Các công ty khai thác công trình thủy lợi loay hoay với bài toán kinh phí

Bài 1: Đời sống người lao động không bảo đảm

Các công ty khai thác công trình thủy lợi giữ vai trò quan trọng trong phục vụ sản xuất nông nghiệp, phòng chống và giảm nhẹ thiên tai, bảo đảm an ninh nguồn nước... Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất trong khai thác công trình thủy lợi hiện nay là những quy định liên quan còn bất cập, chưa phù hợp với thực tiễn, khiến những đơn vị thủy lợi này loay hoay với bài toán kinh phí.
0:00 / 0:00
0:00
Công nhân trạm bơm Hữu Bị, xã Mỹ Phúc, huyện Mỹ Lộc (Nam Định) vận hành máy.
Công nhân trạm bơm Hữu Bị, xã Mỹ Phúc, huyện Mỹ Lộc (Nam Định) vận hành máy.

Hiện nay, ở nhiều công ty khai thác công trình thủy lợi, nhiều lao động có thâm niên công tác hàng chục năm nhưng đồng lương vẫn èo uột; một số đơn vị còn chậm lương công nhân. Nhiều công nhân nghỉ việc chuyển sang làm nghề khác nhằm bảo đảm đời sống.

Cả nước hiện có 6.750 đập, hồ chứa thủy lợi với dung tích trữ từ 50.000 m3 hoặc chiều cao đập từ 5m trở lên; 19.416 trạm bơm, 27.754 cống, 16.057 đập tạm và 291.000 km kênh mương các loại. Công trình thủy lợi hằng năm tưới cho khoảng 7,26 triệu héc-ta gieo trồng, cấp nước cho nuôi trồng thủy sản 686.600 ha và khoảng 6,5 tỷ mét khối nước cho sinh hoạt, công nghiệp.

Làm thêm, nghỉ việc vì lương thấp

Theo Cục Thủy lợi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) hiện nay, tình hình tài chính của các đơn vị khai thác thủy lợi rất khó khăn. Nguồn thu chủ yếu từ ngân sách Trung ương cấp hỗ trợ tiền sử dụng sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi, với mức hỗ trợ được quy định từ năm 2013 đến nay không thay đổi. Vì vậy, người lao động của một số đơn vị có mức lương dưới bốn triệu đồng/tháng như ở Yên Bái, Hòa Bình, Bắc Giang, Nam Định... Cá biệt người lao động ở Công ty Sông Đáy, sông Nhuệ (Hà Nội), Công ty Nam Nghệ An, Phủ Quỳ (Nghệ An) còn có mức lương dưới ba triệu đồng/tháng. Nhiều đơn vị ở các địa phương như: Bắc Cạn, Yên Bái, Cao Bằng, Lai Châu, Thái Bình, Ninh Bình, Phú Yên… không có quỹ khen thưởng, phúc lợi.

Ông Lưu Ngọc Cường (sinh năm 1965), Trạm trưởng Trạm 16A Xí nghiệp Thủy lợi Vinh (Công ty TNHH Một thành viên thủy lợi Nam Nghệ An) thổ lộ: “Tôi vào ngành đến nay hơn 39 năm, chỉ thời gian ngắn nữa là nghỉ hưu nhưng lương vỏn vẹn hơn sáu triệu đồng/tháng. Bản thân tôi còn thuận lợi khi các con đã trưởng thành. Tuy nhiên cuộc sống các anh em ở trạm thì vất vả đủ đường khi đa số có con đang trong độ tuổi đến trường”. Anh Nguyễn Trần Ngọc, nhân viên của trạm tâm sự: “Tôi gắn bó với nghề 28 năm nhưng đến nay, lương tháng chưa tới 5 triệu đồng. Gia đình hoàn cảnh, vợ mất sớm, một mình nuôi hai con học đại học. Thời gian rảnh rỗi, ai thuê gì làm đó, miễn có thêm thu nhập”. Giờ đây, anh Ngọc đang đứng ngồi không yên khi con gái thứ hai theo học đại học nhưng chưa biết kiếm tiền ở đâu để trang trải.

Tại Phú Yên, Công ty TNHH Một thành viên Thủy nông Đồng Cam là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, được Ủy ban nhân dân tỉnh giao nhiệm vụ quản lý và khai thác các công trình thủy lợi, thủy nông, cung ứng nước phục vụ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn. Hằng năm công ty ký hợp đồng cung cấp nước tưới, tiêu phục vụ hơn 37.000 ha đất nông nghiệp.

Hiện nay, người lao động tại công ty đang gặp khó khăn do lương thấp. Anh Nguyễn Tấn Thạnh, Trạm Thủy nông Kênh Nam thuộc công ty chia sẻ: “Mặc dù mức lương tối thiểu vùng và lương cơ sở đã tăng, nhưng do đặc thù hoạt động của doanh nghiệp, tiền lương của người lao động lại không tăng, trong khi giá điện, nước, xăng dầu, nhu yếu phẩm tăng hằng năm, nên thu nhập chưa đáp ứng được cuộc sống”. Anh Hồ Sang là công nhân Trạm Quản lý thủy nông Đông, đã lao động 11 năm trong ngành cho biết, thu nhập chỉ hơn 5 triệu đồng/tháng. Anh Sang kể: “Vợ chồng tôi có hai con, một cháu học lớp 6, một cháu lớp 3. Cả bốn miệng ăn đều trông chờ vào đồng lương ít ỏi. Tháng nào mà hiếu hỷ nhiều, hai vợ chồng phải đi vay mượn khắp nơi, đắp chỗ này bù chỗ kia. Vợ cũng khuyên tôi nghỉ, tìm công việc khác có thu nhập cao hơn. Trước mắt, tôi tranh thủ lúc nhàn rỗi đi phụ hồ, hàn xì...”.

Qua tìm hiểu, tại các công ty thủy lợi ở Nghệ An, tổng cộng các khoản thu nhập của một cán bộ trong ngành có thâm niên công tác từ 10 năm trở lên chỉ từ 4 triệu đến 5 triệu đồng/người/tháng. Nhiều lao động trẻ, có trình độ xin nghỉ tìm công việc khác nên các công ty vẫn còn biên chế mà không tuyển được lao động.

Giám đốc Công ty TNHH Thủy lợi Phủ Quỳ (Nghệ An) Hoàng Trần Lâm bộc bạch: “Giá sản phẩm dịch vụ thủy lợi từ năm 2013 đến nay không tăng. Do lương eo hẹp, không bảo đảm cuộc sống, nên nhiều người đã “rũ áo” ra đi tìm công việc khác. Từ đầu năm đến nay, đã có năm người viết đơn xin nghỉ việc”. Ông Phan Hữu Đồng, Trạm trưởng Quản lý thủy nông Đông (Công ty TNHH Thủy lợi Phủ Quỳ) cho biết: “Hiện nay, trạm chỉ có 11 người nhưng quản lý năm xã với diện tích hơn 1.000 ha lúa màu cùng bốn hồ đập lớn nhỏ và hơn 40 km kênh mương. Khối lượng và áp lực công việc lớn, trong khi lương lại quá thấp khiến nhiều anh em nản, một người vừa xin nghỉ việc”.

Tại Hà Nam, Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Hà Nam Lê Văn Hòa chia sẻ: “Hiện nay, lương của người lao động trong lĩnh vực thủy lợi trên địa bàn thấp hơn so với các ngành khác. Bình quân hơn 5,3 triệu đồng/người/tháng. Hai năm nay, đã có tám người xin nghỉ việc”. Tương tự, Công ty TNHH Một thành viên Khai thác thủy lợi Thái Nguyên được Ủy ban nhân dân tỉnh đặt hàng cung ứng sản phẩm, dịch vụ thủy lợi phục vụ tưới, tiêu cho sản xuất nông nghiệp. Năm 2023, công ty cung ứng, tưới, tiêu hơn

47.000 ha đất nông nghiệp. Giám đốc công ty Nguyễn Hồng Thái cho biết: “Năm 2022, doanh thu của công ty hơn 63,2 tỷ đồng nhưng tổng chi phí hơn 64,5 tỷ đồng. Để bảo đảm cuộc sống cho người lao động, công ty đã cắt giảm các khoản chi phí không cần thiết nhằm trả đủ lương, ăn ca, đóng bảo hiểm… cho người lao động”.

Theo khảo sát của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Tài chính trong giai đoạn 2012-2023 các chi phí đầu vào đều tăng lên như: Lương tăng 1,714 lần, điện 1,402 lần, nhóm vật tư, nguyên liệu xây dựng chỉ số CPI từ năm 2012 so với năm 2023 tăng 1,433 lần.

Khối lượng công việc tăng

Theo Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Hà Nam Lê Văn Hòa: “Hiện nay, công ty có 559 người, thời gian qua số lao động tuyển vào rất ít. Nếu tuyển đúng, đủ, công ty phải cần 628 người nhưng với số lao động như vậy sẽ không đủ tiền lương để trả. Do từ năm 2013 đến nay, cấp hỗ trợ tiền sử dụng sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi không đổi trong khi tiền lương tăng lên 1,5 lần, tiền điện 1,5 lần.

Công ty đang cố gắng xoay xở để duy trì và bảo đảm hoạt động trong điều kiện, khả năng tốt nhất có thể. Vì lý do đó, công ty không dám nhận thêm người, trong khi phần việc tăng lên”. Giám đốc Xí nghiệp thủy nông Kim Bảng thuộc Công ty TNHH Một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Hà Nam Nguyễn Văn Tĩnh cho biết: “Hiện nay, mức lương của cán bộ công nhân viên ở xí nghiệp thấp, bình quân hơn 5 triệu đồng/tháng. Khi có mưa lớn, bão, hạn hán, cán bộ, công nhân luôn ứng trực 24/24 giờ/ngày, kể cả thứ bảy và chủ nhật. Xí nghiệp hiện có 100 người, vận hành 23 trạm bơm. Nếu theo đúng quy định mỗi ca trực ở trạm bơm điện phải có hai người nhưng ở xí nghiệp chỉ có một người nên khó vận hành và mất an toàn lao động”.

Ông Đinh Văn Long, Trạm trưởng trạm bơm Quế 2 trải lòng: “Tôi làm việc ở trạm bơm được 20 năm, lương hơn 6 triệu đồng/tháng. Thời gian làm việc tám tiếng nhưng khi có mưa, bão phải ứng trực 24/24 giờ. Để vận hành máy và bảo đảm an toàn lao động, trạm bơm Quế 2 cần 12 người chia làm ba ca trực. Tuy nhiên, hiện nay số người trực ở trạm chỉ có sáu, mới được một nửa theo quy định. Đi kiểm tra kênh mương mỗi ngày 15 đến 20 km nhưng hỗ trợ tiền xăng chỉ được 70 nghìn đồng/tháng, chỉ đủ xăng hơn một tuần”.

Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải Trịnh Thế Trường cho biết: Công ty đang quản lý 235 km kênh trục chính, 491 km bờ các kênh; bảo đảm tưới cho 110.000 ha đất canh tác lúa màu và cây công nghiệp; tạo nguồn cấp nước phục vụ chăn nuôi gia súc, gia cầm; nuôi trồng thủy sản, 12.000 ha; tiêu nước, chống ngập úng cho diện tích phía trong đê 192.045 ha, bảo vệ dân sinh, sản xuất nông nghiệp và các cơ sở kinh tế khác. Hiện nay công ty chỉ có 153 lao động, ít hơn 25 người so với định mức nên rất khó khăn để thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.

Theo Phó Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên thủy lợi Nam Nghệ An Tạ Huy Hiền: “Do lương thấp không đáp ứng cuộc sống và áp lực công việc, nên những năm gần đây trung bình mỗi năm, công ty có từ 5 đến 7 lao động xin nghỉ việc. Hiện công ty chỉ còn 465 người nhưng phải quản lý, vận hành 46 trạm bơm điện tưới tiêu, 13 hồ chứa, hơn 270 km kênh dẫn và kênh tưới… Đây là phần công việc của 505 người (theo biên chế của công ty) công việc càng áp lực hơn khi hạn hán, mưa lũ…”.

(Còn nữa)