Vun đắp nghĩa tình biên giới Việt Nam-Campuchia

Bài 2: Bữa cơm đoàn kết hai dân tộc

Việt Nam và Campuchia chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao vào ngày 24/6/1967. Mối quan hệ ấy được nâng lên tầm cao mới với 16 chữ vàng: "Láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài" trong quá trình hai dân tộc cùng chung lưng, đấu cật đánh đuổi thù trong, giặc ngoài; đặc biệt là khi Việt Nam giúp nhân dân Campuchia thoát khỏi chế độ diệt chủng Pol Pot.

0:00 / 0:00
0:00
Bộ đội Biên phòng Việt Nam và lực lượng bảo vệ biên giới Campuchia cùng phối hợp tuần tra bảo vệ biên giới. Ảnh: NHẤT SƠN
Bộ đội Biên phòng Việt Nam và lực lượng bảo vệ biên giới Campuchia cùng phối hợp tuần tra bảo vệ biên giới. Ảnh: NHẤT SƠN

Hiện nay, tình hình thế giới và khu vực có nhiều diễn biến phức tạp, nhưng mối quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam-Campuchia luôn được vun đắp bền chặt hơn bao giờ hết.

Bữa cơm hơn cả trăm nghìn tấn gạo

Vừa qua, tại khu vực biên giới giữa hai huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước và huyện Mê Mốt, tỉnh Tboung Khmum, Campuchia đã diễn ra lễ kỷ niệm 45 năm "Con đường tiến tới đánh đổ chế độ diệt chủng Pol Pot" của Thủ tướng Campuchia Samdech Techo Hun Sen (20/6/1977-20/6/2022). Ðây là một trong những hoạt động được hai nước đặc biệt quan tâm, bởi cách đây 45 năm Thủ tướng Hun Sen đã vượt biên sang Việt Nam tìm sự giúp đỡ để đánh đổ chế độ diệt chủng Pol Pot.

Với sự giúp đỡ chí tình, trong sáng của Ðảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam, Thủ tướng Hun Sen (lúc đó là Trung tá Hun Sen) cùng đồng đội đã từng bước thành lập Mặt trận Ðoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia (nay là Mặt trận đoàn kết phát triển Tổ quốc Campuchia), cùng với quân tình nguyện Việt Nam tiến công đánh đổ hoàn toàn chế độ diệt chủng Pol Pot vào ngày 7/1/1979, cứu hàng triệu người dân Campuchia thoát khỏi thảm họa diệt chủng.

Thăm lại điểm đầu tiên khi được nhân dân Việt Nam giúp đỡ, Thủ tướng Hun Sen xúc động nói: "Tôi chân thành biết ơn người dân ấp Hoa Lư, ấp Làng 9, xã Lộc Tấn, huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước đã giúp đỡ tôi cách nay 45 năm, khi tôi đặt chân lên mảnh đất này. Sự giúp đỡ đó với cá nhân tôi và nhân dân Campuchia không biết nói như thế nào, không thể diễn tả hết bằng lời được… Lúc đó, tôi xác định có thể đổi cả tính mạng của mình để đưa nhân dân Campuchia thoát khỏi nạn diệt chủng Pol Pot. Ngay từ đầu, dù tính mạng gặp nhiều rủi ro, nhưng may mắn tôi đã nhận được sự giúp đỡ của Ðảng, Chính phủ, nhân dân Việt Nam… Tôi còn nhớ rõ, ngày 20/6/1977, tôi được người dân Việt Nam cho ăn cơm sau hơn một năm tôi rất đói vì lặn lội trong rừng tìm đường cứu dân tộc mình… Một bữa cơm hôm đó bằng hàng trăm, hàng nghìn tấn gạo hiện nay…, đó là giá trị vô giá. 45 năm trôi qua, tình cảm hai nước chúng ta ngày thêm sâu sắc, cùng phát triển, ấm no, cơ sở hạ tầng giữa Campuchia-Việt Nam ngày càng mọc lên. Sắp tới, tôi mong muốn hai nước mở thêm một cửa khẩu quốc tế tại nơi này để thúc đẩy hơn nữa quá trình phát triển, giao thương giữa hai nước".

Phát huy truyền thống, hai nước không ngừng nỗ lực vun đắp tình cảm "Láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài", mong muốn củng cố và tăng cường hợp tác hơn nữa trên các lĩnh vực. Tại khu vực X16, huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước, Việt Nam và Campuchia xây dựng cụm công trình lưu niệm về "Hành trình cứu nước của Thủ tướng Campuchia Hun Sen".

Cụm công trình mang ý nghĩa chính trị vô cùng quan trọng, khẳng định tinh thần quốc tế trong sáng của Ðảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam trong việc giúp nhân dân Campuchia thoát khỏi nạn diệt chủng Pol Pot. Cụm công trình được khởi công vào ngày 8/5/2021 với bốn hạng mục gồm: Bia đá lưu niệm tại điểm dừng chân X16; điểm cất giấu vũ khí; điểm gặp dân quân và nhân dân Việt Nam; nhà trưng bày triển lãm hình ảnh, hiện vật liên quan đến hành trình cứu nước của Thủ tướng Hun Sen.

Ðồng chí Nguyễn Mạnh Cường, Ủy viên Trung ương Ðảng, Bí thư Tỉnh ủy Bình Phước cho biết: "Bình Phước là căn cứ địa của cách mạng miền nam Việt Nam và rất vinh dự, tự hào là nơi đầu tiên Thủ tướng Campuchia Hun Sen và các cộng sự đặt chân đến Việt Nam trên hành trình tìm đường lật đổ chế độ diệt chủng Pol Pot. Chúng tôi nhận thức rằng, cụm công trình lưu niệm này có giá trị lịch sử rất quan trọng, giúp các thế hệ nhân dân hai nước hiểu sâu sắc hơn về con đường cứu nước của Thủ tướng Hun Sen, về tinh thần quốc tế trong sáng của Ðảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam, về mối quan hệ truyền thống đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau chí tình, chí nghĩa của hai nước Việt Nam-Campuchia. Với trách nhiệm và tình cảm của mình, Ðảng bộ, chính quyền và nhân dân Bình Phước luôn làm tốt công tác bảo vệ, giữ gìn và phát huy giá trị to lớn ấy".

Hợp tác cùng phát triển

Tỉnh Long An có đường biên giới giáp ranh với Vương quốc Campuchia, cửa khẩu quốc tế Bình Hiệp (thị xã Kiến Tường), cửa khẩu quốc gia Mỹ Quý Tây (huyện Ðức Huệ), ba cửa khẩu phụ và bảy lối mở đi qua năm huyện và một thị xã tiếp giáp bốn huyện của tỉnh Svay Rieng và Prey Veng, Vương quốc Campuchia. Từ năm 2013, Long An đã ký kết thỏa thuận hợp tác với hai tỉnh Svay Rieng và Prey Veng, Vương quốc Campuchia.

Qua chín năm hợp tác, được các cấp, các ngành triển khai thực hiện với nhiều hình thức phong phú, đa dạng, từ đó đã tạo chuyển biến về nhận thức trong quan hệ hợp tác và ngày càng đi vào chiều sâu trên các lĩnh vực, góp phần phát triển kinh tế-xã hội của mỗi tỉnh. Mối quan hệ truyền thống gắn bó đoàn kết, hữu nghị ngày càng được duy trì và củng cố góp phần xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác cùng phát triển.

Ðể tiếp tục tăng cường quan hệ "Láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài", Long An sẽ đẩy mạnh xúc tiến thương mại, quảng bá các sản phẩm chủ lực vào thị trường tỉnh Svay Rieng và Prey Veng; thúc đẩy hợp tác đầu tư trên một số lĩnh vực như khai thác, sản xuất chế biến nông, lâm, thủy sản, kinh doanh vật liệu xây dựng, xuất khẩu gạo..., tăng cường hợp tác trong lĩnh vực mua bán điện, nỗ lực duy trì và bảo đảm cung cấp điện cho hai tỉnh Svay Rieng và Prey Veng một cách ổn định, an toàn; phối hợp với tỉnh Svay Rieng tổ chức lễ thông xe tại cửa khẩu quốc tế Bình Hiệp-Prey Vor; tạo điều kiện cho cư dân sinh sống ở khu vực biên giới sử dụng nguồn nước phục vụ nhu cầu cuộc sống và sản xuất nông nghiệp; hỗ trợ thuốc, vắc-xin phòng, chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm; đẩy mạnh các hoạt động giao lưu văn hóa, thể thao giữa thanh niên các tỉnh giáp biên góp phần nâng cao tinh thần hiểu biết, tăng cường tình đoàn kết, hữu nghị truyền thống; tăng cường chia sẻ kinh nghiệm trong việc phát triển du lịch tự nhiên, du lịch sinh thái.

Tỉnh Tây Ninh có đường biên giới dài gần 240km, giáp với các tỉnh Svay Rieng, Prey Veng và Tboung Khmum thuộc Vương quốc Campuchia.

Trong giai đoạn 2017-2022, trên tinh thần chủ động và tích cực hội nhập, hoạt động đối ngoại của tỉnh với các tỉnh giáp biên đã được triển khai đồng bộ, hiệu quả, có nhiều khởi sắc, phát triển toàn diện cả về bề rộng và chiều sâu.

Các hoạt động xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại, quảng bá du lịch được Tây Ninh triển khai khá bài bản, có trọng tâm, trọng điểm, đã thực hiện ký kết thỏa thuận hợp tác với bốn tỉnh thuộc Vương quốc Campuchia, qua đó kích thích hoạt động giao lưu, xuất, nhập khẩu, từng bước phát triển kinh tế biên mậu, phát huy lợi thế của tỉnh biên giới với nhiều loại hình cửa khẩu hoạt động.

Theo UBND tỉnh Tây Ninh, hằng năm, kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa qua các cửa khẩu trên địa bàn Tây Ninh đều tăng. Hiện, tỉnh Tây Ninh có ba dự án đầu tư vào lĩnh vực trồng và xây dựng nhà máy chế biến mủ cao-su tại Campuchia, với tổng vốn đầu tư là 3.690,69 tỷ đồng; góp phần tích cực, hiệu quả vào công cuộc phát triển kinh tế, an sinh xã hội, xây dựng và phát triển nông thôn của Campuchia.

Lực lượng vũ trang tỉnh Tây Ninh cùng lực lượng chức năng các tỉnh nước bạn đã thực hiện chặt chẽ công tác quản lý biên giới, qua đó, kịp thời đấu tranh ngăn chặn các loại tội phạm, những hành động vi phạm chủ quyền lãnh thổ; góp phần rất quan trọng bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội trên tuyến biên giới và tăng cường, củng cố xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác cùng phát triển giữa hai nước Việt Nam và Campuchia.

Ðại tá Lê Hồng Vương, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Tây Ninh cho biết: Nhờ mối quan hệ phối hợp mật thiết và tin cậy như vậy, ngành chức năng ở Tây Ninh trong thời gian qua đã tiến hành tiếp nhận, giải cứu 322 lao động Việt Nam bị lừa gạt, bán qua biên giới, bị dụ dỗ đi làm "việc nhẹ lương cao" trong các sòng bài phía bên kia biên giới. Ngược lại, chỉ trong sáu tháng đầu năm 2022, lực lượng biên phòng Campuchia đã trao cho biên phòng tỉnh Tây Ninh 58 công dân đang cư trú không hợp pháp trên đất bạn. Hai bên còn phối hợp tổ chức phục vụ, bảo đảm an toàn tuyệt đối cuộc Hội đàm giữa Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng Việt Nam với Bộ Tư lệnh Lục quân, Bộ Tư lệnh Hiến binh/Quân đội Hoàng gia Campuchia tổ chức tại cửa khẩu quốc tế Mộc Bài...

Trải qua bao thử thách, tình đoàn kết hữu nghị Việt Nam-Campuchia ngày càng được củng cố bền chặt. Từ bữa cơm nghĩa tình của người dân Lộc Ninh dành cho Thủ tướng Hun Sen trong lúc gian khó, cho đến hôm nay, ở đâu cũng thấy hành động đẹp của những con người như đang sống chung một mái nhà, uống chung nước một dòng sông, đi chung một con đường và thắp chung một dòng điện sáng. Tình cảm đó mãi mãi gắn với 16 chữ vàng "Láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài".