang gặp nhiều bất cập. Thống kê mới nhất của Bộ Tài nguyên và Môi trường, trong năm 2023, qua rà soát, cả nước có 908 dự án, công trình không đưa đất vào sử dụng, chậm đưa đất vào sử dụng do còn vướng mắc chưa xử lý, với diện tích 28.155 ha. Điều này cũng có nghĩa là nhiều diện tích đất bị thu hồi nhưng không được đưa vào sử dụng, trong khi người dân bị thu hồi đất cần được đào tạo nghề, giải quyết việc làm để bảo đảm đời sống. Tuy vậy, đề xuất điều chỉnh chỉ tiêu sử dụng đất đến năm 2025 của các địa phương đối với đất để phát triển kinh tế-xã hội vẫn tiếp tục tăng lên. Cụ thể, đất khu công nghiệp có 37 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đề xuất tăng với diện tích 46.038 ha, chỉ có một tỉnh đề xuất giảm 58 ha; đất giao thông có 31 tỉnh đề xuất tăng với diện tích là 32.701 ha, không có địa phương đề xuất giảm.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tính đến hết năm 2023, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên đạt 52,4 triệu người, trong đó, 51,3 triệu lao động có việc làm, tăng 683.000 người so với năm 2022. Đây là nguồn lực lao động rất lớn, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Tuy nhiên, trong tổng số lực lượng lao động hiện nay, có khoảng 38,3 triệu người lao động chưa qua đào tạo từ sơ cấp trở lên. Vì vậy, chất lượng cung lao động chưa đáp ứng cho cầu lao động của một thị trường lao động hiện đại, linh hoạt, bền vững và hội nhập.

Điều này cho thấy, chúng ta đang lãng phí một nguồn lao động rất lớn do không được đào tạo, hoặc đào tạo không phù hợp nhu cầu của thị trường lao động nói riêng và nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội nói chung. Những con số nêu trên cho thấy, các cơ quan chức năng cần xây dựng quy hoạch sử dụng nguồn lực sát với nhu cầu thực tế mà cụ thể là chính sách quản lý chặt chẽ, phù hợp trong công tác quy hoạch và sử dụng đất, gắn chặt với dự báo nhu cầu về việc làm, từ đó đưa ra chiến lược dài hạn trong công tác đào tạo nghề, đáp ứng nhu cầu của sự phát triển. Cùng với việc nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, sử dụng đất, các cơ quan chức năng cần có giải pháp đồng bộ, phù hợp để sử dụng hiệu quả nguồn lực lao động hiện nay, nhất là lao động nông thôn.

Theo Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Thái Nguyên Phạm Hoàng Hải, trước hết cần đổi mới công tác giáo dục nghề nghiệp cho người lao động trong quá trình chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Cần xác định, đào tạo nghề và nâng cao trình độ cho người lao động (đặc biệt là lao động vùng nông thôn) là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, từ đó nâng cao chất lượng công tác tư vấn, định hướng nghề nghiệp và giới thiệu việc làm.

Trước hết cần đổi mới công tác giáo dục nghề nghiệp cho người lao động trong quá trình chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Cần xác định, đào tạo nghề và nâng cao trình độ cho người lao động (đặc biệt là lao động vùng nông thôn) là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, từ đó nâng cao chất lượng công tác tư vấn, định hướng nghề nghiệp và giới thiệu việc làm.

Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Thái Nguyên Phạm Hoàng Hải

Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cần chủ động tuyển sinh, tăng cường phối hợp, liên kết với doanh nghiệp trong đào tạo và tuyển dụng, cung cấp nguồn nhân lực phù hợp nhu cầu của thị trường lao động. Liên quan vấn đề này, đồng chí Trà Thanh Danh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Quảng Ngãi cho rằng, cùng với đẩy mạnh tuyên truyền chính sách hỗ trợ ổn định đời sống cho người lao động khi Nhà nước thu hồi đất, ngành chức năng cần tổ chức lấy ý kiến nhân dân trong vùng dự án về phương án đào tạo, chuyển đổi nghề nghiệp để có chọn lựa phù hợp cho từng vùng; đồng thời, đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm được tổ chức thực hiện trước khi thu hồi đất, tránh tình trạng sau khi thu hồi đất, người dân không có việc làm. Còn nhiều hộ dân bị thu hồi đất ở tỉnh Bạc Liêu đề nghị, cần có cơ chế nâng mức hỗ trợ cho nông dân khi bị thu hồi đất để có điều kiện chuyển đổi sang ngành nghề khác; đồng thời có biện pháp cụ thể để hỗ trợ giải quyết việc làm cho những hộ dân có diện tích thu hồi từ 50% đến 70% trở lên, nhất là những người ở lứa tuổi từ 45 đến 60, khi các doanh nghiệp không sử dụng lao động độ tuổi này.

Cụ thể hóa cơ chế, chính sách đào tạo và giải quyết việc làm

Luật Đất đai (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua đã quy định cụ thể về “Nguyên tắc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất”, trong đó, việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất bảo đảm dân chủ, khách quan, công bằng, công khai, minh bạch, kịp thời và đúng quy định của pháp luật; vì lợi ích chung của cộng đồng và vì sự phát triển bền vững, văn minh và hiện đại của cộng đồng, của địa phương; quan tâm đến đối tượng chính sách xã hội, đối tượng trực tiếp sản xuất nông nghiệp. Cùng với đó, Luật đã mở rộng các trường hợp bồi thường, hỗ trợ để người có đất bị thu hồi rộng đường lựa chọn: bồi thường, hỗ trợ bằng loại đất cùng mục đích sử dụng; trường hợp muốn được bồi thường bằng tiền thì được bồi thường bằng tiền theo nguyện vọng; trường hợp có nhu cầu và địa phương có điều kiện về quỹ đất, thì được xem xét bồi thường bằng đất khác mục đích sử dụng với loại đất thu hồi. Liên quan vấn đề việc làm cho người bị thu hồi đất, Luật quy định rõ, Nhà nước có trách nhiệm hỗ trợ, tạo điều kiện cho người có đất bị thu hồi có việc làm, có thu nhập, ổn định đời sống, sản xuất.

Theo ý kiến của nhiều chuyên gia, bên cạnh các quy định liên quan thủ tục về thu hồi đất, Luật Đất đai (sửa đổi) đã khẳng định vai trò, trách nhiệm của các cơ quan liên quan trong việc bảo đảm đời sống cho người dân sau khi bị thu hồi đất. Nhiều ý kiến cho rằng, trong quá trình thực thi, cần có cách làm phù hợp thực tế của từng địa phương trên nguyên tắc bảo đảm đúng luật. Nhiều địa phương thời gian qua đã áp dụng linh hoạt các quy định trong quá trình thu hồi đất, đồng thời đáp ứng nhu cầu của người dân. Tại tỉnh Sóc Trăng, bên cạnh nhu cầu tái định cư tập trung, nhiều hộ chọn tái định cư phân tán để có thêm phần đất để trồng trọt, chăn nuôi hoặc được ở gần người thân. Khi chọn tái định cư phân tán, mỗi hộ sẽ được hỗ trợ suất đầu tư hạ tầng 80 triệu đồng (tái định cư ở nông thôn) và 100 triệu đồng (tái định cư ở đô thị) theo đúng quy định.

Đề cập nội dung này, ông Nguyễn Minh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên đề xuất, cùng với việc thực hiện các quy định của Luật Đất đai, cần có chính sách tạo việc làm cho người dân bị thu hồi đất theo hướng tạo việc làm tại chỗ, phù hợp thực tế. Cụ thể, đối với những hộ bị thu hồi đất nông nghiệp, không còn tư liệu để sản xuất, cần bố trí quỹ đất và cấp cho các hộ dân nêu trên trong khu vực dịch vụ của địa phương để họ có thể kinh doanh buôn bán, bảo đảm đời sống.

Bên cạnh đó, cần có chính sách hỗ trợ, khuyến khích nhà đầu tư ưu tiên tuyển dụng lao động tại chỗ, nhất là lao động bị thu hồi đất. Tuy nhiên, điều này cũng đặt ra bài toán cho các ngành chức năng trong việc dự báo nhu cầu tuyển dụng để có kế hoạch đào tạo nghề cho người lao động phù hợp nhu cầu của doanh nghiệp. Chính quyền các cấp cần làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục để người dân có nhận thức đúng về học nghề, cần phân luồng giúp họ chọn đúng ngành, nghề phù hợp bản thân và yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội của đất nước và của mỗi địa phương.

Trong đào tạo nghề, cần phân loại để có hình thức và nội dung đào tạo phù hợp. Đối với những lao động lớn tuổi (từ 35 tuổi trở lên), không có điều kiện đi học tập trung, cần tạo điều kiện tổ chức các lớp dạy nghề tại chỗ, với những nghề truyền thống. Sau khi học xong, cần có sự hỗ trợ về vốn để người lao động phát triển kinh tế hộ gia đình. Đối với lao động trẻ, là lực lượng lao động lâu dài của xã hội, cần khuyến khích họ vào học tại các trường và trung tâm dạy nghề, bảo đảm có tay nghề vững, chuyên môn chắc, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp và xã hội. Song song với công tác đào tạo nghề, cần nghiên cứu mở sàn giao dịch việc làm, đẩy mạnh hoạt động của các trung tâm giới thiệu việc làm ở ngay các địa phương, để doanh nghiệp và người lao động có cơ hội gặp gỡ, đáp ứng nhu cầu của nhau ■