Mặc dù có liên hệ mật thiết với nhau song “quyền dân tộc tự quyết” và “quyền dân tộc thiểu số” là hai quyền khác nhau. Theo Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế “quyền dân tộc tự quyết” là quyền của các quốc gia-dân tộc trong việc thiết lập chế độ chính trị, thúc đẩy sự phát triển kinh tế-chính trị-văn hóa-xã hội theo con đường mình lựa chọn trên cơ sở thiết lập chủ quyền quốc gia. Một trong những mục đích, tôn chỉ hoạt động được Liên hợp quốc khẳng định tại Điều 1, Hiến chương Liên hợp quốc đó là: “Phát triển mối quan hệ hữu nghị giữa các dân tộc trên cơ sở tôn trọng nguyên tắc bình đẳng và tự quyết của các dân tộc và áp dụng những biện pháp phù hợp khác để củng cố hòa bình thế giới”.
Năm 1966, lần đầu tiên “quyền dân tộc tự quyết” được ghi nhận trong các công ước quốc tế, đó là Công ước về các Quyền Dân sự và Chính trị, Công ước về các Quyền Kinh tế, Xã hội và Văn hóa. Đặc biệt tại Tuyên bố về những nguyên tắc của Luật quốc tế điều chỉnh quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa các quốc gia phù hợp với Hiến chương Liên hợp quốc được Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua tại Nghị quyết 2625 (XXV) năm 1970 đã chỉ rõ nội hàm của “quyền dân tộc tự quyết” (hay còn gọi là nguyên tắc tự quyết của các dân tộc) với các điểm mấu chốt như sau:
Một là “tất cả các dân tộc có quyền tự do quyết định chế độ chính trị và theo đuổi sự phát triển về kinh tế, xã hội và văn hóa của mình mà không có bất kỳ sự can thiệp nào từ bên ngoài”.
Hai là “việc thành lập một quốc gia độc lập có chủ quyền, sự tự do liên kết hoặc hợp nhất với một quốc gia độc lập hoặc dưới bất kỳ quy chế chính trị nào do một dân tộc tự do quyết định sẽ chính là các cách thức thực hiện quyền tự quyết của dân tộc ấy”.
Ba là “không một điều nào được nói đến ở trên sẽ được hiểu là trao quyền hoặc khuyến khích bất kỳ hành động nào dẫn đến việc chia cắt, làm suy yếu toàn bộ hoặc một phần sự toàn vẹn lãnh thổ hoặc sự thống nhất về chính trị của một quốc gia độc lập có chủ quyền thực hiện phù hợp với nguyên tắc về quyền bình đẳng và quyền tự quyết của các dân tộc được đề cập đến ở trên, và do đó có một chính quyền đại diện cho toàn thể nhân dân sống trên lãnh thổ đó mà không có sự phân biệt về màu da, tín ngưỡng hoặc chủng tộc”…
Liên quan “quyền dân tộc thiểu số”, tại Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền của Đại hội đồng bảo an Liên hợp quốc năm 1948 khẳng định rõ: “Mọi người sinh ra tự do và bình đẳng về phẩm cách và quyền lợi, có lý trí và lương tri, và phải đối xử với nhau trong tình bác ái” (Điều 1) và “Ai cũng được hưởng những quyền tự do ghi trong bản Tuyên ngôn này không phân biệt đối xử vì bất cứ lý do nào, như chủng tộc, màu da, nam nữ, ngôn ngữ, tôn giáo, chính kiến hay quan niệm, nguồn gốc dân tộc hay xã hội, tài sản, dòng dõi hay bất cứ thân trạng nào khác” (Điều 2).
Đồng thời tại Công ước về các Quyền Dân sự và Chính trị năm 1966 quy định những người thuộc dân tộc thiểu số ở bất kỳ quốc gia-dân tộc nào cũng có đầy đủ các quyền về dân sự, chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội như những người thuộc dân tộc đa số ở chính các quốc gia-dân tộc đó, không được có bất kỳ sự phân biệt đối xử nào.
Như vậy, có thể khẳng định “quyền dân tộc tự quyết” và “quyền dân tộc thiểu số” là hai quyền khác nhau, liên quan các đối tượng khác nhau. Khi đề cập về “quyền dân tộc tự quyết” là muốn nói đến quyền lợi của một quốc gia-dân tộc so với các quốc gia-dân tộc khác trên thế giới.
Cụ thể, khi một quốc gia có nguy cơ bị các quốc gia khác xâm hại hoặc cản trở việc thực hiện quyền này thì toàn thể các dân tộc tại quốc gia đó phải đoàn kết, kiên quyết, kiên trì đấu tranh không khoan nhượng để bảo vệ “quyền dân tộc tự quyết” của mình. Còn khi đề cập “quyền dân tộc thiểu số” là nói đến quyền lợi của các dân tộc thiểu số trong nội bộ của một quốc gia độc lập, thống nhất. Theo đó, các quốc gia phải có trách nhiệm bảo đảm cho các dân tộc thiểu số sinh sống tại quốc gia mình được hưởng đầy đủ các quyền “dân tộc thiểu số” phù hợp điều kiện, hoàn cảnh, luật pháp của quốc gia.
Tuy nhiên, lợi dụng thực tế Việt Nam là một quốc gia đa dân tộc (trong đó dân tộc Kinh chiếm khoảng 87% dân số, còn lại là dân tộc thiểu số gồm 53 dân tộc chiếm 13% dân số), cùng với đó là sự nhận thức chưa đầy đủ về “quyền dân tộc tự quyết” của nhiều người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa, kinh tế-xã hội còn kém phát triển và trình độ dân trí chưa cao, các thế lực thù địch, phản động đã tìm cách đánh tráo nhằm đồng nhất hai khái niệm “quyền dân tộc tự quyết” và “quyền dân tộc thiểu số”. Mục đích mà chúng muốn hướng đến là chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, kích động đồng bào dân tộc thiểu số thực hiện “quyền dân tộc tự quyết” bằng cách ly khai, bạo loạn, đòi quyền tự trị, tự quản với nhiều thủ đoạn tinh vi, thâm độc.
Những năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước cùng những chủ trương, chính sách đúng đắn, đời sống của người dân, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng được cải thiện về mọi mặt, theo đúng phương châm mà Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã chỉ rõ: “Bảo đảm các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp nhau cùng phát triển. Huy động, phân bổ, sử dụng, quản lý hiệu quả các nguồn lực để đầu tư phát triển, tạo chuyển biến căn bản về kinh tế, văn hóa, xã hội ở vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số… Có cơ chế thúc đẩy tính tích cực, ý chí tự lực, tự cường của đồng bào dân tộc thiểu số phát triển kinh tế-xã hội, thực hiện giảm nghèo đa chiều, bền vững”.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được, trên thực tế tại một số địa phương việc giải quyết vấn đề dân tộc vẫn còn những hạn chế, thiếu sót nhất định với các biểu hiện: Việc tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước ở một số địa phương còn yếu kém; công tác quản lý xã hội còn nhiều sơ hở, chưa gần dân, sát dân, chưa kịp thời nắm bắt và giải quyết tâm tư nguyện vọng của đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo; chậm phát hiện và xử lý các vụ việc phức tạp trên địa bàn…
Lợi dụng những hạn chế này, các thế lực thù địch, phản động đã phủ nhận toàn bộ những thành tựu to lớn của Việt Nam trong thực hiện chính sách dân tộc, vu cáo Đảng và Nhà nước Việt Nam vi phạm dân chủ, nhân quyền, phân biệt đối xử, đàn áp đồng bào dân tộc thiểu số, ép người đồng bào dân tộc thiểu số phải “bỏ đạo, bỏ văn hóa truyền thống” để hòa nhập với “cuộc sống văn minh, tiến bộ” của người Kinh; tuyên truyền sai lệch về quyền dân tộc tự quyết để chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, chống phá chế độ, từ đó từng bước làm chệch hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.
Để phát hiện và ngăn chặn có hiệu quả những thủ đoạn lợi dụng quyền dân tộc tự quyết để chống phá đất nước, các cấp chính quyền, cơ quan chức năng và các tổ chức đoàn thể cần triển khai thực hiện đồng bộ một số giải pháp sau: Trước hết phải tăng cường giáo dục, tuyên truyền để cho các tầng lớp nhân dân, nhất là những người đồng bào dân tộc thiểu số nâng cao cảnh giác, hiểu đúng, hiểu rõ và thực hành đúng “quyền dân tộc tự quyết” theo tinh thần của Hiến chương Liên hợp quốc, luật pháp quốc tế cũng như luật pháp Việt Nam. Khi người dân đã hiểu đúng về “quyền dân tộc tự quyết” thì sẽ không còn cơ hội cho các thế lực thù địch, phản động lợi dụng chống phá.
Các cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra, giám sát để kịp thời phát hiện và xử lý có hiệu quả các cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước lợi dụng thực hành tín ngưỡng, tôn giáo, cũng như các hoạt động “từ thiện”, “nhân đạo” trá hình để tuyên truyền sai lệch về vấn đề thực hiện “quyền dân tộc tự quyết” từ đó mua chuộc, vận động, thậm chí ép buộc người đồng bào dân tộc thiểu số có những hành vi gây rối, bạo loạn, đòi ly khai, tự trị. Tiếp tục làm tốt hơn nữa công tác nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, đòi hòi chính đáng và giải quyết kịp thời những mâu thuẫn, bức xúc của đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần củng cố niềm tin của họ với Đảng, Nhà nước.
Song song đó, phải tiếp tục hoàn thiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về vấn đề dân tộc và tổ chức thực hiện hiệu quả các chủ trương, chính sách này góp phần bảo đảm các quyền, lợi ích chính đáng của đồng bào dân tộc thiểu số được thực hiện một cách đầy đủ, trên nguyên tắc các dân tộc thật sự bình đẳng, đề cao tinh thần thống nhất và khối đại đoàn kết dân tộc, tôn trọng những điểm khác biệt của các dân tộc về văn hóa, phong tục, tập quán, tôn giáo, tín ngưỡng…
Đồng thời, cần tăng cường thực hiện hiệu quả các chương trình, dự án phát triển kinh tế-xã hội, xóa đói, giảm nghèo đa chiều bền vững ở các vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo còn đặc biệt khó khăn. Chỉ khi đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số không ngừng được cải thiện và nâng cao về mọi mặt, thu hẹp và tiến tới xóa bỏ khoảng cách chênh lệch giàu nghèo giữa người miền xuôi và người miền núi, giữa đồng bào dân tộc thiểu số với đồng bào Kinh thì mới thúc đẩy sự phát triển bền vững, tiến bộ của xã hội, giải quyết triệt để, hiệu quả nhiệm vụ đấu tranh, ngăn chặn âm mưu chống phá của các thế lực phản động, thù địch.
--------------------------------
(*) Xem Báo Nhân Dân từ số ra ngày 7/11/2023.