Với tốc độ gia tăng giá trị sản xuất lâm nghiệp đạt từ 5-5,5% mỗi năm và giá trị xuất khẩu đồ gỗ và lâm sản đạt bình quân hơn 15 tỷ USD/năm. Kinh tế rừng ngày càng đóng góp quan trọng cho phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Việc quản lý, phát triển rừng bền vững là một trong những vấn đề quan trọng trong công tác quy hoạch lâm nghiệp giai đoạn hiện nay và tương lai…
Những năm qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách, chương trình, đề án trồng rừng, phục hồi rừng phòng hộ và trồng cây phân tán. Những nỗ lực này, cùng sự đóng góp tích cực của cộng đồng xã hội đã góp phần nâng tỷ lệ che phủ rừng từ 40,84% năm 2015 lên 42,02% vào năm 2024. Năm 2024, cả nước đã trồng mới được hơn 230 nghìn ha rừng tập trung, tăng 5,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: trồng mới rừng sản xuất đạt 226,7 nghìn ha, tăng 5,3%. Sản lượng gỗ khai thác ước đạt khoảng 21 nghìn m3, tăng 7,9% so với cùng kỳ năm 2023. Cả nước hiện đang duy trì, phát triển gần 15 triệu ha rừng, trong đó có hơn 4,6 triệu ha rừng trồng, đã góp phần tạo ra nguồn nguyên liệu ổn định cho ngành công nghiệp chế biến, xuất khẩu đồ gỗ và lâm sản; thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện sinh kế cho những người làm nghề rừng, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. Để thúc đẩy ngành công nghiệp chế biến gỗ phát triển, cả nước đã trồng gần 446 nghìn ha rừng gỗ lớn và chuyển hóa hơn 63 nghìn ha rừng trồng sản xuất sang kinh doanh gỗ lớn; tổng diện tích rừng đã được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững là 450 nghìn ha.
Tỉnh Lai Châu có diện tích rừng lớn, địa hình phức tạp, chủ yếu là núi cao, khe sâu, độ dốc lớn, bị chia cắt mạnh, giao thông chưa thuận lợi. Cơ sở vật chất kỹ thuật, phương tiện và điều kiện làm việc của công chức kiểm lâm cơ sở còn gặp nhiều khó khăn, chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao... Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Nguyễn Văn Biển cho biết, khắc phục mọi khó khăn, năm 2024 lực lượng kiểm lâm của tỉnh thường xuyên kiểm tra các chủ rừng trong việc quản lý, bảo vệ rừng theo đúng quy định. Kiểm lâm địa bàn tăng cường phối hợp với các chủ rừng, tổ chuyên trách bảo vệ rừng thôn, bản tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện phòng chống cháy rừng an toàn trong mùa khô và phát đốt nương có kiểm soát; ở các huyện Tam Đường, Tân Uyên, Than Uyên, tiếp tục duy trì 26 chốt canh gác tạm thời và 17 chốt gác kiên cố tại cửa rừng.
Tại tỉnh Tuyên Quang, Chi cục Kiểm lâm tăng cường chỉ đạo quản lý chặt chẽ việc chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác để thực hiện các công trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội theo đúng quy định của pháp luật; thực hiện kiểm soát ngay từ bước quy hoạch, thẩm định, không để xảy ra tình trạng lợi dụng việc chuyển mục đích sử dụng rừng để phá rừng, lấn, chiếm rừng, khai thác rừng trái pháp luật. Ngành lâm nghiệp đã đề nghị tỉnh quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác cho 8 dự án với gần 52 ha, đồng thời đề nghị tỉnh chấp thuận cho 9 chủ dự án nộp tiền trồng rừng thay vào Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh, với tổng diện tích 271 ha; đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác đối với 8 dự án, với tổng diện tích 257 ha rừng sản xuất.
Ngành lâm nghiệp phối hợp với Công ty cổ phần Tư vấn năng lượng và môi trường(VNEEC) triển khai thực hiện thí điểm dự án tín chỉ các-bon đối với rừng trồng và đánh giá trữ lượng hấp thụ lưu giữ và thương mại hóa tín chỉ các-bon đối với diện tích kéo dài chu kỳ kinh doanh rừng trồng của 4 công ty TNHH lâm nghiệp thuộc tỉnh.
Để phát triển rừng bền vững, ngành kiểm lâm tỉnh Hòa Bình đẩy mạnh công tác quản lý giống cây trồng lâm nghiệp; chỉ đạo các đơn vị tiếp tục tuyên truyền các văn bản về quản lý giống đến các cơ sở sản xuất giống trên địa bàn; tăng cường kiểm tra, giám sát các đơn vị, cá nhân sản xuất, kinh doanh giống thực hiện tốt công tác quản lý giống cây trồng lâm nghiệp. Theo Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Nguyễn Hữu Tài, tính đến nay, trên địa bàn toàn tỉnh đã sản xuất được hơn 22 triệu cây giống phục vụ trồng rừng (đạt 138% kế hoạch), toàn tỉnh đã trồng được 734 ha rừng trồng tập trung và 251 nghìn cây phân tán.
Ngành lâm nghiệp tỉnh đã xây dựng và thực hiện các phương án phát triển kinh tế rừng hiệu quả, trong đó đẩy mạnh công tác bảo vệ rừng tự nhiên, phát triển hiệu quả rừng sản xuất gắn với trồng cây dược liệu, chăn nuôi dưới tán rừng; phối hợp với các lực lượng và chính quyền các cấp bảo vệ hiệu quả đất lâm nghiệp, tạo việc làm ổn định cho người dân.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cao Bằng Nguyễn Thái Hà chia sẻ, Cao Bằng là tỉnh có tỷ lệ che phủ rừng hơn 50%, thuộc diện cao so với bình quân cả nước. Tỉnh có diện tích lâm nghiệp lớn và diện tích đất trống còn nhiều. Để thực hiện quy hoạch, Nhà nước cần có chính sách để phủ xanh đất trống, đồi núi trọc, góp phần phát triển kinh tế-xã hội, môi trường sinh thái, phòng chống thiên tai và bảo đảm an ninh quốc phòng. Việc thực hiện quy hoạch phải có ranh giới, cắm mốc thực địa về ba loại rừng. Người dân miền núi sống dựa chủ yếu vào nghề rừng. Kinh tế lâm nghiệp phát triển bền vững đang thúc đẩy kinh tế nông hộ phát triển, nhất là bà con các dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa. Do đó, địa phương mong được Trung ương hỗ trợ, nhất là về tài chính, kỹ thuật để sớm hoàn thành công tác quy hoạch lâm nghiệp tại địa phương theo hướng bền vững.
Theo Phó Cục trưởng Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) Triệu Văn Lực, đến nay, tổng số chủ rừng là tổ chức đã xây dựng, phê duyệt phương án quản lý rừng bền vững trong cả nước đạt 70% về số lượng chủ rừng và 80% về diện tích. Diện tích rừng được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững là
465.000 ha, đạt 93% mục tiêu của giai đoạn 2021-2025. Việc thực hiện tăng trưởng xanh theo yêu cầu của Chính phủ đã được ngành quán triệt trong hoạt động quản lý, bảo vệ rừng. Để quản lý và phát triển rừng bền vững, Nhà nước đã khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia phát triển rừng, thông qua nhiều chính sách quan trọng, qua đó huy động tổng lực, đa dạng các nguồn vốn để thực hiện, trong đó nguồn vốn từ ngân sách nhà nước chiếm khoảng 17%, còn lại 83% là nguồn vốn xã hội hóa từ huy động đầu tư, đóng góp, hỗ trợ của các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân. Việc hình thành và tổ chức hoạt động hiệu quả hệ thống Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng từ Trung ương đến địa phương cũng là một điển hình thành công của ngành lâm nghiệp trong việc huy động hiệu quả, bền vững nguồn lực xã hội cho quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, với tổng nguồn thu hơn 23.000 tỷ đồng trong giai đoạn 2011-2022 và đang tiếp tục được mở rộng trong thời gian tới, trước mắt là dịch vụ các-bon rừng, kinh doanh tín chỉ các-bon rừng. Công tác xã hội hóa nghề rừng ngày càng được người dân và doanh nghiệp, tổ chức quan tâm, hưởng ứng.
(Còn nữa)